TIỂU LỘ GẬP GỀNH




“Sinh ký tử qui”, không biết từ bao giờ nhân loại đã hội tụ kinh nghiệm về kiếp sống mà những kết luận để đời. Phải, làm người ai cũng biết rằng, trần gian chỉ là thời gian ký gửi, tạm bợ, cuộc sống đích thực phải trên thiên quốc, nơi chính họ được phát xuất ra. Như vậy, con người thật ra được “ném” vào nhân loại, được mặc cho một số phận và một kiếp sống, kiếp sống ấy không là cùng đích, chỉ thời gian cho họ rèn luyện để trở thành con người bất tử cho thiên quốc.

Nếu Đức Giêsu không xuống thế làm người mặc khải cho thế giới hiểu sự thật về Thiên Chúa và về chính bản thân họ, có lẽ chả ai muốn về trời, chẳng ai muốn loại bỏ cuộc sống nơi mà họ được sinh ra, được lớn lên, trưởng thành và tồn tại. Hành trình xây dựng cho mình những bệ phóng vững chắc là cả một công trình đổ mồ hôi sôi nước mắt, công lênh khó nhọc thu tích từng ngày chốc lát biến tan khi buông xuôi hai tay nằm xuống, sẽ mang theo được gì về với mình, đến nơi được dọn sẵn.

Cái lạ, ai cũng biết trần gian chỉ là chốn để đi về, nhưng mấy ai muốn từ khước, thậm chí còn tìm mọi thủ đoạn để thủ đắc bằng được những thứ danh vọng hão, không mang lại giá trị hạnh phúc đích thực.

Tại sao thế nhỉ? Tại sao con người khó thoát khỏi ràng buộc của cuộc sống với những đam mê danh vọng. Trong khi chính Thiên Chúa đã phải hy sinh Con Một duy nhất của Ngài hầu mặc khải cho nhân loại biết đường tìm về sự sống, vậy mà chả hiểu sao thế giới vẫn loại trừ Thiên Chúa. Hình như ngày nay người ta không có nhu cầu tâm linh nữa rồi. Phải chăng sức mạnh cơm áo gạo tiền đã chi phối tuyệt đối nhân loại, hay chính vì tác động phụ của nền văn minh công nghệ, khi mọi nhu cầu sống được xã hội quan tâm đặt nặng, người ta đã mất dần cảm giác thiếu, đói, khát. Cuộc sống có thể nói đang được phục vụ cách tiện ích, điều gì có thể chi phối họ ngoài bạc tiền, danh vọng. Cho nên người ta không cần đến Thiên Chúa nữa cũng phải. Thế giới tâm linh được nhân loại nhận định như là chỗ dựa của những con người yếm thế, nghèo đói, không có năng lực tự mình tồn tại, mới cần đến sự trợ giúp của Đấng được gọi là siêu nhiên. Khi của cải vật chất dư đầy, cuộc sống tiện nghi, giàu sang, người ta còn thiết gì đến Thiên Chúa, cần gì nữa mà cầu khẩn với nài xin. Có người giàu đến nứt vách đổ tường, bói còn ra tiền thì nào Thiên Chúa còn cần thiết. Chỉ khi nhân loại mất đi chỗ dựa vật chất, cái mà họ cho rằng vững chắc nhất, khi ấy họ mới thực sự hiểu thấu phù vân ở đời.

Như thế, đích thực trần gian chỉ là con đường đưa nhân loại về đến cội nguồn của mình. Hành trình ấy dài hay ngắn, hạnh phúc, may mắn hay đau khổ tất cả đều tùy thuộc vào hành động mỗi người. Khi vào trần gian Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người mỗi nén bạc khác nhau, Ngài không đòi hỏi điều gì hơn ngoài việc biết sinh lời từ những đó. Con người quên mất việc làm nên những gì được trao mà chỉ mải thu tích cái chóng qua mau tàn. Ngôi nhà trần thế mà nhân loại cố công xây dựng chỉ là nhà tạm, nay còn mai mất, quên đi ngôi nhà vững chắc cần phải xây dựng trên trời nơi đó có Thiên Chúa ngự trị.

