-
Moderator
C - Chuỗi Hạt Mân Côi Một Kho Tàng Thiêng Liêng Vộ Tận. (Phần II)
CHUỖI MÂN CÔI TRONG ĐỜI SỐNG CHIÊM NIỆM
PHẦN II: ĐỂ NHỚ ĐẾN MẸ THẦY VÀ CÙNG NGÀI NHỚ ĐẾN THẦY
Lần hạt Mân Côi mục đích chính là để ngắm mầu nhiệm cứu độ mà Thiên Chúa đã mạc khải cho ta qua 15 sự, ngắm với con mắt và trái tim của Mẹ Maria để dễ ghi nhớ mãi trong lòng như Ngài; ta không thể không liên tưởng tới một chữ nhớ nào khác ngoài chữ nhớ trong lời Chúa Giêsu khi Ngài lập phép Thánh Thể - Bí Tích Tình Yêu: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Trong suốt Thánh Kinh, ta cũng thấy các tác giả luôn nhắc nhủ dân Chúa nhớ đến các việc Thiên Chúa đã làm, nhất là trong lễ Vượt Qua ghi nhớ sự cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập; đi qua Biển Đỏ tiến vào Đất Hứa để được tự do thờ phượng Thiên Chúa.
Lễ VƯỢT QUA mà chính cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu mới là hiện thực vĩnh cửu. Sự vượt qua mà Hội Thánh cử hành mỗi năm vào lễ Phục Sinh, hàng tuần vào mỗi chúa nhật, cũng như trong thánh lễ hàng ngày: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Sự nhớ lại ấy cũng chính là điều ta làm dưới một dạng thức khác khi ta suy gẫm 15 mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi, chỉ có khác là ở đây hình ảnh Đức Mẹ được tô đậm rõ nét hơn. Chu kỳ phụng vụ toàn niên (trong đó Thánh lễ tạ ơn là trung tâm) mà Hội Thánh Hiền Thê của Chúa Giêsu dâng lên trước toà Thiên Chúa, như được dàn trải, mở rộng bằng hai dòng phụ lưu là Kinh Nhật Tụng của các linh mục, tu sĩ và chuỗi hạt Mân Côi của giáo dân. Nếu xem cuộc sống trần gian này là cuộc xuất hành của dân Chúa qua muôn thế hệ đang vượt qua Biển Đỏ trần thế để đi vào Đất Hứa muôn đời, thì Thánh lễ chính là Manna hằng sống làm lương thực ăn đàng, còn Kinh Nhật Tụng và chuỗi hạt Mân Côi khác nào như hai ca đoàn, một do Chúa Thánh Thần làm nhạc trưởng, còn một do Đức Mẹ điều khiển. Vì tự bản chất các giờ Kinh Phụng Vụ cũng như chuỗi hạt Mân Côi chủ yếu nhắm chào mừng, chúc tụng, thờ lạy, ngợi khen và cảm tạ, lời kêu cầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, song song với 150 Thánh Vịnh là 150 kinh Kính Mừng, kính chào Bà có phúc lạ, ngay cả khi ngắm năm sự Thương cũng là lời chào mừng.
Hơn nữa, lời kinh của Đức Mẹ là bài “Magnificat” được Hội Thánh giao cho các linh mục và tu sĩ đọc lại hằng ngày trong giờ kinh chiều. Bài tạ ơn ấy của Đức Mẹ Maria chẳng khác nào nơi mà hai dòng phụ lưu ấy gặp nhau để cùng chảy vào trái tim Mẹ Maria để dâng lên trước toà Thiên Chúa. Hai dòng kinh phụ lưu ấy chẳng khác gì hai bè của ca đoàn phụ vào cho lời kinh cảm tạ chính thức là kinh Tiền Tụng trong Thánh lễ. Thánh lễ là dòng chính, các giờ Kinh Phụng Vụ và chuỗi hạt Mân Côi là hai dòng phụ kết hợp thành của lễ duy nhất hằng liên lỉ từng giây phút, từ mọi nơi trên mặt đất bay lên không ngớt trước toà Thiên Chúa “để ca tụng tôn vinh Danh Chúa và mưu ích cho chúng con cùng toàn thể Hội Thánh Người”.
Nhớ đến Thầy, nhớ đến Mẹ Thầy (cũng như nhớ đến những việc kỳ diệu Chúa đã làm, cả trong thời Cựu Ước cũng như trong thời Tân Ước, trong lịch sử Hội Thánh). Không phải chỉ là hoài niệm những việc quá khứ mà thôi! Song là luôn nghĩ đến một thực tại có chiều kích miên trường đang tiếp diễn hiện hành qua thừa tác vụ của Hội Thánh, trong đó mỗi tín hữu là một chi thể, một thành viên có chức năng, có nhiệm vụ tuỳ theo ơn gọi phải chu toàn để ý Cha thể hiện dưới đất (nơi chúng ta) cũng như ở trên trời (nơi Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh đã đi vào vinh hiển). Qua trung gian đời sống mỗi tín hữu cũng như qua sinh hoạt toàn diện của Hội Thánh, một mặt thực tại ấy có tác dụng biến cải đời sống mỗi tín hữu thành hình ảnh Chúa Giêsu và Đức Mẹ ngày một hơn, mặt khác một cách gián tiếp, thực tại ấy sẽ chi phối lên lịch sử nhân loại và sự tiến hoá của vũ trụ về chiều sâu và lâu dài như muối của thế gian, như men trong bột. Thực tại siêu nhiên ấy, với sức tác động sâu xa và bền bỉ của nó, do Chúa Thánh Thần, thực hiện lời Chúa hứa: “Thầy ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Sự hiện diện ấy đối với một số tâm hồn được ơn đoàn sủng, có thể biểu lộ một cách hiển hiện.
