VÂNG LỜI THIÊN CHÚA HAY NGƯỜI PHÀM ?


Cv 5, 27b-32.40b.41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-19

Từ ngàn xưa, từ thời nguyên tổ Ađam – Evà, con người đã được mời gọi hay nói đúng hơn là được Thiên Chúa trao quyền tự do để lựa chọn : Thiên Chúa hay người phàm. Nguyên tổ đã nghe lời của người phàm nấp dưới hình bóng của con rắn dữ. Số phận nghiệt ngã của con người ra sao ắt hẳn con người quá hiểu, quá rõ. Kinh nghiệm của nguyên tổ là một kinh nghiệm hết sức quý báu cho con người.

Các môn đệ, những người theo Chúa Giêsu một cách hết sức kề cận luôn luôn bị giằng co giữa một mên là Chúa Giêsu và một bên là con người xác thịt. Phận người hết sức mong manh và mong manh hơn nữa khi niềm tin của mình tan biến.

Cả cuộc đời theo Thầy nhưng rồi Thầy lại bị giết, bị đóng đinh trên thập giá. Lòng tin sẽ trở nên trống rỗng và thậm chí còn chuyển sang lòng hận thù vì được nghe những lời hứa hão huyền từ miệng Thầy Giêsu. Thế nhưng, lời hứa ấy không hão huyền như nhiều người đồn đại. Chúa Giêsu đã chết nhưng rồi Chúa Giêsu đã phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ hẳn hoi.

Trang tin mừng hôm nay, Thánh Gioan kể lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a. Chúa Giêsu tỏ mình ra trong lúc các môn đệ chán chường trở về với cái nghề quen thuộc là chài lưới. Những môn đệ này trước khi theo Chúa Giêsu thì đã sống chết, đã gắn kết với cái nghề này rồi.

Chuyện hết sức bi đát đến với các môn đệ đó là dù mất cả đêm chẳng đánh được gì cả. Cá to cũng chẳng có mà có nhỏ cũng chẳng được một con.

Đánh cá vào ban đêm là một cách thông dụng. Đó là nét thực tế, mang tính lịch sử. Nhưng ở đây, ta cũng có thể nhận ra một ý hướng của người thuật chuyện : trong cảnh mù tối ... trong đêm khuya …. họ đã mất giờ vô ích. Một mẻ lưới không bắt được con cá nào. Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận đó chính là Chúa Giêsu.

Bảy người đang sống trên "biển nổi sóng", giữa cảnh mù tối. Đối với người Xê-mít, biển là nơi các thế lực ngầm, các lực lượng âm phủ, thù nghịch, thường gieo khiếp hãi. Còn Chúa Giêsu đang đứng trên đất liền, trước ánh sáng của một ngày mới lên . . . nét tương phản cố ý để minh chứng rằng, kể từ nay Chúa Giêsu ở một bến bờ khác ? Người vừa mới trải qua một cuộc vượt biển và đang hiện diện ở phía bên kia, đang chờ đợi ta ở đó ! Nhưng họ không nhận ra Người ! Trên bến bờ đời đời.

Chúa Giêsu nói với các ông : “Này các chú, không ăn gì ư ?". Các ông trả lời : "Thưa không". Người bảo các ông : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

Chúa Giêsu thừa biết rằng cả đêm qua họ quá thất vọng và nao núng. Người chia sẻ tình trạng khổ cực của họ. Người chủ động giúp đỡ họ ... ngay lúc họ đang bối rối lo lắng.

Vấn đề hết sức quan trọng trong câu chuyện hôm nay mà Gioan thuật lại đó là ở chỗ các ông đã nghe và đã làm theo lời của Chúa Giêsu. Vừa nghe Chúa nói xong thì các ông đã thả lưới ngay bên phải mạn thuyền như Chúa đề nghị. Nếu như các ông bỏ ngoài tai lời của Chúa Giêsu thì làm sao các ông được mẻ cá lạ như thế.

Sau khi nhận được mẻ cá lạ, người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Chúa và đã kịp thông báo cho mọi người : Chúa đó ! Và có lẽ Sau khi nhận ra đó chính là Chúa Giêsu thì Phêrô đã vội vàng mặc áo vào và nhảy xuống biển ngay lập tức vì mắc cỡ !

Sau khi có cá thì thầy trò cùng ăn như đã từng ăn như thuở nào khi Thầy còn sống. Trong lúc ăn thì chẳng ai dám hỏi han gì về Chúa Giêsu cả. Sau khi ăn uống xong Chúa Giêsu đã không quên dặn Phêrô : Thật Thầy bảo thật cho anh biết : "Lúc còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn". Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy".

