Results 1 to 3 of 3

Thread: L - Lễ Kính Mình Và Máu Thánh Chúa (năm C) & LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA, Năm C

  1. #1
    Moderator Dan Lee's Avatar
    Join Date
    Jan 2007
    Location
    Tigard, Oregon
    Posts
    11,776

    Default L - Lễ Kính Mình Và Máu Thánh Chúa (năm C) & LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA, Năm C

    LỄ KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA (NĂM C)



    Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa được mừng vào Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng thường chuyển vào Chúa Nhật tiếp theo.

    Thánh lễ hôm nay hướng tâm trí chúng ta về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa để làm của nuôi linh hồn chúng ta, để làm của lễ hiến tế trên bàn thờ, và để ở lại với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” trong phép Thánh Thể. Bài đọc I (Sáng Thế 14:18-20) nhắc đến ông Menkisêđê dâng của lễ tạ ơn và chúc phúc cho ông Abraham. Menkisêđê là hình ảnh Chúa Giêsu Kitô Linh Mục đời đời: “Con là Linh Mục đời đời theo phẩm hàm Menkisêđê.” (Thơ Do Thái 7:17)). Bài đọc II (1Côrintô 11:23-26) nhắc đến việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa trong Bữa Tiệc Ly và mỗi khi chúng ta rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa là chúng ta loan truyền việc Chúa Giêsu đã chịu chết để chuộc tội chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 9:11-17) ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Phép lạ này là hình ảnh về việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể để nuôi linh hồn đói khát của ăn thiêng liêng của chúng ta.

    Việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa và Bí Tích Truyền Chức Thánh trong bữa Tiệc Ly đã được ghi lại trong Phúc Âm Mátthêu (26:26-29), Mátcô (14:22-24), Luca (22:19-20) và 1Côrintô (11:23-25). Chúa Giêsu và các Tông Đồ ăn bữa ăn chia tay vào ngày thứ nhất trong tuần lễ mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái, và cũng là Tuần Lễ Ăn Bánh Không Men theo luật Môisê; vì thế Chúa Giêsu và các Tông đồ cũng dùng bánh không men trong bữa ăn ly biệt. Theo thủ tục bữa ăn của người Do Thái, người gia trưởng cầm lấy bánh, tạ ơn Chúa và trao cho người cùng bàn ăn. Chúa Giêsu cũng cầm lấy Bánh, đọc lời tạ ơn và trao cho các môn đệ; nhưng Chúa không nói “nầy là Bánh các con hãy cầm lấy mà ăn; nhưng Chúa nói “Nầy Là MÌNH Thầy…” Khi trao ban chén rượu nho, Chúa Giêsu cũng nói “Nầy Là Chén Máu Thầy…” Chính Chúa Giêsu Vị Thượng Tế đời đời đã dùng quyền năng Thiên Chúa để “biến bánh và rượu” trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã ban quyền này cho các Tông Đồ và các Linh Mục thừa tác trong Giáo Hội mỗi khi các vị dâng Thánh Lễ . Thánh Lễ trên Bàn Thờ mà các vị có chức Linh Mục dâng là được tham dự vào Lễ Tế đầy đủ trọn vẹn mà Chúa Giêsu đã dâng trên Bàn Thờ Thập Giá (Thơ DoThái 9:11-12), khi Ngài đổ máu ra và chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại. Vì thế Thánh Lễ là một Hiến Lễ theo Giao Ước Mới, một Hiến Lễ thật cao quý mà các tín hữu rất sùng kính. Nhiều tín hữu chẳng những đi dâng Thánh Lễ vào cuối tuần, mà còn đi dâng Thánh Lễ hàng ngày khi có thể được.

    Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa cũng để làm của nuôi linh hồn chúng ta. Mỗi khi chúng ta Rước Lễ là chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa hơn, được thêm lòng yêu mến Chúa và tha nhân, được ơn thanh tẩy thánh hóa linh hồn chúng ta và được tăng thêm sức mạnh thiêng liêng để thắng đọat các cám dỗ. Chúng ta hãy ý thức và cung kính mỗi khi lên Rước Lễ (Côrintô 11:27). Khi đau ốm không thể đi dâng Thánh Lễ , chúng ta có thể xin các thừa tác viên Thánh Thể đem Mình Thánh Chúa đến cho chúng ta; nhất là khi quá yếu liệt sắp sinh thì, gọi là “Rước Lễ Như Của Ăn Đàng” để chuẩn bị tiến về Nhà Cha chúng ta.

    Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể cũng để hiện diện giữa chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” để chúng ta có thể đến thờ lạy Chúa Thánh Thể nơi các Thánh Đường khi chúng ta đến “viếng Mình Thánh Chúa” hoặc “Chầu Giờ Thánh.” Tại Hoa Kỳ, có nhiều Nhà Thờ có giờ chầu Thánh Thể suốt đêm ngày để các tín hữu thay đổi nhau đến thờ lạy và cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa. Vào ngày Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, ở nhiều nơi cũng có thói quen Rước Kiệu trọng thể để tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể .

    Trong Thánh lễ hôm nay chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu nguyện cho chúng ta được đức tin mạnh mẽ nơi Chúa Giêsu ngự thật trong Phép Thánh Thể, được thêm lòng sùng kính và cầu nguyện với Chúa Thánh Thể trong các Nhà Thờ có để Mình Thánh Chúa. Chúng ta cũng cầu xin ơn thánh hóa đặc biệt cho các Linh Mục trong những ngày này là những ngày kết thúc Năm Thánh cầu cho Các Linh Mục. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể thánh hóa chúng ta và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn.


    LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA, Năm C

    YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ


    Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được mừng vào Thứ Sáu sau Chúa Nhật kính Mình và Máu Thánh Chúa. Thánh Lễ hôm nay là dịp để chúng ta suy niệm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại và mỗi người chúng ta. Bài đọc I (Egiêkiel 34:11-16): Thiên Chúa luôn chăm sóc chúng ta như đàn chiên yêu thương của Ngài, dẫn đưa chúng ta trên mọi nẻo đường, và tìm kiếm các con chiên xa lạc để đưa về đàn chiên. Bài đọc II (Rôma 5:5-11): Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu vô biên của Ngài đối với chúng ta là đã sai Con Một của Ngài xuống trần và chịu nạn chịu chết để chuộc tội chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 15:3-7): Thiên Chúa yêu thương chúng ta, dù khi chúng ta yếu đuối sa ngã phạm tội, Ngài vẫn yêu thương và vui mừng khi chúng ta ăn năn hối cải và trở về với Chúa.

    Theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, tháng Sáu là tháng đặc biệt kính Thánh Tâm Chúa, ngày Thứ Sáu đầu tháng cũng đặc biệt dâng kính Thánh Tâm Chúa. Nhiều vị thánh, nhất là Thánh Gioan Eudes (1610-1680, lễ kính ngày 19 tháng 8) và Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690, lễ kính ngày 16 tháng 10) đã hăng hái cổ động lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Ngoài ra Dòng Thánh Tâm và Hội Liên Minh Thánh Tâm cũng giúp nhiều vào việc cổ động sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa ở khắp nơi. Nhiều gia đình có tượng hoặc ảnh kính Thánh Tâm Chúa.

