CHIÊN CỦA TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI;
TÔI BIẾT CHÚNG VÀ CHÚNG THEO TÔI


Lời này là một phần trong một cuộc tranh luận quan trọng đã xảy ra tại hành lang Đền thờ Giêrusalem giữa Đức Giêsu và các đối thủ của Người.

Trước đó, Đức Giêsu đã nói rằng để trở thành môn đệ của Người và giữ lời Người thì phải được Chúa Cha kêu gọi và ban ơn lôi kéo đến với Người (Ga 6,44-45). Đương nhiên, Người muốn ban ơn này cho mọi người. Nhưng có một điều kiện: điều quan trọng là phải biết mở lòng ra, sẵn sàng đón nhận sự thật bằng cách lắng nghe tiếng của Người. Điều này được mô tả trong dụ ngôn Vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,1-16) mà Lời Chúa của chúng ta nói đến.

Chiên được nói đến ở đây không phải chỉ là những người tin vào Đức Giêsu nhưng đúng hơn những ai đã đạt đến sự phát triển đầy đủ về đức tin và sự bỏ ngỏ đối với Đức Giêsu. Đức Giêsu lôi cuốn những người này vào trong một sự hiệp thông và thân tình với Người dựa trên sự tự giác ý thức và sự cho đi lẫn nhau.

Những người này “nghe tiếng Đức Giêsu” – dường như họ đã có một bản năng nhận ra sự hiện diện của Người, một khả năng nhạy bén về Người. Không những thế, họ lại càng đồng thanh đồng điệu hơn với các tình cảm và giáo huấn của Người. Họ có khả năng phân định thiêng liêng giúp họ phân biệt rõ giữa một lối suy nghĩ hoặc lối sống hòa điệu với lời dạy của Đức Giêsu (và vì vậy họ chấp nhận) và một lối suy nghĩ hoặc lối sống đối nghịch với lời dạy của Người (dẫn đến chỗ họ khước từ).

Đức Giêsu “biết những người này” như Người “biết chiên của Người”. Điều này có nghĩa là Người biết họ thuộc về Người, và Người yêu họ bằng một tình yêu rất đặc biệt. Người ban cho họ bình an và niềm vui mà chỉ có Người mới có thể ban và không ai có thể lấy đi khỏi tâm hồn họ.

Bởi thế những người này “theo Đức Giêsu”, như chiên “theo chủ chiên của mình”. Nói cách khác, họ đem ra thực hành giáo huấn của Người dường như đang làm một điều hết sức tự nhiên bởi vì việc thực hành đó đã trở thành bản tính thứ hai của họ. Như vậy những việc khó cũng trở nên dễ.
Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.

Đức Giêsu không có ý nói lời này cho một nhóm người giới hạn và dành riêng, mà cho mọi người muốn làm môn đệ của Người. Ta không được tự đắc để rồi ở lại trong bất kỳ giai đoạn nào của đời sống Kitô hữu. Ta được kêu gọi đến với tình bạn chân thật và sự thân mật cá nhân với Đức Giêsu. Đây là hoa trái của ân sủng Người hoạt động. Đức Giêsu muốn tình bạn giữa ta với Người tăng trưởng đến mức không bao giờ ta xa tách Người, cho dủ bất kỳ sự gì xảy ra. Người muốn ta kiên vững và không giao động khi đương đầu với bất kỳ tình huống khiếp sợ nào, những học thuyết thường xuyên thay đổi, hoặc một loạt những cám dỗ. Người muốn ta vững vàng và không lay chuyển bởi vì ta đã học qua kinh nghiệm rằng Đức Giêsu là Sự Thật, Người là niềm vui, và Người là Sự Sống. Rồi ta sẽ là các Kitô hữu đích thực, có khả năng làm chứng cho Người trước thế gian, và xứng đáng với sự tin tưởng lớn nhất của Người.

Nhưng làm thế nào ta có thể đạt đến điểm này? Trong ta, ta có khả năng phát triển một thái độ bỏ ngỏ đối với Đức Giêsu mà ta đã nói ở trên. Trên hết mọi sự, ta có thể sống Lời Người, không quên cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa. Ta có thể đạt đến điểm này bằng cách đồng thanh đồng điệu với tiếng của Đức Giêsu hàng ngày hàng giây không ngừng nói trong sâu thẳm tâm hồn ta.

Rõ ràng lời Đức Giêsu luôn bảo ta hãy yêu mọi người ta gặp. Đây là điều ta sẽ cố làm trong những ngày tới.


Chiara Lubich
Đan Quang Tâm dịch