Results 1 to 2 of 2

Thread: Chùa Núi Châu Thới

  1. #1
    Senior Member Phuong12's Avatar
    Join Date
    Apr 2010
    Posts
    753

    Default Chùa Núi Châu Thới

    Chùa núi Châu Thới là ngôi chùa xưa nhất của Bình Dương và là một trong những ngôi chùa hình thành sớm vào hàng đầu của Nam bộ (nửa sau thế kỷ XVII).
    Chùa được xây trên ngọn núi Châu Thới (cao 82m) ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nên có tên chùa núi Châu Thới. Chùa núi này cách thành phố Biên Hòa 4km, Thị Xả Thủ Dầu Một 20km và được xếp hạng là di tích danh lam - thắng cảnh quốc Gia.(1)

    Cổng chua bằng đá dưới chân núi có đề tên chùa bằng chữ Hán “Châu Thới Sơn Tự”. Du khách bước lên 220 bậc thềm sẽ đến cửa Tam quan có ba máy cong và bánh xe pháp luân nằm ở giữa đỉnh, hai bên cửa có mấy chữ “Từ bi - Hỉ xả…” .

    Giữa giảng Phật đường của chùa có tấm biển đề 4 chữ “Châu Thới Sơn Tự”, trên biển có ghi Thêm dòng chữ “Tân Dậu niên, chánh ngoặt sơ kiếu nhật (Ngày tốt đầu tháng giêng năm Tân Dậu) bên dưới ghi rõ hàng số 1612 (có thể hiểu chùa được xây năm 1612 (?)).

    Sách “Sơ thảo Phật giáo Bình Dương” nói về nguồn gốc ngôi chùa này: “Ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương ngày nay được xây vào khoảng năm 1612, do thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoằng pháp) lên đồi Châu Thới thấy cảnh hữu tình, sư cất một thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn sau đổi tên thành chùa núi Châu Thời” (2). Nhưng sau đó mấy trang, tác giả cuốn Sách tỏ ra hồ nghi và cho rằng năm thành lập chùa 1612 như nói trên là không hợp lý. Trước hết năm 1612 không phải là năm Tân Dậu mà là năm Nhâm Tý, hơn nữa năm 1612 là thời điểm quá sớm so với việc định cư của người Việt tại vùng đất mới này. Rồi tác giả đưa ra nhận định: “Chùa lập vào năm 1681, sau này ngài Thành Nhạc trùng tu và hành đạo nơi đây thì hợp lý hơn”(3).


    Theo chúng tôi, ý kiến trên là có cơ sở, vì hầu hết các sách viết về chùa cổ ở Nam bộ đều cho biết những ngôi chùa xưa nhất ở Nam bộ đã được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVll. Chẳng hạn sách “Những ngôi chùa cổ Nam bộ” đã viết: “Ba ngôi chùa cổ là Bửu Long, Long Điền và đại Giác tiêu biểu cho những điểm trụ tích đầu tiên của sơ Tổ Phật giáo Nam bộ (...). Chùa Bửu Long nguyên chỉ là am nhỏ được thành lập nên từ giữa thế kỷ XVII (...). Chùa Long Điền (Tổ đình Sơn môn Nam Việt) lập 1664 (...). Chùa đại Giác được lập vào cuối thế kỷ XVII”(4).
    Qua các cứ liệu trên, năm Tân Dậu được ghi trên biển chùa núi Châu Thới có lẽ là năm 1861 vì đó là thời điểm hợp lý hơn cả.

    Nhưng cho dù được thành lập vào năm 1681, chùa núi Châu Thới ở huyện Dĩ An hiện nay vẫn là ngôi chùa xưa nhất Bình Dương và được hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam bộ.


    Đặc biệt chùa nằm trên đỉnh núi Châu Thới, được xem như là một thắng cảnh hiếm thấy ở giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Núi cao 82m so với mặt bể, chiếm diện tích trên 25 ha lại nằm kế cận các khu dân cư của các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Vị trí danh thắng này rất thuận tiện cho việc tham quan du lịch vì gần các khu vu chơi nghỉ mát khác như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (Biên Hòa). Chính vị trí và cảnh quan của núi Châu Thới đã làm tôn thêm vẻ đẹp uy nghi khoáng đãng hiếm thấy của ngôi chùa. Nhiều sách cổ đã từng nhắc đến ngọn núi và ngôi chùa này. Chẳng hạn sách “Gia Định Thành thông chí” đã viết: “Núi Châu Thới (nay là Châu Thới) (...) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn Thành (…) ở bên núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao
    Ra ngoài cửa tục”(5)

    Sách “Đại nam nhất thống chí” cũng miêu tả khá rõ núi và chùa Châu Thới gần giống như trên: “Núi Châu Thới tục gọi là núi Châu Thới, ở phía nam huyện Phước Chính 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành (...). Khoảng giữa núi Châu Thới (...) có am Vân Tỉnh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn (...). Đột khởi một gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, nhà cửa nhân dân ở quanh theo. Trên có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân đạo Hòa Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ Châu Thới tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển” (6).

