-
Moderator
T - THÁNH LỄ GIAO THỪA
THÁNH LỄ GIAO THỪA
Chủ đề: Bình an và hạnh phúc trong tay Chúa
• Các bài đọc Cựu Ước: St 1,14-18; Ds 6,22-27
• Các bài đọc Tân Ước: 1 Cr 7,29-31; Gcb 4,13b-15
• Ðáp ca: Tv 8; Tv 48; Tv 89
• Tin Mừng: Mt 6,31-34; Lc 12,35-40
Tất cả các bài đọc này đều quy về ý tưởng bình an và hạnh phúc.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Một năm cũ sắp trôi qua và một năm mới sắp đến. Trong khoảng khắc giao thừa giữa cũ và mới này, chúng ta đến với Chúa, Ðấng Tạo dựng muôn loài, Ðấng làm chủ thời gian, để tạ ơn Ngài về 365 ngày sắp qua, và xin Ngài giúp chúng ta biết sử dụng 365 ngày sắp đến theo đúng thánh ý Ngài.
II. Gợi ý sám hối
•Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì đã phí phạm rất nhiều thời giờ để không làm gì cả hoặc làm những việc xấu mất lòng Chúa.
•Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì trong năm qua chúng ta chưa phụng thờ Chúa cho xứng đáng.
•Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì trong năm qua chúng ta chưa hết lòng yêu thương anh chị em đồng loại.
III. Gợi ý giảng
1. Trời tuôn ơn phước (Mt 5,1-10)
Thiên hạ bình và Trời tuôn ơn phước
Ðêm ba mươi co cẳng đạp thẳng bần ra cửa.
Sáng mồng một giang tay bồng ông Phước vào nhà.
Mùa Xuân, ngày Tết, ai cũng mong nhận được nhiều phước, nên ai cũng chúc cho nhau nhiều tài nhiều lộc, nhiều tiền, nhiều của. Những người có tín ngưỡng thì tin rằng may mắn, tiền của là sự chúc lành của Ðấng Bề Trên.
Chúa chúng ta cũng dạy ta phải cầu xin để được Chúa ban lương thực hằng ngày. Nhưng Chúa cũng dạy con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn sống và được hạnh phúc vì những giá trị tinh thần nữa. Bởi vì con người không chỉ thuần là vật chất, mà còn là loài khao khát cái vô biên.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa chúc phúc cho những người có tâm hồn nghèo, không ham lợi lộc vật chất, vì nước Thiên Chúa là của họ. Những người hiền lành là có phước vì họ sẽ nhận được Ðất Hứa. Chúa cũng chúc phúc cho những ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phước cho người khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho no lòng thỏa dạ. Phước cho người hay thương xót người khác, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Chúa còn cầu phước cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phước cho người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Phước cho ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.
Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện.
Ðều dâng lên cho đến chín tầng mây
Hơi xuân ấm mĩ vị hơn dạ yến.
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay...
Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ:
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm.
Mà ta ngỡ đấng Tiên Tri muôn thuở
Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc âm.
Cùng với nhà thơ Hàn Mạc Tử, trong giây phút giao thừa linh thiêng giữa năm cũ và năm mới, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện và lắng nghe những lời chúc phước của "Ðấng Tiên Tri muôn thuở", đem áp dụng những lời chúc đó vào cuộc sống hàng ngày, thì suốt năm nay, chúng ta sẽ được dồi dào ơn phước. (CgvDt, Số đặc biệt Giáng sinh '99)
2. Suy nghĩ về thời gian (Bài đọc I: 1 Cor 7,29-31; hoặc Gcb 4,13b-15)
Chúng ta đang tham dự Thánh Lễ Giao Thừa. Theo chữ Nho, "giao" là trao, còn "thừa" là nhận lãnh để tiếp tục. Trao nhận cái gì và ai trao, ai nhận? Thưa năm cũ trao thời gian lại cho năm mới đón nhận và tiếp nối. Bởi vậy, khoảng khắc gian giao thừa này là lúc rất thích hợp để chúng ta suy nghĩ về thời gian.
