Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật IV mùa Vọng năm B
Kính thưa qúi ông bà anh chị em, ở đời khi người ta được mọi sự tư bề, thì có người nhớ ơn của những người đã giúp mình, và muốn làm một điều gì đó để trả ơn, nhưng cũng có người quyên hết những người làm ơn cho mình vì sự chìm đắm trong cơn say mê tiền bạc, quyền hành và mọi sự thụ hưởng.
Với vua Đavít trong bài đọc 1 thì khác, bởi vì, khi vua Đavít được mọi sự tư bề, ông đã nghĩ ngay đến người đại ân nhân của ông, và muốn làm điều gì đó để đáp trả, như Đavít đã nói với tiên tri Na-than rằng: “Ông xem, tôi được ở trong nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” ( 2 Sm 7,2). Chính vì thế, nhà vua muốn xây cất cho Chúa một ngôi nhà thật lộng lẫy để cất giữ Hòm Bia Thiên Chúa trong đó. Nhưng Chúa đã trả lời cho Đavít: “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?” Khi Chúa nói cho Đavít như thế, thì có nghĩa là: đâu đâu lại không phải là nhà của Thiên Chúa, nên phải nói đúng hơn là Chúa xây nhà cho Đavít, vì Chúa đã dìu dắt và hướng dẫn Đavít từ một đứa trẻ chăn chiên lên làm lãnh đạo dân chúng, và Chúa hằng ở với ông, giúp ông diệt quân thù, và làm cho tên tuổi ông lừng danh.
Đavít ước nguyện xây cất một ngôi nhà vật chất cho Chúa, đây là một sự biết ơn đáp trả mà con người cần phải có đối với Thiên Chúa, nhưng Chúa lại muốn ông xây một ngôi nhà khác cơ. Vì tất cả vũ trụ này lại không phải là nhà của Chúa hay sao! Nên, không cần phải nhất thiết xây nhà vật chất cho Chúa; vì, Chúa Giêsu đã chẳng nói với người phụ nữ Sa-ma-ri thế này sao: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Nhưng giờ đã đến- và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21.23).
Với sự dự tính xây nhà cho Chúa của Đavít, nói cho cùng, toàn thể vũ trụ này cũng không thể chứa nổi Chúa, thế thì ngôi nhà Đavít dự tính xây có nghĩa lý gì, thế mà, Thiên Chúa lại cần một ngôi nhà nhỏ bé của từng người một, đó là ngôi nhà của tâm hồn, và dẫu cho ngôi nhà đó có rách nát tồi tàn bởi tội lỗi mấy đi chăng nữa, Ngài vẫn cất bước rong ruổi tìm đến, và khi đến rồi Ngài lại đứng ngoài gõ cửa mà gõ cho đến khi cửa mở ra, Ngài sẽ vào và ở lại trong nhà ấy, vì Ngài muốn trở nên bạn nghĩa thiết với họ.
Đã có một ngôi nhà của tâm hồn mà chưa có một ngôi nhà nào trong lịch sử nhân loại có được như thế, hay nói cách khác, đã có một cung điện tuyệt vời, hoàn mỹ xứng đáng cho Đức Vua cao cả ngự đến. Cung điện tuyệt diệu đó không ai khác hơn là Đức Trinh Nữ Maria, như bài Tin Mừng của thánh Luca trình bày qua Chúa Nhật thứ tư mùa vọng năm B này.
Thiên thần Gáp-ri-en được Chúa sai với một người nữ ở làng nhà quê Nazarét, khi thiên thần gặp Trinh Nữ cũng phải nghiêng mình kính cẩn trước người phụ nữ và cất lời chào rằng: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” ( Lc 1, 28). Sau cuộc đối thoại với thiên thần, Đức Maria đã đáp lại với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Vâng kể từ giây phút đó cung điện thuần khiết của Mẹ rực ánh sáng của Ngôi Lời vĩnh cửu chiếu soi trần thế.
