ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGÔ QUANG KIỆT,

CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ CỦA NIỀM TIN KITÔ


Cát Minh viết vội nên miễn thứ cho những thiếu sót...

Ngay từ khi xảy ra vụ tranh chấp đất đai tại số 42 Phố Nhà Chung, Hà Nội, tôi đã ước muốn viết một bài về Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, một người tôi rất kính mến, nhưng vì thời gian không cho phép. Mãi đến hôm nay, khi sự kiện liên quan đến Ngài đang là thời sự nóng bỏng, và là đề tài tranh luận sôi nổi trong và ngoài Giáo hội. Tôi viết bài này để bày tỏ lòng kính mến của tôi đối với Ngài là vị chủ chăn thật sự sống chứng nhân Tin Mừng và sẵn sàng hy sinh vì đàn chiên; đồng thời muốn chia sẻ những cảm nghiệm của tôi qua biến cố lịch sử này.

I- Tiểu Sử Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt



- 4.9.1952: sinh tại Mỹ Sơn, tỉnh Lạng Sơn
- 21.8.1964: theo học tại Tiểu Chủng viện Têrêsa, thuộc giáo phận Long Xuyên.
- 15.6.1972: theo học tại Đại Chủng Viện Tôma, giáo phận Long Xuyên. Phục vụ tại Nhà Thờ Chính Tòa Long Xuyên.
- 31.5.1991: Thụ Phong Linh Mục do Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần. Phó xứ Nhà Thờ Chính Tòa Long Xuyên.
- 3.12.1993: Theo học tại Institut Catholique de Paris, Pháp và đã tốt nghiệp tiến sĩ triết học và thần học.. Chánh văn phòng Tòa Giám Mục GP Long Xuyên.
- 18.6.1999: Được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Lạng Sơn và Cao Bằng.
- 29.6.1999: Được tấn phong Giám Mục do Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần.
- 26.4.2003: Được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội.
- 07.05.2003: Nhậm chức Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội, thay cho Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về nghỉ hưu.
- 19.02.2005: Được ĐTC Gioan Phaolô II chính thức bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục cai quản Tổng giáo phận Hà Nội.
- Năm 2006 đến nay: Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, kiêm Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

II- KHẨU HIỆU (MOTTO): CHẠNH LÒNG THƯƠNG



Khi được phong làm Giám Mục, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt đã chọn cho mình khẩu hiệu rất đặc biệt là “Chạnh Lòng Thương”. Khi chọn khẩu hiệu này, có lẽ Ngài muốn trở nên giống Thầy Giêsu của mình, như trong Tin Mừng thánh Luca 9:36 tường thuật rằng:

“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử nhân lành đã không khỏi chạnh lòng thương đàn lũ dân chúng đi theo Ngài, vì họ là những người lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Tôi cảm nhận Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã không chỉ chọn, mà còn sống đúng với khẩu hiệu của mình. Ngài đã “chạnh lòng thương” đối với đàn chiên, và với người nghèo khổ mỗi khi có thiên tai, hay biến cố gì xảy ra, Ngài đã luôn có mặt đồng hành với họ. Hình ảnh Ngài rời Toà Giám Mục đi trên những con đường đất, lụt lội, sình lầy; đi trên ghe thuyền đến viếng thăm những nạn nhân đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn đã nói lên trái tim của người mục tử nhân lành có lòng xót thương. Những người lầm than vất vưởng, bần cùng trong xã hội được Ngài tìm đến an ủi, nâng đỡ về tinh thần và vật chất. Với những người dân lành thấp cổ bé miệng không dám lên tiếng, hay cho dù có lên tiếng cũng chẳng được giới hữu trách lắng nghe, thì chính Ngài đã lên tiếng thay cho họ.

Chứng bệnh mất ngủ của Ngài trong thời gian gần đây có lẽ là bệnh “chạnh lòng thương”. Chạnh lòng thương đàn chiên, chạnh lòng thương Giáo Hội của Ngài. Là cha mẹ ai cũng trải qua kinh nghiệm như lời bài hát Lòng Mẹ “thương con thao thức bao đêm trường, con đã yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao”. Đến khi nào con cái nên thành người, thành tài và đời sống được hạnh phúc thì lúc ấy cha mẹ mới tạm yên giấc. Là cha tinh thần, là vị chủ chăn, Đức Tổng cũng không tránh khỏi kinh nghiệm “thương chiên thao thức bao đêm trường, chiên được no ấm cha hiền vui sướng biết bao”. Ngài thao thức cho đời sống tinh thần cũng như đời sống nhân bản của con chiên. Từ thao thức nhiều đêm đã trở thành thức đêm và mất ngủ.