Xin mượn một câu chuyện kể để làm điểm tựa cho chúng ta suy nghĩ: có một chàng thanh niên đang đứng dưới gốc cây để chờ người yêu. Anh cứ ngó chiếc đồng hồ và sốt ruột vì chưa tới giờ hẹn. Anh đứng ngồi không yên, cứ đi đi lại lại hoài. Anh mong sao cho thời gian qua nhanh đề người yêu sớm đến. Bỗng một vị tiên hiện ra ban cho anh một chiếc đồng hồ đặc biệt, hễ xoay tới một vòng là thời gian tiến nhanh như mình mong muốn. Nhưng vị tiên căn dặn anh chớ nên lạm dụng chiếc đồng hồ ấy. Vị tiên vừa biến đi là anh chàng vội vàng vặn đồng hồ, và người yêu liền đến. Hai người ôm nhau tha thiết. Nhưng chỉ ôm nhau thì chưa thỏa lòng, anh chàng lại muốn mau tới ngày cưới để hai người được sống mãi bên nhau. Anh lại vặn đồng hồ nữa, và thấy mình đang đám cưới. Vẫn chưa thỏa mãn, anh lại muốn mau có con, nên lại vặn, và thấy mình có con. Rồi anh muốn con mình mau lớn. Lại vặn đồng hồ và thấy con mình đã lớn. Nhưng nó chưa có sự nghiệp, chưa có gia đình. Ông lại vặn đồng hồ - bây giờ thì tôi gọi anh chàng kia bằng ông vì lúc đó người này đã khá nhiều tuổi - ông vặn đồng hồ thì thấy con mình có nghề nghiệp, có gia đình. Ông lại muốn có cháu để bồng, rồi lại muốn có chắc, chút, chít... cứ thế ông vặn, vặn, vặn và thời gian cứ tiến tới vùn vụt. Một hôm ông không vặn nổi chiếc đồng hồ ấy nữa và chợt khám phá mình đã quá già, đang nằm trên giường hấp hối. Khi đó ông mới sực nhớ lời khuyến cáo của vị tiên là chớ nên lạm dụng chiếc đồng hồ kỳ diệu ấy. Nhưng khi đó hối tiếc thì đã muộn. Bây giờ ông gần chết rồi mà hầu như chưa hưởng được những niềm vui của tuổi thanh xuân. Ông tiếc vô cùng. Ông lấy hết sức tàn còn sót lại để vặn ngược chiếc đồng hồ. Ông có vặn nổi không? Không nổi nữa rồi. Nhưng ông lại cố sức một lần nữa. May thay lần này ông thành công. Ông thấy mình trở lại thành một người thanh niên đang đứng dưới gốc cây ngày xưa chờ người yêu. Mặc dù chưa tới giờ người yêu đến, nhưng anh - bây giờ ta lại gọi người ấy bằng anh vì người ấy đã trẻ lại - anh không sốt ruột nữa. Anh đưa mắt nhìn những khóm hoa chung quanh, lắng tai nghe tiếng chim hót trên cành, hít thở những luồng gió mát ngoài đồng nội. Và anh thấy cái giây phút hiện tại đẹp quá, hạnh phúc quá...
Ngụ ý của câu chuyện rất rõ: hãy biết xử dụng thời gian hiện tại, hãy tận hưởng những niềm vui của hiện tại, và hãy làm những việc phải làm của hiện tại.
Bài học này tuy đơn sơ nhưng rất hữu ích.
• Có những người, nhất là những người trẻ, chỉ lo ngóng tới tương lại; ngược lại, có những người, đặc biệt là những người già, chỉ nhớ về quá khứ. Còn hiện tại thì ít ai để ý tới. Nhưng mà thời gian hiện tại mới chính là thời gian có ý nghĩa và giá trị nhất, vì quá khứ có ích gì nếu không trở thành kinh nghiệm để ta áp dụng cho hiện tại được tốt hơn; và tương lại sẽ chẳng ra sao hết nếu không được xây dựng bằng hiện tại bây giờ.
• Trong việc làm ăn, nhiều người cứ mãi chần chờ do dự: "Ðợi sau này có chút vốn, tôi sẽ làm thế này, làm thế nọ"
• Trong việc chăm sóc gia đình, nhiều người vạch ra biết bao dự định tốt đẹp: con cái đang hư dần trước mắt mà không lo sửa dạy ngay, cứ ngồi đó mà vẽ ra những dự định: "sau này, tôi sẽ dạy dỗ con cái cách này cách nọ"
• Trong việc sống đạo cũng thế, nhiều người nguội lạnh, rối rắm, khi được người khác nhắc nhở đã trả lời: "Bây giờ đang túng thiếu quá, rất bận làm ăn, đợi tới khi khá hơn sẽ trở lại nhà thờ"; "Bây giờ trong nhà còn nhiều chuyện rắc rối phải giải quyết, đời khi giải quyết xong sẽ tính tới chuyện linh hồn". Bởi vậy có chuyện sau đây: một hôm các quỷ họp ban tham mưu để vạch ra kế hoạch cám dỗ cho loài người mất linh hồn. Một tên quỷ đưa ý kiến "Ta hãy nói với họ là Chúa rất nhân từ, cứ phạm tội rồi xưng tội, Chúa sẽ tha hết". Ý kiến ấy không được chấp thuận. Tên khác đề nghị "Ta hãy nói với họ là không có Thiên Chúa, không có thiên đường hỏa ngục gì ráo". Ý kiến này cũng không được coi là hay nhất. Cuối cùng chính Luxiphe đưa đề nghị và mọi quỷ đều coi là tuyệt vời nhất, hữu hiệu nhất. Cám dỗ hay nhất ấy là "Hãy nói với người ta rằng có Thiên Chúa, có thiên đường, có hỏa ngục, nhưng còn lâu lắm họ mới chết, nên đừng vội ăn năn sám hối".
Một năm đã trôi qua, chắc hẳn chúng ta đã làm mất biết bao nhiêu thời giờ của 365 ngày qua để không làm gì hết hoặc chỉ làm những việc phụ thuộc hay những điều tội lỗi. Trong giây phút giao thừa này chúng ta hãy xin Chúa tha thứ vì điều đó. Và năm mới sắp đến, Chúa lại ban cho chúng ta thêm 365 ngày nữa. Chúng ta hãy cám ơn Chúa, hãy đón nhận thời gian Chúa ban và cố gắng xử dụng tốt khoảng thời gian mới này, xử dụng tốt từng ngày từng phút từng giây để lo làm ăn chăm chỉ lương thiện, để chăm sóc gia đình và nhất là để lo sống đạo. Nhưng thế nào là xử dụng tốt thời giờ Chúa ban? Thưa là từng phút giây lo chu toàn những bổn phận của mình với hết tâm tình yêu thương, bởi vì, như một chùm câu châm ngôn mà tôi xin trích đọc để kết thúc bài chia xẻ đơn sơ này:
"Thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu." Chúng ta hãy bình tĩnh chu toàn bổn phận với tâm tình yêu thương trong từng giây phút của thời gian hiện tại.
3. Ðừng lo (Mt 6,25-34)
Quyển sách mà Phụng vụ luôn trích đọc mỗi ngày một đoạn trong Thánh lễ, ngày xưa người ta gọi là "Sách Ê vang", nhưng gần đây người ta gọi là "Sách Phúc âm", còn bây giờ càng ngày người ta càng thích gọi nó là "Sách Tin Mừng". Tại sao vậy? Thưa vì quả thực quyển sách ấy chứa đựng rất nhiều tin làm cho ta vui mừng. Chẳng hạn như đoạn mà chúng ta vừa mới nghe. Chúa Giêsu bảo "Chúng con đừng lo". Câu này đúng là một Tin Mừng.
Nhưng trước khi nói tới sự mừng, xin được phép nói đôi lời về sự lo.
1. Khi suy nghĩ về sự lo, tôi khám phá rằng con người chúng ta là sinh vật duy nhất hay lo. Hãy quan sát chung quanh ta, đất đá đâu có biết lo, cây cối cũng không biết lo và thú vật cũng không bao giờ lo. Ðúng như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng này "Hãy xem chim trời...Hãy nhìn hoa huệ... Chúng không hề lo lắng gì cả".
2. Tại sao con người chúng ta hay lo? Và chúng ta thường lo về những điều gì?
• Trước hết chúng ta hay lo vì chúng ta còn quá vấn vương với quá khứ. Một người trong quá khứ đã từng thi rớt thì sẽ lo nhiều khi sắp sửa đi thi lần nữa. Một đứa con thấy hôn nhân của cha mẹ và anh chị nó thất bại thì sẽ rất lo khi tới phiên nó lập gia đình. Ðã hẳn quá khứ cũng có phần nào ảnh hưởng trên hiện tại và tương lai. Nhưng ảnh hưởng đó không phải bao giờ cũng xấu cả. Người ta thường nói "Thất bại là mẹ thành công". Chính vì đã có kinh nghiệm thất bại trong quá khứ nên ta sẽ dễ thành công hơn trong hiện tại và tương lai. Cho nên ta đừng nên quá lo về quá khứ.
• Nguyên nhân thứ hai làm chúng ta hay lo là quá sợ về tương lai. Không biết tháng tới năm tới sẽ ra sao? Không biết sẽ xảy ra điều gì đây? Thực ra những việc sẽ xảy ra trong tương lai mà ta có thể tác động vào chỉ là một phần thôi và là một phần rất nhỏ. Nhiều phần khác là do những nhân tố khác không phải là ta, nhất là do Chúa. Vậy có lo quá cho tương lai thì cũng là bằng thừa thôi. Bởi vậy trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy "Chúng con chớ quá lo lắng cho ngày mai".