    Trái tim thường được coi là “trụ sở của Tình Yêu”. Chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, để nhớ đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta. Lòng Thương xót của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta đã được biểu lộ qua việc Tạo Dựng và Cứu Chuộc. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã Tạo Dựng nên con người theo hình ảnh Chúa và cho làm chủ mọi loài trong vũ trụ (Khởi Nguyên 1:26-30). Cũng vì Tình yêu mà khi con người sa ngã phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, Ngài đã sai chính Con Một xuống trần để Cứu Chuộc tội lỗi chúng ta. Chúa Giêsu Kitô khi xuống trần, Ngài đã sống cuộc đời lao động, khó nghèo để chia sẽ thân phận con người chúng ta, rao giảng Tin Mừng Tình thương tha thứ, chịu mọi đau khổ và chịu chết đau đớn trên Thánh Giá. Lưỡi đòng đâm thấu qua trái tim Chúa, nước và máu chảy ra hết, đã tỏ lộ rõ ràng tình yêu vô tận của Ngài đối với nhân loại chúng ta. Thánh Gioan còn nêu lên một điểm đặc biệt khác của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đó là “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta dường nào, đến nổi chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa…” (1 Gioan 3:1).

    Suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, chúng ta mới hiểu được định nghĩa của Thánh Gioan “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Gioan 4:8) và Thánh Gioan còn viết một cách cụ thể hơn: “Tình yêu của Thiên Chúa cốt yếu ở điều này là: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của người đến để làm Của Lễ đền tội chúng ta”. (1 Gioan 4:10). Thánh Phaolô cũng viết trong thơ gửi tín hữu Roma (5:8, trong Bài Đọc II): “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.”

    Tình yêu Chúa còn đặc biệt biểu lộ qua việc Ngài thương xót những kẻ tội lỗi “Ta đến không phải để tìm người công chính, nhưng để tìm kiếm người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Luca 5:32). Chúa Giêsu đã nói đến tình yêu đó qua nhiều Dụ Ngôn, như Dụ Ngôn “Đồng Tiền Bị Đánh Mất” (Luca 15:8-10) “Người Cha Nhân Hậu” (Luca 15:11-32), Dụ Ngôn “Con Chiên Lạc” (Luca 15:4-7; Bài Phúc Âm hôm nay). Trong Dụ Ngôn “Con Chiên Lạc”, Chúa Giêsu nhấn mạnh: Thiên Chúa vui mừng vì một kẻ tội lỗi ăn năn hối cải hơn chín mươi chín người công chính không cần hối cải”.

    Suy ngắm tình yêu Chúa, chẳng những giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa mà còn giúp chúng ta thêm lòng yêu thương tha thứ cho nhau. Thánh Gioan viết: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau… Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau….” (1 Gioan 4:11-21). Hơn nữa Chúa Giêsu còn bảo chúng ta: “ Hãy Yêu thương và tha thứ cho cả những người thù ghét chúng ta, bách hại chúng ta…” (Matthêu 5:43-48). Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta “Đừng lấy ác báo ác…Đừng để sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Roma 12:17-21). Yêu thương tha thứ thật lòng là cách tốt nhất để xây dựng hoà bình trong gia đình (giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái) và xây dựng hoà bình trên thế giới; vì “dĩ đức báo oán…” là cách tốt nhất để xóa bỏ hận thù và xây dựng hoà bình.

    Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tình yêu Chúa luôn tràn ngập trong lòng chúng ta, gia đình chúng ta, thế giới chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết “xoá bỏ hận thù” và luôn cố gắng đem lại “an vui, hoà bình và thân hữu” ở những môi trường sống hàng ngày của chúng ta.


    Linh Mục Anphong Trần Đức Phương

  2. #2
    Senior Member yyoko3254's Avatar
    Join Date
    Apr 2010
    Posts
    183

    Default

    bạn danlee có những bài viết hay ghê.Mình cũng thích tìm đọc các bài kiến giải về kinh thánh lắm càng đọc càng thấy hay

  3. #3
    Moderator Dan Lee's Avatar
    Join Date
    Jan 2007
    Location
    Tigard, Oregon
    Posts
    11,776

    Default

    Mình chỉ góp nhặt tất cả những gì mình có thể làm được để giúp bản thân củng như các bạn đang muốn tìm hiểu về Chúa.
    Thành thật cám ơn bạn đã cho ý kiến.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts