-
Moderator
N - Nói Với Con Yêu Nhân Ngày 30/4
Nói Với Con Yêu Nhân Ngày 30/4
Kính tặng những Tấm Lòng tha thiết với Quê Hương và mến yêu Màu Cờ Tổ Quốc
Con yêu của ba,
Bây giờ đã quá nửa đêm. Ba biết con đang chìm trong giấc ngủ êm đềm của tuổi thơ. Nhưng riêng ba thì không ngủ được. Con có biết tại sao không? Hôm nay là ngày gần cuối tháng 4. Cũng như mọi năm, cứ mỗi lần đến gần ngày 30 tháng 4 là trong lòng ba xao xuyến lạ thường. Ban ngày khi làm việc, ba không chăm chú vào công việc như bình thường, nhưng hay lơ đãng, nhớ nhung về thời dĩ vãng. Ban đêm, dù rất mệt mỏi sau nhiều giờ làm việc cực nhọc, nhưng ba cứ thao thức, tâm trí cứ mãi trôi bềnh bồng về những hình ảnh đã xảy ra trong thời gian cuối tháng 4 của một năm xa xưa, cách đây đã 33 năm trời.
Năm ấy ba chưa tròn 16 tuổi, đang còn cắp sách đến trường, nhưng ba cũng đã đủ khôn để hiểu biết sự việc xảy ra chung quanh mình. Ba còn nhớ rõ, tình hình chiến sự dai dẳng, kéo dài đã nhiều năm giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam đột nhiên gia tăng dữ dội. Càng về gần cuối tháng 4 thì càng có thêm nhiều tin buồn, miền Nam cứ tiếp tục di tản, bỏ mất từ thành phố này đến thành phố khác, bắt đầu từ các tỉnh miền Trung. Đồng Bào không chịu ở lại để sống với kẻ xâm lăng, ùa nhau chạy về hướng các tỉnh miền Nam để lánh nạn, và thảm cảnh đã xảy ra: kẻ xâm lăng tràn đến, thấy đồng bào bỏ đi thì điên tiết, đem súng đạn ra bắn giết, đem cả súng đại pháo bắn vào đoàn người vô tội đang di chuyển trên quốc lộ, trên bãi biển chờ lên tàu. Da thịt đồng bào tan nát, văng vãi khắp nơi. Xác chết không toàn thây nằm đầy không đếm xuể. Dưới bãi biển thì máu nhuộm đỏ nước, thây trôi ngập tràn. Ôi! Cảnh hãi hùng này tưởng chỉ tìm thấy trong hỏa ngục, nhưng đã xảy ra cho hàng ngàn vạn đồng bào thân yêu trên chính mảnh đất ruột thịt của họ.
Con biết không, một số người may mắn sống sót, chạy vô được trong miền Nam, mừng rỡ tưởng mình thoát nạn. Nhưng họ lầm. Quân xâm lăng có bao giờ chịu buông tha. Họ tiếp tục đuổi theo, tấn công, bắn giết đồng bào vô tội, và cuối cùng, đã cưỡng chiếm cả miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, lấy mất đi hoàn toàn sự tự do của người dân miền Nam.
Một số người ngây thơ, nghĩ rằng sau khi "giải phóng" được miền Nam, kẻ thắng trận đã nguôi được sự hung tàn, sẽ nghĩ chuyện xây dựng lại quê hương, và nới tay với đồng bào ruột thịt của chính họ. Nhưng những người này cũng lầm lớn. Họ đã lùa hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, tiêu diệt lần mòn cả một thế hệ nơi rừng sâu nước độc. Họ dùng bao nhiêu kế sách để đoạt lấy tài sản của dân qua các lần đổi tiền và "cải tạo tư sản".
Nhiều người đã bỏ lại gia đình, sản nghiệp, chạy ra nước ngoài để tìm lấy tự do. Riêng ba bị kẹt lại và phải sống nhiều năm dưới sự cai trị của chế độ mới. Nhưng cũng nhờ thế mà ba đã học được nhiều điều, và thấy thêm được bộ mặt của họ. Cuối cùng thì ba cũng đi thoát, và đến được bến bờ tự do như một số đồng bào may mắn khác. Nhưng phần lớn đồng bào vẫn còn ở lại để tiếp tục chịu sự thống trị tàn ác, bóc lột không thương tiếc của người đồng chủng. Tính đến hôm nay, ba đã sống nơi xứ sở tự do này được gần 30 năm. Thời gian dài gần cả nửa đời người, nhưng không khi nào lòng ba nguôi thương nhớ quê hương mà vì hoàn cảnh, ba đành phải đứt ruột ra đi. Ba vẫn luôn ngậm ngùi thương cho mấy mươi triệu đồng bào bao nhiêu năm sống cảnh đọa đày trên chính quê hương của mình. Hình ảnh bao đồng bào chết tan nát, tức tưởi trên đường tị nạn vì súng đạn, đại pháo và sự hận thù cuồng điên của họ vẫn còn ghi rõ trong tâm trí của ba, và càng hiện ra mãnh liệt hơn mỗi khi ngày 30 tháng 4 trở về.
Con yêu,
Chắc bây giờ con hiểu được vì sao đã khuya mà ba không thể ngủ. Không ngủ được thì cũng chẳng sao, ba dùng cơ hội này để ghi tâm sự gởi cho con. Ba cũng thức để cầu nguyện, xin ơn trên thương đến đồng bào bất hạnh của mình.