• Nguyên nhân thứ ba khiến chúng ta lo lắng là vì chúng ta quá dựa vào vật chất trong cuộc sống hiện tại như dựa vào cơm gạo, tiền bạc, áo mặc, nhà cửa v.v. Những thứ vật chất này ta cũng nên lo, chứ đừng như chuyện ngụ ngôn của Lafontaine về con ve và con kiến. Con kiến thì lo dự trữ lương thực, còn con ve chỉ biết hát xướng cả mùa hè. Ðến khi mùa đông tới thì con ve chết đói. Tuy nhiên ta cũng hãy nhớ lời Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay "Chúng con đừng quá lo lắng xem sẽ phải ăn gì, uống gì, mặc gì".
3. Xin sang một khía cạnh khác: thử hỏi quá lo lắng có đem lại lợi ích gì không?
- Dĩ nhiên là cũng có, nhưng mà rất ít, bởi vì hầu hết những lo lắng của chúng ta là hão huyền. Một giáo sư trẻ nọ lần đầu tiên được chọn làm phó giám đốc một trường lớn. Ông gặp một vấn đề rắc rối phải giải quyết ngày hôm sau nhưng chưa biết giải quyết làm sao, vì thế ông rất lo lắng và bồn chồn. Vị Giám đốc cao tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn mới khuyên vị phó giám đốc trẻ tuổi như thế này: Từ đây cho đến sáng mai anh cứ an tâm ngủ nghỉ đi, sáng mai hãy tính. Bởi vì khi đó một phần ba khó khăn đã biến mất rồi, một phần ba khác tự nó giải quyết, anh chỉ cần suy nghĩ về một phần ba còn lại. Dĩ nhiên lời khuyên này có tính cách động viên để trấn an một người trẻ tuổi, nhưng không phải là không có những chân lý trong đó.
Tôi cũng nhớ đã đọc một chuyện cổ tích như sau: Một thanh niên nọ muốn đi cứu người yêu đang bị một tên phù thủy bắt giữ. Tên phù thủy buộc anh phải làm một chuyện rất khó thì mới chịu thả cô gái ra. Chàng thanh niên lo lắng quá tới xin một bà tiên giúp đỡ. Bà tiên bảo: Anh cứ về nhà mà ngủ đi. Giấc ngủ là một vị cố vấn rất sáng suốt. Nghe lời bà, chàng thanh niên về nhà đánh một giấc ngon lành, sáng hôm sau, tự nhiên anh tìm được cách giải quyết khó khăn. Nhưng tên phù thủy lại đưa một điều kiện khó khăn nữa. Chàng thanh niên lại tìm đến bà tiên và cũng được khuyên "Giấc ngủ là một vị cố vấn rất sáng suốt". Anh cũng về nhà nằm ngủ và sáng hôm sau cũng tìm được cách giải quyết. Lần thứ ba tên phù thủy buộc anh làm một chuyện càng khó hơn nữa. Bà tiên lại bảo "Giấc ngủ là một vị cố vấn rất sáng suốt". Anh lại đi ngủ và sáng hôm sau lại biết cách giải quyết. Cuối cùng anh đã giải cứu được người yêu. Không phải nhờ lo lắng mà nhờ bình tĩnh sáng suốt tìm giải pháp cho vấn đề.
- Xét theo ý học và tâm lý học, các bác sĩ và các nhà tâm lý còn cho ta biết rằng sự lo lắng chỉ tổ làm cho chúng ta thêm rối trí mà thôi. Càng lo lắng thì càng rối rắm và khó khăn càng chồng chất thêm. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nói rất chí lý "Hỏi có ai trong anh em nhờ lo lắng mà kéo dài thêm đời mình dù chỉ một gang tấc không?".
4. Nếu những phân tích trên có lẽ không có sức thuyết phục lắm, thì bây giờ chúng ta hãy nghe thêm một lý lẽ do chính Chúa Giêsu đưa ra. Lý do Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng là vì chúng ta có một người Cha trên trời vừa rất quyền phép vừa rất yêu thương chăm sóc chúng ta. Ngài nói "Cha chúng con ở trên trời đã thừa biết chúng con cần gì. Ngài sẽ lo cho chúng con tất cả những điều đó". Hồi còn nhỏ tôi thường nghe má tôi hát những bài ru con bằng ca dao. Có một câu như sau "Một mình lo bảy lo ba, lo cau trổ muộn lo già hết duyên". Nếu chúng ta chỉ có một mình, không ai thân thích, thì chúng ta phải lo bảy lo ba là đúng. Nhưng nếu một đứa con có cha, không lẽ cha nó để nó phải lo mọi chuyện sao. Cha nó thương nó và nhất là cha nó có khả năng, nên ông sẽ lo cho nó đầy đủ mọi sự, từ chén cơm, manh áo, quyển tập, viên thuốc v.v. Ðiều người cha muốn nơi đứa con ấy là nó hãy nghe lời cha mà an tâm học hành, mọi sự khác ông sẽ lo. Ðó chính là ý nghĩa câu Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay "Tiên vàn chúng con hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi sự khác Cha trên trời sẽ lo cho chúng con": làm con thì điều quan trọng nhất là ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, rồi cha mẹ sẽ lo cho con tất cả mọi sự.
