-
Senior Member
Chấn Thương Khớp Cổ Chân - Nguyễn Khắc Đoan, Bác Sĩ
Chấn Thương Khớp Cổ Chân
Nguyễn Khắc Đoan, Bác Sĩ
Hè là mùa vui chơi, chạy nhảy, chấn thương cổ chân dễ xảy ra. Mời quí độc giả đọc bài viết của Bác sĩ Nguyễn Khắc Đoan, chuyên khoa Orthopedics (ngành chữa và giải phẫu xương cùng các cơ quan vận động liên hệ).
Các cụ ta có câu: "Cái răng cái tóc là gốc con người". Đây có lẽ cũng là quan điểm của các nha sĩ và bác sĩ thẩm mỹ. Song, theo thiển ý, các bác sĩ chuyên ngành Orthopedics (ngành chữa và giải phẫu xương, cùng các cơ quan vận động liên hệ) có thể nghĩ hơi khác: phải chăng bàn chân và cổ chân mới chính là cái gốc rễ của con người? Bằng chứng, khi khớp cổ chân bị chấn thương, rõ ràng cái gốc của chúng ta lung lay, ngoài cái đau ra, chúng ta còn đi đứng không vững.
Chấn thương cổ chân rất hay xảy ra, vào mọi thời đại. Ở những xác ướp Ai Cập, khi chụp quang tuyến để tìm hiểu, người ta đã tìm thấy dấu của những vết gãy xương cổ chân đã lành. Chấn thương cổ chân - hay bị chúng ta, bác sĩ lẫn người bệnh, coi thường, không thẩm định và điều trị đúng mức - có thể trở thành một vấn đề kinh niên, khiến ta khó chịu về lâu về dài. Vào thế kỷ thứ 5 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, Hyppocrates, một nhà thông thái thời ấy, đã từng tả cách chữa trị chấn thương cổ chân.
Nguyên nhân và triệu chứng
Khớp cổ chân tạo bởi 3 xương tibia, fibula, talus, và được bao quanh bởi một hệ thống các dây chằng (ligaments). Các dây chằng có nhiệm vụ giúp cổ chân hoạt động trong tư thế cân bằng, vững chắc. Nếu các dây chằng quanh khớp cổ chân bị rách, cổ chân sẽ kém vững, bàn chân sẽ lệch ra ngoài hoặc vào trong, ít hay nhiều tùy vào mức độ tổn thương của dây chằng. Chấn thương xảy ra nặng hơn, các xương tạo nên khớp cổ chân còn có thể bị gãy.
Ở người thích chơi thể thao, chấn thương cổ chân xảy ra rất thường, nhất là môn đá banh. Như người thủ môn bay vút lên cao bắt quả banh thật đẹp mắt, giữa tiếng hoan hô vang dội, lúc hạ xuống, chẳng may bàn chân quẹo vào phía trong, dây chằng mé bên ngoài khớp bị dãn (strain) hoặc rách (tear). Nặng hơn, xương cũng gãy.
Những người không chơi thể thao mấy như chúng ta cũng dễ bị chấn thương khớp cổ chân. Như khi ta đi, chạy trên một mặt không được bằng (uneven surface), bước hụt vào một lỗ hỗng, bàn chân ta bất ngờ trẹo vào trong. Các vị phụ nữ sau khi mãn kinh, mang bệnh xốp xương (osteoporois), xương đã mềm sẵn, dễ gãy xương cổ chân khi chấn thương xảy ra. Nặng nhất là những trường hợp té ngã từ trên cao xuống, hoặc trong tai nạn xe cộ, cổ chân có khi nát bấy.
Mức độ tổn thương của cổ chân có thể thẩm định được dựa theo câu chuyện bạn kể. Nếu sau tai nạn, bạn vui vẻ đứng lên, tiếp tục đi lại như thường, tốt, tổn thương chắc nhẹ thôi. Song nếu bạn nhăn nhó, mãi mới gượng đứng dậy đi lại được, có lẽ tổn thương nặng đấy.
