CON ĐƯỜNG ƠN GỌI NỮ TỬ ĐỨC BÀ THÁNH TÂM

... Tôi mồ côi Mẹ năm lên 8 tuổi. Tôi còn nhớ rất rõ những ngày thơ ấu buồn thảm vì mất Mẹ. Tôi cũng nhớ như in vào ngày Rước Lễ lần đầu năm đó, tôi thân thưa với Đức Mẹ MARIA như sau:

- Lạy Mẹ, Mẹ có bằng lòng nhận con làm con của Mẹ và Mẹ trở thành Mẹ của con, nhiều hơn một chút, so với các trẻ khác, bởi vì, tất cả đều có một người mẹ rồi không?

Từ ngày ấy, tôi chọn Đức Mẹ MARIA làm Mẹ của tôi.

Ngoài ra, cứ mỗi lần giải tội cho tôi xong, Cha Sở thường âu yếm ra lệnh cho tôi:

- Bây giờ, con hãy đến cầu nguyện với Đức Mẹ đi!

Đó là câu nói mà tôi thích nghe nhất, sau mỗi lần xưng tội. Vì thế, nếu có lần nào Cha Sở lỡ quên, tôi liền nhắc Cha nói câu đó với tôi. Đây là giây phút mong chờ và hạnh phúc nhất! Tôi mau mắn đến quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ MARIA. Tôi kể lể cho Đức Mẹ nghe mọi tâm tình của tôi: Nỗi buồn, niềm vui, cái cô đơn của đứa trẻ mất Mẹ. Đôi lúc tôi cũng trách Đức Mẹ sao để tôi phải mồ côi Mẹ quá sớm! Giờ đây khi nghĩ lại chặng đời thơ ngây trải qua bên tượng Đức Mẹ ấy, tôi mới hiểu rằng:

- Chính đó là con đường Đức Mẹ dìu dắt đưa tôi đến với Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU!

Sau đó là tuổi dậy thì từ 12 đến 17: thời kỳ của khủng hoảng, của lang thang, lầm lạc mất hướng đi cuộc đời. Thế nhưng, khi tất cả hầu như vô nghĩa, chả còn gì để bám víu nương tựa, thì tôi lại được một sức mạnh vô hình hướng dẫn, một sự hiện diện vô cùng thân thương, luôn luôn gần kề bên tôi! Đó là sự hiện diện của Người Mẹ Thiên Quốc mà tôi chọn làm Mẹ thật ngày tôi lên 8 tuổi.

Bước vào tuổi trưởng thành, tôi lại bắt đầu kể lể cho Đức Mẹ những tâm tình kín ẩn nhất của tôi và tự đặt cuộc đời tôi trong bàn tay dẫn dắt của Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ lại đưa tôi đến với Đức Chúa GIÊSU, giờ đây trở thành tất cả lý tưởng cuộc đời tôi.

Thế rồi, một ngày tôi hành hương đến Issoudun (Trung Pháp) nơi có đền thánh Đức Mẹ và là trụ sở Các Linh Mục Thừa Sai Thánh Tâm. Tại đây, tôi ngạc nhiên khám phá ra tước hiệu Đức Bà Thánh Tâm, niềm hy vọng của những người tuyệt vọng.

Sau lần hành hương ấy, tôi tìm hiểu Các Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm và xin gia nhập dòng. Đối với tôi, trở thành nữ tử Đức Bà Thánh Tâm có nghĩa là, trước tiên, cùng với Đức Mẹ MARIA dâng lời chúc tụng THIÊN CHÚA và cảm tạ Ngài về mọi kỳ công Ngài thực hiện nơi tôi cũng như nơi người khác.

Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm còn có nghĩa biết giữ thinh lặng trước tất cả những gì tôi không hiểu trong cuộc đời tôi cũng như trong cuộc đời các anh chị em tôi. Đây không phải là thứ thinh lặng ”chết” mà là thinh lặng mang ”niềm hy vọng” nơi Sức Mạnh Tình Yêu. Niềm hy vọng vượt qua mọi dáng vẽ bề ngoài.

Ngoài ra, Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm đồng nghĩa với việc biết lắng nghe, đặc biệt lắng nghe những người bị thương tổn vì cuộc đời, cần được người khác nhìn nhận phẩm giá của mình.

Sau cùng, Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm là chấp nhận trở thành người hiện diện kín đáo và quan tâm săn sóc những người cần được giúp đỡ, với con tim hiền mẫu của Đức Mẹ MARIA. Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm không lôi cuốn người khác về cho riêng mình, nhưng đưa người khác đến với Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa GIÊSU, Vị Vua của loài người.

Chứng từ của Chị Sylvia Binot, người Pháp. Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm là chi nhánh nữ của Dòng Thừa Sai Thánh Tâm do Cha Jules Chevalier (1824-1907) thành lập ngày 8-12-1854 tại Pháp.

... ”Quả thế, THIÊN CHÚA là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. . Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Chúa GIÊSU đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng THIÊN CHÚA, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Thư gởi tín hữu Do-thái 2,10+14-18).

(”Annales d'Issoudun”, Mai/1999, trang 8-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt