Tấm Lòng Vàng
LỜI GIỚI THIỆU
Tấm Lòng Vàng là Tập Tiểu Sử trong đó tác giả đã dùng ngòi bút quen thuộc phác lại đại cương cuộc đời đầy xả kỷ, hy sinh, bác ái của một nguời "Da Đen" mà ngày 6-6-1962 vừa qua, Đức Thánh Cha Gioan XXIII, đã long trọng suy tôn lên Đài vinh quang các Thánh trước mặt 39 Hồng Y, rất đông Giám mục, linh mục, tu sĩ và non 70.000 giáo dân hành hương bởi tứ phương tuôn đến Kinh Thành bất diệt trong dịp này...
Đọc Tấm Lòng Vàng, người ta cảm thấy một niềm vui vô tận, khi nhận thấy trong vườn thiêng liêng của Giáo hội trổ sinh nhiều bông hoa đủ màu sắc làm mát mặt cho kẻ gieo giống vun tưới; Một trong những đóa hoa thơm tho đó chính là Thánh Martinde Porres, trợ sĩ Dòng Đa Minh, một nhân vật trước con mắt người trần tục, không có địa vị, ngôi thứ, hơn nữa, còn thuộc về hạng người "da đen" hèn hạ ! Nhưng trước con mắt linh thiêng của Thiên Chúa, Ngài lại là một nhân vật đáng cho toàn thể nhân loại kính yêu tôn phục, vì lúc bình sinh, Ngài đã dụng tình thi thố lòng quảng đại, bác ái vô biên đối với nhân loại nói chung và những người bệnh hoạn đau khổ nói riêng; Ngài đã bắt chước Thánh PhaoLồ, đồng hóa với những nạn nhân xấu số, để thu hút họ về với Chúa Giêsu (I Cor IX, 22), Đấng đã dạy chúng ta phải cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần mặc, cho khách đỗ nhờ. Ngài đã giơ tay vỗ về kẻ âu lo, thăm viếng người liệt lão, nâng đỡ kẻ già nua, giúp đỡ người túng thiếu, hàn gắn vết thương lòng cho người cô độc bị áp bức ... Đời Ngài có thể tóm trong một câu : Xả kỷ hy sinh, tận tình bác ái !
Martin de Porres thật là đấng Thánh của thời hiện đại mà Chúa Quan phòng đã đặt trước mắt chúng ta để treo cao tấm gương xả kỷ, hy sinh, bác ái đối với người đồng loại. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã gọi Ngài là tướng tiên phong công cuộc bác ái xã hội.
Lạy Thánh Martin ! Xin cầu cho chúng tôi và thế giới được phước noi theo con đường bác ái mà Ngài đã đi khi còn tại thế, để xoa dịu vết thương của bao nhiêu nạn nhân xấu số đang chịu cảnh màn trời chiếu đất ở đây đó.
***
Chúng tôi sung sướng được hân hạnh giới thiệu với độc giả thân yêu Tấm Lòng Vàng trong lúc nhiều người chỉ biết sống theo chủ nghĩa cá nhân ti tiện, đêm ngày tìm phương pháp thi hành chính sách ích kỷ hại nhân. Đọc Tấm Lòng Vàng, độc giả sẽ cảm thấy lòng mình phấn khởi, cố gắng noi gương người xưa để lại...
Trước khi đặt chấm chót, chúng tôi thành thực cảm ơn tác giả đã có nhã ý cho chúng tôi đặng giới thiệu tập sách mà tác giả đã dầy công sưu tầm sử liệu xác đáng. Chúng tôi mong cuốn sách sẽ tới tận tay mọi người, nhất là những ai chuyên môn thi thố lòng từ bi bác ái đối những nạn nhân xấu
số ...