Sau khi tai nạn xảy ra, cổ chân sẽ lập tức sưng lên, và cử động thấy đau, ít hay nhiều tùy tai nạn nhẹ hay nặng. Nếu xương bị gãy, bạn đau khủng khiếp khi đứng hoặc đi. Bác sĩ khám thấy cổ chân bạn, chỗ mắt cá mé bên ngoài và vùng quanh đấy, bị sưng và ấn vào, bạn kêu đau. Sưng ít hay nhiều cũng tùy vào chấn thương nhẹ hay nặng. Những trường hợp cổ chân bị nát bấy, hoặc xương gãy lòi cả ra ngoài thì đã quá rõ. Nguy hiểm nhất khi xương gãy lòi ra ngoài da, nhìn thấy trăng trắng (gọi là gãy xương hở: open fracture), vì như vậy, xương rất dễ bị nhiễm trùng, hư thối (gangrene), có khi đưa đến việc phải cưa mất bàn chân. Vấn đề nguy hiểm và khẩn cấp thứ nhì là khi cổ chân bị chấn thương sưng lên nhiều quá, làm máu lưu thông khó khăn, khiến những bắp thịt quanh đấy thiếu máu nuôi và chết (compartment syndrome).
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Nếu chẳng may bạn bị chấn thương cổ chân nặng với những triệu chứng (symptoms) và dấu chứng (signs) rõ ràng: bàn chân quẹo hẳn đi, sưng to và tê buốt, đau dữ dội, hoặc xương gãy lòi ra ngoài da, bạn nên lập tức đi gặp bác sĩ chuyên khoa Orthopedics, hoặc đến ngay phòng cấp cứu (emergency room).
Nhiều trường hợp chấn thương cổ chân nhẹ hơn vậy, bạn phân vân không biết có nên đi khám bác sĩ, vừa tốn tiền vừa mất thì giờ. Làm thế nào cho phải bây giờ? Xin viết ra đây những triệu chứng và dấu chứng bạn cần để ý, để nếu có, bạn nên đi khám bác sĩ ngay:
- Cổ chân bạn sưng và đau ở cả bên ngoài lẫn bên trong: trường hợp này, bạn có thể đã gãy xương, hoặc khớp đã mất cân bằng (unstable).
- Bạn đau quá, cố gượng đứng lên bên bàn chân đau vẫn không được: có lẽ xương bị gãy rồi.
- Vùng giữa bàn chân (midfoot) sưng to và đau: những khớp giữa bàn chân tổn thương và mất cân bằng.
- Sưng lan lên cả vùng phía trên cổ chân: có thể khớp cổ chân đã trong tình trạng mất cân bằng.
- Sau một hai ngày, cổ chân và bàn chân bên bị chấn thương không thấy bớt sưng và đau.
- Người lớn tuổi, nhất là quí vị phụ nữ đã mãn kinh, dễ bị gãy xương, nên đi khám bác sĩ khi bị chấn thương khớp cổ chân, dù trong những tai nạn nhỏ.
- Trẻ em trong tuổi đang lớn cũng vậy, xương còn non, dễ gãy trước khi các dây chằng bao quanh khớp cổ chân bị đứt.
Chữa trị
Hyppocrates, vào thế kỷ thứ 5 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, chỉ dạy các học trò cách chữa chấn thương khớp cổ chân như sau: "Nếu xương bị gãy xuyên ra ngoài da, chớ nên kéo cho thẳng lại, vì làm vậy, chân sẽ thối đi, và người bệnh sẽ chết trong vòng 7 ngày". Ngày xưa họ chữa như vậy, ngày nay, với nền y khoa tân tiến, bác sĩ nào vẫn còn chữa cùng cách, chắc sẽ bị các luật sư lấy hết tiền.
