Hàn Quốc: Các Giám Mục Hàn Quốc kêu gọi công lý cho các "phụ nữ giải khuây"
Seoul – Thảm trạng "phụ nữ giải khuây” (uý an phụ, nô lệ tình dục, comfort woman) là một tội ác khủng khiếp, một hành vi phạm tội chống lại loài người và phạm thượng chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng phụ nữ theo hình ảnh và giống như Ngài. Đây là những gì được nói trong một tuyên bố của Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Hàn Quốc (CBCK), nhân dịp cuộc tuần hành phản đối hàng tuần lần thứ một ngàn được tổ chức ngày 14-12, trước Đại sứ quán Nhật tại Seoul, với sự tham dự của hàng trăm người.
Tài liệu Công Giáo nhấn mạnh rằng các phụ nữ đã phải chịu các hình phạt khủng khiếp, như "hãm hiếp, tra tấn, giết chết, buộc phá thai và tước quyền tự do" bị gây ra bởi người Nhật, đang tiếp tục đòi hỏi – cách vô vọng - công lý và bồi thường cho đau khổ họ đã chịu.
Tại cuộc biểu tình lần thứ 1000 – cuộc biểu tình lần đầu đã được tổ chức ngày 8-1-1992 – còn có năm phụ nữ, ở độ tuổi tám mươi, đã bị sử dụng như "phụ nữ giải khuây" trong thời xung đột giữa hai quốc gia. Cùng với họ, còn có các nhà hoạt động nhân quyền từ Nhật, Canada, Mỹ và người nước ngoài làm việc ở Hàn Quốc.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức tại 32 địa điểm khác trên khắp đất nước, và ở 42 thành phố trên thế giới, làm chứng cho một "phong trào đoàn kết toàn cầu”.
Đám đông hô vang khẩu hiệu, hát ca và đưa ra một lời kêu gọi đến Tổng thống Lee Myung-bak, xin ông nêu ra vấn đề tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật sắp tới, vốn sẽ được tổ chức ở Kyoto cuối tuần.
Những người biểu tình tụ tập bên ngoài đại sứ quán của Nước Mặt Trời Mọc, nhưng đại sứ quán đóng mọi cửa lại. Cũng có nhiều người Nhật trong số hàng trăm người tuần hành, yêu cầu chính phủ của họ hãy đáp ứng các đòi hỏi công lý. Ông Maruyama Natsumi nói: "Tôi biết các tội ác của người Nhật trong thời kỳ thuộc địa, nên tôi quyết định đến đây. Tôi muốn có thêm nhiều người biết về thảm kịch này, và chia sẻ sự đau khổ của các nạn nhân".
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng 200.000 người nữ trong độ tuổi 11-25 đã bị đưa vào các “trạm giải khuây”, nơi họ bị hãm hiếp và lạm dụng mỗi ngày và mỗi đêm. Ngay cả sau khi Hàn Quốc được độc lập, một số người trong họ bị bỏ lại trong các khu vực này, do thành kiến và sự từ chối của chính phủ.
Trong số 234 “phụ nữ giải khuây” có giấy chứng nhận trước đây, hơn 2 / 3 đã chết, mà không bao giờ nhìn thấy ước muốn cuối cùng được thực hiện: nhận một lời xin lỗi chân thành từ phía chính phủ Nhật.
Ngày 12-10, Hàn Quốc đã trình bày vấn đề này tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc để tìm kiếm sự công nhận trách nhiệm pháp lý của Nhật. Đối với Tokyo, vấn đề bồi thường chiến tranh - về những thiệt hại gây ra cho Hàn Quốc trong thời kỳ quân đội Nhật chiếm đóng - đã được giải quyết với thoả ước năm 1965, mà không có lời xin lỗi chính thức hoặc sự nhìn nhận công khai về tội ác đối với các “phụ nữ giải khuây” này. (AsiaNews 16-11-2011)
Phạm Kim An