Saigon, ngày 1-7-1962
Rev. Joseph NGUYỄN-TRI-ÂN, O.P
1 Chương I : Nỗi đoạn trường
2 Chương II: Chiến sĩ bác ái tí hon
3 Chương III: Con đường sự nghiệp
4 Chương IV: Ơn Kêu Gọi
5 Chương V: Những Đức Tính Khác
6 Chương VI: Ân Nhân của những nạn nhân xấu số
7 Chương VII: ...Nhưng một trở lực đáng tiếc
8 Chương VIII: Bác ái có trật tự
9 Chương IX: Bác ái đối với loài vật
10 Chương X: Cuộc đời khổ hạnh
11 Chương XI: Tài Xã Giao Và Tâm Sự
12 Chương XII: Đằng Vân .... Độn Thổ
13 Chương XIII: Vượt Trùng Dương Trong Nháy Mắt
14 Chương XIV: Nhà Tiên Tri Kỳ Tài
15 Chương XV: Thầy Martin Với Tài Tiên Tri Cứu Nhân Độ Thế
16 Chương XVI: Lời Tiên Tri Cuối Cùng
17 Chương XVII: Thầy Martin chết, nhưng không hết hoạt động
18 Chương XVIII: VIệc Phải Đến Đã Đến
19 Chương XIX: Trên Đài Vinh Quang
Tấm Lòng Vàng
Chương I : Nỗi đoạn trường
Cuối thế kỷ XVI, Thành Lima, thủ đô nước Peru, còn bị đô hộ. Đây là một thị trấn biên thùy mà phần đông dân cư là những phần tử giang hồ, phiêu lưu, mạo hiểm.
Nạn người bốc lột người, người áp bức người là cả một cảnh thối nát của Lima thời ấy. Những chánh khách gia toàn là bọn con buôn chính trị, dùng quyền lực áp bức người da đen, bắt họ những công tác nặng nề không công, đối xử với thổ dân một cách tàn nhẫn!
Giữa cái xã hội phân chia giai cấp, kỳ thị chủng tộc ấy, ai ngờ lại có mối tình duyên giữa một chàng da trắng thuộc hàng quí phái và một dân da đen trong bọn nô lệ mới được phóng thích!..
Tên chàng là Juan de Porres, dòng dõi Tây Ban Nha, còn nàng la Anna Velásquez quê thành Panama, người địa phương...
Sau những cuộc giao duyên bất hợp pháp, ngày 9-12-1579, Anna Velásquez cho ra đời một mụn con trai nước da giống hệt như mẹ, vì vậy mà Juan de Porres xấu hổ không muốn nhìn nhận cục máu rơi của mình... tệ hơn nữa, từ ngày đó ông còn đang tâm ruồng bỏ cả hai mẹ con, sau khi cho một số tiền để thuê căn nhà lúp túp đường "Thánh Linh" Thủ đô Lima...
Nhìn vào sự kiện thương tâm này, ai là người sáng suốt để nhìn thấy tương lai sáng lạn của đứa con lai ngoại tình? Martin de Porres-tên của em-thật là bất ngờ và họa hiếm trong tiểu sử các Thánh...
Nhìn con, Anna không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ tới người chồng tàn nhẫn. Do lòng kiêu căng và thất tín, Don Juan chẳng thiết tha gì đến tình phụ tử, khinh dễ và coi con như kẻ làm tổn thương đến địa vị, thanh danh của dòng tộc mình!
Nhưng khi hiểu ý Chúa, Anna vui lòng nhẫn nhục trong chức vụ "Làm Mẹ". Nàng đem con đi rửa tội tại nhà thờ thánh Sabastianô [1].
Mặc dù bị đời hất hủi, Anna vẫn bền gan vững chí, không than thân trách phận. nàng cố gắng tần tảo nuôi nấng dạy dỗ con...
Martin de Porres sinh trưởng trong cảnh gia đình tiều tụy, cơ cực, xơ xác như những trẻ da đen nghèo khổ khác ở Lima. đối với những trẻ này, sự khổ cực ấy rất có ảnh hưởng đến sự biến chuyển tính tình, nhiều đứa ra hư thân mất nết. Nhưng đối với Martin de Porres, cảnh nghèo nàn đó lại giúp cho cậu sớm hiểu đời và khinh chê đời, để chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và rộng lòng thương xót nạn nhân xấu số !
--------------------------
[1] Trong sổ rửa tội còn giữ trong công hàm nhà xứ thánh Sebastianô, người ta đọc thấy những dòng chữ sau đây: "Hôm nay, thứ tư, 9 tháng chạp 1579, tôi đã rửa tội cho em Martin, con của người cha vô danh và mẹ là Anna Velásquez mới được phóng thích. Ông Juan de Huesca và bà Anna Escarcena cầm đầu", ký tên linh mục Antonio Polanco