-
Moderator
AÂ - Ân huệ tình yêu hôn nhân
ÂN HUỆ TÌNH YÊU HÔN NHÂN
Vấn đề ly hôn, là vấn đề bức xúc của mọi thời đại, quốc gia nào cũng phải đối mặt và quốc gia nào cũng phải chấp nhận những tòa án để xét xử cho những gia đình tan vỡ được ly hôn.
Duy chỉ riêng đạo thánh Công giáo của chúng ta, Chúa Giêsu là người trả lời duy nhất cho các tông đồ, cho toàn thể Giáo hội, cho mọi thời đại rằng: “Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng loài người có nam có nữ” (Mc 10,6) và “điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,10). Với nguyên tắc bất di bất dịch này, Hội Thánh Công Giáo giữ luật đơn hôn và vĩnh hôn. Đơn hôn là một vợ một chồng, không có tình trạng phong kiến ngày xưa năm thê bảy thiếp, không có tình trạng là người ta có thể lấy được nhiều người vợ trong mộtcuộc đời. Nhưng điều mà Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly đó là vĩnh hôn cho đến chết. Tại sao Chúa Giêsu đưa ra một điều luật nghiêm khắc này? Đó là vì Chúa Giêsu bảo toàn hạnh phúc gia đình. Có người nói rằng, khi một gia đình đã như một quả trứng ung thì tại sao không giải thoát họ lại cố tình buộc họ phải ở với nhau, như thế chẳng phải là châm ngòi cho những chia rẽ và giam tù cho các cặp lứa đôi không còn tình yêu nữa hay sao? Giáo Hội Công Giáo trả lời rằng: Cho dẫu biết rằng có những trường hợp như vậy, nhưng con đường hôn nhân là con đường một chiều để bảo đảm cho hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu triệu những gia đình được hạnh phúc và bảo đảm một hạnh phúc bền vững. Giáo Hội dạy những gia đình Công giáo như đưa họ đi vào con đường một chiều thì không thể quay trở lại. Không vì một vài những gia đình thiểu số mà làm lung lay cả triệu triệu những gia đình khác. Đó là một lời giải thích dễ hiểu theo cách nhìn nhân bản, nhưng nếu chúng ta lần giở Tin Mừng để lắng nghe và đọc được những ý trả lời giải thích của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Chúa Giêsu muốn trao cho con người chúng ta một tình yêu trọn vẹn. Đã là tình yêu trọn vẹn thì không cắt ngang, không chia ba, trung thành cho đến chết. Một tình yêu lớn nhất là một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Nhiều khi do hiểu lầm, do những khách quan đưa đẩy mà người ta không vượt qua những chướng ngại, những thách đố trong cuộc đời, cho dẫu có lý đi thì cũng đâu phải là “yêu cho đến chết” và như vậy thì đâu gọi là tình yêu lớn nhất. Đã là một tình yêu lớn nhất trao đến trọn vẹn thì tình yêu ấy dám chết cho người mình yêu. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta sống ở trong tình yêu ấy, để chúng ta nên giống Chúa là Đấng đã hiến mình cho đến chết vì hiền thê là Hội Thánh, là mỗi người chúng ta. Để đạt được điều luật cao trọng này, Chúa cho chúng ta rất nhiều những điều luật khác bổ túc cho điều luật quan trọng đó là điều luật YÊU THƯƠNG.
Yêu thì đi đến thương và thương thì tha thứ, “tha thứ bảy lần có được không, thưa Thầy?” ( Mt 18,21), Chúa Giêsu trả lời Phêrô: “Thầy không bảo con tha thứ bảy lần mà bảy mươi lần bảy lần” (Mt 18,22 ) nghĩa là vô cùng ! Cho nên yêu thương phải tha thứ. Không có một điều nào mà lại cho phép người ta dừng lại để rồi chia ly, để rồi tan vỡ. Bảy mươi lần bảy nghĩa là tha thứ trong suốt cả cuộc đời. Vậy nên, mỗi một người lo cho mình một tình yêu đích thật thì cũng phải thương đích thật và yêu cộng với thương tạo nên tha thứ, tạo nên chấp nhận đồng cảm trong cuộc đời. Có như vậy thì tình yêu mới thực sự là hạnh phúc.
Chúa cũng dạy chúng ta sự tôn trọng. Một em bé được đặt giữa các tông đồ, Ngài nói: “Các con không trở nên giống trẻ này, các con không được vào Nước Trời” (Mc 10, 15), chưa hết: “Ai làm gương xấu cho một người bé mọn nhất trong các anh em thì thà buộc cối đá vào cổ nó xô xuống biển còn hơn”(Mt 18,6), vẫn chưa hết: “Ai làm phúc cho một người nhỏ nhất trong các anh em đây dù chỉ một bát nước lã thôi cũng là làm cho Thầy” (Mt 10,42). Tôn trọng đến từng giọt nước của cuộc đời cho dẫu nước lã nhạt nhẽo thì đó cũng chính là những điều luật bổ túc cho đức bác ái và làm cho tình yêu hôn nhân được tròn đầy sung mãn. Chẳng qua người ta cố tình vi phạm những giọt nước, để rồi, như Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo đã sánh ví: “Cái thuyền nó bị rò rỉ không chịu hàn gắn nó, rồi cứ mỗi ngày một ít cho đến lúc nước vào đầy thuyền, nó sẽ đắm chìm thuyền dù bên ngoài chỉ là cuộc cãi vã nhỏ nó cũng có thể dìm con thuyền của gia đình đó đắm vì từ lâu đã không tha thứ, đã không vít những vết thương rò rỉ nhỏ bé mỗi ngày”. Như vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi để sống một tình yêu lớn nhất và tình yêu ấy được bổ túc bằng những cách cảm thông, tha thứ và tôn trọng nhau mỗi ngày.
Ở Ý có một hòn đảo, người ta còn giữ cái luật cổ xưa đúng như luật Môisê là hạng phụ nữ phạm tội ngoại tình thì bị ném đá và vì là đảo nên thay vì ném đá, họ buộc đá vào người rồi xô xuống biển. Một phụ nữ kia bị bắt vì tội ngoại tình. Người ta chờ người chồng về để xử theo luật, nhưng người chồng đánh cá ngoài khơi, đến ngày xử rồi mà cũng chưa về cho nên phải hoãn lại. Hoãn một lần, hai lần, hoãn mãi không thấy anh chồng về, dân trong đảo quyết định thi hành luật. Họ đưa người thiếu phụ này đến mỏm đá và buộc đá rồi xô xuống biển. Ngày hôm sau, không phải chuyện ma chuyện lạ, người ta ngạc nhiên vô cùng thấy người thiếu phụ này lại trở về sống giữa dân làng. Thì ra người chồng kia biết hết mọi chuyện, anh cố tình không về để trì hoãn cuộc hành hình, nhưng khi người ta cố tình hành hình người vợ của mình thì anh đã nấp ở ghềnh đá phía dưới nước, đợi khi người ta đẩy người vợ của anh xuống thì anh đã bơi ra cởi đá cứu chị, đưa chị về sống giữa dân làng trong sự yêu thương tha thứ của anh.
Câu chuyện đó có làm chúng ta cảm động không? Nếu chúng ta đồng tình với dân đảo nọ, chúng ta thật sự đã làm cho lương tâm của mình ít nhiều bị chai đá. Đá buộc vào người phụ nữ kia nhưng cũng đã buộc cả vào lương tâm của chúng ta mất rồi. Nhưng nếu chúng ta cảm thấy việc làm của người chồng này thực sự là đáng khâm phục thì đó chính là tinh thần Kitô giáo của chúng ta: Tha thứ, yêu thương, chấp nhận và kính trọng để vợ chồng có thể đồng hành trong suốt chiều dài của cuộc đời. Đó chính là tình yêu lớn nhất, đòi hỏi hy sinh, đòi hỏi dấn thân đến trọn vẹn. Không phải là không làm được, chỉ là không hiểu được. Các tông đồ cũng đã từng thốt lên: “ Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.”(Mt 19, 10). Và vì vậy, chúng ta cần thiết đến ơn thánh của Chúa trợ lực: ơn Chúa ban qua phép bí tích mỗi ngày để tham dự thánh lễ rước Mình Thánh Chúa, xưng tội giải hòa với Chúa với anh em, với người thân yêu trong gia đình hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm xin lỗi nhau như chương trình “Thăng tiến hôn nhân gia đình”: hai tuần một lần, vợ chồng nói với nhau một lời cám ơn, nói với nhau được một lời xin lỗi. Đơn giản thôi! Nhưng chúng ta hãy về thực hành đi, chúng ta sẽ thấy, đó là những điều kiện, những nền móng để xây nên tình yêu bền vững cho gia đình của mình.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa để đừng vắng những lời kinh sớm tối trong gia đình. Ơn Chúa xuống cho gia đình trong những giờ phút đó, người ta yêu thương nhau, người ta tha thứ cho nhau, người ta nói với nhau bằng ngôn ngữ của Tin Mừng chứ không phải là tin tức ở ngoài đời. Người ta nói với nhau bằng tiếng lòng chứ không phải nói với nhau bằng những thái độ cau có của những ánh mắt của những gương mặt. Chúng ta hãy nói với nhau bằng những đôi tay chắp lại nguyện cầu và lời cám ơn nhau trong suốt cuộc đời.
Lạy Chúa,
Xin cho các gia đình Công giáo chúng con hiểu biết rằng:
Ơn thánh quý trọng,
để tạo nên cho gia đình của chúng con một tình yêu bền vững.
Xin cho chúng con hiểu một tình yêu cao cả,
một tình yêu lớn nhất
để hạnh phúc gia đình chúng con được bảo đảm
và sự sống của chúng con được đạt tới vĩnh cửu.
nhờ chính ân sủng của Chúa,
và nhờ tình yêu mà Chúa đã trao ban cho chúng con. Amen.
LM. Phêrô Hồng Phúc
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules