Đi ăn Tết té nước với người Lào
Tháng 4 hàng năm, lễ Bunpimay lại tưng bừng trên khắp đất nước Triệu Voi. Vào ngày này, bạn hãy sẵn sàng với một bộ đồ nhanh khô và đón nhận những trận nước mát mẻ cầu may năm mới.
Bất kể ai đến Lào vào những ngày này đều được tiếp đón bằng những trận nước té ướt từ đầu đến chân.
Lễ hội té nước là một trong những lễ hội văn hoá truyền thống của các nước Đông Nam Á. Người Lào gọi Tết té nước là Bunpimay (hay Pi Mai, Pee Mai, Koud Song Kane, Bunhot Nậm), người Thái Lan gọi là Songkran (theo tiếng Phạn có nghĩa là “Lúc thời gian chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ”), người Campuchia thì gọi là Chol Chnam Thmey (hay Tết núi cát) và người Myanma gọi là Thingyan.
Tuy hội diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau nhưng tất cả đều mang tính tín ngưỡng. Vào đầu năm mới, thay cho lời chúc may mắn đầu năm, các dân tộc có tục té nước vào nhau để chúc phúc, vẩy nước khắp mọi nơi trong ngày hội để cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội ở Lào thường được gọi là Bun. Bun có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước. Lễ hội Bunpimay ở Lào thường diễn ra từ 13 đến 15/4 hàng năm theo Phật lịch. Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Ngày Têt, mọi người thường té nước vào nhau để cầu may cho cả năm.
Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người ta lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Người ta lên chùa để cầu mong sức khoẻ và hạnh phúc cho cả năm. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước.
Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.
Người ta làm tháp bằng cát, trang trí bằng cờ, hoa, dây vải và vẩy nước thơm. Trong những ngày này, người dân còn phóng sinh các loài động vật như rùa, cá, cua, chim… để lấy phước. Trong ngày Tết, người Lào rất thích ăn món lạp với xôi nóng. Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Trong suốt ba ngày tết ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm.
Người ta dùng hoa muồng (bò cạp vàng) cột vào xe và treo trên nhà để cầu may mắn, kết hoa Chăm pa thành từng chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành trong năm.
Nếu bạn ở Lào trong những ngày tết, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng nhé. Người dân Lào rất thân thiện, họ không làm gì bạn cả. Nếu bạn đang lái xe hoặc đi bộ trên phố, họ sẽ chỉ hắt nước vào người bạn. Đừng cáu giận nhé, họ làm vậy chỉ là để mong ước cho bạn được mạnh khoẻ suốt cuộc đời và họ nghĩ rằng chính bản thân họ cũng được mạnh khoẻ như bạn. Và hãy hòa mình vào ngày lễ hội vui vẻ nhất trong năm này bằng những xô nước lớn, cùng chúc cho một năm mới nhiều may mắn với những người bạn Lào thân thiện.
Bài: LMP
Ảnh: Hữu Nghị
Theo afamily