III- SỰ THẬT LÀ CÁI GÌ?

Tin mừng thánh Gioan 18:37-38 viết như sau:
Đức Giê-su đáp: "Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." Ông Phi-la-tô nói với Người: "Sự thật là gì?"

Theo Chúa Giêsu thì sự thật là “có thì phải nói có, không thì phải nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Sự thật rất đáng quý như vàng ròng. Một khi vàng đã pha kim loại khác, không còn nguyên vẹn tình tuyền, thì vàng ấy đã mất đi giá trị đích thực của nó. Sống sự thật không phải là dễ, đôi lúc người ta thêm thắt vào một chút cho lời nói của mình cho có lý, cho có lợi thế, dành vào mục đích chiếm đoạt hay dành thắng lợi cho mình. Thêm thắt vào đã không đúng, nhưng bóp méo sự thật còn tệ hại hơn. Người đời có câu: “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Trong biến cố Tòa Khâm Sứ, Đức Tổng Giám Mục đã nói lên sự thật hiển nhiên qua chính kinh nghiệm của chính mình và của nhiều người khác đi nước ngoài. Và vì sự thật ấy đã làm mất lòng người nghe.



Ngày 20 tháng 9 năm 2008, trong một bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt khi họp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngài đã nói lên một sự thật như sau:

"...Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ ! Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng..."

Chính câu nói sự thật và xây dựng này đã khiến “người ta” mất lòng. Khi "người ta" mất lòng thì người ta tìm cách trả đũa. Các cơ quan truyền thông của nhà nước đã không thêm thắt, nhưng ngang nhiên và cố ý cắt xém câu nói của Đức Tổng Giám Mục để dùng vào mục đích tuyên truyền của họ. Như Chúa Giêsu đã bị người Do thái kết án, Đức Tổng Giám Mục cũng đã bị kết án về thiếu lòng ái quốc qua lời phát biểu bị cắt xén ấy.

IV- ĐỪNG BIẾN NHÀ CHA TA THÀNH NƠI BUÔN BÁN

Sau khi xảy ra biến cố giáo dân cầu nguyện tại khuôn viên Toà Khâm Sứ, đích thân Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến gặp đức TGM Ngô Quang Kiệt và tham quan khuôn viên của Tòa Khâm Sứ. Bức hình lịch sử chụp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt chỉ ngón tay cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng xem tận mắt về sự thật đang xảy ra tại khu đất 42 Nhà Chung. Sự thật là nơi ấy đang trở thành nơi kinh doanh buôn bán, với các khẩu hiệu quảng cáo treo trên hàng rào sắt. Sàn nhảy, quán ăn, tiệm buôn bán đã mọc lên, không còn là khu đất của Tòa Khâm Sứ nữa. Có những dấu hiệu cho thấy việc buôn bán, chia chác biến nơi này thành trung tâm thương mại cho tư lợi cá nhân. Cám ơn phó nhòm nào đó đã chụp tấm hình lịch sử: Ngón tay chỉ sự thật của xã hội đen.



Tưởng rằng sau khi ngài Thủ Tướng viếng thăm thấy những gì đang xảy ra tại khuôn viên Tòa Khâm Sứ, sự việc sẽ được giải quyết tốt đẹp. Ai có ngờ đâu sau chuyến viếng thăm cho biết sự tình, nơi ấy lại xảy ra cuộc mặt đối mặt giữa sự thiện và sự ác:

- Bên thiện che dù, bên ác đội nón cối
- Bên thiện cầm tràng hạt Mân Côi, bên ác cầm dùi cui, roi điện, súng ống
- Bên thiện tay dắt trẻ thơ, bên ác tay dắt chó nghiệp vụ….



