Chúa Đã Chết Hay Bị Thủ Tiêu?



Từ khi làm linh mục, tôi chưa bao giờ làm chủ tế cử hành thánh lễ Tiệc Ly tại quê nhà. Tôi cũng chưa lần nào làm chủ tế dâng lễ này tại đất nước tôi học, vì là linh mục “chui” được gửi đi học và được phong chức tại nước ngoài nên cũng chỉ đồng tế cùng những linh mục bản địa. Đây là lần đầu tiên mà tôi vừa phải chủ tế, lại phải chia sẻ trong thánh lễ Tiệc Ly. Đây cũng là dịp tôi chuẩn bị phải “chia ly” để trở về quê nhà phục vụ. Chính những cảm nghiệm này đã gợi ý cho tôi tìm hiểu thế nào là cuộc chia ly của Đức Kitô.

Khi đọc qua bài Thương Khó của Đức Giêsu hôm nay, lời tuyên xưng sau kinh nguyện Thánh Thể gợi lại trong tôi: Con tuyên xưng Chúa đã chết đi. Vâng, con tuyên xưng Chúa đã chết đi. Nhưng, tại sao Chúa chết? Tại sao Chúa và chúng con phải chia ly để chúng con có bàn Tiệc Ly này?

Chết là một qui luật tự nhiên của thân phận làm người. Đã là người, ai cũng phải chết. Chúa đã chấp nhận thân phận làm người, nên Chúa cũng phải chết. Thế nhưng, qui luật này xảy ra dưới nhiều dạng và nhiều kiểu khác nhau. Thông thường là những cái chết tự nhiên. Rồi những cái chết do bệnh tật. Cũng có rất nhiều cái chết khác thật oái oăm: chết do tai nạn, chết do hận thù, chết do cướp bóc, chết vì bị sát hại, etc. Cái chết của Đức Giêsu là một trong những trường hợp bất thường này.

Cái chết của Đức Giêsu là một cái chết bất thường - nhưng lại cũng bình thường – vì nó phải xảy ra như là một hệ quả tất yếu của tội lỗi. Con tuyên xưng Chúa đã chết đi. Thế nhưng Chúa lại chết không bình thường. Lý do, vì Chúa đâu có lỗi, có tội gì, để mà phải nhận cái hậu quả là cái chết? Vì thế, có lẽ chúng ta nên gọi cái chết của Đức Giêsu là một sự sát hại thì đúng hơn!

Chúng ta tuyên xưng một cách chắc chắn lời khẳng định của Đức Giêsu: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Vì Chúa Giêsu là Sự Sống và là nguồn của Sự Sống, nên có thể chúng ta khó mà chấp nhận rằng, Ngài phải chết. Chính vì sự vĩnh cửu của Nguồn mạch sự sống nơi Ngài mà Chúa Giêsu đã, đang và sẽ mãi mãi là Đường cho chúng ta cũng như toàn thể nhân loại. Thế nhưng, cái “khốn nỗi” nơi Ngài để Ngài phải nhận cái mà tôi gọi là thủ tiêu hoặc sát hại (assassination) là Sự Thật. Chính vì Đức Giêsu là Sự Thật, mà Ngài đã bị thủ tiêu, đang bị sát hại và sẽ còn bị thủ tiêu!

Có lẽ chúng ta không xa lạ gì với những cái chết như thế này. Một sự thủ tiêu dành cho những con người biết sự thật, dám nói lên sự thật, dám bảo vệ sự thật, dám sống cho sự thật, etc – có lẽ không hiếm lắm - ở thời của Chúa Giêsu, hay thời đại của chúng ta hôm nay. Chính vì thế, bài Thương Khó của Đức Giêsu đã được đọc, hôm nay chúng ta đọc, và sẽ còn tiếp tục được đọc lên – cho đến khi Sự Thật được chúng ta đón nhận – từ trong chính tâm hồn sâu thẳm của mỗi người chúng ta.

Tôi xin liệt kê ra đây một vài điểm để gợi ý suy tư:

Tội lỗi của mỗi người trong chúng ta là sự sát hại, thủ tiêu Sự Thật. Nói cách khác, tội của chúng ta đã thủ tiêu Thiên Chúa là Sự Thật. Vì danh dự của mình, chúng ta có thể đã chối bỏ những những “Mầm Sống.” Với những sở thích và đam mê của mình, chúng ta đã bất chấp những giá trị và quyền lợi của con người, công bằng, etc. Với tính cố chấp, chúng ta đã tiêu diệt tất cả những ai biết sự thật, dám nói lên sự thật và dám bảo vệ cho sự thật. Nói ngắn gọn hơn, Đức Giêsu – Sự Thật đã bị tiêu diệt. Ngài vẫn đang bị chù dập và bị thủ tiêu. Thế nhưng, có một sự thật tuyệt vời – Sự Thật sẽ chiến thắng. Đức Giêsu đã bị thủ tiêu – Ngài đã chết – và Ngài đã sống lại vinh hiển, vĩnh viễn. Đây là Sự Thật mà chúng ta sẽ cử hành trong đêm Vọng Phục Sinh.

Dù chúng ta có tìm mọi cách và dùng mọi phương tiện để sát hại và thủ tiêu Sự Thật – Sự Thật sẽ chiến thắng. Liệu rằng có ai trong chúng ta là người đang giết chết và tìm cách sát hại sự thật là những giá trị, phẩm giá và quyền lợi của anh em chúng ta? Hy vọng là chúng ta sẽ bớt phải nói lời chia ly, và tổ chức “tiệc chia ly!” Và hy vọng rằng chúng ta sẽ có nhiều tiệc hiệp nhất trong Sự Thật, Sự Sống và Tình Yêu.


Lm Jos Đinh Công Phúc