Tình yêu nên một



Kính thưa quý ông bà, anh chị em cùng các bạn trẻ thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta biết rằng: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống kitô giáo. Đó là nguồn mạch cho các mầu nhiệm Nhập Thể, Cứu Chuộc, Sống Lại, Lên Trời, Hiện Xuống. Đây cũng là một mầu nhiệm cao cả vượt trên lý trí của con người. Là một mầu nhiệm vì Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay chỉ một Thiên Chúa mà có Ba Ngôi, Ba Ngôi khác nhau hẳn, nhưng không lìa nhau được vì cả Ba Ngôi có cùng chung một bản tính. Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần bởi Ngôi Cha và Ngôi Con mà có. Nhưng cả Ba Ngôi đã có từ đời đời, không Ngôi nào trước sau, không hơn, không kém.

Cho nên, phải nhờ Chúa Giê-su chúng ta mới biết được các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nếu Ngài không dạy dỗ thì loài người không thể nào biết được mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.
Thực vậy, trong Tân Ước nhiều lần cho thấy Đức Giê-su đã mạc khải về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như sau: khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Đức Giêsu từ dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” ( Mt 3, 16 – 17). Sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su tâm sự: “ Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” ( Ga 14, 16). Và khi trao sứ mệnh truyền giáo cho các môn đệ Người nói: “ Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” ( Mt 28, 19). Sau khi được Chúa Thánh Thần hiện xuống, tông đồ Phê-rô đã rao giảng về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như sau: “ Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Đức Giê-su lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” ( Cv 2, 33). Còn Phao-lô thì cầu chúc cho các tín hữu Cô-rin-tô như sau: “ Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần. A-men” ( 2Cr 13, 13).

Hội Thánh luôn ca tụng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi trong Kinh Tin Kính, trong kinh nguyện hàng ngày các linh mục thường đọc “ Vinh danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”. Trong các thánh lễ Misa, hầu hết các kinh nguyện trong thánh lễ đều kêu cầu cùng Chúa Ba Ngôi, lúc linh mục làm phép trên Bánh Rượu hoặc trên Mình Máu Thánh để kính thờ Chúa Ba Ngôi. Hầu hết khi cử hành các bí tích đều làm nhân danh Chúa Ba Ngôi.
Ngoài ra, để giúp hiểu thêm phần nào về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi các nhà thần học đã cố gắng minh họa bằng những hình ảnh đời thường như sau: thánh I-nha-xi-ô dùng hình ảnh một hợp âm gồm ba nốt nhạc viết chồng lên nhau, hay người ta dùng hình ảnh Nước có thể có ba dạng là thể hơi, thể đá và thể lỏng. Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình nhưng có ba góc ba cạnh bằng nhau. Tuy nhiên, hình ảnh diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi đẹp nhất vẫn là hình ảnh một gia đình chồng yêu thương vợ, vợ yêu thương chồng và con cái là hoa quả của tình yêu, là động lực và tiếng gọi thúc giục hai vợ chồng yêu nhau hơn. Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai…ta thương nhau quá nên hai hóa thành một.

Qua một số hình ảnh và suy luận trên giúp chúng ta hiểu được phần nào đời sống thâm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con, Chúa Con yêu Chúa Cha và mối tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi yêu mến nhau vô cùng nên cả Ba chỉ là một Thiên Chúa.
Như vậy, khi Chúa Giê-su mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho chúng ta tức là Chúa vén màn cho chúng ta thấy mầu nhiệm tình yêu của Ngài và mời gọi chúng ta tham dự vào tình yêu đó. Mỗi khi cử hành mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, mà còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là sống yêu thương và hiệp nhất với nhau.

Là những người kitô hữu, chúng ta phải làm gì để biểu lộ đức tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?
Chúng ta phải biết tin tưởng phó thác cả cuộc đời của chúng ta trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa Cha, siêng năng nghe Lời Chúa Giê-su và quyết sống theo gương yêu thương của Ngài, năng xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhìn thấy Chúa trong mọi người nhất là những người bất hạnh, để sẳn sàng khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.

Khi chúng ta đón nhận được tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa thì chúng ta cũng phải biết yêu thương và tha thứ cho những người anh em của mình, cho dù đó là kẻ thù của chúng ta.
Biết siêng năng làm dấu thánh giá. Bởi vì khi làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi bằng việc vẽ hình thánh giá lên mình và đọc Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tuyên xưng Chúa Cha đã sai Chúa Con nhập thể làm người và chịu đóng đinh trên thập giá để chuộc tội thay cho loài người. Khi đọc Kinh Sáng Danh chúng ta phải có lòng ca tụng Chúa Ba Ngôi vì ơn tạo dựng, ơn cứu chuộc và ơn thánh hóa.

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. A- men


Thiên Nhan, CSsR