Xa xa dưới gốc cây đa trong khuôn viên Toà Khâm Sứ đã bị chiếm hữu, còn lại một di tích tâm linh là tượng Đức Mẹ Sầu Bi với vài chậu hoa và ngọn nến, mà ai đó đã can đảm vượt hàng rào sắt mang tới. Mẹ không sầu sao được với cảnh bi thương trước mắt Mẹ, nơi đất của Tòa Khâm Sứ đang biến thành nơi buôn bán. Mẹ không buồn sao được khi con cái Mẹ đến cầu nguyện bị bắt bớ, đánh đập. Năm xưa Mẹ đã chứng kiến Con của Mẹ bị người Do thái bắt bớ, đánh đập, và hôm nay Mẹ lại phải chứng kiến lại cảnh con cái Mẹ cũng bị bắt bớ, đánh đập. Năm xưa Mẹ đã ngậm ngùi ôm Con Mẹ vào lòng thì hôm nay Mẹ cũng ôm từng người con cái của Mẹ vào lòng để an ủi và để biết rằng Mẹ luôn ở với các con Mẹ.



V- NHỮNG CÂU NÓI ĐỂ ĐỜI



Những nhân vật lịch sử hay những người đáng kính thường để lại cho đời những câu nói mang nhiều ý nghĩa. Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã để lại cho đời, cho đàn chiên hai câu nói bất hủ.

"Tự do tôn giáo là quyền, không phải là cái ân huệ 'xin-cho'."

Từ khi con người có mặt trên trái đất thì tôn giáo cũng đã xuất hiện. Tôn giáo nào cũng dạy con người sống tốt, sống yêu thương. Niềm tin tôn giáo là quyền thiêng liêng của con người. Tôn giáo thuộc về tâm linh nên con người không thể cho được. Niềm tin tôn giáo xuất phát từ đáy lòng và trái tim của con người. Con người sống không có niềm tin thì sự hạnh phúc chỉ là tạm thời và hạnh phúc mang tính cách hưởng thụ xác thịt. Tôn giáo mang lại ích lợi cho đời sống con người, cho văn hóa, và cho đất nước. Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã can đảm cất tiếng nói chân thành của toàn dân nói chung, và của các tôn giáo nói riêng, đó là quyền tự do tôn giáo.

"Nếu cầu nguyện mà phải đi tù, thì ai bị bắt tôi xin đi tù thay."

Cầu nguyện là hơi thở của mọi niềm tin tôn giáo. Không có cầu nguyện thì niềm tin sẽ chết. Không cho một người cầu nguyện chính là đã giam tù họ rồi. Một người khi gặp gian nan thử thách thì sự cầu nguyện chính là sức mạnh giúp họ vượt thắng được trở ngại trong cuộc đời. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà Ngài cũng cần đến cầu nguyện, và cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu trong vườn cây dầu, huống chi là người phàm. Đức Tổng đã không phải đi tù thay cho ai đã vì cầu nguyện mà phải đi tù, nhưng Đức Tổng đã ra đi vì đã đến giờ ngài thấy cần phải ra đi... Ngài ra đi, cầu mong rằng có lợi cho anh em....

VI- CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG LÀM SAO NÓI HẾT

Nhạc sĩ Lê Tín Hương sáng tác một bản nhạc rất hay mang tựa đề "Có Những Niềm Riêng". Bài hát này đã được nhiều người ưa thích, bởi vì lời bài hát cưu mang tâm trạng mà mỗi người, ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời đều có những nỗi niềm riêng không làm sao nói hết và diễn tả được.

Có những niềm riêng làm sao nói hết
Như mây như mưa như cát biển khơi
Có những niềm riêng làm sao ai biết
Như trăng trên cao cách xa vời vợi.

Có những niềm riêng lệ vương khóe mắt
Như cây sau mưa long lanh giọt sầu
Có những niềm riêng làm tim thổn thức
Nên đôi môi xinh héo hon nụ cười....

(Có Những Niềm Riêng, nhạc Lê Tín Hương)

Thiết nghĩ vào thời điểm Đức Tổng Giám Mục trăn trở mất ngủ, thời điểm phải ra đi lưu lạc, chắc hẳn Ngài đã có những niềm riêng.