    Trong thời Pháp thuộc, nhờ vào địa thế hiểm trở và cảnh u tịch của chốn thiền môn, nhiều người yêu nước thường đến đây ẩn náu, tụ họp để hoạt động chống Pháp. Chẳng hạn vào năm 1916 các hội viên của “Thiên Địa Hội” thuộc vùng Dĩ An - Lái Thiêu đã đến chùa Châu Thới tập võ nghệ mưu tính việc chống lại bọn cai trị người Pháp.
    Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, chùa núi Châu Thới là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ ta ẩn náu và hoạt động cách mạng.

    Đến nay chùa không còn lưu giữ được đầy đủ long vị và tháp của các vị thiền sư khai sơn mà chỉ thờ các vị tổ bằng tượng gỗ chạm và một số long vị của các hòa thượng đời sau này.

    Tương truyền chùa do Thiền sư Khánh Long tạo lập từ đầu thế kỷ XVII (1612) như đã nói ở phần trên, nhưng cũng có sách cho là do Thiền sư thành Nhạc Ẩn Sơn khai sơn và viên tịch ở đây ngày 17-12-1776. Trước đây tại chùa có ngôi bảo tháp của tổ Thành Nhạc nhưng nay không còn(7). Được biết tổ Thành Nhạc có nhiều đệ tử nổi danh như ngài Phật Chiếu Linh Quang, ngài Tổ Kim và Thiện Đức...

    Trải qua lịch sử hơn ba trăm năm phải chịu bao hủy hoại tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa núi Châu Thới ngày nay không còn giữ được nhiều dấu tích, kiến trúc nguyên thủy của một chùa được hình thành vào hàng sớm nhất Nam bộ. Hiện chùa gồm một quần thể khá đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau như ngôi chánh điện; điện miếu thờ thiên thủ Thiền nhãn, Linh Sơn thánh mẫu
    Diêu trì kim mẫu, Ngũ hành nương nương và cả điện thờ Ngọc hoàng Thượng đế. Ở đây còn cho thấy rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.

    Nhà tổ và giảng đường của chùa được trùng tu vào năm 1930. Năm 1971 hoàn tất việc xây 220 bậc thềm (xi măng) dẫn lên chùa và năm 1989 xây thêm cửa Tam quan. Ngôi chánh điện được xây lại khá quy mô bằng bê tông cốt sắt vào năm 1993…

    Nét nổi bật về trang trí, kiến trúc của chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình rồng dài hơn cả métđặtởđầu đao của mái chùa và có đến 9 hình rồng như thế hướng về nhiều phía.
    Ngoài việc có niên đại hình thành khá sớm, cách đây trên 300 năm, chùa còn có nhiều giá trị, đặc điểm về cấu trúc cũng như về nghệ thuật tạo tác tạo hình như đúc, nung, điêu khắc chạm trổ qua các tranh tượng vật dụng, tự khí bằng đồng, gỗ, đất nung...

    Chánh điện được thiết kế: Dành tầng trên thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng kế thờ Phật Thích Ca; tầng dưới là nơi thờ Phật Giáng sinh. Toàn bộ những tượng đồng được đúc tại chùa do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện. Chùa còn thờ bộ Thập Bát La Hán và Thập điện Diêm vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của chùa còn lưu giữ được, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm. Chùa cũng còn lưu giữ được ba phượng Phật tạc bằng đá khá xưa (có thể vào cuối thế kỷ XVIII) và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít được làm từ cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi trồng trong vườn chùa.

    Vào năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa thiên Mụ (Huế) nặng 1,5 tấn cao 2m, đường kính 1 ,2m đặt lên chiếc giá chuông bằng gỗ lim đưa từ Hà Nội về và được nghệ nhân Bình Dương chạm trổ các hoa văn trên đó. Trong các năm 1996- 1998 chùa tổ chức đúc thêm bảy tượng Phật bằng đồng và cũng trong năm 1996 chùa cho xây dụng một bảo tháp gồm nhiều tầng cao 24m, dùng làm nơi để các tượng thờ, riêng tầng tưdành để thờ Xá lợi Phật. Gần đây năm 2002, bên phải ngôi chùa lại có thêm một công trình mới gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng cao 3m nặng 3 tấn.

