ĐÊM TỐI CỦA NIỀM TIN



Ông Phê-rô và các môn đệ khác hẳn đã rất đỗi kinh ngạc về phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi sống đám đông dân chúng như bài đọc tuần trước ta đã nghe. Trong con mắt của nhiều người, Đức Giê-su hẳn là Đấng Mê-si-a, là Đấng phải đến. Nhưng cũng với những con mắt ấy, họ nhìn Đức Giê-su như là một Đấng quyền năng, một nhà lãnh đạo chính trị hơn là Đấng Cứu Độ trần gian (x. Ga 6,15). Chính vì thế, Đức Giê-su đã giải tán đám đông ngay sau khi cho họ ăn no. Đến đây, vấn đề gợi ra là ông Phê-rô hẳn đã tin nhận Đức Giê-su là Đấng quyền năng, là người được Thiên Chúa sai đến. Thế nhưng để có thể thốt lên lời tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) - lời tuyên xưng căn tính của Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Tối Cao, ông còn phải trải qua những kinh nghiệm khác về niềm tin của mình. Rõ ràng nhất, ông đã gặp thấy đêm tối của niềm tin. Các nhà thần học tâm linh đã nhắc nhở mọi tín hữu rằng bất kỳ ai cũng có thể gặp thấy những khoảnh khắc đêm tối của niềm tin.

Đêm tối của niềm tin do không thấy Chúa

Đứng lẫn trong nhóm các môn đệ, ông Phê-rô và những người khác đã hoảng sợ và la lên “ma kìa” khi nhìn thấy bóng người đi trên biển. Tình cảnh khó khăn của các môn đệ là tiền đề cho những gì diễn ra sau đó. Sự kinh hãi không luôn luôn khởi đi từ kinh nghiệm khốn cùng của con người. Ở đây, chúng lại xảy ra khi Thiên Chúa ra tay can thiệp. Sự kém cỏi của các môn đệ không phải là chuyện họ tin vào ma quỷ, nhưng là vì họ ít hướng lòng về Đức Giê-su. Họ chẳng mảy may nghĩ rằng Đức Giê-su có thể can thiệp và giải cứu họ khỏi cơn bão tố. Có thể họ đã tràn trề hy vọng khi chứng kiến phép lạ, nhưng khi bản thân bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn, họ chỉ biết kêu cứu trong sợ hãi, và ngỡ rằng có bóng ma đang đến. Phản ứng của các môn đệ là phản ứng tự nhiên của con người khi chứng kiến những hiện tượng siêu nhiên xảy ra bất thình lình mà không lý giải được. Tất nhiên những hiện tượng ấy không bởi ma quỷ, chỉ là sự can thiệp của Thiên Chúa. Nhưng cho dù người ta biết chắc là do Thiên Chúa, đôi lúc họ cũng không khỏi sợ hãi. Điều này đã xảy ra với ông Gia-cóp tại Bết Ên (St 28,17-19), với ông Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3,6), với dân Ít-ra-en tại núi Si-nai (Xh 20,18-20), với ông Ghít-ôn (Tl 6,22-23), và còn nhiều người khác nữa.

Đêm tối của niềm tin ngay lúc ta có Chúa

Thêm nữa, đêm tối của niềm tin cũng có thể xảy ra ngay giữa những lúc ta tưởng đang bước đi trong ân sủng của Chúa. Với Phê-rô cũng vậy, những tưởng đang bước đi trên sóng nước, trước mặt Đức Giê-su, theo lời cho phép của Người, thì ông lại đang chìm dần. Giải thích những điều này, các nhà chú giải Kinh thánh cho rằng, nếu Phê-rô tiến về phía Đức Giê-su, mắt hướng về Người, thì ông mới bước đi vững vàng trên mặt nước. Nhưng một khi ông nghĩ mình có khả năng và sắp thành công, ông rời mắt khỏi Đức Giê-su và bắt đầu nhìn mọi thứ theo kiểu con người. Cảm giác đứng vững trên đỉnh ngọn sóng giữa cơn ba đào khác xa với việc đứng yên giữa lòng thuyền. Ở đây, ông Phê-rô trong cùng một lúc, không cảm nhận sức mạnh của ngọn gió và sức mạnh của Đức Giê-su. Chính vì thế ông thấy mình đang dần chìm và hãi hùng trong khi chẳng có chi nguy hiểm vì Đức Giê-su hiện diện nơi đây. Đức Giê-su đã từng nói rằng những kẻ tin tưởng và vâng nghe Người có thể làm những phép lạ và thi thố quyền năng trên cả thiên nhiên, nhưng nếu họ lo lắng và nghi ngờ, họ sẽ thất bại. Lúc sắp chìm, ông Phê-rô đã khẩn cầu và đã được cứu. Ông không nói nhiều, chỉ một lời kêu xin vắn tắt, tâm thành và tín thác vào Đức Giê-su. Bất cứ khi nào tín hữu cầu nguyện, Đức Giê-su cũng ở gần bên và ra tay trợ giúp như Người đã làm với ông Phê-rô.