Có những niềm riêng làm sao nói hết…

Vâng, có những niềm riêng làm sao nói hết được, vì nói ra sẽ bị hiểu lầm; nói ra bị đụng chạm, nói ra chưa đúng thời điểm không mang lại ích lợi, nên đành giữ kín trong lòng. Những nhà thơ khi có nỗi niềm riêng thì dùng những câu thơ để nói ra phần nào đó tâm tư của mình. Những nhạc sĩ thì viết thành những bản nhạc để giải toả phần nào đó những thầm kín của lòng mình. Còn TGM Ngô Quang Kiệt đã tìm vào nơi nhà nguyện thanh vắng tâm sự và cầu nguyện với Chúa. Không cần nói ra, Chúa đã biết hết tâm tư của Đức Tổng, vì chính Chúa nhìn thấy những gì sâu thẳm nơi con người.

Chúa Giêsu trong vườn cây dầu cũng có những niềm riêng không thể thổ lộ hết với các tông đồ, là những người yêu quý gần nhất của Ngài. Thánh Kinh đã ghi lại câu nói thổn thức của Chúa Giêsu với các môn đệ trong đêm bị nộp rằng: "Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được". Buồn điều gì, Ngài không sao nói hết được với các môn đệ. Ngài đã cầu nguyện thổ lộ với Chúa Cha, và chỉ có Chúa Cha mới hiểu thấu hết được tâm tư của Ngài.

Niềm riêng làm sao nói hết của Đức Tổng là gì? Thưa là: “Đã đến lúc tôi phải chia tay anh chị em. Thật khó khăn khi phải nói lời từ biệt. Nhất là khi anh chị em chưa sẵn sàng đón nhận việc ra đi của tôi. Không thể không nói gì nhưng cũng không thể nói tất cả cho một lần cuối. Tôi rất mong anh chị em hiểu, dù biết rằng, khó có lý lẽ nào thuyết phục được nỗi buồn” (trích Lời từ biệt của Đức Tổng Giám Mục). Khó có lý lẽ nào thuyết phục được nỗi buồn; khó có lý lẽ nào thuyết phục được con tim chân chính của vị chủ chăn dành cho con chiên. Khó có lý lẽ nào thuyết phục được trái tim kính mến của người giáo dân Việt Nam dành cho ngài.



Có những niềm riêng làm sao ai biết...

Có những niềm riêng không ai biết cả nên một người phải giữ lấy cho riêng mình. Chẳng hạn như có những cha mẹ nhịn đói nhường miếng ăn cho con, nhưng lại không thể cho chúng biết vì thương chúng nên chẳng đành thấy chúng đói bụng. Có những người chồng đi làm vất vả nhưng luôn dấu kín, vì không muốn vợ con khỏi phải lo âu. Có những người làm việc rửa chén, lau nhà cực khổ ở Mỹ, nhưng không dám cho thân nhân ở VN biết vì muốn tiền giúp đỡ của mình vẫn được vui vẻ đón nhận.

Niềm riêng làm sao ai biết của Đức Tổng là gì? Thưa là: “Một lần giã biệt, nói mấy cho vừa. Lời sau cùng của tôi là xin anh chị em hãy giữ gìn tình yêu thương hợp nhất. Đó là kho tàng quí giá nhất của Giáo phận chúng ta” (trích Lời từ biệt của Đức Tổng Giám Mục)... Nói mấy cho vừa: cho vừa lòng cha, cho vừa lòng con, cho vừa lòng người...

Không ai biết, không ai hiểu hết nỗi lòng của Đức Tổng Giám Mục, nhưng Chúa biết và hiểu hết; đó là niềm tin, niềm vui và an ủi lớn lao nhất của Đức Tổng.



Có những niềm riêng làm tim thổn thức...

Khi Đức Tổng Giám Mục ra đi, phải rời bỏ những người mình yêu dấu, nơi mình quý mến, thiết nghĩ Ngài đã có niềm riêng thổn thức trong tim. Sự ra đi của Đức Tổng chắc chắn làm cho nhiều con tim thổn thức, làm cho bao nhiêu đôi mắt phải rơi lệ.

