KHỈ NHỎ MANG GIÀY



Trong một khu rừng già có một bầy khỉ trú ngụ, chúng nó ngày ngày leo trèo trên cây cùng nhau vui đùa. Đói thì hái trái cây rừng ăn; mệt thì nằm trên cành cây nghỉ ngơi, phơi nắng, cuộc sống rất là thoải mái.

Một hôm, một anh công nhân đốn cây đi vào trong rừng chặt cây, tiếng chặt cây rất lớn, làm cho con khỉ nhỏ đang ngủ trên cây kinh hoàng tỉnh dậy, nó mở to con mắt nhìn động vật quái dị ấy, nên vội vàng lay tỉnh mẹ nó dậy: “Mẹ, mẹ nhìn đó là thứ gì vậy ?”

Khỉ mẹ dụi dụi con mắt ngái ngủ nói: “Con trai, đó là loài người đấy.”

- “Mẹ nhìn coi trên chân của ông ta mang cái gì vậy ?”

- “Đó là đôi giày, có giày thì loài người không sợ bị gai châm vào chân.”

Con khỉ nhỏ rất tò mò, nó hy vọng mình cũng có một đôi giày nhỏ đẹp như thế. Thế là nó lợi dụng khi mẹ không có ở nhà, lén lén chuồn xuống núi, dưới núi rất náo nhiệt, mọi người mang đủ các loại áo quần và giày dép, con khỉ nhỏ nhìn bên đông ngó bên tây, cuối cùng lủi đến dưới cửa sổ của một gia đình nọ ăn cắp một đôi giày và chạy về nhà.

Con khỉ nhỏ rất khó khăn để mang được đôi giày vào chân, nhưng lại đứng không vững vàng, nghiêng bên này ngã bên kia giống như người say rượu. Các con vật trong rừng sâu nhìn thấy tướng dáng khỉ con nực cười như thế thì tất cả đều cười ha ha. Con khỉ nhìn thấy mọi người vây quanh mình chỉ chỉ trỏ trỏ, giống như coi người ngoài hành tinh, thì trong lòng rất khó chịu, mặt đỏ kè loạng choạng chạy về nhà khóc hỏi mẹ: “Mẹ, tại sao mọi người đều cười nhạo con ?”

- “Con trai ngốc ạ, chúng ta và loài người không giống nhau, cho nên, trước khi bắt chước người khác, thì trước tiên phải suy nghĩ đến tình trạng thực tế của mình đã.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Trước khi làm việc gì thì nhất định phải đi qua sự phân tích khách quan, tìm ra phương pháp thích hợp nhất để chúng ta tiến hành, bằng không khi bắt chước người khác cách máy móc, thì dễ dàng xảy ra chuyện bắt chước vụng về như con khỉ nhỏ mà làm trò cười cho người ta vậy.

Khi các em còn nhỏ, cha mẹ dạy các em “bắt chước” làm những việc như: nhìn theo tay cử chỉ của cha mẹ để làm Dấu Thánh Giá trên mình, nhìn miệng cha mẹ nói để tập gọi cha gọi mẹ.v.v...đó là cái “bắt chước” đầu tiên của các em trong gia đình Công Giáo, bởi vì đó là một cách giáo dục tín ngưỡng, niềm tin cho các em của cha mẹ.

Rồi khi các em đến trường học, sự bắt chước này sẽ căn cứ vào lối giáo dục của gia đình nơi các em: bắt chước điều tốt và thói xấu nơi bạn bè cũng như ngoài xã hội, nhưng điều quan trọng nhất là các em phải luôn suy nghĩ, phân tích việc làm mà mình sắp thực hiện: nó có hợp với đức tin, khả năng, trình độ, hoàn cảnh và lứa tuổi của mình không ?

Bắt chước mà không đúng thì làm trò cười cho thiên hạ, nhất là nếu các em không bắt chước đúng như Chúa Giê-su đã làm khi Ngài con nhỏ: vâng lời cha mẹ, cầu nguyện và ham học hỏi Lời Chúa. ..

Các em thực hành:

- Bắt chước thật đúng những việc mà Chúa Giê-su đã làm: hy sinh giờ chơi đùa để giúp đỡ cha mẹ, hy sinh vài thứ mình thích để giúp đỡ bạn bè, hy sinh giờ giấc để đến nhà thờ dâng lễ cầu nguyện...

- Bắt chước điều hay điều tốt của người khác để phục vụ tha nhân.

- Muốn làm điều gì thì trước hết phải hỏi ý kiến của cha mẹ, sau đó thì phân tích coi có hợp với mình không.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.