VUA KITÔ VÀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (CN 34 TN năm C)



Bạn thân mến,

Kết thúc Năm Phụng vụ, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta mừng lễ Chúa Kiô là Vua. Lời Chúa cho chúng ta thấy lúc tận cùng của thời gian Đức Giêsu sẽ làm vua ngự trị toàn thể mọi sự và mọi người. Sự thực, Chúa vẫn làm vua trong lòng những người tin cậy và yêu mến Ngài. Năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô Nhập thể và kết thúc bằng vương quyền viên mãn khi Ngài trở lại trong vinh quang. Đáng lẽ Tin mừng phải diễn tả quang cảnh tôn vinh Đức Giêsu như một ngày lễ phong vương long trọng theo phong cách lễ nghi tôn vương của các vua hay tổng thống trần gian. Nhưng Tin mừng lễ Chúa Kitô vua trích từ (Lc 23,35-43) chỉ thuật lại việc xét xử Đức Giêsu.

Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào chúa nhật XXXIV, là tuần cuối của năm phụng vụ mang ý nghĩa: ước nguyện sao cho cuối cùng mọi người đều ở trong Nước Chúa. Vậy chúng ta hãy cố gắng sống xứng danh là công dân của Nước Trời.

Vua trần gian thường có dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan. Trái lại, Chúa Giêsu không làm Vua theo kiểu thường tình ấy. Chính Người đã nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay sẽ nói lên tính cách vương quyền ấy của Người.

Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái cùng dân chúng, của bản án treo trên thập giá, đã nói lên vương quyền của Chúa Giêsu: “ Hắn đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi…”. Đấng Kitô” tước hiệu của vua. Nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành đã nói lên vương quyền của Người: “Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi “ ( Lc 35,42). Thực ra, nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không để ra oai quyền như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, người đã không “xuống khỏi thập giá”cách ngoạn mục, nhưng đã kéo mọi người lên với Người ( Ga 13,32). Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người.

Người đã sẵn sàng chịu chết giữa hai tên gian phi, như lời Kinh Thánh: “Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân”( Is 53,12 ). Người đã hòa mình trong đám người tội lỗi, chịu chung số phận của họ…

Vâng, vương quyền của Người không cai trị bằng sức mạnh biểu dương, nhưng chinh phục bằng khối tình yêu thương. Thần dân đầu tiên mà vị vua có vương miện là mão gai, và ngai vàng là gỗ thánh giá đã chinh phục, chính là người trộm lành. Giữa lúc những kẻ trước đây tung hô vạn tuế nay lại nhạo báng Người, giữa lúc các môn đệ thề sống chết với Người nay lại bỏ trốn hết, thì chỉ có một mình anh, người trộm lành lên tiếng bênh vực và tin vào vương quyền của Người: “Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?. Lậy Ngài, khi nào về Nước Ngài,, xin nhớ đến tôi”…

Bức tượng Chúa Giêsu Kitô Vua ở nhà thờ chính tòa Đan Mạch được nhà điêu khắc nổi tiếng Albert Bertel Thorvaldsen thực hiện. Ông đã phát biểu khi thực hiện xong mẫu tượng Chúa Kitô vua với tất cả uy quyền oai phong của Ngài: “Chúa Giêsu là khuôn mặt vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”. Nhưng trên đường di chuyển bức tượng đến nơi trưng bày thì tượng đất sét ấy bị đặt ngay đường nước mưa chảy nên hình dáng bức tượng bị thay đổi từ gương mặt oai phong uy quyền đổi sang gương mặt của một mục tử nhân từ. Thoạt tiên, Thorvaldsen, tác giả bức tượng đau khổ và tuyệt vọng vì sự việc xảy ra. Nhưng sau khi suy nghĩ, ông nhận ra rằng: đây mới là hình ảnh chính xác hơn về Chúa Kitô Vua so với hình dáng ông dự trù. Sau cùng, ông rất bằng lòng với bức tượng Chúa Kitô Vua này. Và tượng Giêsu thành Nazarét ấy đã gây xúc động rơi lệ cho bao nhiêu tâm hồn đến kính viếng nhà thờ chính tòa ở thủ đô nước Đan Mạch.

Sự thực, các thánh Tử Đạo Việt Nam, tổ tiên của chúng ta đã đi theo con đường mà Vua Giêsu Kitô đã đi. Là con dân trong nước của vua Giêsu và là con cháu của các anh hùng tử đạo VN, chúng ta hiểu và sống con đường mà các Ngài đã đi, bởi Nước của Vua Giêsu thì không thuộc về thế gian này nên Chúa Giêsu Kitô là vua khi Ngài bị treo trên thập giá, chính Philatô cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: “Đây là Vua dân Do thái”.

Bạn thân mến,

Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cái chết tự hiến trên thập giá và các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng đã đi theo vết chân Chúa qua việc đổ máu mình vì Danh Chúa hầu xây dựng nền móng cho giáo hội Việt Nam thân thương của chúng ta. Thật không ai có tình yêu thương hơn kẻ hiến mạng sống mình cho người mình yêu và chỉ những ai khám phá ra tình thương của Chúa mới tin nhận Chúa làm Vua và sống xứng đáng là thần dân trong vương quốc của Ngài.

Nói tóm, Chúa Giêsu làm vua, Ngài làm vua bằng tình thương và để gieo rắc khắp nơi tình thương đó, các thánh Tử Đạo Việt Nam, tiền nhân của chúng ta đã tiếp nối con đường của Đức Giêsu Kitô bằng chính mạng sống mình hầu làm chứng cho Tình yêu của Thiên Chúa. Đó là lý do mà chúng ta cùng nhau ôn lại trang sử của Giáo Hội Việt nam chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ mừng lễ Chúa Kitô Vua và cũng là dịp mừng Năm Thánh đặc biệt, kỷ niệm 350 năm ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi vào quê hương thân yêu của chúng ta đồng thời kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam.

Hôm nay chúng ta tìm hiểu gương sống hùng tuyên xưng Đức Giêsu là Vua của đời mình nơi các thánh Tử Đạo Việt Nam mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin mà chúng ta lãnh nhận từ những giọt máu đào của các Ngài. Bổn phận của chúng ta là nối tiếp sứ mạng cao qúi của tổ tiên là các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng cách sống đức tin trưởng thành bởi nền móng đức tin ấy đã được xây dựng bằng máu của các Ngài trên quê hương Việt Nam chúng ta từ 350 năm qua. Vậy chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ thiết tha và tri ân tổ tiên của chúng ta là các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng cách tích cực cộng tác vào công việc mở mang Nước Chúa.

Nguyện xin Đức Nữ Trinh Maria và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cầu cùng Chúa để chúng ta luôn sống xứng danh là thần dân của Vua Kitô.


Lm. Nguyễn văn Phong, SDD.