Bây giờ, những trường hợp chấn thương nặng khiến xương gãy hoặc khớp cổ chân đâm mất cân bằng, thường được giải phẫu, hoặc bó bột để chỉnh cho xương ngay lại. Những trường hợp nhẹ hơn, chỉ có các sợi dây chằng bị dãn (strain) hoặc rách (tear), song khớp vẫn còn vững, không mất cân bằng, được chữa với những cách giản dị hơn: thuốc giảm đau; đắp đá, gác chân lên cao (elevation), quấn băng thun để cổ chân bớt sưng, v.v..
Đắp đá có hiệu quả trong vòng ngày đầu, giúp chỗ bị tổn thương bớt sưng và đau (dùng bọc plastic đựng đá vụn áp lên một khăn đặt trên cổ chân, cứ mỗi 2 tiếng làm vậy 60 phút). Sau ngày đầu khi máu đã đông lại, bạn áp nước đá hay ngâm nước nóng cũng được, tùy cách nào khiến bạn dễ chịu. Dùng băng thun dãn (elastic bandage) quấn quanh cổ chân cũng giúp cổ chân bớt sưng. Tùy tình trạng tổn thương, có khi cổ chân bạn cần được giữ bất động bằng những dụng cụ đặc biệt để các dây chằng mau lành. Khi nằm hay ngồi, bạn gác chân lên cho cổ chân và bàn chân cao hơn thân mình và tim.
Trong vòng tuần đầu, ngay khi cổ chân bớt sưng và đau, bạn có thể đi đứng lại, và hãy để cái đau hướng dẫn bạn hoạt động ít hay nhiều: đau còn kha khá, đi lại ít thôi, đau bớt dần, đi đứng nhiều hơn, và tăng dần hoạt động khi cổ chân đau của bạn... cho phép. Nếu cần, khi mới đi đứng trở lại, bạn có thể dùng thêm nạng chống (crutches) để giúp cho cổ chân bị đau một phần. Sau một chấn thương, cổ chân bạn dễõ bị cứng (stiff), mai mốt khó dùng, nếu bạn không sớm cử động và tập luyện khớp cổ chân. Một cách tốt để tập là bạn để gót chân tựa trên sàn nhà, rồi dùng ngón cái của bàn chân lần lượt viết những mẫu tự alphabet trên không, càng to càng tốt (nếu không nhớ thứ tự các mẫu tự alphabet, bạn viết tên người yêu của bạn cũng được).
Tổn thương các dây chằng cổ chân có 3 mức độ: 1, 2, và 3. Những tổn thương độ 1 (first degree) nhẹ, dây chằng khớp chỉ mới dãn chút chút, sẽ lành trong vòng vài tuần, vài tuần sau, bạn lại chạy nhảy như thường không khác gì trước. Tổn thương độ 2 (2nd degree), dây chằng hơi bị rách, bạn cần từ 3 đến 6 tuần nghỉ ngơi trước khi có thể hoạt động bình thường trở lại. Những tổn thương loại 3 (3rth degree), dây chằng rách nặng, tuy ít khi phải mổ, song có khi phải mất đến 8-12 tháng mới hoàn toàn lành hẳn, hoạt động mạnh bạo trở lại sớm quá có thể khiến khớp thêm tổn thương và lâu lành hơn.
Vị nào sau một thời gian bị chấn thương cổ chân, tuy không còn đau, song vẫn cảm thấy khớp cổ chân mình như thiếu cân bằng, nên đi bác sĩ để hỏi ý kiến.
Chấn thương cổ chân rất hay xảy ra, có thể trở thành một vấn đề kinh niên. Chấn thương thường là nhẹ, độ 1, nhưng cũng có những trường hợp nặng, nhất là ở trẻ em đang sức lớn và các vị lớn tuổi, xương có thể gãy. Thẩm định và điều trị đúng mức một chấn thương cổ chân, sẽ giúp người bị chấn thương sớm hoạt động bình thường trở lại.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules