Vai trò của ông bà trong gia đình Việt Nam hiện nay
Trước đây, cũng trên trang mạng này, chúng tôi đã viết một lọat bài về tình trạng gia đình Việt Nam trong thời kỳ bao cấp và hiện nay là tòan cầu hóa.
Viết xong, chúng tôi thấy còn nhiều băn khoăn. Băn khoăn về điều những gì đã nói tới chỉ là cái vỏ bên ngoài, những thay đổi, những biến chứng xấu, những mâu thuẫn giữa các thế hệ, các lứa tuổi trong cùng một gia đình, một xã hội. Nhưng khi những điều này xảy ra như một tất yếu của những biến cố trọng đại của đất nước, làm đảo lộn những giá trị cũ, đồng thời những biến cố này lại kéo theo nó một mẫu thức làm ăn, sản xuất, sinh họat, giao tế từ những tổ chức thuần kinh tế từ một vài nước lớn chỉ đạo, nhất là những thành phần của các tổ chức này, như IMF, WTO, WB đều là những quốc gia không cùng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục với Việt Nam, thì không thể nào tránh được những bất cập. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam vội vã sọan thảo những kế họach phát triển chỉ đơn thuần về kinh tế, bỏ mặc lãnh vực luân lý, văn hóa, giáo dục nhân bản cho nó nổi trôi trên những dòng nước đục của trào lưu trục vật từ phương xa đến. Thành phần giới trẻ không ít người coi đấy là xu hướng mới mang mác ngoại, nên a-dua, bắt chước, đua đòi và coi thường những gì là đạo lý, tôn giáo. Trong khi đó, báo chí hỗ trợ họ bằng nhiều cách, mà cách giới trẻ thích nhất là một lời khuyến khích họ coi như một châm ngôn. Đó là “ Phải thể hiện chính mình” Ở đây là trào lưu mới, cách sống mới. Những biểu hiện tiêu cực xuất hiện trong những năm gần đây là nữ sinh đánh nhau ngòai đường có khi chỉ một lời nói, một cái nhìn nhau không thiện cảm, gay cấn hơn là ghen tuông, tình cảm rồi kẻ đứng ngoài dùng điện thọai di động chụp hình và sau đó là tung lên mạng, coi đó là một cách thể hiện mình !.Cho nên, có thể mạnh bạo mà nói : Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử của dân tộc như giai đoạn hiện nay, mỗi gia đình Việt Nam là một nỗi đau, một bi kịch. Vì vậy, ai là người trong gia đình có thể giúp cho gia đình trẻ không tan vỡ từ những cái nhỏ nhặt nhất đến những khác biệt trầm trọng về truyền thống, về văn hóa giữa những giai cấp mới, nổi lên từ chế độ mới với những thành phần của chế độ cũ, thất thế. Nhưng con cái họ thì lại không quan tâm đến những gì mà cha ông của họ đã đóng góp. Cho nên, đó là những vấn đề khó khăn, hầu như không thể dung hòa.
Cái không thể dung hòa chính là một bên còn có một đời sống nhân bản, còn một bên thì không ! Tuy nhiên còn có một thành phần có thể dung hòa được ít nhiều đối với những khác biệt, mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình Việt Nam hiện nay.
Đó là những ai ?
Không ai khác hơn ngoài Ông Bà, những người chung nhà với con cháu. Những người đã trải qua hai thời kỳ, từ giai đoạn 1945 – 1954 và từ 1954 – 1975. Ngòai ra những bậc ông bà thuộc các thời kỳ này còn trải nghiệm những đắng cay, những bi thảm dưới các thời kỳ Cộng sản từ 1975 đến nay. Vì vậy họ có nhiều kiến thức về những biến chuyển lịch sử của đất nước để mà hướng dẫn con cháu mình trong cuộc sống đạo cũng như đời, hướng dẫn con cháu có những chọn lựa và quyết định một lý tưởng để sống có mục đích hơn là chỉ sống hưởng thụ cho cá nhân mình.Nhưng tiếc thay, có không ít vợ chồng trẻ ở tuổi 40 hay trên dưới 50 phàn nàn rằng ở với ông bà khó dạy con cái. Họ nói, giữa ông bà và cha mẹ đã có những khác biệt, huống chi giữa ông bà và các cháu thì sự khác biệt rộng lớn như thế nào, thì hỏi làm sao ông bà lại muốn các cháu của mình giống như mình được ! Mà nếu con cháu cưỡng lại thì lại xảy ra tình trạng bất ổn trong nhà, ảnh hưởng đến con cháu.