    Qua bao thăng trầm biến động, phần lớn các di ảnh, hành trang của hầu hết các vị khai tổ của chùa chỉ còn được lưu truyền qua trí nhớ của các đệ tử. Đến nay chùa chỉ còn giữ được 5 long vị từ thế hệ truyền thừa đời thứ 40 của phái Lâm Tế dòng Bổn Nguyên như Hồng Kiểm (đời 40), Nhật Liên (đời 41),Nhật Tâm (đời 41), Lệ Thiên (đời 42), Lệ Huệ (đời 43). Hiện nay Viện trưởng của chùa là Hòa thượng Thích Huệ Thông (Chứng minh của Hội PGBD) và trụ trì là Thượng tọa thích Minh Thiện (Trưởng ban trị sự phật giáo Bình Dương).
    Về số cổ vật có giá trị đã được xếp loại (*) tại chùa núi Châu Thới hiện nay còn lưu giữ được 55 hiện vật (8) đứng nhì trong các ngôi chùa trong tỉnh.


    Với giá trị nhiều mặt về lịch sử văn hóa, du lịch... Chùa núi Châu Thới đã được công nhận là di tích lịch sử danh lam - thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 451/VH-QĐ ngày 21-4-1989.

    Lâu nay có một vấn đề vẫn luôn khiến cho nhiều người, trong đó không chỉ có tăng ni, phật tử mà cả giới hữu trách về văn hóa, du lịch đều phải quan ngại. Đó là việc bảo toàn nguyên vẹn về cảnh quan cũng như sự an toàn của ngôi chùa núi này. Như đã biết, do nhu cầu về phát triển xây dựng từ nhiều năm nay người ta đã làm biến dạng, thay đổi một phần cảnh quan chung và đã tạo nên mối đe dọa tiềm ẩn san toàn về lâu về dài nền móng mặt bằng của ngôi chùa đã được xếp vào các di tích danh thắng quốc gia này.

    Vì thế các biện pháp cụ thể, khả thi của cơ quan quản lý văn hóa du lịch đã đề xuất như tiến hành cắm mốc bảo vệ, phủ xanh phần đất núi đã bị đào xén(9) nhằm bảo vệ cho di tích nổi tiếng này là điều luôn được mọi người mọi giới hết sức quan tâm.


    (1) Đây là một trong tám di tích văn hóa và danh thắng cấp quốc gia đa được công nhận tại tỉnh Bình Dương.
    (2) Thương tọa Thích Huệ Thông “Sơ thảo Phật giáo Bình Dương”, XB 2000, trang 22.
    (3) Theo s.đ.d (G.C 2): Mãi đến năm 1620 Công chúa Ngọc Vạn được Chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp và sau sự giao hảo trên, người Việt mới có các cuộc di dân đáng kể vào vùng đất hoang vu ở phía Nam này (trang 24)
    (4) Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lưu, Trần Hồng Liên “Những ngôi chùa ở Nam bộ” NXB TP.HCM 1994 (các trang 31.36, 40).
    (5) S.đ.d (ở ghi chú 2) trang 22, 23.
    (6) Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo “Đại Nam nhất thống chí” Tập thượng Biên Hòa - Gia Định - Sài Gòn tái bản 1973 (trang 12)
    (7) S.đ.d (ở GC 2) trang 26.
    (*) Theo định nghĩa của ngành văn hóa - Bảo tàng “Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.
    (8) Theo tài liệu của Sở Văn hóa - Thông tin Bình Dương. Ngành chuyên môn tại địa phương đã tiến hành kiểm kê, lập danh mục các cổ vật tại những di tích trong tỉnh theo Chỉ thị số 05/2002/CT-TTg ngày 18-2-2002 của Thủ tướng Chính phủ.
    (9) Theo “Dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá tri di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2010...” của Sở VHTT Bình Dương - 2006.





    Một góc chùa Châu Thới



    Tháp chính điện chùa Châu Thới



    Mặt trước chùa Châu Thới



    Hồ Châu Thới



    Hiên chùa



    Sân chùa Châu Thới



    Khỉ ở chùa





    Phật niếp bàn



    Nguyễn Hiếu Học - Minh Châu

  2. #2
    Moderator lait's Avatar
    Join Date
    Feb 2010
    Posts
    1,173

    Default Re: Chùa Núi Châu Thới

    Ồ đẹp của
    cảm ơn nhiều



Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts