Sức mạnh nội tại của nước Chúa

Thứ Ba sau Chúa Nhật XXX Thường niên A

Lời Chúa: Lc 13,18-21



18Vậy Người nói: "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được." 20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột (Lc 13,21)

Suy niệm:


Ngày nay khi nhìn vào Giáo hội đông đảo phồn thịnh đang có mặt khắp nơi với uy tín đáng kể về nhiều mặt, mấy ai lại nghĩ tới cái quá khứ xa xưa khi Hội Thánh mới khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ, nhóm 12 tông đồ. Hội Thánh đã được khởi sự từ một thiểu số người đơn sơ, chất phác thậm chí không một chút uy thế trong xã hội.

Hình ảnh hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình, nó mọc lên và trở thành cây to, chim trời đến nương náu trên cành diễn tả được phần nào việc Nước Thiên Chúa đã trải qua một quá trình tăng trưởng. Sự tăng trưởng này được ví như một lực, một sức mạnh, không tỏ rõ nhưng vẫn đang ngấm ngầm hoạt động mạnh mẽ, khác nào như nắm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột cho tới khi tất cả khối đều dậy men.

Chúa Giêsu và các môn đệ, chính là Giáo hội đã thành hình. Các Ngài là một nhóm tí hon, là một hạt giống. Trong hạt giống này đã có mầm mống của tất cả những gì Hội Thánh sẽ phát triển và lớn lên. Trong dòng lịch sử Hội Thánh, để hướng dẫn đà tăng trưởng mình, Hội Thánh luôn luôn theo định luật trung tín, lòng trung tín đối với điều Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Tin Mừng.

Ngày xưa dân Chúa trong Cựu Ước đã từng phải gắn bó với Giavê bằng những lời tuyên xưng bày tỏ thái độ của Giavê hơn các thần minh khác. Họ phải làm việc ấy cách đặc biệt khi gặp khó khăn thử thách. Thì ngày nay Hội Thánh vẫn muốn cho tín hữu thấy rằng nếu như hạt cải không một sớm một chiều trở thành cây to tát mà phải trải qua thời gian đôi khi khắc nghiệt, thì đời sống thiêng liêng cũng đòi kiên trì mới đạt được tầm vóc trưởng thành. Bao lâu ở trần gian này, người ta vẫn phải nuôi hy vọng.

Thánh Phaolô hiểu được như thế, Ngài đã nói với tín hữu Rôma rằng: Tôi nghĩ những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo với hy vọng sẽ được giải thoát khỏi cảnh nô lệ sự hư nát và được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa và như thế sự cứu độ sẽ đến từ niềm cậy trông.

Sau cùng, chúng ta còn khám phá ra điều này: Hội Thánh có một vai trò làm men trong thế gian. Men sẽ hiệu năng nếu nó không bị biến chất hoặc suy giảm. Nó phải tan hòa trong nắm bột, song phải làm cho bột “dậy men” chứ không để bột bóp chết. Hội Thánh trong thế giới, người Kitô hữu trong thế gian sẽ là những chất men nếu họ hoạt động trong môi trường mà không để ngột ngạt vì môi trường.

Sự hiện diện của của Đức Kitô trong Thánh Thể quả thực là một mầu nhiệm có sức biến đổi tâm hồn yếu đuối của chúng ta nên tươi tốt và lớn mạnh.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những phận người đơn côi, sống thiếu vắng tình yêu, vẫn còn đó những phận người đói rách lầm than. Họ đang cần chúng con gieo vào trong tim họ tình yêu thương giữa người với người. Họ đang cần chúng con gieo vào trong cuộc đời họ niềm vui và hạnh phúc, qua những nghĩa cử yêu thương và cảm thông của chúng con. Xin Chúa cho chúng con được tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho chúng con được mục nát đời mình qua những hy sinh, những nghĩa cử bác ái thắm đượm tình Chúa tình người. Xin cho chúng con biết ở lại trong Chúa và mang Chúa đến cho mọi người mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày. Xin cho chúng con cũng trở nên hạt giống gieo trồng cây yêu thương, cây hạnh phúc vào trong nhân thế.