Niềm riêng làm tim thổn thức của Đức Tổng là gì? Thưa là: “Tuy xa cách nhưng lời cầu nguyện sẽ liên kết chúng ta. Dù ra đi, nhưng tôi vẫn tiếp tục phục vụ Giáo phận bằng lời cầu nguyện. Với lời cầu nguyện hòa trong tình thương giữa chúng ta, Chúa sẽ ban cho Giáo phận nhiều ơn lành hơn chúng ta dám ước mong. Vì thế, xin anh chị em đừng níu kéo, nhưng hãy để tôi ra đi theo ý nguyện” (trích Lời từ biệt của Đức Tổng Giám Mục).. Xin đừng níu kéo nếu không sẽ làm tim người đi và người ở lại sẽ thổn thức thêm. Ôi, lời nói đầy thổn thức con tim. Ngài đã tận hiến một đời người theo Chúa và phục vụ tha nhân, để rồi một ngày phải ra đi cô đơn trong lẻ loi quả là bước chân làm bao con tim thổn thức, làm bao đôi môi xinh nên héo hon nụ cười...

VII- GIỌT NƯỚC MẮT CHO VIỆT NAM



Trung tâm sản xuất phim ca nhạc Thuý Nga Paris đã làm cuốn phim số 13 mang tựa đề "Giọt nước mắt cho Việt Nam" để tưởng niệm biến cố đau thương 30/4/75.

Luca 23:27-28 "Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu".

Một khi cái gì đã mất thì khó có lại được, nhất là điều đó là điều quý giá và hiếm có. Đức Tổng Giám Mục đã rời chức vụ của mình vì lý do sức khoẻ, sự thương nhớ dành cho Ngài chắc chắn đã có nơi nhiều người, đặc biệt là tại Tổng Giáo Phận Hà Nội. Hiện tại người ta thương khóc sự ra đi của Đức Tổng Giám Mục, nhưng sẽ có lúc người ta khóc thương cho phận mình và cho con cháu. Ai sẽ can đảm lên tiếng khi tự do tôn giáo bị xâm phạm? Ai sẽ chung vai, sát cánh bênh vực các con chiên bị bắt bớ, tù đày? Vâng, sẽ có những vị chủ chăn khác sẽ thay thế Đức Tổng lo cho đàn chiên và làm việc này, nhưng tinh thần và trái tim của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt có thể nói là hiếm có. Hình ảnh của Ngài mãi mãi không phai mờ trong tâm trí và trái tim giáo dân Việt Nam.



VIII- MỌI SỰ ĐÃ HOÀN TẤT

Isaia 53:7-8 “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt”.

Đức Tổng đã phải đi khỏi thủ đô Hà Nội vì “chạnh lòng thương” chiên, “chạnh lòng” đối với công lý và sự thật. Mọi sự đã hoàn tất. Ngài đã làm trọn trách nhiệm, làm hết khả năng, và hết lòng. Những gì ngài có thể làm thì đã làm. Xin phó dâng mọi sự trong tay Thiên Chúa, vì Thiên Chúa có quyền năng và Thiên Chúa có thể biến sự dữ ra sự lành. Xin hãy làm theo ý Chúa. Chương trình của Thiên Chúa khác với chương trình của con người.

IX- BÊN CHA ĐANG CÓ CHÚNG CON

Nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác bản nhạc “Bên Em Đang Có Ta” từ lời của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã thức tỉnh lương tâm nhân loại trước cảnh thuyền nhân tị nạn còn bị giam giữ nơi các trại tạm cư, trong đó có đoạn như sau:

...Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
Hát dùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
Bên em đang có ta, thống thiết kêu vang lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
Khóc trong lầm than
Khóc trong trại giam
Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi...




Đức Tổng đã ra đi. Dù ở phương trời nào, thì lòng chúng con luôn hướng về Đức Tổng. Bên Đức Tổng vẫn luôn có Chúa và có chúng con.

Cám ơn Chúa đã cho chúng con một Đức Tổng thật đáng kính và anh hùng.
Cám ơn Chúa đã cho Giáo Hội Việt Nam một Đức Tổng, một chứng nhân sống động của Tin Mừng.
Cám ơn Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt với lòng thành kính sâu sa.

Xin cầu nguyện cho Đức Tổng và cầu nguyện cho một tương lai Việt Nam tươi sáng hơn.


Cát Minh

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ còn 8 ngày trên chức vụ Tổng giám mục Hà Nội?

Tổng Giám mục Hà Nội phải ra đi