Thật ra, con đường khổ giá hay còn gọi là đường hẹp, đường chả mấy ai đi ấy, không thực khó mà đúng hơn khó ở lòng người. Ngại chịu khó, chịu khổ, con người chối từ bước đi trên con đường cứu độ, làm môn đệ Đức Giêsu. Hay khác hơn, người ta không muốn tin Thiên Chúa nữa rồi, có muôn vàn lý do khiến nhân loại khó tin, nhưng lý do quan trọng cũng là sự cố chấp, bỏ qua lời mời gọi lương tâm sâu kín. Không ai dám phủ nhận sự hiện diện của quyền lực thần thiêng, nhưng người ta đổ thừa hay gán mắc cho đó là những chuyện phù phiếm hão huyền, để rồi đạp lên lương tâm mà tiến bước.

Con đường khổ giá không quá đẫm máu nhưng nhân loại vẫn mãi e sợ. Mới nhìn thấy bóng thánh giá, con người đã không dám vác, chính vì thế mà họ chối từ bước theo Đức Giêsu là đường. Nhân loại khao khát tìm đến nguồn chân thiện mỹ, đến hạnh phúc đích thực, đến Thiên Chúa là Cha nhưng lại bỏ qua sự mặc khải, lời rao giảng của Đức Giêsu. Muốn thủ đắc chân lý, kêu gọi truy tìm chân lý nhưng lại bỏ qua chính Ngài là cội nguồn chân lý.

Bơ vơ vất vưởng không lối thoát, không biết đâu là cội nguồn, là bến bờ, nhân loại quay cuồng trong những vòng xoáy của thời đại. Quả thật, tìm được đường sống thật là khó, huống gì đến đường tìm về sự sống bất diệt. Nào được mấy ai can đảm giơ vai gánh lấy thập giá, trong khi nhân loại chỉ thích hào quang phục sinh. Không muốn chiến đấu giữ gìn sự sống mà chỉ muốn hưởng thụ và hưởng thụ.

Bao nhiêu năm qua, lớp lớp người thi nhau bước đi lên đường truy tìm hạnh phúc, bỏ quên sau lưng Người đã chết và sống cho mình. Thiên Chúa cô đơn quá trên con đường chân lý, người ta loại bỏ, xem thường sự hiện diện của Ngài. Có đường nào hoàn hảo cho bằng con đường cứu độ của Đức Giêsu, ở đó Ngài đã mặc khải trọn vẹn chính mình cũng như Thiên Chúa. Không còn bức màn bí mật nào chưa hé lộ, tình yêu thập tự là câu trả lời cuối cùng cho chương trình cứu chuộc. Vậy mà không hiểu tại sao, chả mấy ai muốn bước theo Thiên Chúa cả.

Lạy Chúa, khi lãnh nhận phép rửa là chính lúc con thuộc về Ngài, bước đi theo Ngài. Vậy mà không biết bao nhiêu lần con hoài nghi, ngờ vực bởi va vấp, lỗi lầm. Con không chỉ sợ bóng thập giá mà hãi hùng luôn cả thập giá. Tin yêu Thiên Chúa có phải muốn là được, nếu như chính Ngài không ban ơn. Đã hết rồi thời gian con vật vã đi tìm, truy hỏi câu trả lời về Thiên Chúa. Con bình an hạnh phúc trên con đường đang tiến bước, con đường được Thiên Chúa yêu thương. Cảm nhận có Thiên Chúa là câu trả lời cho mọi vấn nạn của cuộc sống đối với con quan trọng biết chừng nào. Cảm ơn Ngài, lạy Chúa, đã và đang cùng con bước đi trên đường chân lý. Chỉ cần tin Thiên Chúa đồng hành, cũng đủ cho con nghị lực. Xin cho con hiểu rằng con đường trần thế ngày ngày có dấu chân con qua, chỉ là lối đưa con về tới trời. Xin nắm tay con thật chặt, đừng để con dừng lại, cư trú bất kỳ nơi nào không phải là chốn bình yên vĩnh cửu. Con sẽ bước cho tới khi nào không còn có thể, con sẽ cố gắng vượt qua tất cả, lao về phía Thiên Chúa đang đợi, dẫu biết trước tiểu lộ ấy khúc khuỷu, gập gềnh…


M. Hoàng Thị Thùy Trang.