Từ một lần gặp gỡ (28): Ánh Mắt Người Thầy
Sống ở đời ai mà chẳng có những lúc lầm lỗi. Điều đáng nói là họ có muốn làm lại cuộc đời, và người khác có cho họ cơ hội để làm lại cuộc đời hay không!
Các bạn trẻ thân mến,
Bước vào Tam Nhật Thánh, chúng ta cùng chiêm ngắm một điểm nhỏ trong hành trình thương khó của Chúa Giê-su, để yêu mến Ngài và mạnh dạn tiến đến gần Ngài hơn.
Có lẽ không một ki-tô hữu nào lại không quen thuộc với chuyện Phê-rô chối Thầy ba lần. Nếu chuyện chỉ kết thúc tại đây thì chẳng có gì đáng nói, điều đáng nói là từ ánh mắt của Thầy Giê-su, Phê-rô đã có cơ hội và ông chộp lấy cơ hội ấy để làm lại cuộc đời. Với một ánh mắt đặc biệt của một con người đặc biệt, và vào thời điểm đặc biệt, Phê-rô đã không cầm nổi được lòng ăn năn và khóc lóc thảm thiết.
Theo lẽ thường, khi một người bị phản bội, họ khó có thể tha thứ và tỏ dấu tha thứ một cách minh nhiên cho kẻ hại mình. Hơn thế nữa, sự tha thứ thể hiện ngay trong lúc việc phản bội đang diễn ra. Chúa Giê-su, với tư cách là một người Thầy, đã bị chính môn đệ thân tín nhất của mình phản bội. Khi vinh quang thì ông muốn chia vinh quang với Thầy, còn khi khốn khó, ông sẵn sàng loại bỏ thầy ra khỏi tương quan với mình. Trên núi Tabo với ánh vinh quang rực rỡ, Phê-rô không ngần ngại dựng lều ở đó; trước thập giá, ông không ngượng miệng khi nói “tôi không biết Người đó là ai.” Điều này không chỉ diễn ra một lần, nhưng là ba lần với cường độ ngày một cao hơn.
Ánh mắt của Giê-su ghé nhìn Phê-rô. Với cái liếc nhìn từ ánh mắt đến trái tim, Phê-rô đã cảm nhận tấm lòng từ trái tim thể hiện ra ánh mắt của Thầy. Ắt hẳn, đây không phải là ánh mắt trong xanh rạng ngời, cũng không phải ánh mắt lôi cuốn mà ông đã gặp ngày nào ở bờ biển Hồ Galilê, nhưng là ánh mắt đang sưng húp bầm dập. Thế nhưng, bên trong ánh mắt bề ngoài xấu xí ấy, ông nhận ra cả một tấm lòng.
Giê-su đã không trách Phê-rô, trái lại ánh mắt của Ngài thể hiện sự cảm thông của người Thầy trước sự yếu đuối của học trò. Giê-su cảm thông cho hoàn cảnh của Phê-rô. Dù không muốn, ông vẫn bị dồn vào trong góc tường. Bây giờ, Ngài không thể tạo thêm một bức tường nữa đối với ông. Ngược lại, Ngài đã dùng sự cảm thông để mở một cánh cửa cho kẻ đang bị dồn vào trong góc tường.
Sự cảm thông đã đánh bật những rào chắn vô hình được dựng nên nơi con người Phê-rô. Ông lẩn vào đám đông để khỏi ai nhìn thấy, và ông cũng nhanh chóng lẻn đi nơi khác khi bị ai đó hỏi đến. Ông dựng ngay một rào chắn với những người đứng bên cạnh. Hơn thế nữa, ông dựng rào chắn với chính ông, ông không thể nói thật với lòng mình. Mới trước đó ông đã quả quyết “con sẵn sàng chết vì Thầy”, vậy mà giờ đây, ông gạt bỏ lời ấy mà không thương tiếc. Sự cảm thông trong ánh mắt người Thầy giúp ông gỡ bỏ chiếc áo giáp giả tạo, điều đó khiến ông phải bật khóc.
Có lẽ mọi người đều ngạc nhiên khi thấy nước mắt của một người đàn ông cứng rắn như Phê-rô. Ông cương quyết chối Chúa chừng nào, thì giờ đây nước mắt chân thành của ông đổ ra chừng nấy. Phê-rô đã không nhận ra yếu đuối của mình cho đến khi ông bắt gặp ánh mắt của Thầy. Phê-rô đã chối bỏ liên hệ với Thầy, nhưng Thầy vẫn không chối bỏ ông. Phê-rô tìm cách thoái thác liên đới, còn Thầy lại giúp ông nối lại các tương quan qua những giọt nước mắt ăn năn.
Các bạn trẻ thân mến,
Trong Mùa Chay và đặc biệt trong Tuần Thánh, chúng ta thường ngắm Đàng Thánh Giá, nơi đó chúng ta bước theo Chúa trên hành trình thương khó của Ngài. Bạn có thái độ nào trong những chặng đường gian nan đó? Bạn có thấy mình liên hệ với Giê-su, hay chỉ như Phê-rô, lẻo đẻo theo sau Giê-su nhưng vẫn không nhận mình thuộc về Giê-su? Dù sao, cơ hội mà Phê-rô nhận được từ ánh mắt Giê-su cũng luôn là cơ hội cho tất cả mọi người.
Dù đang trong cuộc tra tấn hãi hùng, ánh mắt của Thầy Giê-su vẫn không ngừng biểu lộ sự cảm thông để khích lệ những môn đệ còn non yếu. Giê-su không đẩy môn đệ vào góc tường với yếu đuối của họ; ngược lại, Ngài luôn mở những cánh cửa hy vọng để những ai thấy mình đang lạc bước được có cơ hội thực hiện lại ước mơ. Lạy Chúa Giê-su,
Đôi khi chúng con nhìn cuộc thương khó của Chúa
như một cuộc biến cố của một người nào đó,
mà không liên hệ gì đến chúng con.
Vì thế chúng con chỉ lẻo đẻo theo sau để xem
và sẵn sàng bỏ đi nếu thấy mình bị liên luỵ với Chúa.
Xin Chúa nhìn chúng con như đã nhìn Phê-rô,
để qua ánh mắt cảm thông và bao dung của Chúa,
Chúng con có cơ hội khóc lóc ăn năn,
và tiếp tục làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.
Hà Thanh Bình