Một lần nữa, Chúa Giêsu “gợi ý” cho Phêrô biết rằng cuộc đời của Phêrô đã bị Chúa chộp rồi ! Cuộc đời của Phêrô nay đã thuộc về Chúa và phải bước theo Chúa cũng như vâng nghe lời của Người.

Về tuổi trẻ như biểu tượng của tự do và hoạt động ("Anh đi đâu tùy ý")... và tuổi già như biểu tượng của sự gò bó và thụ động ("một người khác sẽ thắt lưng cho anh"), nghĩa là sự từ bỏ triệt để của tuổi già đầy yếu đuối khiến ta không thể tự mình ăn mặc được nữa)... Thái độ thụ động, đành phải chấp nhận này, cũng là cách thế thuận theo của Chúa Giêsu trên thập giá và vâng lời một cách trọn hảo. Thái độ tuân theo, thái độ vâng lời Chúa vẫn là thái độ mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta.

Lần được mời gọi này của Chúa Giêsu chắc có lẽ Phêrô sẽ thấm nhiều bởi lẽ Phêrô làm sao quên được những lần Phêrô cãi Thầy.

Đã hơn một lần cản Thầy lên Giêrusalem chịu khổ hình và bị Thầy mắng ! Đã hơn một lần đi tìm Thầy được Thầy nhắc nhở rằng “ai tuân giữ lời tôi chính là anh em, chị em tôi” ... Với những lời như thế, Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô, muốn nói với mỗi người chúng ta là phải vâng nghe lời Thiên Chúa hơn là vâng theo lời của người đời.

Các môn đệ, trước khi “cận cảnh” thấy Chúa Giêsu Phục Sinh thì thân xác rã rời, tinh thần thì tê liệt nhưng sau khi thấy Chúa và có Chúa trong cuộc đời thì cuộc đời của các ông thay đổi. Các ông giờ đây đã có thêm kinh nghiệm về việc nghe theo Chúa như thế nào. Một thay đổi hết sức thực tế qua câu chuyện trong sách công vụ các tông đồ mà chúng ta vừa nghe về sức mạnh của Chúa Phục Sinh ở bên các ông và trong các ông.

Các môn đệ đã mạnh dạn lên đường đi rao giảng Lời Chúa dù đạ bị nghiêm cấm. Thế nhưng, khi đứng giữa Thượng Hội Đồng, Phêrô và các môn khác đáp lại rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”.

Sau khi nghe các môn đệ nói xong thì Thượng Hội Đồng cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn. Đánh đòn xong thì tha các môn đệ ra và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su. Các môn đệ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.

Thánh vịnh 29 trong Thánh Lễ hôm nay là lời tạ ơn, lời tạ ơn Chúa của những người đã được Thiên Chúa thương cứu vớt khỏi bàn tay thù địch :

Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt,

không để quân thù đắc chí nhạo cười con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,

con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.

Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,

tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.

Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người.

Lạy Chúa, vì yêu thương, Ngài đã đặt con trên núi an toàn.

Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi, con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.

Lạy Chúa, con đã kêu lên Ngài, năn nỉ với Ngài là Chúa của con.

Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.

Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.

Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.

Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.

Lời tán dương đó chắc có lẽ cũng là lời tán dương của các môn đệ sau khi thoát khỏi bàn tay độc ác của Thượng Hội Đồng.

Thiên Chúa luôn luôn ở cạnh bên để cứu giúp, để nâng đỡ những ai vâng nghe lời Người như các môn đệ ngày xưa vậy.

Thử thách ngày xưa các môn đệ phải chịu thì ngày nay những ai mang danh mình là kitô hữu, những người theo Chúa vẫn phải chịu.

Chúa và người phàm rõ ràng có một khoảng cách xa vời vợi nhưng hình như ở ngay trong lòng con người. Con người lúc nào cũng được mời gọi là theo Chúa hay theo người phàm. Những ai theo Chúa thì sẽ được Thiên Chúa ban thưởng phúc lành như Ngài đã hứa còn những ai “bán mình cho quỷ” thì phải lãnh nhận tất cả những gì mình đã làm.
Vâng theo lời Thiên Chúa hay lời con người ? Lời của các môn đệ ngày xưa vẫn là lời bỏ ngõ cho mỗi người chúng ta. Chúng ta luôn được mời gọi và luôn được tự do lựa chọn : Hoặc là Lời Chúa hoặc là lời của con người.

Anmai, CSsR