Đối với Đức Mẹ Maria cũng có một cái gì tương tự: thân thể của Đức Mẹ cũng đã đi vào vinh hiển, nghĩa là cũng đã ở vào một trạng thái vượt qua những giới hạn của không gian và thời gian, nên cũng có khả năng hiện diện ở mọi nơi và mọi lúc, và sự tác động của Đức Mẹ cũng có tầm mức phổ biến tương tự. Cũng như Chúa Giêsu, Đức Mẹ cũng có khả năng tỏ hiện sự hiện diện của mình cho những tâm hồn đã đạt mức sống thiêng liêng nào đó: hoặc là tỏ mình qua sự cảm nghiệm nội tâm, hoặc là tỏ mình qua sự cảm nhận giác quan như với Catherine Labouré, Bernadette, ba trẻ ở Fatima… thường thì một sự cảm nghiệm nội tâm tạo nên như một khí quyển thiêng liêng đùm bọc, che chở, tác động, trong đó bóng dáng nhiệm mầu của Đức Mẹ dường như luôn luôn có mặt. Chuỗi hạt Mân Côi cũng như các kinh tôn kính Đức Mẹ, là những phương tiện giúp ta sống tiếp cận với Đức Mẹ, để dần dần tiến tới trạng thái gần như mang lấy một đời sống thiêng liêng được Maria hoá (tương tự - tuy ở mức độ thấp hơn – như Kitô hoá theo lời Thánh Phaolô: “Không phải tôi sống nữa mà Đức Kitô sống trong tôi”), nơi nào có sự hiện diện của Đức Mẹ, thì có sự hiện diện của Con lòng Mẹ, và có sự tác động của Chúa Thánh Thần, y như trường hợp Đức Mẹ đến thăm Bà Elisabeth vậy.
Ta có thể tin chắc rằng: nơi nào có một tín hữu lần hạt Mân Côi với lòng tin cậy mến thì có sự hiện diện nào đó của Đức Maria với sự tác động của Ngài, tương tự như nơi nào có linh mục đọc lời truyền phép thì Chúa Giêsu ngự xuống, chỉ khác là Chúa Giêsu ngự xuống thực sự dưới dạng bí tích, còn Đức Mẹ thì ngự xuống một cách thiêng liêng. Do đó mỗi lúc ta lần hạt Mân Côi, ta gần như được sống lại cách đầy an ủi vô cùng đẹp đẽ khi Đức Mẹ tới thăm Bà Elisabeth: hai Bà Mẹ, hai Bào Thai, cả bốn đều chào mừng nhau, đều sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần mà hợp lòng cất tiếng ca tụng Thiên Chúa với chính lời của Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”. Lúc ấy ta nhớ đến Chúa, nhớ đến Đức Mẹ, và cái nhớ của chúng ta chẳng qua là đáp lại cái nhớ của Thiên Chúa: “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”. Trong muôn đời ấy, có đời (thời đại) của chúng ta, dù chúng ta ở thời đại nào cũng vậy. Sâu xa hơn nữa, cái nhớ của Đấng sáng tạo: “Từ thuở đời đời Chúa đã nhớ đến con, con là không mà Chúa đã sinh ra có”. Ôi phúc lạc biết chừng nào!
Cuối cùng, lần hạt Mân Côi cũng là một hình thức tuyên xưng, loan truyền mầu nhiệm cứu độ ở khắp nơi và mọi lúc. Mầu nhiệm cứu độ này xuất phát từ lòng thương xót muôn đời của Thiên Chúa tình yêu ban đến cho chúng ta qua Chúa Kitô và Mẹ Maria mà ta đón nhận và chào mừng qua phần đầu của kinh Kính Mừng. Đó là mầu nhiệm mà ta ôn lại, ta nhìn ngắm, ta thông dự, ta tiếp diễn qua 15 sự: VUI-THƯƠNG-MỪNG chứa đựng trong chuỗi hạt Mân Côi, như chính Chúa Giêsu, bào thai chứa đựng trong lòng băng tuyết vô nhiễm của Đức Mẹ, và đồng thời chúng ta cũng được thụ thai trong lòng Đức Maria một cách mầu nhiệm, thiêng liêng dưới sự bao phủ của Chúa Thánh Thần để ta được sinh ra trong đời sống đức tin ở trần gian và trong đời sống vinh hiển mai sau khi đến giờ lâm tử (quả vậy giờ lâm tử được Hội Thánh gọi cách lạc quan là sinh thì – giờ sinh). Chính vì thế xin Đức Mẹ cầu bầu cho ta khi nay và trong giờ lâm tử.
Còn tiếp (Trở lại phần I)
Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules