Truyện ngắn: Thanh Hỏa trà, Hồng Huyết lan

Chuyện kể rằng hoàng đế Quang Trung trên đường kéo quân ra Bắc diệt quân Mãn Thanh, ngài ghé vào gặp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp hỏi về kế sách đánh giặc. Nguyễn Thiếp nói, “Quân Mãn Thanh vừa kéo sang nước ta, kiêu căng ngạo mạn và khinh địch. Doanh trại chưa thiết lập xong. Nếu đánh nhanh, tất chiến thắng”…



Trời mấy ngày hôm nay lạnh buốt. Cái giá rét cuối năm thổi về huyện La Sơn lạnh se da thịt khiến cụ Nguyễn thêm nặng giọng ho khan vào những buổi tối bên chung trà có màu nước vàng đặc như mật ong. Khoác vào người chiếc áo bông dầy màu trắng ngà, cụ Nguyễn loay hoay nấu thêm bình nước nóng cho ấm trà mới. Bóng cụ cô đơn, khẳng khiu, đổ dài bên lò than hồng. Than hồng tí tách nổ văng tung tóe trong đêm đen tựa như những ngôi sao băng trên nền trời cuối năm. Miệng húng hắng ho nhưng cụ vẫn nhận ra được tiếng chân đạp trên lá khô ngoài ngõ vắng. Ngẩng đầu nhìn ra khung cửa sổ, mặt cụ tươi vui hẳn lên. Cụ Nguyễn cất tiếng chào,

— Chào cụ Nghè.

— Không dám, chào cụ.

Từ hồi tóc còn để chỏm, học lớp cụ Tú Chuyên trong làng, cụ Nghè Văn Tiên và cụ Nguyễn Thiếp đã biết và thân với nhau. Học được với cụ Tú Chuyên mấy năm, Văn Tiên chuyển sang huyện bên cạnh theo cửa môn của cụ Nghè Thanh Hậu, một người khoa mục nổi tiếng văn hay chữ tốt không phải chỉ trong tỉnh Nghệ An mà cả vùng Bắc Hà. Năm Nhâm Tuất, năm vỡ con đê khúc sông Ðáy đổ vào sông Nhị Hà, Văn Tiên hai mươi hai tuổi đỗ thủ khoa trường Nghệ. Ba mươi tuổi Nghè Văn Tiên đỗ tiến sĩ, được bổ làm Tri Phủ quyền thụ Án Sát. Trước khi quân Ó tiến vào kinh thành Thăng Long chấm dứt cơ nghiệp 200 năm của Chúa Trịnh, viện cớ thân phụ cao tuổi, cụ Nghè Văn Tiên từ quan về lại làng. Riêng cụ Nguyễn, ngoại trừ thời gian ngồi dạy học tại nhà Ðề Lĩnh ở Thăng Long, sau mấy kỳ lận đận với thi cử, quyết định về làng mở trường dạy sách thánh hiền cho con cháu và dân chúng trong huyện La Sơn. Bởi vậy người trong huyện gọi cụ là La Sơn Phu Tử. Cụ Nguyễn và cụ Nghè nể nhau về tài học, trọng nhau về đức độ. Riêng cụ Nghè Văn Tiên kính trọng La Sơn Phu Tử về cái kiến thức thông thiên bác cổ. Có lần, trong tiệc rượu tân niên bên nhà quan huyện Hương Sơn, cụ Nghè nói,

— Thời Tam Quốc có Ngọa Long tiên sinh nằm trong nhà cỏ nhưng vẫn biết thiên hạ sẽ chia ba. Bây giờ Bắc Hà có Nguyễn tiên sinh. Một đời lận đận với thi cử, không mấy khi rời bước khỏi làng, nhưng những chuyện trong thiên hạ không đâu cụ không biết. Đến là tài.

Quan huyện Hương Sơn vuốt râu khẽ góp ý,

— Nghe nói La Sơn Phu tử còn biết cả đông y.

Cụ Nghè Văn Tiên tiếp lời,

— Quan nói đúng. La Sơn Phu Tử chính là một vị đông y tài sánh với Hải Thượng Lãn Ông của huyện nhà. Có nhiều con bệnh hiểm nghèo, thầy thuốc chê, người nhà chuẩn bị áo quan, tìm kiếm mộ phần. Đưa đến tiên sinh, ngài cứu sống bẩy tám. Trong thời gian dạy học tại kinh đô, Phu Tử và Lãn Ông vẫn thường xuyên gặp gỡ trao đổi về đông y học. Trong thời gian chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán, có hai ba lần Hải Thượng Lãn Ông triệu mời Nguyễn tiên sinh tới Phủ Chúa chẩn mạch cho Thế Tử tại lầu Tử Các. Bởi vậy có lần Hải Thượng Lãn Ông vắng nhà, hình như vô rừng hái thuốc, trong khi đó Chúa Trịnh Khải ngã bệnh nặng. Có người chợt nhớ tới vị đông y bạn của Hải Thượng Lãn Ông. La Sơn Phu Tử lập tức được triệu mời vào kinh đô. Chỉ qua hai thang thuốc, Chúa Trịnh dần dần hồi phục. Từ đó Chúa coi tiên sinh là đại ân nhân, ăn cơm mời ngồi cùng mâm. Biết tiên sinh là người thông thiên bác cổ, Thái Thượng Hoàng (1) và Chúa Trịnh thường xuyên mời ra kinh đô vấn kế. Nếu không có nạn quân Ó, có lẽ tiên sinh đã về lại kinh thành Thăng Long làm việc hẳn trong Phủ Chúa rồi. Có lần thân mẫu của La Sơn Phu Tử ngã bệnh. Nếu không có nhân sâm trong Phủ Chúa, e khó sống. Tiên sinh lên kinh đô diện kiến Chúa Trịnh. Chính tay Chúa Công mở cửa kho thuốc, trao một lạng nhân sâm cho tiên sinh.

Cụ Nguyễn rót nước trà mời khách, những giọt nước trà óng ánh màu mật ong,

— Mời cụ Nghè.

— Không dám. Mời cụ.

Cụ Nghè Văn Tiên đưa chung trà màu nâu đỏ nhỏ tựa hột trứng gà con so lên miệng. Uống một ngụm, cụ đặt chung trà xuống mặt bàn.

— Hương trà thơm. Mới đưa vào miệng, vị chát. Nhưng nuốt vào tới cổ họng, vị ngọt đượm quanh cần cổ. Cụ đặt mua trà này ở đâu vậy?

— Tôi có người cháu gọi bằng bác từ phía Đàng Trong gửi tặng. Người Nam Hà họ cũng có nhiều loại trà khá lạ. Tôi thoạt tiên cứ tưởng thằng cháu mua của người Minh Hương mạn Hà Tiên. Sau mới biết không phải. Trà này của người Nam Hà.

Cụ Nghè ngạc nhiên,

— Trà Nam Hà? Cụ mà không nói, chắc cứ tưởng đang uống trà tàu.

— Trà này người Ðàng Trong gọi là Thanh Hỏa Trà, chỉ xuất hiện trên vùng đất có chất diêm, khí hậu lạnh quanh năm. Thanh Hỏa Trà vị đắng. Màu vàng tươi, óng ánh như mật ong. Người suy nhược uống vào, thần khí trở lại bình thường. Đặc biệt Thanh Hỏa Trà ngừa và giải được độc tính của lá Hồng Huyết.

Cụ Nghè nhíu đôi chân mày,

— Cụ muốn nói đến Hồng Huyết Lan?

Cụ Nguyễn gật đầu. Cụ Nghè Văn Tiên kể chuyện,

— Ở nhà, tôi có một giò Hồng Huyết Lan do một người thân gửi biếu Tết. Người này dặn đừng tưới nước, đúng giờ Giao Thừa Hồng Huyết Lan sẽ nở. Tôi, tôi chưa bao giờ nghe nói tới chuyện Hồng Huyết Lan có độc tính.

Dừng lại nhìn cụ Nguyễn, ánh mắt cụ Nghè Văn Tiên dò hỏi. Khe khẽ cười, cụ Nguyễn chậm rãi nói,

— Hồng Huyết Lan chỉ xuất hiện trên mạn ngược. Khi nở, hoa hình trái tim đỏ như máu tươi. Lá cắt nhỏ, phơi khô ba sương bốn nắng. Giã nát thành bột, bột mang tính độc dược. Hồng Huyết Lan dùng đúng liều lượng có khả năng cứu sống người bị thổ tả. Nhưng nếu đốt trên lò than, mùi thơm hơn trầm hương. Người ngửi phải khói Hồng Huyết Lan, sau ba canh giờ, thất khiếu bắt đầu ứa máu mà chết.

Đứng dậy mở cửa tủ gỗ cẩm xà cừ bóng lộn nằm dưới bàn thờ, cụ Nguyễn chỉ vào lọ thuốc màu hồng ngọc,

— Đây là Hồng Huyết Lan.

Cụ chỉ vào lọ thuốc bạch ngọc nằm ngay bên cạnh,

— Đây là trầm hương.