Còn một điều nữa ba cũng muốn tâm tình với con. Đúng ra phải nói là ba muốn xin lỗi con. Từ lúc con còn rất nhỏ, mỗi năm ba mẹ đều dắt con đi dự Lễ Chào Cờ ngày 30 tháng 4. Ngày đánh dấu giai đoạn đen tối của dân tộc ta. Trước kia, khi con còn nhỏ, thì con chỉ biết đi theo ba mẹ, chứ không thắc mắc gì. Nhưng khi con lớn thêm được mấy tuổi và biết suy nghĩ kha khá, con thường hỏi "con có phải đi chào cờ không?" Câu trả lời của ba luôn luôn là "có chứ" và không cần giải thích gì thêm. Vài năm kế đó, thì câu hỏi của con có đổi khác "tại sao con phải đi chào cờ?". Câu hỏi của con làm ba không vui, nên ba hay lấy quyền làm ba mà nói át con "ba nói đi thì con cứ đi, tại sao phải thắc mắc?". Rồi năm ngoái, câu hỏi mới của con lại làm cho ba suy nghĩ nhiều hơn "con nghe người ta nói đi chào cờ là làm chính trị. Con không thích chính trị, con ở nhà được không ba?". Lúc đầu nghe con hỏi như vậy, ba thấy bối rối và hơi bực mình, nhưng rồi ba nghĩ lại, và cố gắng giải thích cho con hiểu sự khác biệt giữa việc làm chính trị và việc đi dự lễ chào cờ. May quá, con đã kiên nhẫn ngồi nghe ba giảng giải, con hiểu ra được chào cờ là bổn phận của mọi thành phần công dân trong một nước, không phải việc dành riêng cho những người làm chính trị. Hơn nữa, trong hoàn cảnh đặc biệt của người tỵ nạn tha hương như chúng ta, việc chào cờ còn mang thêm ý nghĩa tưởng nhớ về quê hương, tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên và góp phần gìn giữ lá cờ mà cha ông ta đã hy sinh bao xương máu để gầy dựng nên. Con nói "cám ơn ba, bây giờ con hiểu rồi. Từ nay con không bao giờ thắc mắc nữa. Con sẽ đi chào cờ với ba mẹ mỗi năm".
Con ơi, con có biết lời nói đơn sơ đó của con đã làm ba vui sướng lắm không? Con đã giúp ba trút bỏ được bao nhiêu ưu tư trong lòng. Ba cũng chợt thấy ân hận sao bao nhiêu năm qua ba đã không chịu nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu, mà cứ làm ngơ trước những thắc mắc của con. Ba đã quên rằng dù con còn nhỏ, nhưng con cũng cần được tôn trọng, cần được hướng dẫn một cách đúng đắn để con hiểu được, và tự nguyện chấp nhận chứ không nên bị cưỡng ép. Năm ấy, con đã làm hơn điều đã hứa với ba. Chẳng những con đi chào cờ, con còn rủ thêm các bạn của con đi rất đông, và cùng nhau đứng trên sân khấu để hát quốc ca nữa. Con thật đã làm ba vừa vui vừa hãnh diện vì con nhiều lắm đó.
Con ạ,
Điều cuối cùng ba muốn nói với con: ngày rời quê hương, ba ra đi với hai bàn tay trắng. Trên vai ba không có túi hành trang, trong túi ba không có một đồng bạc. Ngay cả khi đến xứ sở này để làm lại cuộc đời mới, ba cũng đã bắt đầu từ con số không. Nhìn bề ngoài thì ba nghèo lắm đó con. Nhưng thực sự thì khi ra đi ba có mang theo trong tim mình một số hành trang. Đó là một chút lòng thành với quê hương, và màu cờ của tổ quốc con ạ. Nhờ đó, lúc nào ba cũng thấy cuộc đời mình còn ý nghĩa vì ba có tài sản, tài sản tinh thần đó con. Ba đã được thừa hưởng những thứ này như di sản quý báu nhất từ ông bà của con. Ba đã trân quý chúng như chính mạng sống của mình. Nếu không may bị mất đi, thì cuộc sống của ba sẽ không còn ý nghĩa nữa. Bây giờ, ba thấy con đã khôn lớn, nên người. Ba muốn trao di sản quý báu ấy lại cho con. Ba mong con hãy nhận lấy, hãy trân trọng, hãy giữ gìn kỹ lưỡng, và nếu cần, hãy hy sinh tất cả những gì con có, ngay cả chính bản thân con, để bảo vệ những giá trị này. Thế hệ của những người đi trước ba đã qua đi, thế hệ của ba mẹ rồi sớm muộn cũng sẽ không còn nữa, cho nên ba thấy ngay từ bây giờ con và các bạn trẻ của con cần phải chuẩn bị để tiếp nhận lấy trách nhiệm của mình, tiếp nối truyền thống của cha ông và bảo vệ lá cờ Vàng, biểu tượng của Tự Do và Tình Người mà Tổ tiên và bao nhiêu người đã nằm xuống để giữ gìn cho đến ngày hôm nay. Có như thế, dù mai sau con có lưu lạc đến đâu, hay gặp phải hoàn cảnh đen tối như thế nào, con cũng sẽ thấy lòng mình ấm áp, vì hãnh diện mình là một người Việt Nam yêu Quê Hương, yêu Giống Nòi và yêu Màu Cờ Tổ Quốc.
Ba của con.
Nguyễn Ngọc Duy
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules