Đạo đức Phục sinh



Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Phục sinh của Người là một biến cố quan trọng của lịch sử cứu độ. Biến cố ấy là nguồn sự sống mới.

Các tông đồ Chúa hồi đó đã nhận được từ nguồn sống mới ấy nhiều điều Chúa dạy. Chúa dạy các ngài, và cũng dạy chúng ta. Ở đây, xin được chia sẻ đôi chút, mà các môn đệ Chúa xưa và nay đã tiếp thu. Xin tạm gọi đôi chút tiếp thu đó là đạo đức Phục Sinh.

1/ Hãy thuộc trọn về Chúa Giêsu, cho dù mình rất yếu hèn

Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ Người, Người giải cứu họ. Giải cứu nói đây là một giải cứu thiêng liêng.

Chúa Phục Sinh giải cứu các môn đệ Người khỏi tội lỗi. Tội mới nhất là tội bất trung: Không cầu nguyện và tỉnh thức, bỏ trốn và chối Chúa.

Chúa Phục Sinh giải cứu các môn đệ Người khỏi tâm trạng sợ hãi: Sợ hãi về số phận mình trước mặt Chúa, trước dư luận, trước luật pháp đạo đời, trước tương lai mù mịt.

Chúa Phục Sinh giải cứu các môn đệ Người khỏi những đắng cay ray rứt: Vì nhận thấy mình mang bao nhiêu yếu đuối, giới hạn, tự mãn, dại dột, ảo tưởng.

Những giải cứu ấy được thực hiện một cách lạ lùng. Không một lời kết án, không một lời trách móc, không một cử chỉ trừng phạt. Chúa Phục Sinh hiện ra như một tình yêu thương xót đã được chứng minh bằng khổ đau thánh giá. Tình yêu ấy là lửa. Đốt ngay, đốt hết mọi tội lỗi và những hậu quả của tội lỗi.

Trong giây lát, các môn đệ Chúa nhận ra Chúa là Đấng cứu độ của mình.

Đấng cứu độ ấy, khi sống lại rồi, vẫn khiêm nhường. Người đến với một hiện diện đơn sơ. Không có nghi thức gì là sang trọng, hoành tráng. Không có tuỳ tùng nào là biểu dương quyền lực. Không có y phục nào gọi là giới thiệu chức tước. Người đến như một sự thinh lặng yêu thương đã chiến thắng tội lỗi bằng thánh giá. Chỉ cần lắng nghe với tâm hồn khiêm tốn.

Đấng cứu độ ấy, khi sống lại rồi, vẫn khó nghèo. Người đến tay không. Người bỏ lại tất cả. Chỉ mang lửa tình yêu đầy hy sinh. Lửa tình yêu ấy xoá bỏ khoảng cách giữa Người và các môn đệ. Người đến giữa họ. Người ở bên họ. Người chia sẻ với họ.

Trong sự khiêm tốn, khó nghèo đầy yêu thương, Chúa Phục Sinh chỉ mong cho các môn đệ được bình an. Lần nào hiện ra với các môn đệ, Chúa cũng chào họ bằng lời thân thương: "Bình an cho các con".

Sự bình an, mà Chúa Phục Sinh chào chúc, hệ tại ở sự xa tránh hận thù, nhưng biết yêu thương phục vụ. Phục vụ đó chính là yếu tố làm cho Chúa Cứu Thế trở thành cao cả.

Sự bình an, mà Chúa Phục Sinh chào chúc, đòi một điều hết sức quan trọng nơi các môn đệ Người, đó là hãy thuộc trọn về Chúa, một Chúa hiền lành, khiêm tốn và yêu thương, tận hiến.

Hãy thuộc trọn về Chúa, cho dù vẫn mang theo nhiều yếu đuối, nhiều bất toàn. Các môn đệ Chúa, khi gặp Chúa Phục Sinh, đã không hề ảo tưởng rằng: Mình từ nay đã nên thánh. Trái lại, các ngài càng khiêm nhường nhận biết mình mong manh yếu đuối. Nhưng, dù thế, các ngài từ nay quyết tâm thuộc trọn về Chúa. Trong thinh lặng của nội tâm. Trong khiêm tốn của đời dâng hiến. Trong bình an của đời phục vụ.

Sự thuộc trọn về Chúa không vì thế mà thiếu tế nhị với con người.

2/ Hãy tế nhị thích nghi với con người

Sẽ rất sai, nếu tưởng rằng: Mình thuộc trọn về Chúa, nên được phép "ta đây" với con người.

Không được thế. Càng thuộc về Chúa, càng phải tế nhị với con người.

Khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, Người không áp đặt, bắt buộc họ phải tin theo ngay tức khắc. Trái lại, Chúa thuyết phục họ từ từ, tuỳ theo trình độ và hoàn cảnh thực tế.

Thánh Tôma là con người nghi ngờ, thì Chúa thuyết phục bằng cách cho ông xỏ ngón tay vào các dấu đinh của Người.

Hai môn đệ trên đường Emmau là những con người thiếu hiểu biết về Kinh Thánh, thì Người hiện ra như một người đồng hành cùng đi một xe, cùng hướng về một bến, cùng ăn chung một bàn, rồi từ từ mở trí cho họ.

Những người Do Thái là những người dòng dõi Abraham, thì các môn đệ sẽ làm chứng theo các tiên tri.

Những người ngoài Israel là những người theo đạo khác, thì các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa bằng chính những giá trị, mà các đạo ấy vốn có sẵn.

Sách Tông đồ Công vụ ghi rõ sự thích nghi đó.

Có nhiều dân tộc khác nhau với những truyền thống và nền văn hoá khác nhau. Mỗi nơi có những trình độ khác nhau. Người môn đệ Chúa Phục Sinh bắt chước Chúa Phục Sinh, mà tế nhị với những khác biệt đó. Sẽ không áp đặt chân lý. Chỉ cố gắng làm cho những khác biệt đó sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Như thế, vấn đề đặt ra là chính các môn đệ Chúa phải mang trong mình sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Để người ta gặp được Chúa trong các môn đệ. Chứ không phải chỉ là nghe được những lý thuyết về Chúa Phục Sinh.

Điều phải tránh hơn hết là không làm gì, để người ta có lý tưởng rằng Hội Thánh của Chúa Phục Sinh là một Hội Thánh quyền lực, chứ không phải là một Hội Thánh phục vụ. Những cuộc thánh chiến thời nào đó, dù kết quả ra sao, vẫn để lại những vết thương đau buồn cho sứ mạng làm chứng Chúa Phục Sinh là Đấng chăn chiên lành.


Xin cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều gương sáng về đạo đức phục sinh. Họ như những ngọn lửa, toả sáng tình Chúa tình người. Giữa gió mưa vùi dập, những ngọn lửa ấy vẫn tồn tại. Bởi vì họ được Chúa Phục Sinh chở che nâng đỡ.

Xin hết lòng cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta cũng được trở thành ngọn lửa phục sinh như thế. Âm thầm thôi, nhỏ bé thôi, nhưng mãi mãi là lửa yêu thương nhận được từ Chúa Phục Sinh.



GM Bùi Tuần