5. Có người kia rất nghèo và có đứa con bị bệnh nặng. Lòng anh ta như rối lên, không biết kiếm đâu ra tiền để mua thuốc, không biết con mình có hết bệnh hay không. Ðang khi ấy, có một người bà con giàu có đến bảo anh "Ðừng lo. Ðể tôi lo hết cho. Tôi sẽ tìm bệnh viện hay, bác sĩ giỏi, cần bất cứ thuốc gì tôi cũng sẽ mua. Chắc chắn con anh sẽ khỏi bệnh mà". Ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh đó xem ta có mừng không. Dĩ nhiên là rất mừng.
Bài Tin Mừng hôm nay đúng là một Tin Mừng: bắt đầu một năm mới, chúng ta vừa vui mừng ăn Tết, nhưng cũng vừa lo lắng cho tương lai: Không biết năm nay sẽ thế nào, gia đình tôi có được bình yên không, công việc làm ăn có gì trục trặc không... đủ thứ lo. Nhưng chúng ta vừa nghe Chúa bảo: hãy để cho Chúa lo tất cả những việc đó. Phần chúng ta, điều duy nhất Chúa để chúng ta lo, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là chúng ta hãy lo tìm biết ý Chúa là Cha chúng ta và cố gắng làm theo ý Cha,
Chúng ta hãy tin vào lời hứa của Chúa và an tâm bức vào năm mới, với quyết tâm là trong năm nay chúng ta sẽ hết sức tìm hiểu và thực thi ý Chúa.
4. Chuyện minh họa
a/ Chúa luôn thấy tôi
Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell trong tâm trạng bối rối: "Này anh, xin anh nói cho tôi hay; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa?" Nhà giảng thuyết trầm ngân một lúc rồi nói: "Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi!"
b/ Lời cầu nguyện
Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng: "Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng."
Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ: "Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai."
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện.
IV. Lời nguyện cho mọi người
CT: Anh chị em thân mến, chúng ta dành những giờ phút đầu tiên trong năm mới này để chúc tụng Chúa và dâng lên Chúa những ý nguyện đầu Xuân của chúng ta:
1. Xin cho các vị lãnh đạo trong Hiệp thông và toàn thể dân Chúa / được hưởng một năm mới dồi dào phúc lộc / và luôn hăng say trong sứ vụ Phúc âm hóa.
2. Xin cho các nhà cầm quyền trong xã hội và mọi dân tộc trên thế giới / được hưởng một năm mới trong hòa bình và thịnh vượng hơn năm cũ.
3. Xin cho mọi người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất cũng như tinh thần / sang năm mới gặp được nhiều may mắn / và sớm vượt qua được mọi khó khăn.
4. Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta / sang năm mới cố gắng sống hiệp thông với Chúa và hiệp thông với mọi người chung quanh / để mọi người trong khu xóm được sống hạnh phúc hơn / và làm chứng về Chúa cho mọi người.
CT: Lạy Chúa, trong những ngày Tết, chúng con thường dẹp bỏ mọi âu lo, buồn phiền và chúng con luôn chúc cho nhau những gì tốt đẹp nhất, xin Chúa giúp chúng con luôn duy trì tâm tình tốt đẹp tươi vui đó, và luôn sẵn sàng góp phần cho mọi người được sống hạnh phúc hơn. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô...
V. Trong Thánh lễ
• Trước kinh Lạy Cha: Ngày đầu xuân, con cái thường về quây quần bên Cha Mẹ để tỏ lòng hiếu thảo cách đặc biệt. Giờ đây chúng ta cũng đang quây quần bên Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta hãy hết lòng hiếu thảo dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha sau đây.
• Chúc bình an: chúng ta hãy chúc cho nhau một năm mới luôn được bình an trong tay Chúa.
VI. Giải tán
Lấy công thức ban phép lành cuối lễ cách long trọng trong Sách lễ Rôma, trang 576.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules