Chúa nhật I Màu Vọng
MONG ĐỢI !
Is 2, 1-5; Rm 13, 11-14a; Mt 24, 37-44
Ngày còn bé nhà rất nghèo. Gia đình sống bằng cái nghề may quần áo gia công cho chủ. Nhà nghèo nên rồi cứ phải chìm đắm trong cái phận “ăn trước trả sau” nghĩa là trong tháng ra chợ ăn – ghi sổ để cuối tháng lãnh lương trả lại. Có những tháng thất nghiệp coi như phải ăn độn cơm với khoai. Thi thoảng có người Dì ở nước ngoài “tài trợ” cho thùng thuốc M79D.
Thời đó làm gì mà gửi tiền về Việt Nam như bây giờ. Lên Hai Bà Trưng lãnh được thùng thuốc thì có thương lái chờ sẵn đó để sang tay ngay và lấy tiền về nhà để chi trả. Gọi là lãnh thuốc chứ có bao giờ lấy thuốc về dùng đâu. Nghèo, tiền ăn không có đủ chứ huống hồ chi nói đến chuyện thuốc men. Chạy ăn ngày ba bữa mà không ăn cơm độn đã là khá rồi.
Dăm ba tháng, Dì gửi về cho thùng thuốc và Mẹ đi bán. Ngày mà Mẹ đi lãnh quà nước ngoài thì từ sáng cho đến chiều chẳng làm được gì cả ngoài cái chuyện ngóng Mẹ về. Biết rằng, dù nghèo, dù phải trang trải nợ nần nhưng Mẹ luôn mua cái gì đó cho con cái. Khi thì được cái áo thun cá sấu, khi thì được cái quần jean Levi’s. Cái tâm trạng chờ đón Mẹ vẫn còn mãi cho đến ngày hôm nay.
Và, ngày hôm nay cũng thế, có dịp nào đó mà có ai hứa cho quà thì cứ phải ngóng, phải chờ. Vì được quà mà, ai chẳng thích. Vì thích nên cứ ngóng cứ chờ đến lúc có quà trong tay.
Tâm trạng chờ đợi, tỉnh thức là như thế ! Ai đã một lần tỉnh thức để chờ quà của mẹ, của cha, của người thân yêu sẽ cảm thấy rất vui.
Khởi đầu mùa Vọng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta một thái độ tỉnh thức hết sức rõ ràng, hết sức thẳng thắn. Thái độ tỉnh thức chờ đợi ấy được gợi lên trong Tin Mừng theo Thánh Máccô. Chúa Giêsu, khi nói với các môn đệ về việc tỉnh thức thì Ngài nói thẳng : "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!"
Rõ ràng, Chúa Giêsu nói một cách cũng dễ hiểu chứ không khó. Chủ đi xa để rồi đâu biết lúc nào về và vì thế, đầy tớ phải thức để canh chủ chứ chẳng bao giờ có có chuyện chủ phải canh tớ cả.
Tỉnh thức mà Chúa Giêsu ví von cho dễ hiểu ấy mời gọi mỗi người chúng ta bước đi một bước xa hơn nữa đó là tỉnh thức để chờ đợi ngày mà Chúa, là Chúa, là Chủ của cuộc đời ta đến với ta.
Thật sự, nhìn tất cả những biến cố trong cuộc đời, trong ngày sống, trong hiện tại của chúng ta chúng ta đã, đang và sẽ còn thấy những cuộc ra đi rất lạ lùng, những cuộc ra đi thật bất ngờ. Thiên Chúa đến là chỗ đó đó.
Quá nhiều và quá nhiều lời đồn đãi về ngày tận thế nhưng rồi ngày đó vẫn chưa đến. Có người nói này nói nọ và đoán này đoán kia về ngày tận thế nhưng thực ra ngày mà Chúa đến với mỗi người là ngày tận thế rồi.
Câu chuyện 11 tháng 9 phải chăng là câu chuyện để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Tất cả những nạn nhân trong ngày 11 tháng 9 họ đâu có làm gì nên tội nên tình trong ngày ấy. Họ sinh hoạt hết sức bình thường như mọi người thế nhưng đến cái giờ đó họ ra đi không một lời trăn trối.
Hay là chuyến xe đi Đại Hội Thánh Mẫu cách đây hơn 2 năm cũng vậy. Họ đi dự Đại Hội Thánh Mẫu, họ đi làm việc đạo đức đó mà, nhưng tại sao họ lại ra đi bất ngờ như thế.
Gần nhất là vụ động đất ở Nhật Bản trong năm vừa qua. Tất cả không ai có thể ngờ được ngày đó là ngày cuối cùng của đời họ.
Tất cả những biến cố xảy ra chung quanh đời ta mỗi ngày và mỗi giờ là dấu chỉ ngày Chúa, Chủ đời ta đến đấy.
Thái độ chúng ta như thế nào vào cái giờ, cái ngày mà Chúa đến vẫn tùy thuộc vào lựa chọn, vào lối sống của ta.
Anmai, CSsR