Ai sẽ được cứu rỗi? Làm sao biết?
Ông Alfred Nobel người Thụỵ Điển một hôm đọc thấy một tin ngắn về cái chết và tiểu sử của mình trên nhật báo. Nhà báo đã in lầm tên ông với tên người chết là người anh ruột của ông. Alfred đã rất đỗi ngạc nhiên về nhận xét của người đời đối với cuộc đời của ông trong bản tin ngắn ông đã đọc. Từ đó Ông Nobel hoàn toàn cải thiện, đổi mới, quyết tâm làm lại cuộc đời… Sau nầy nhân loại đã biết đến tên tuổi ông vì đã dùng gia tài của mình làm giải thưởng Nobel hằng năm cho những ai tích cực hoạt động, tìm tòi, phục vụ… cho con người hậu thế.
Thưa bạn, nếu hôm nay chúng ta lìa đời liệu người phối ngẫu, con cái, cháu chắt, bằng hữu, láng giềng sẽ nhận xét về chúng ta như thế nào? Chúng ta là một người luôn lưu tâm tới Thiên Chúa và Gia Đình hay chỉ chú ý tới công ăn việc làm, tới danh vọng, địa vị, tiền tài hay hư mất? Bạn cũng đồng ý với tôi là chúng ta chưa hề thấy có ai sau khi qua đời, kéo sau quan tài mình một xe “u-haul” chở theo của cải ra nghĩa trang? Chúng ta chỉ thấy theo sau xe chở quan tài người quá cố là một đoàn xe nối đuôi nhau. Đoàn xe đó dài hay ngắn tuỳ thuộc vào mối liên hệ thân tình (relationship) giữa người quá cố nằm trong quan tài với những người còn sống ngồi trong đoàn xe theo sau.
Hầu như ngày nào báo chí, truyền thanh và truyền hình cũng loan báo về những cái chết thình lình, đột ngột và tức tưởi. Điều nầy chứng tỏ sự mỏng dòn của kiếp làm người. Sống nay chết mai, không phân biệt tuổi tác màu da, tiếng nói hay chủng tộc. Không hề ai biết trước để đề phòng hay chuẩn bị.
Sớm nở tối tàn, “như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó chết đi. Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích…” như tác giả Thánh Vịnh mô tả mà chúng ta thường nghe trong các Thánh lễ an táng.
Chúa sẽ không hỏi ta có bao nhiêu chiếc xe khi còn sống, nhưng sẽ hỏi ta đã giúp chuyên chở được bao nhiêu người không có phương tiện di chuyển;
Chúa sẽ không hỏi căn nhà ta đã ở rộng bao nhiêu phòng, nhưng hỏi ta đã chào đón và cho trú ngụ được bao nhiêu người;
Chúa sẽ không hỏi về số quần áo mà ta có trong tủ áo, nhưng hỏi ta đã cho bao nhiêu kẻ rách rưới áo quần;
Chúa sẽ không hỏi về số lương bổng cao nhất mà ta lãnh, nhưng sẽ hỏi bao nhiêu lần ta đã hành động mờ ám, làm ngơ trước lương tâm để được lãnh cho nhiều, cho cao;
Chúa sẽ không hỏi ta có bao nhiêu người bạn, nhưng hỏi có bao nhiêu người muốn kết thân với ta như bạn hữu thân tình;
Chúa sẽ không hỏi ta sống ở đâu, trong khu vực nào, nhưng sẽ hỏi ta đối xử với chòm xóm láng giềng thế nào;
Chúa sẽ không hỏi về màu da của ta, nhưng sẽ hỏi dưới màu da đó chứa đựng bản tính của ta ra sao. (trích & dịch Internet, bản tiếng Anh, không rõ tác giả, July 2010)
Khi được hỏi: “Thưa Thầy phải chăng chỉ có một số ít được cứu rỗi?” Chúa Giêsu đã không trực tiếp nhưng gián tiếp trả lời với 2 phần: Thứ nhất, không phải cứ mang nhãn hiệu Kitô Hữu là tự động automatic được vào Thiên Đàng cả đâu. Thứ hai, nhiều người trong đám lương dân cũng sẽ được vào vì Thiên Đàng rộng mở cho mọi người Tín hữu cũng như lưong dân tin nhận Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ai cố gắng vào bằng cửa hẹp.
Nhưng cửa hẹp là cửa nào?
Theo Tin Mừng của Thánh Gioan (10:9) Đức Kitô chính là cửa hẹp: “Thầy chính là cửa. Ai qua Thầy mà vào thì được cứu rỗi!” Qua cửa Kitô tức là đi theo đường Thánh giá. Chứng chỉ Rửa tội không tự nó mang đến phần rỗi nhưng lòng tin và cách sống của người được rửa tội sẽ bảo đảm phần rỗi. Đường Thánh giá đòi buộc những ai đã tin vào Đức Kitô đồng thời cũng làm theo Thánh ý Chúa Cha từng giầy, từng phút, suốt cả cuộc đời. Cho dù trong đời sống hay sinh hoạt công khai hoặc âm thầm. Đường Thánh giá thường dẫn đến khổ đau và cám dỗ. Tuy nhiên, chúng ta không chiến đấu đơn độc vì ân sủng Chúa lúc nào cũng trợ lực. Ân sủng Chúa là sức mạnh tình yêu. Có tình yêu chúng ta mới chu toàn được trách vụ của mình. Chúng ta phải đối xử tử tế với nhau vì mọi người đều là con cái của Chúa. Thiên Chúa không có cháu!
Mẹ Têresa Ấn Độ đã nói: “Chúng ta không làm những việc vĩ đại nhưng làm những việc nhỏ bé với một sức mạnh vĩ đại là Tình Yêu!” Chính lòng thương làm cho những cái tầm thường nhỏ bé trong đời thường trở nên vĩ đại. Đức cố Hồng Y Thuận khuyên chúng ta hãy sống mọi ngày như là Ngày Cuối Cùng của đời mình. Nếu biết là ngày cuối cùng, ta sẽ trả lời cú điện thoại với lòng khiêm tốn bình an hơn; Nếu là ngày cuối cùng các bạn trẻ sẽ đến trường với lòng biết ơn Cha mẹ và gia đình hơn; Nếu biết là ngày cuối cùng, Ông Bà sẽ thông cảm với con cháu và tuổi trẻ hơn…vì chúng ta đều sống trong sự quan phòng của Chúa Ba Ngôi.
Người Kitô Hữu chúng ta phải là những người luôn biết đón nhận giây phút hiện tại như là giây phút trân trọng đáng quí nhất, vì quá khứ thì đã qua mà tương lai thì chưa tới.
Kết hiệp với Chúa và sống tử tế với tha nhân là châm ngôn sống mỗi ngày để được bình an thư thái.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được bình an thư thái nếu chúng ta còn những “lận cận” (boulders) giữa mình với Chúa, giữa mình với anh chị em chung quanh. Chúa biết trước điều nầy nên đã ban bí tích Hoà Giải để chúng ta có cơ hội tuyên xưng (Profess) tình thương của Ngài đối với những lỗi lầm của ta với Chúa, với anh chị em, và với chính mình. Ước gì chúng ta ai nấy khi suy nghĩ về tình thương đó. Khi chúng ta “trở về” với Chúa cho dù trời đất có qua đi nhưng tình yêu Chúa dành cho ta và tha nhân sẽ không thay đổi. Amen.
PT Phêrô Đặng Phi Hùng