BÍ TÍCH TÌNH YÊU và HIỆP NHẤT


Sự Hiện Diện Thực Sự…
Bí Tích Thánh Thể và đời sống Linh Muc…
Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải…
Bí Tích Thánh Thể và Tình Yêu Hiệp nhất…
Bí Tích Thánh Thể và công cuộc Truyền giáo…
Việc dâng Lễ Ngày Chúa Nhật…
Bí Tích Thánh Thể và Mẹ Maria…


Đã có nhiều cuộc hội thảo học hỏi về Mầu Nhiệm Thánh Thể, cũng như các Giờ Thánh ở các nơi. Nhiều Nhà Thờ tại Hoa Kỳ đã có những giờ “Chầu Thánh Thể suốt ngày đêm”. Tất cả đều để giúp chúng ta thêm lòng sùng kính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và ý thức mạnh mẽ hơn về sự “HIỆN DIỆN THỰC SỰ” của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và ‘Sống Mầu nhiệm Thánh Thể’ trong cuộc sống hàng ngày. Đó là một trong những điểm quan trọng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến trong Thư Mục Vụ “Giáo Hội Từ Bí Tích Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistia) ( ngày 17-4-2003), cũng như trong Tông Thư “Bí Tích Thánh Thể và Công Cuộc Truyền Giáo” (Chúa Nhật Truyền Giáo 24-10-2004) và được Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhấn mạnh đến trong Bài Nói Chuyện của Ngài với các Đức Hồng Y sau Thánh Lễ buổi sáng ngày 20-4-2005 (ngay sau ngày Ngài được chọn lên ngôi vị Giáo Hoàng).

Căn cứ vào các Tài Liệu trên đây, chúng ta có thể nêu lên một số điểm cụ thể sau đây để chúng ta dễ dàng “Sống Đời Sống Thánh Thể” trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta :

VỀ SỰ HIỆN DIỆN THẬT SỰ của Chúa Giêsu trong Hình Bánh và Hình Rượu: Đó là một ‘ Mầu Nhiệm Đức Tin’ (Mysterium Fidei). Trong lời Truyền Phép trong Thánh Lễ, vị Chủ tế đọc: “ Tất cả các con cầm lấy mà ăn : nầy là MÌNH THẦY … Tất cả các con cầm lấy mà uống: nầy là chén MÁU THẦY…”. Sau đó Ngài đọc: “Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin…”

Để nhấn mạnh điều đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói “ Tôi kêu gọi mọi người trong những ngày tháng sắp tới hãy tăng cường tình yêu và sự tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể và hãy bày tỏ một cách can đảm và rõ ràng sự Hiện Diện Thật Sự (the Real Presence) của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể… Do đó, các việc cử hành kính Chúa Giêsu Thánh Thể phải được “nghiêm trang, xứng đáng” để giúp chúng ta ý thức hơn và “được kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể …” (Bài nói chuyện đầu tiên…)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ và CHỨC LINH MỤC:

Đối với các LINH MỤC, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI mời gọi: “ Chức Linh Mục đã phát xuất từ “Bữa Tiệc Ly” đi đôi với Bí Tích Thánh Thể. Điều này đã được Đức Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm của tôi, nhấn mạnh nhiều lần: ‘Đời sống Linh Mục phải đặc biệt mang hình ảnh của Chúa Giêsu Thánh Thể !’ Ngài đã viết như thế trong thư Mục Vụ cuối cùng của Ngài về ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc cử hành một cách đạo đức Thánh lễ hàng ngày, trung tâm của đời sống và sứ vụ Linh Mục, sẽ góp phần vào mục đích đó.” Điểm này đã được Đức Gíao Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Hy Tế Thánh thể là trung tâm và cội nguồn của toàn thể đời sống Linh Muc (Công Đồng Vatican II). Vì thế, người ta hiểu được tầm quan trọng cho đời sống thiêng liêng của các Linh Mục, cũng như cho lợi ích của Giáo hội và thế giới, nơi việc thực thi lời khuyên của Công Đồng là việc dâng Thánh Lễ hàng ngày, dù việc cử hành không thể có giáo dân hiện diện, vẫn là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội. Bằng cách nầy, linh mục mới đủ sức thắng vượt được tất cả những căng thẳng làm cho mình bị phân tán trong cuộc sống; mới tìm thấy trong Hy Lễ Thánh Thể, trung tâm đích thực của đời sống và tác vụ linh mục, sinh lực thiêng liêng cần thiết để đương đầu với những công việc mục vụ đa dạng. Nhờ thế, những ngày sống của linh mục sẽ thực sự trở nên Thánh Thể.” (Tông Thư Gíao Hội và Bí Tích Thánh Thể)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ và BÍ TÍCH HÒA GIẢI:

Chúng ta được “hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể khi chúng ta lên rước Mình và Máu Thánh Chúa (thường được gọi là ‘Rước Lễ’). Nhưng chúng ta chỉ có thể rước Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng ta có tâm hồn yêu thương, trong sạch và hòa hợp (hòa hợp với Thiên Chúa và hòa hợp với nhau). Nhưng là những con người yếu đuối, dễ sa ngã và hay bất hòa, chúng ta cần đến với Chúa qua Bí Tích Hòa Giải (thường được gọi là phép Giải tội). Vì thế trong Thư Mục Vụ; “Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể “ Đức Gíao Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở: “BÍ TÍCH THÁNH THỂ và BÍ TÍCH HÒA GIẢI là hai Bí tích được liên kết mật thiết với nhau. Nếu Thánh Thể hiện tại hóa Hy Lễ cứu độ của Thập Giá, không ngừng lưu truyền bằng bí tích, thì điều đó có nghĩa là từ Bí Tích Thánh Thể phát xuất một cuộc hoán cải liên tục, đáp lại tự chính bản thân lời khuyến cáo mà Thánh Phaolô nói với các tín hữu thành Côrintô: ‘Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa!’ (2Corintô 5:20). Nếu một người công giáo mang trong tâm hồn gánh nặng của một tội trọng, thì cuộc hành trình hối cải qua Bí tích Hòa Giải, trở thành một bước đường bó buộc phải đi qua, để có thể tham dự hoàn toàn vào Hy Tế Thánh Thể.” Ngài cũng đã nhắc lại lời chỉ dẫn trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Ai biết mình đang mang tội trọng, thì phải lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trước khi đến Rước Lễ ” và lời khuyến cáo nghiêm khắc của Thánh Phaolô : “ Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén nầy” (1 Cor. 11, 28). Nếu ai biết mình đang ở trong tình trạng tội trọng, thì phải xưng thú tội mình trước đã: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa “ (1Cor. 11, 27)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ là BÍ TÍCH TÌNH YÊU VÀ HIỆP NHẤT :

Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong Bài nói chuyện trên đây, nhắc nhở : “Bí Tích Thánh Thể làm cho Chúa Giêsu Phục Sinh luôn hiện diện và hiến ban chính mình cho chúng ta, trong khi mời gọi chúng ta đến tham dự Bàn Tiệc Mình và Máu Thánh Ngài. Sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể làm nẩy sinh ra đặc tính của đời sống Giáo Hội: là sự hiệp thông giữa các tín hữu, là sự quyết tâm rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng, là lòng nhiệt thành trong các công việc Bác Ái đối với mọi người, nhất là những người nghèo khó và bé mọn…Được nuôi dưỡng và nâng đỡ bằng Bí Tích Thánh Thể, người Công Giáo sẽ không thể không cảm thấy được thúc đẩy để sống hoàn tòan hòa hợp với nhau , như Chúa Giêsu đã ước nguyện trong Bữa Tiệc Ly.”


Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu và Hiệp Nhất, cũng mời gọi và nhấn mạnh đến BỔN PHẬN THỜ PHƯỢNG CHÚA TRONG NGÀY CHÚA NHẬT, ngày kỷ niệm Chúa Phục Sinh. Đức Gíao Hoàng Phaolô II viết trong “Gíao Hội và Bí Tích Thánh Thể” : “ Sự cổ động đặc biệt hữu hiệu cho sự Hiệp nhất, đặc điểm của Bí Tích Thánh Thể, là một trong những lý do của tầm quan trọng Thánh Lễ Chúa Nhật…. Việc dâng lễ ngày Chúa nhật trở nên cần thiết cho đời sống của Giáo Hội và của các tín hữu. Tôi đã bàn rất nhiều trong Tông Thư “Ngày Của Chúa” (Dies Domini) về sự Thánh Hoá ngày Chúa Nhật. Tôi đã nhắc lại rằng: đối với các tín hữu, đi dâng Lễ (Ngày Chúa Nhật) là một nghĩa vụ cần thiết, trừ khi có những ngăn trở nghiêm trọng. Vì thế các vị chủ chăn có bổn phận tương ứng để tạo những điều kiện thuận lợi cho các tín hữu có thể giữ huấn giới trên đây (đi Lễ ngày Chúa Nhật). Gần đây nhất, trong Tông thơ “Bước Vào Thiên Niên kỷ Mới” nhằm chỉ ra đường hướng mục vụ cho Giáo Hội vào đầu Thiên Niên Kỷ III, tôi muốn làm nổi bật cách đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật, nhấn mạnh vì sao Thánh Lễ Chúa Nhật có tác dụng tạo nên sự hiệp thông. Tôi đã viết : Bí Tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để sự hiệp thông luôn được loan báo và gìn giữ. Đúng thế, nhờ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, ‘Ngày Của Chúa’ cũng trở nên ‘Ngày Của Giáo Hội.’ Như thế Giáo Hội có thể thực hiện một cách hiệu quả vai trò của Bí Tích Hiệp Nhất.

Gìn giữ cũng như phát triển sự hiệp nhất trong Giáo Hội là một trách nhiệm của mỗi tín hữu , và chính trong Thánh Thể, Bí Tích Hiệp Nhất của Giáo hội, các tín hữu tìm thấy một môi trường để thể hiện niềm khát vọng hiệp nhất…” Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh : “ Hơn tất cả, công việc này thuộc trách nhiệm đặc biệt của các Chủ Chăn, tùy theo cấp bậc và nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội.”. Ngài nhắc lại lời Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Côrintô : “Khi chúng ta nâng Chén Tạ Ơn mà cảm tạ Thiên Chúa , chúng ta chẳng được dự phần vào Máu Chúa Kitô ư? Và khi chúng ta chia sẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là được dự phần vào thân thể Chúa Kitô sao? Bởi vì, chỉ một tấm Bánh và chúng ta được chia sẻ cùng một Tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể!” (1 Corintô 10:16-17). Ngài cũng nhắc đến lời Chủ Tế đọc trong Kinh Nguyện Thánh Thể III: “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha nuôi dưỡng và được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, xin cho chúng con được trở nên cùng một thân thể và một tinh thần trong Chúa Kitô.”

Sự hiệp nhất đặc biệt được biểu lộ khi chúng ta cùng đứng lên (thường có thói quen nắm tay nhau) và cùng đọc kinh Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “ Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời…”, sau đó chúng ta chúc bình an cho nhau, thường bằng cách bắt tay nhau một cách thân thiện để biểu lộ sự hòa hợp yêu thương trước khi cùng nhau lên Hiệp Lễ (Rước Lễ), để “chia sẽ cùng một Bánh Thánh và cùng một Chén Thánh!” Mong rằng khi chúng ta chúc bình an cho nhau, chúng ta không làm ‘lấy lệ’, hoặc làm cách lạnh lùng, hoặc chỉ để ‘vui đùa’ …, nhưng với tất cả tấm lòng thành thực yêu thương của những người con của Chúa, anh chị em trong cùng một gia đình.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ và CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO :

Sau cùng, chúng ta cũng không quên tính cách truyền giáo trong Bí tích Thánh Thể. Trong Tông Thơ “ Bí Tích Thánh Thể và Công Cuộc Truyền Giáo”, Đức Gíao Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Bí Tích Thánh Thể xây dựng Hội Thánh và Hội Thánh thực hành Bí Tích Thánh Thể… Sau Thánh Lễ, vị Chủ tế chia tay Cộng Đoàn với lời “Ite, Missa Est!” “Thánh Lễ đã xong, anh chị em hãy ra đi!”. Mọi người hãy cảm thấy được sai đi như là ‘Những NhàThừa Sai của Bí Tích Thánh Thể’ để đem đến các nơi hồng ân lớn nhất mà họ đã được lãnh nhận. Thực tế là bất kỳ ai đã được gặp gỡ Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể không thể không công bố tình yêu xót thương của Đấng Cứu Thế bằng chính cuộc đời của mình.” Trong thơ Mục vụ “Giáo Hội Từ Thánh Thể”, có đoạn Đức Gíao Hoàng cũng nhắc đến tính cách ‘ hiệp thông và phục vụ’ của Bí Tích Thánh Thể, khi nhắc đến việc Chúa Giêsu đã rửa chân cho các Tông Đồ trước khi Ngài lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh; sau đó Đức Gíao Hoàng viết: “ Loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1Cor. 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể phải cương quyết dấn thân biến đổi đời mình, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành ‘Thánh Thể’. Chính hoa quả của sự biến đổi đời mình và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm sáng tỏ tính cách cánh chung của việc cử hành Bí tích Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô Giáo: “Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến !” (Kh. 22,20)

Khi cùng nhau ‘lên đường’ chúng ta đừng quên cùng ‘lên đường ‘ với Mẹ Maria, mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “Người Phụ Nữ của Thánh Thể” và là ‘NHÀ CHẦU (Tabernacle) đầu tiên trong lịch sử’. Trong Tông thư “Bí Tích Thánh Thể và Công Cuộc Truyền Giáo”, Đức Gíao Hoàng nhắc lại lời Ngài đã viết trong Tông Thư “Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể” : “Ngắm nhìn Đức Maria, chúng ta biết được quyền năng biến đổi hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Nơi Mẹ, chúng ta thấy thế giới được canh tân trong tình yêu. Mẹ Maria, ‘Nhà Chầu’ đầu tiên trong lịch sử, sẽ chỉ cho chúng ta thấy Chúa Kitô và đem đến cho chúng ta chính Chúa Kitô, Ngài là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Gioan14:16). Nếu ‘Hội Thánh’ và ‘Bí Tích Thánh Thể’ được hiệp nhất không thể tách rời, thì cũng có thể áp dụng điều này cho sự hiệp nhất giữa Mẹ Maria và Bí Tích Thánh Thể”.

Như vậy, sau khi đã được thông hiệp với nhau và nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được thêm kiên cường về Đức Tin, Tình yêu và tinh thần Hiệp Nhất. Chúng ta ra đi, ra đi cùng với Mẹ Maria, đi về các môi trường sống hàng ngày (gia đình, học đường, xưởng thợ, xí nghiệp v.v…) để đem Tin Mừng Tình thương của Chúa đến cho mọi người và mọi nơi. Chúng ta cùng chung tay xây dựng hạnh phúc và hòa bình cho gia đình và thế giới chúng ta!

“Thánh Lễ đã hết chúng con ra về,
Tâm tư hân hoan reo mừng trong Chúa.
Thánh Lễ nối kết chúng con nên một,
Ra đi chung xây cuộc đời bác ái!
Xin tạ ơn Chúa muôn đời,
Chúng con xin tạ ơn Chúa muôn đời!” (Kim Long)


(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)