Ngôi Lời đã ngự trong cung điện của Mẹ để thực hiện lời hứa sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội bất tuân. Ngôi Lời ngự vào cung lòng của Mẹ để minh định rằng: Maria là người diễm phúc tuyệt vời cao sang hơn bất cứ một thụ tạo nào. Ngôi Lời ngự đến để kéo nhân loại ra khỏi vũng lầy nhơ nhớp của tội lỗi và sự chết rồi nâng con người lên tới trời cao. Ngôi Lời ngự trong cung lòng của Mẹ, để Mẹ trở nên Mẹ Đấng cứu thế, Mẹ của Ngôi Hai con Thiên Chúa. Và như thế, qua muôn thế hệ sẽ khen rằng Mẹ có phúc, vì Đấng toàn năng đã làm biết bao điều cao cả nơi Mẹ. Tắt một lời, Thiên Chúa đã chọn ngôi nhà cung lòng của Mẹ Maria để ngự đến, và qua đó để Ngài thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng ngự vào bất cứ tâm hồn ai biết mở rộng cánh cửa lòng mình để đón mời Chúa đến; Chúa đã đến- đang đến và sẽ đến, mãi muôn đời Ngài là Chúa trên hết các chúa, Vua trên hết các vua.
Mùa Giáng Sinh gần kề, về vật chất, chúng ta không ai giàu có như vua Đavít, để ta làm ngôi nhà cao sang cho Chúa ngự vào, nhưng ai cũng có một kho báu thiêng liêng, có điều là kho báu đó đang bị che dấu bởi sự ích kỷ, tội lỗi, ươn hèn của con người, nên con người cần phải trở về với Chúa trong sự lắng nghe, cầu nguyện cùng với sự khiêm tốn mở cõi lòng ra để cho Thiên Chúa thực hiện những gì mà Ngài muốn, như Mẹ Maria ở làng Nazarét thuở xưa. Có như thế mỗi người đều trở nên ngôi nhà xinh đẹp để Chúa viếng thăm, vì Chúa ưa thích ngự vào ngôi nhà thiêng liêng của những tâm hồn hiền lành, khiêm tốn, đơn sơ, thương người, hy sinh phục vụ.
Ai được Chúa viếng thăm, cuộc đời người đó sẽ có một giá trị và ý nghĩa lớn lao. Họ sống và làm những điều mà người đời không tưởng nổi. Người có Chúa là người bình an, hoan lạc, vui tươi, hạnh phúc, và cuộc sống người ấy đâu cần phải đua đòi bon chen, tính toán, so đo hơn thiệt; trái lại, với một tình yêu thúc đẩy họ làm những gì có thể làm được để đem lại hạnh phúc cho người khác, cho đi và cho đi tất cả mình có. Muốn sống cho người khác, ước ao cho mọi người được hạnh phúc thực sự bền lâu. Hay nói cách khác người có Chúa là người luôn khao khát cho mọi người nhận biết mến yêu và phụng sự Chúa, như Chúa đáng được mến yêu và phụng sự.
Hài Nhi Giêsu giáng sinh là qùa tặng Thiên Chúa trao ban cho mỗi người một món qùa đẹp nhất, tuyệt vời nhất và giá trị nhất; vì đây là Món Quà đem ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu, cho nên, bằng mọi giá, mỗi người phải chiếm lấy cho bằng được món quà Hài Nhi Giêsu, cho dù phải đánh đổi bất cứ điều gì.
Ước mong giáng sinh năm nay mỗi người sẽ nhận được món quà tuyệt vời, tuyệt đối. Để đón nhận được món quà này là do nơi sự chuẩn bị tâm hồn của mỗi người, qua cuộc sống tin yêu, được soi sáng bởi lời của Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bằng lời thưa xin vâng trong mọi hoàn cảnh như Mẹ Maria thuở xưa. Amen.
Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD.