ĐTC Beneđictô tuyên bố: Năm 2009 là Năm Thế giới Thiên văn


Buổi đọc kinh Truyền tin trưa chúa nhựt hôm qua mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì đoạn Tin mừng đọc trong thánh lễ thuật lại cảnh thiên sứ truyền tin cho đức Maria, và lời nguyện của thánh lễ chúa nhựt thứ tư Mùa Vọng được dùng làm lời nguyện kết thúc kinh Truyền tin đọc mỗi ngày. Kinh Truyền tin không chỉ nhắc đến mầu nhiệm Nhập thể nhưng cũng nhắc đến mầu nhiệm Vượt qua (cuộc tử nạn và phục sinh nữa): đó là mầu nhiệm cột trụ của kế hoạch Thiên Chúa cứu độ nhân loại.


Đài thiên văn của Vatican ở Roma

Ngoài ra, bài huấn dụ của Đức Thánh Cha còn đề cập đến một điểm mà không ai lường được, đó là câu chuyện thiên văn. Hôm qua ở miền Bắc bán cầu là ngày đông chí, ngày ngắn nhất trong năm. Theo các nhà sử học, lễ Giáng sinh được mừng vào ngày 25 tháng chạp bởi vì giáo hội Rôma muốn thay thế lễ kính thần Mặt trời, được mừng vào dịp này. Dù sao, cột trụ ở giữa quảng trường thánh Phêrô được cất lên với chức năng của đồng hồ tự nhiên, mang tên là meridiana, để chỉ 12 giờ trưa dựa theo bóng mặt trời. Hôm qua, ngày đông chí, bóng của nó dài nhất trong năm. Kinh Truyền tin được đọc vào lúc 12 giờ trưa (cùng với buổi sáng và buổi tối) nói lên sự gắn liền mầu nhiệm nhập thể với thời gian. Điều này mang ý nghĩa đặc biệt khi bước sang năm mới 2009, được dành do thiên văn học, nhân kỷ niệm 400 năm khai trương viễn vọng kính của ông Galileo. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến,


Ống kính quan sát thiên văn của Tòa Thánh

Bài Tin mừng chúa nhựt thứ tư mùa Vọng trình bày cho chúng ta quang cảnh truyền tin (Lc 1,26-38), mầu nhiệm mà chúng ta nhắc đến mỗi ngày khi đọc kinh Truyền tin. Kinh này giúp chúng ta sống lại thời điểm quyết liệt khi Thiên Chúa đến gõ cửa trái tim của đức Maria, và sau khi đã nhận được tiếng “Xin vâng”, đã bắt đầu mặc lấy xác thể ở nơi Người và do Người. Lời nguyện trong thánh lễ hôm nay cũng chính là lời nguyện của kinh Truyền tin: “Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền mà biết thật Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển”. Còn vài ngày trước lễ Giáng sinh, chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn tả mà Đức Maria đã lưu giữ trong cung lòng trinh khiết của mình suốt 9 tháng trường: mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Đây là cột trụ thứ nhất của công trình cứu chuộc. Cột trụ thứ hai là cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, và cả hai cột trụ liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một kế hoạch của Thiên Chúa, đó là cứu vớt nhân loại và lịch sử của nó bằng việc mang vào mình thân phận con người cùng với gánh nặng của những sự dữ đè bẹp nhân loại.

Mầu nhiệm cứu độ, ngoài chiều kích thời gian lịch sử, còn mang chiều kích không gian vũ trụ nữa: Chúa Kitô là mặt trời ân sủng, bằng ánh sáng của mình, Người đã “biến đổi và thắp sáng vũ trụ đang chờ mong” (Phụng vụ). Việc xếp đặt lễ Giáng sinh trong phụng vụ được gắn với ngày đông chí, khi mà tại miền bắc bán cầu, ngày bắt đầu dài ra. Nhân tiện, có lẽ không phải ai ai đều biết rằng quảng trường thánh Phêrô cũng là một cái đồng hồ chỉ 12 giờ trưa. Thật vậy, cột trụ nằm giữa quảng trường đã in bóng dọc theo một đường gạch kéo dài cho tới suối nước ở dưới cửa sổ văn phòng của tôi, và vào những ngày này, bóng của nó dài nhất trong năm. Điều này nhắc chúng ta rằng vai trò của thiên văn học trong việc ấn định thời khắc cầu nguyện. Chẳng hạn như kinh Truyền tin được đọc vào buổi sáng, giữa trưa và buổi chiều, và các đồng hồ được điều chỉnh nhờ cột trụ mà người xưa dùng để biết chính xác 12 giờ trưa.

Sự kiện hôm nay là ngày 21 tháng chạp, vào chính giờ này là lúc đông chí, tạo cơ hội cho tôi để gửi lời chào đến hết những ai, bằng cách này hay cách khác, sẽ tham gia vào năm thế giới thiên văn, vào năm 2009, nhân kỷ niệm 400 năm những quan sát đầu tiên của viễn vọng kính của ông Galileo Galilei. Trong hàng những vị tiền nhiệm của tôi, đã có những người chuyên gia trong ngành này, tựa như đức Sylvestro II, một giáo sư trong ngành, đức Grêgôriô XIII, người cải tổ cuốn lịch, thánh Piô X, một người biết làm đồng hồ chạy bằng mặt trời. Nếu theo như lời thánh vịnh (19,2) “tầng trời cao kể lại vinh quang Chúa”, thì những định luật thiên nhiên, mà trải qua dòng lịch sử, biết bao nhiêu nhà khoa học đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn, cũng là một động lực lớn lao để chiêm ngưỡng Thiên Chúa với lòng biết ơn.

Giờ đây chúng ta hãy hướng mắt về Đức Mẹ và thánh Giuse, các ngài đang chờ đợi lúc Chúa Giêsu ra đời, và chúng ta hãy học nơi các ngài bí quyết hồi tâm để thưởng thức niềm vui lễ Giáng sinh. Chúng ta hãy chuẩn bị để tiếp đón Đấng Cứu thế đến ở giữa chúng ta, Người là Lời tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người thuộc hết mọi thời đại.

Bình Hòa