CỬA DẪN VÀO HỘI THÁNH



Hình ảnh chuồng chiên là một hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân sinh sống tại vùng đất Pa-lét-tin thời Chúa Giêsu. Đó là những dải hàng rào bằng gỗ hay bằng cây chắc chắn, được quây lại theo hình vuông hay hình chữ nhật với một cửa ra vào duy nhất. Cứ chiều đến, các chủ chiên lùa chiên vào chuồng qua cửa duy nhất ấy, rồi giao phó việc canh giữ chuồng chiên cho những người được thuê mướn làm công việc này. Sáng sớm hôm sau, các chủ đoàn chiên lại đến để đưa chiên ra khỏi chuồng đi ăn nơi những đồng cỏ. Chuồng chiên là nơi bảo vệ an toàn cho đoàn chiên.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc này khi so sánh Ngài với cửa chuồng chiên. Ngài tự xưng mình là cửa chuồng chiên, và Ngài hứa : ai qua cửa đó sẽ được cứu rỗi. Như vậy đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết: Ngài là cửa dẫn vào Hội Thánh, và điều quan trọng nhất để thuộc về đoàn chiên của Ngài, tức là thuộc về Hội Thánh của Ngài, đó là tin vào Ngài và sống theo Ngài

Tin vào Chúa Kitô và sống theo Ngài là những chân lý rất đơn sơ và trong sáng. Trong thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ Chúa đi rao giảng, thì hầu như chỉ rao giảng về Chúa Kitô, và điều mà các ông thường đòi hỏi những người muốn theo đạo Công giáo, gia nhập Hội Thánh, cũng chỉ là : hãy tin vào Chúa Kitô chịu nạn, chịu chết và đã sống lại. Ai tin vào Chúa Kitô thì kể như đã đủ điều kiện để được rửa tội và được tham gia vào cộng đoàn của Chúa. Rồi cũng trong thời ấy, những sinh hoạt tôn giáo cũng chỉ tập trung vào Chúa Kitô trong ba việc : thứ nhất là thực hiện lễ nghi bẻ bánh, tức là tham dự thánh lễ. Thứ hai là học hỏi những lời Chúa Kitô đã giảng dạy. Thứ ba là thực hiện giới luật yêu thương mà Chúa Kitô đã trối lại.

Các tín hữu thời ấy tuân giữ ba việc đạo đức trên đây một cách xác tín, nghiêm chỉnh và đầy vui mừng phấn khởi. Nhưng càng xa thời các thánh tông đồ, thì những việc đạo đức ấy càng bị thêm bớt, đến nỗi có nơi, có thời, Chúa Kitô trong phép Thánh Thể không còn được chú ý cho bằng các nghi lễ bề ngoài và việc tôn kính các thánh. Sự tôn kính các thánh và giữ lễ nghi được tôn trọng hóa một cách quá đáng, đến nỗi Chúa Kitô trong phép Thánh Thể bị lu mờ đi. Rồi cũng có nơi, có thời, lời Chúa Kitô không còn được chú ý cho bằng lời kinh, lời đấng nọ đấng kia, lời tòa thánh. Lời các vị ấy được quan trọng hóa một cách quá đáng, làm cho lời Chúa bị nhạt đi. Rồi cũng có nơi, có thời, giới luật yêu thương không còn được chú ý cho bằng luật Giáo Hội, luật giáo xứ, luật đoàn thể và các tục lệ. Những luật của con người ấy được quan trọng hóa một cách quá đáng, làm nhạt nhòa đi giới luật yêu thương.

Tình trạng suy thoái, biến chất như vậy, vẫn còn thấy đó đây trong Hội Thánh hôm nay. Và khi nhìn thấy tình trạng này, những người có trách nhiệm thực sự lo sợ, nếu không khéo sẽ rơi vào nguy cơ xa lìa Chúa Kitô, nguy cơ không thực sự thuộc về Chúa Kitô, nguy cơ không phải là người Kitô hữu thực sự.

Chúng ta hãy đặt giả thiết : nếu như hôm nay Chúa Kitô lại xuống thế một lần nữa, sống như một người thường, đến thăm tòa thánh, đến thăm các tòa giám mục, các nhà dòng, các giáo xứ, các gia đình có đạo và từng tín hữu, thì không biết chúng ta có nhận ra Ngài không ? Và nhất là Ngài có nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài không ? Ngài có nhận ra đạo chúng ta hôm nay là đạo của Ngài không ? Bởi vì có những biến chất mà người ta vô tình hay hữu ý đã làm sai đi những điều căn dặn của Chúa Kitô, bởi vì người ta không tập trung vào Chúa Kitô, là của dẫn vào Hội Thánh.

Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem : nếu Chúa Kitô đến đây, lúc này, Ngài có nhận ra chúng ta là những người thuộc về Chúa không ? Ngài có thấy chúng ta tôn sùng Mình Thánh Chúa, chăm chỉ học hỏi lời Chúa và thực hiện giới luật yêu thương không ? Trong ba việc đó, thì việc tôn sùng Mình Thánh và học hỏi Lời Chúa, có lẽ chúng ta đã thực hiện tốt, bằng chứng là sự có mặt của chúng ta ở đây, còn việc thực thi bác ái thì sao ? Đây là việc khó hơn. Bởi vì chúng ta có thể siêng năng rước lễ hoặc có thể quỳ hàng giờ để viếng Mình Thánh Chúa, hay chúng ta có thể bỏ từng giờ để học hỏi lời Chúa. Những việc đó tương đối dễ, nhưng việc thực thi bác ái, thực thi giới luật yêu thương, như tha thứ cho nhau, nhịn nhục nhau, đi thăm viếng những người bệnh tật, giúp đỡ những người nghèo túng, neo đơn, khổ đau, để ý đến những người có hoàn cảnh khó khăn… Đó là những cái rất khó. Nhưng nếu vượt qua được những cái khó đó, chúng ta sẽ trở nên một nhân chứng thực sự của Chúa như Chúa đã nói : “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.

Hơn nữa, hiện nay, giới luật yêu thương là một đòi hỏi, một thách đố có tính cách Phúc Âm hóa. Phúc Âm hóa có nghĩa là nó có sức truyền giáo và tái truyền giáo. Nếu chúng ta có những công trình xây cất đẹp đẽ, có những công lao tổ chức trong Giáo Hội, có những quy tụ đông đảo, linh đình… mà nếu thiếu bác ái, thì tất cả các việc chúng ta làm sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa và giá trị cao đẹp, sẽ không có sức thiêng liêng để huấn luyện chúng ta trở nên những người con đích thực của Chúa, mang dấu ấn của Chúa, và không có đủ sức mạnh thuyết phục được những người khác trở về với đạo của Chúa chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, là ánh sáng chân lý, soi dẫn chúng ta biết đi vào cửa đích thực dẫn vào Hội Thánh, đó là Chúa Kitô, và giúp cho chúng ta có sức mạnh thực hiện điều quan trọng nhất để thuộc về đoàn chiên của Chúa Kitô, đó là thực hiện giới luật yêu thương, thực thi bác ái ở mọi nơi, mọi lúc và với tất cả mọi người.


Giacôbê Phạm Văn Phượng op