HÃY LOẠI BỎ VIỆC LÀM ĐEN TỐI VÀ CẦM LẤY VŨ KHÍ CỦA SỰ SÁNG
Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu (Rm 13,12).
Thánh Phaolô vừa mới khích lệ các Kitô hữu thành Rôma hãy dấn thân yêu thương nhau hết lòng hết sức. Ông sử dụng Lời Sống này để khuyến khích họ hãy “loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” bởi vì Kitô hữu phải biết giá trị của thời kỳ họ đang sống. Họ đang ở thời cứu độ, đã bắt đầu với việc đến lần thứ nhất của Chúa Giêsu trên trái đất và sẽ đạt đến sự thành toàn trong lần Người đến lần thứ hai. Thời kỳ này có giá trị lớn nhất và không thể nào lại tiêu phí nó một cách vô ích. Cho dù có những khoảng cách phân cách họ không được gặp Chúa Giêsu, thì việc một ngày kia họ sẽ được gặp Người sẽ là cả một nguồn cảm hứng cho cuộc đời họ. Mỗi khoảnh khắc, mỗi hành động đều có giá trị chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.
“Những việc làm đen tối” là những việc làm của “con người cũ”, vốn là hoa trái của bạo động, tội ác, sống buông thả không kiềm chế, mà người Kitô hữu đã phóng mình vào khi vẫn còn ở trong bóng tối lầm lạc.
Bây giờ, đã hiểu Chúa Giêsu và biết Người sẽ trở lại, họ không còn có thể sống lối sống cũ nữa. Họ phải tiêu diệt tội lỗi ra khỏi cuộc đời của mình, bỏ lại sau lưng các thói hư tật xấu, và cố gắng từng ngày chống trả các xu hướng phạm tội. Họ phải cầm lấy “vũ khí của sự sáng” trong khi đi gặp Chúa Giêsu, họ phải mặc lấy các nhân đức, bằng cách sống lời Người, nhất là yêu mến người gần bên. Khi Chúa Giêsu sẽ lại đến, Người sẽ chỉ công nhận họ nếu Người thấy họ đang mặc lấy Người.
Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.
“Cầm lấy vũ khí của sự sáng”. Hình ảnh này lấy từ cuộc sống quân ngũ và gợi nên ý tưởng về sự canh thức, quyết định, can đảm, toàn tâm toàn ý.
Thánh Phaolô đang bảo với ta rằng một người Kitô hữu phải mạnh mẽ quyết tâm sống lời của Chúa Giêsu, và nhất là yêu mến anh chị em mình. Đây là vũ khí giúp các Kitô hữu đương đầu với các loại tình huống và giải quyết các vấn đề, bằng cách phản ứng quyết liệt chống lại não trạng của thế gian.
Những môn đệ của Đức Kitô phải biết cách sử dụng mọi khả năng có được để thực hành điều luật yêu thương của Đức Kitô. Thật vậy, thời gian Người ban cho ta đem lại cho ta một chuỗi không ngừng các cơ hội để ta thực hiện giáo huấn này của Chúa Giêsu.
Mỗi bậc sống, mỗi ơn gọi, mỗi nơi, mỗi hoạt động, ngay cả những hoạt động khiêm tốn nhất đều là một lĩnh vực trong đó ta có thể dấn thân hoàn toàn để yêu thương nhau. Gia đình ta, nơi làm việc của ta, các công việc phục vụ xã hội của ta, công ăn việc làm, hoạt động chính trị, các vấn đề hòa bình, công bằng, bảo vệ sự sống, v.v. đều là những cơ hội để ta phục vụ Chúa Giêsu nơi các anh em của ta. Đây là vũ khí của ánh sáng mà ta phải cầm lấy để đi gặp Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.
Lời Sống này gỡ bỏ tận nền tảng lời tố cáo thường nhắm vào đức tin Kitô giáo, cáo giác rằng đức tin ấy lôi kéo người tin ra khỏi các vấn đề của thế giới. Trong thực tế, ta có thể nói về điều ngược lại: nếu có ai đó chẳng bận tâm dấn thân, có lẽ sẽ đưa ra lý lẽ để khước từ, kiếu rằng chẳng bao lâu chúng ta sẽ về chầu trời, thì người đó chỉ chứng tỏ rằng họ đã không hiểu được các hệ luận thực tế của điều răn mới Đức Giês đã đã để lại cho chúng ta. Người muốn ta đi gặp Người với công trình tình yêu xây dựng trên Phúc Âm. Bằng cách truyền dạy ta hãy yêu mến nhau, Người bảo ta rằng thành đô trên trời được xây bằng cách hãy dấn thân phục vụ nơi thành đô dưới đất này.
Do đó, đời sống Kitô hữu không hề là sự khoanh tay chẳng can dự gì hoặc sự trốn tránh thế gian: đời sống Kitô hữu có thể được mô tả như một cung cách sống đã hoàn toàn được gợi hứng bởi lời của Chúa Giêsu và bằng việc dấn thân phục vụ anh chị em mình.
Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.
Lời Sống này nhắc ta rằng với tư cách Kitô hữu, có một cách để ta đi gặp Chúa Giêsu. Đã hẳn rằng Chúa Giêsu sẽ đến. Người sẽ đến vào cuối đời của ta để vinh danh những nỗ lực của ta để sống lời Người. Người sẽ đến vào cuối lịch sử, như ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, để vinh danh công việc ta đã làm nhằm xây dựng xã hội theo lệnh truyền hãy yêu thương nhau.
Đối mặt với một thực tại như thế, ta không thể thờ ơ, mà phải đáp lại bằng sự dấn thân, dốc quyết, quyết tâm, và một thái độ luôn luôn làm mới lại sự dấn thân đó.
Vào cuối đời ta, khi ta sẽ gặp Chúa Giêsu, tất cả những gì còn tồn tại sẽ là số lượng Phúc Âm mà ta đã đưa được vào trong cuộc sống. Tất cả những gì tồn tại sẽ là khối lượng tình yêu mà ta đã dùng để yêu mến Chúa Giêsu trong các anh chị em của ta.
Chiara Lubich
Đan Quang Tâm dịch