Đây là điều có thật và không phải hiếm. Các vị cao niên này thuộc thành phần bảo thủ, ghét những cái mới trong chế độ Cộng sản đã đành mà còn ghét cả những cái mới thời mở cửa. Ngay cả vi tính, các vị này cho rằng chỉ tòan cái xấu. Điều này nếu xảy ra liên tục thì lời phàn nàn trên đây của một số vợ chồng trẻ là đúng. Vì thế, nếu họ đặt nặng việc phải dạy dỗ con cái của họ theo ý của họ thì họ phải tính đến chuyện ra ở riêng một khi họ có thể.Nhưng không phải ai cũng có khả năng làm việc này. Mặt khác, tính đi tính lại, cha mẹ có nhà có cửa là một điều may mắn và hạnh phúc cho con cái. Ở với cha mẹ thì có nhiều cái thuận lợi, cho mình đã đành lại còn cho các con của mình nữa. Chúng được sống với những giá trị tinh thần truyền thống, đại diện gần gũi nhất với chúng là ông bà của chúng, bên cạnh những trào lưu mới mà cha mẹ chúng cũng như nhà trường đang trao cho chúng.Có những cặp vợ chồng trẻ cưới xong là tính chuyện mua nhà ra ở riêng, vì có điều kiện. Nhưng khi có con, họ quay về sống với cha mẹ, nhà thì cho mướn. Đấy là một quyết định có tính toán thiệt hơn một chút.Ở với ông bà còn có những điều lợi ích không tính bằng tiền bạc, cụ thể nhất là nhờ ông bà chăm sóc con cái để họ đi làm.Đôi khi ông bà còn là những người phải chỉ ra cho con và cháu của họ những điều xem ra quá tầm hiểu biết của chúng, nhất là lớp nhỏ, mà chúng đọc được ở đâu đó. Chẳng hạn những câu thành ngữ như : Gậy ông đập lưng ông, Nói một đàng làm một nẻo, Trên đe dưới búa, Trên đồng cạn dưới đồng sâu, Tiên học lễ hậu học văn v.v…Với những đứa trẻ 8, 9 tuổi thì chúng không thể hiểu được những thành ngữ này. Nhưng chúng đang ở cái tuổi hay hỏi. Cho nên, ông bà cần bổ sung thêm những hiểu biết và kinh nghiệm của mình mà cha mẹ của các cháu khi trả lời những câu hỏi của con cái họ còn thiếu sót.Vì vậy, chính ông bà là những kiến thức sống, những cuốn từ điển sống để mang lời đáp cho con cháu khi chúng hỏi. Ông bà có những cái cũ cần giữ nhưng cũng có cái cần bỏ. Cái mới cũng thế, không phải cái mới nào cũng hay cả hay xấu xa cả, cho dù nó mang tính văn hóa từ phương xa.
Điều này luôn luôn là cần thiết và hữu ích khi một gia đình có 3 hay 4 đời chung sống. Thật là mẫu mực và lý tưởng khi ông bà được con cháu quý trọng. Ngược lại, ông bà biết tôn trọng con cháu cùng những ý thích, những chọn lựa mà đôi khi rất khác biệt với mình. Ông bà chỉ cần con cháu bảo tồn một điều. Đó là việc lấy nhân nghĩa làm đầu, thực thi công bình và bác ái. Hãy cúi mình xuống với những người khốn khổ và ngẩng đầu lên với quyền lực, bất khuất trước uy vũ.Ông bà cũng nên lấy tình thương mà đối xử với con cháu, không nên khiêm khắc quá với chúng nhất là không dùng roi vọt và la lối khi chúng tỏ ra bướng bỉnh. Hãy gần gũi với chúng, vì tuổi trẻ rất cần tình thương và cho chúng thấy ông bà quan tâm tới chúng. Nhưng cũng có lúc ông bà cần “lánh mặt” như thể không lưu ý đến chúng để xem chúng thể hiện cá tính của chúng như thế nào. Đấy là vấn đề gai góc, cần đến cái Dịch tính nơi ông bà. Mặt khác, cũng còn vấn đề tâm lý của từng thời kỳ phát triển nơi trẻ em mà ông bà và các người làm cha mẹ cần biết đến để giúp cho trẻ phát triển một cách điều hòa và bình thường.
Các gia đình trẻ Công giáo cần đến ông bà quan tâm, giúp đỡ con cái của họ nhiều nhất là vấn đề đi lễ và học giáo lý. Có những lúc ông bà cần ngồi với các cháu để dạy các kinh thường đọc cũng như cùng với các cháu ôn bài giáo lý các cháu đang học.Nếu chỉ trông vào cha mẹ của các cháu thì rất thiếu sót, vì họ không có thì giờ. Ông bà mà trễ nải lại không chú tâm vào điều này thì các cháu sẽ lơ là và không muốn học giáo lý nữa, có chăng là xong lớp Chịu Lễ Lần Đầu và Thêm Sức, sau đó thì thay vì đến nhà thờ, chúng vào các tiệm vi tính để cúi mặt vào các trò bạo lực.
Khải Triều