NGƯỜI THÍCH CHIM HẢI ÂU



Có một người dựa vào biển mà sinh sống, ngày ngày đều bắt cá trên biển, lâu dần thì say mê những con chim hải âu ẩn hiện trên thuyền, mỗi ngày ở không đều đùa giỡn với chim hải âu. Chim hải âu cũng thích anh ta, nên thường kết thành đoàn đội vây quanh anh ta.

Ông bố của anh ta biết chim hải âu thích con mình, nên muốn thử đùa giỡn với hải âu cho biết mùi vị, bèn nói với con mình: “Bố nghe nói hải âu thích đùa giỡn với con, ngày mai con bắt vài con đem về để ba giỡn với tụi nó.”

Ngày hôm sau, đứa con xách cái lồng đi ra biển, anh ta hú gọi chim hải âu đến để muốn lợi dụng bắt vài con, nhưng ngày hôm ấy hải âu đều bay trên trời cao, không bay gần thuyền nữa.

(Liệt tử: Hoàng đế)

Suy tư:

Cái dễ thương của người Ki-tô hữu là biết chia sẻ với người khác những niềm vui nỗi buồn, bởi vì qua lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ họ hiểu được việc chia sẻ với tha nhân chính là chia sẻ với Chúa Giê-su, thánh Phao-lô đã chia sẻ như thế này: “Họ là người Híp-ri ư ? Tôi cũng vậy ! Họ là người Ít-ra-en ư ? Tôi cũng vậy ! Họ là dòng giống Áp-ra-ham ư ? Tôi cũng vậy ? Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư ? Tôi nói nhju7 người điên: tôi còn hơn họ nữa...” (2 Cr 11, 22-23a) bởi vì Chúa Giê-su xuống thế làm nguời không những chỉ cứu chuộc người Do Thái mà thôi, nhưng là cứu chuộc cho toàn thể nhân loại.

Người con vì muốn để cho ông bố vui lòng –dù anh ta không muốn- nên muốn lợi dụng tình bạn giữa chim hải âu và mình để bắt chim hải âu về cho bố đùa giỡn, nhưng trời không muốn như thế...

Trở nên như người nghèo để phục vụ và chia sẻ với người nghèo, trở nên như bệnh nhân để phục vụ và an ủi họ, trở nên như người bị áp bức để nâng đỡ họ.v.v...là lý tưởng của người Ki-tô hữu của mọi thời đại, dù họ biết rằng những việc làm của họ đôi lúc được trả giá bằng hy sinh, đau khổ và tù đày...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.