Thấy và tin

Thứ Ba ngày 27.12.2011

Lời Chúa: Ga 20,2-8



Bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." 3Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. 5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8)

Suy niệm:


“Tin Mừng hôm nay nói đến một sự trống rỗng. Được Maria Mađalêna thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ. Hai người không còn thấy xác Chúa Giêsu trong ngôi mồ nữa. Nhưng nhìn thấy cảnh tượng đó, Gioan đã tuyên bố “Ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng. Đó là sứ điệp Gioan muốn gởi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ ? Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Hài nhi Giêsu đã giáng sinh ? Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa: Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy.

Mừng lễ Thánh Gioan hôm nay, điều mà chúng ta học được ở nơi vị Tông đồ là đức đồng trinh. Sự đồng trinh cao quí của Gioan đã làm chính Chúa Giêsu yêu mến. Trong Tân ước, chúng ta thấy là Chúa Giêsu nghiêng hẳn về nhân đức này. Những người sống gần Ngài nhất đều sống đồng trinh như Chúa. Gioan tiền hô, Đức Mẹ, Gioan tông đồ. Chính Chúa Giêsu đã căn dặn giữ đức đồng trinh vì nước trời (Mt 19,10).

Đức đồng trinh được các giáo phụ coi là bậc sống cao cả. Các Ngài gọi đức đồng trinh là “Vinh quang của thân xác Chúa Kitô”. Các Ngài đánh giá đức đồng trinh như tử đạo, là nhân đức Thiên thần, là trở về với đời sống vô tội nơi vườn địa đàng.

Đức Piô XII trong hiến chế đào tạo linh mục số 10B đã bác bỏ một số sai lầm và Ngài quả quyết đức đồng trinh không đi ngược bản năng, không làm khô héo con tim, không ngăn cách trần gian mà ngược lại:

Đó là phương thế tận hiến và kết hợp với Chúa cách độc nhất, không bị chia sẻ, tâm hồn hoàn toàn tự do. Đó là dấu chỉ mạnh mẽ của đức ái.

Đức đồng trinh là dấu chỉ đời sống ngày mai sẽ phục sinh. Nó biểu trưng sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội trên trời. Đức đồng trinh mở mắt linh hồn nhận rõ hơn hạnh phúc nước trời (GH 42 c.16 LM.10. PC 12). Người giữ đức đồng trinh giúp tâm hồn tự do, hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa và các linh hồn. Thánh Phaolô viết: “Ai không lập gia đình thì chăm lo việc Chúa còn ai đã có thì chăm lo việc đời và tìm cách làm đẹp lòng mình và bị phân tâm” (Lc 7,32).

Muốn giữ đức đồng trinh, người ta phải có hàng rào bốn phía là khiêm hạ, khổ chế, làm việc và Thánh Thể.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã Giáng sinh vì yêu thương chúng con và cứu độ chúng con. Suốt cuộc đời tại thế Chúa cũng đã yêu thương và huấn luyện các Tông đồ đi trên cùng một con đường: đường yêu thương; và rồi chính các Tông đồ phải biết sống niềm tin và củng cố niềm tin cho người khác. Xin cho chúng con cũng biết bám chặt vào Chúa trong tin yêu và hy vọng, niềm tin được nuôi dưỡng bằng một tình yêu trong sáng.