Giữa đêm tối, cần sự vững tin

Đức tin của các môn đệ có thể xao động, nhưng Đức Giê-su thì không bao giờ đổi thay. Ngay lập tức, Người đưa tay ra và nắm lấy ông Phê-rô. Ta thấy đầu tiên Đức Giê-su cứu ông, và sau đó Người đã sửa ông: “Thật kém lòng tin.” Kế tiếp Người lại nói: “Sao lại hoài nghi?” Hạn từ “hoài nghi” trong tiếng Hy-lạp, dùng chỉ một người đang đứng giữa ngã ba đường hoặc giữa hai chọn lựa, vì thế họ phân vân, không xác quyết và bối rối. Ở đây, thông qua những lời khiển trách, Đức Giê-su như muốn dạy cho các môn đệ một bài học. Họ thấy Đức Giê-su đi trên nước, và họ không nên lấy làm lạ vì chuyện này. Người đã từng hoá bánh nuôi đám đông dân chúng, chẳng lẽ Người lại không có quyền năng trên sóng biển và bão tố sao? Nhưng khi ông Phê-rô bước đi bên mạn thuyền, các ông nhận thấy Chúa có thể thi thố quyền năng Người cả nơi các môn đệ, một khi họ gắn kết chặt chẽ với Chúa, tin, phó thác vì Người là Chúa, và vâng nghe những mệnh lệnh của Người.

Xa hơn, sự kiện “gió lặng” đã cho thấy sức mạnh và quyền năng của Đức Giê-su. Liền tiếp sau bài học về niềm tin, lúc này bão tố mới lặng yên (chứ không phải khi ông Phê-rô đi trên mặt nước). Đức Giê-su đã biểu lộ tình yêu và lòng từ ái dành cho các môn đệ qua việc đến với họ, xoá tan nỗi sợ hãi, và dạy họ đừng bao giờ dao động trong niềm tín thác vào Người. Dẫu các môn đệ có vẻ không kinh ngạc khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều cho 5.000 người ăn, nhưng bây giờ họ đã buột miệng tuyên xưng niềm tin: “Ngài thực là Con Thiên Chúa.” Và ta nhận ra, hạn từ “Con Thiên Chúa” được các môn đệ tuyên xưng lần đầu ở đây chỉ bởi sự thúc đẩy tự nhiên trước điều mà các môn đệ chứng kiến. Sau đó họ mới dần nhận ra Người là Đấng Mê-si-a. Quả thật, lời tuyên xưng và tán dương này cũng chính là lời xác nhận, vượt xa lúc trước, khi Đức Giê-su dẹp yên bão tố và các môn đệ đã “ngạc nhiên và nói: Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?” (8,27). Cảm nhận của họ về Đức Giêsu đã tiến xa hơn nhờ việc theo sát Người. Cũng vậy, nẻo đường tâm linh của ta cũng thăng tiến khi ta sống thiết thân với Đức Ki-tô hơn.

Tóm lại, chẳng ai dám vỗ ngực tuyên xưng mình có đức tin kiên vững. Ngay khi chúng ta tưởng chừng đã bám chắc vào Chúa thì những đau khổ, cám dỗ trần gian có thể lại làm chúng ta không còn nhìn thấy Chúa đâu hết. Thậm chí giữa những lúc ta cảm thấy Chúa gần bên, bóng tối của lòng tin và nỗi hoang mang lạc mất Chúa cũng không vì thế mà biến mất. Tắt một lời, hành trình theo Chúa không luôn suông sẻ, dễ dàng. Điều quan trọng là noi theo những lời dạy của Đức Giê-su, chúng ta luôn tin tưởng rằng dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa cũng sẽ luôn ra tay trợ giúp chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để trong những lúc khó khăn như vậy, ta luôn xác tín Chúa vẫn đang nói cùng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”


Học Viện Đaminh