Từ Một Lần Gặp Gỡ (19): ĐÒI HỎI CỦA LÒNG MẾN
Bạn thân mến,
Tình yêu là đề tài muôn thuở, xưa như trái đây nhưng lại chẳng bao giờ lỗi thời. Đơn giản vì tình yêu làm cho cuộc sống trở nên đáng sống. Loại tình yêu thì có nhiều nhưng chung quy lại nó vẫn xuất phát từ một con tim cháy bỏng hướng về người khác. Tình yêu làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa, mặn mà. Và điều dễ thấy là tình yêu làm cho con người hạnh phúc.
Thiên Chúa thấu suốt khát vọng ấy nơi con người. Vì thế, Chúa Giê-su đã đến để làm cho tình yêu trở nên trọn vẹn, và Ngài còn muốn các môn đệ của Ngài tiếp tục thi hành sứ mạng yêu ấy ngang qua Giáo Hội. Giáo Hội mà Ngài thiết lập là Giáo Hội của tình yêu, đến nỗi Ngài đòi hỏi “cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Như thế, người ta có quyền đặt dấu chấm hỏi nếu một ki-tô hữu mà lại không biết yêu! Có thể nói, yêu là tiêu chuẩn để được vào Nước Trời.
Mỗi nước có một bộ luật pháp, và Nước Trời cũng có một bộ luật, vừa đơn giản vừa ngắn gọn để thực thi cả đời: yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình (x. Mc 12, 30).
Bạn có thấy đòi hỏi của Chúa như vậy là quá đáng không? Đã yêu hết như thế thì còn lại gì là của mình! Thực ra, khi cho đi tình yêu chính là lúc người ta nhận được tình yêu hơn bao giờ hết. Bạn có thấy thái độ khác nhau giữa hai người đi lễ, một người đi vì lòng yêu mến còn người kia vì sự bắt buộc không? Ai cảm thấy ích lợi hơn và ai cảm thấy nặng nề hơn? Ích lợi bao nhiêu thì ai cảm nhận rõ hơn là người trong cuộc; còn nặng nề thì, ắt hẳn là người đi vì sự bắt buộc sẽ cảm thấy nặng nề hơn dù họ bỏ ít trí khôn, ít sực lực hơn, và thời giờ thì họ cũng không ngại cắt đầu cắt đuôi. Thế đó, với Chúa, người ta cho đi tình yêu bao nhiêu, họ sẽ nhận lại được tình yêu bấy nhiêu.
Còn đối với con người, ngày nào mà người ta chẳng tương quan với nhau. Bạn có cảm nhận sự khác nhau giữa cuộc tiếp xúc với một người có tấm lòng, và một cuộc tiếp xúc với người luôn đặt lợi nhuận lên trên không? Khi người ta tiếp xúc với một tình yêu, dù trong công việc hay trong chuyện riêng tư, thì người đối diện cảm nhận được tôn trọng và chính người tốt bụng ấy cũng được thỏa lòng, dù họ phải tốn nhiều thời gian và sức lực cho nhau hơn. Tình yêu làm cho tương quan trở nên thú vị, và người tương quan trở nên đáng yêu. Vậy đó, Chúa cũng muốn mời bạn trở thành một người đáng yêu như thế.
Hoặc trường hợp giúp đỡ người khác qua những việc từ thiện. Có bao giờ bạn so sánh việc từ thiện của hai người, một người làm vì lòng yêu mến xuất phát từ tình yêu đối với người nghèo và người kia làm cốt để lấy tiếng tăm? Thái độ của người cho sẽ khác hẳn giữa hai cách cho, đặc biệt dễ thấy trong những trường hợp không thuận lợi như ý muốn của họ. Người nghèo cần được tình liên đới và sự tôn trọng hơn là những món quà vô hồn. Cũng trong ý nghĩa đó, Việt Nam mình có câu: “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Thế đó, con người đâu chỉ cần vật chất. Nếu chỉ vì vật chất mà quên rằng mình còn cao quý hơn thế thì thật đáng hổ thẹn, vì mình tự cho mình không hơn không kém những loài chỉ cần đến vật chất. Tình yêu vượt lên trên những nhu cầu hữu hạn như thế.
Hơn nữa, đối với Chúa Giê-su, tình yêu không chỉ là cảm tính, và chỉ dành riêng cho những người mà mình yêu mến. Đúng hơn, tình yêu là một đòi hỏi của Tin Mừng. Khi người ta đón nhận Tin Mừng – Tin Vui thì người ta phải thực thi tình yêu, đến nỗi “yêu người thân cận như chính mình”. Mà ai là người thân cận? Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, hai người xa lạ giữa đường trở nên thân cận của nhau qua cử chỉ yêu thương mà người Sa-ma-ri dành cho nạn nhân. Trong ánh sáng của Tin Mừng, tình yêu trở nên động lực cho mọi hoạt động của con người, trong tương quan với nhau cũng như tương quan với Đấng là Tình Yêu.
Nếu nói về chuyện tình yêu thì tìm đâu ra một cuốn sách nói nhiều về tình yêu hơn là các sách Tin Mừng. Người ta có thể đếm được có bao nhiêu chữ “yêu” trong Tin Mừng, nhưng không ai đếm được có bao chữ “yêu” không viết thành lời trong các sách ấy. Đặc biệt bao chữ yêu không lời ấy được sống cho đến cùng, nghĩa là “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đến mức độ này, tình yêu trở nên ngu dại đối với thế gian (x. 1Cr 1, 17-25), nhưng tình yêu của Tin Mừng đòi hỏi người ta sống hết mình với Thiên Chúa và hết mình với anh em như thế.
Chúng ta đã rất quen thuộc với Kinh Kính Mến: Con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự… lại vì Chúa mà con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen. Lời kinh này thật đẹp nếu không chỉ được đọc trong nhà thờ và vào những lúc cầu nguyện, nhưng nó còn được đọc một cách không lời trong lương tâm chúng ta, trong mỗi giây phút của cuộc sống.
Ước gì những người trẻ hôm nay không trở nên vô tâm trước Thiên Chúa và trước con người. Tình yêu xưa như trái đất nhưng sẽ chẳng bao giờ lỗi thời. Xin Chúa giúp chúng ta biết cảm nhận tình yêu và biết tập yêu trong cuộc sống mỗi ngày.
Hà Thanh Bình