Cầm lọ bạch ngọc trên tay, cụ rắc nhẹ trầm vào lư hương bằng đồng óng ánh đặt trên mặt tủ gỗ. Nhìn khói trắng quyện tròn bốc cao, cụ Nghè nhấp một ngụm trà, miệng cười hóm hỉnh,

— Giờ này cụ có đốt trầm hương trộn Hồng Huyết Lan, tôi vẫn chưa có cơ hội dạo chơi cõi tuyền đài.

Cụ Nguyễn cười dòn tan,

— Cụ nói đúng, bởi ta đang uống trà Thanh Hỏa. Nhưng cụ yên chí, lương y như từ mẫu, tôi chỉ cứu người...

Cụ Nguyễn dừng ngang tiếng cười, sát khí bỗng dưng nổi cộm dầy như mây xám vần vũ bám đen vầng trán, giọng cụ bỗng khô khốc,

— Họa may, ngoại lệ, chắc chỉ có một người...

Cụ Nghè nhíu mày nhận ra người bạn vong niên ngước mắt nhìn lên bàn thờ gia tiên. Cụ nhìn theo. Trên bàn thờ, bức hoành sơn đỏ thêu chữ Lê đại tự kim tuyến và linh bài có khắc năm chữ Ðoan Nam Vương Trịnh Tôn (2) mờ ảo trong ánh sáng chập chờn của hai ngọn nến đỏ tươi. Cụ Nghè vẻ đăm chiêu,

— Nếu vậy chắc cụ biết Hồng Huyết Lan chỉ nở vào cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, hơn ba tháng hoa chưa tàn. Nhưng đặc biệt Hồng Huyết Lan sẽ không đỏ thắm màu máu nếu không có máu đổ thịt rơi!

Dừng lại, cụ dường như thì thầm,

— Tôi nghe nói nhìn Hồng Huyết Lan, biết tình hình thời cuộc. Nếu hoa nở đỏ màu máu, người ta biết nhân gian sắp sửa trải qua một cuộc binh đao.

Cụ Nghè ngưng lại, nâng cao chung trà,

— Tôi theo lời dặn, từ ngày được hoa không tưới nước. Thật là bất ngờ sáng hôm qua tự nhiên lan hé nụ. Ngạc nhiên tôi hỏi người trong nhà có ai đụng chạm tới giò lan hay không? Đứa con dâu thứ rụt rè nói cách đây hai hôm tôi đi vắng, thằng cháu tinh nghịch đổ nước tưới lan.

Một lần nữa cụ xuống giọng, thì thào nho nhỏ,

— Tôi nhìn hoa Hồng Huyết mà rùng mình, hoa hình trái tim đỏ tươi màu máu. Những nụ còn lại đang chuẩn bị hé nở, nhìn vào bên trong, màu máu đỏ tươi! Ngửi được cả mùi máu tanh nồng nặc!

Cụ Nghè dừng lại, không nói gì thêm. Cụ Nguyễn lặng thinh nhìn ra ngoài khung cửa. Bên ngoài trời tháng Chạp vẫn tối đen như mực. Cụ Nghè Văn Tiên lên tiếng đánh đổ bức tường yên lặng vây bọc chung quanh,

— Chắc cụ cũng biết tình hình Bắc Hà ngày càng rối loạn. Sau ngày Chỉnh bị Nhậm đánh đuổi, Hoàng Thượng bỏ kinh thành Thăng Long chạy sang Bắc Kinh. Cống Chỉnh bỏ đi, Văn Nhậm một mình hùng cứ đất Bắc. Bắc Hà thay đổi từ vua sang chúa, từ chúa sang công (3), từ công sang tướng. Nhưng, một lần nữa Huệ kéo quân Ó ra lại Bắc Hà, thế lực của võ biền Văn Nhậm tan biến. Quân Ó bỏ về lại Nam Hà, 20 vạn quân Thanh dưới quyền Lưỡng Quảng Tổng Ðốc Tôn Sĩ Nghị vượt biên giới Lạng Sơn kéo xuống kinh thành. Thời Nhậm bỏ trống Thăng Long, kéo quân về đóng tại núi Tam Ðiệp.

Cụ Nghè nhìn bạn, thở dài,

— Tôi nghe nói Hoàng Thượng lơ là việc triều đình, ngày đêm chỉ lo báo thù trả oán. Trong khi đó, hai mươi vạn lính Thanh trấn đóng kinh thành ngày đêm hà hiếp dân chúng.

Cụ Nghè đăm chiêu, lắc đầu,

— Nghĩ hoài mà vẫn không hiểu tình hình Bắc Hà rồi sẽ ra sao.

Quay sang người đối diện, cụ thở than,

— Mấy đêm rồi tôi ngủ không được, trằn trọc tới lui. Chiều nay tôi nói phải ghé vào cụ. Cụ bác học, thông thiên địa lý, chắc chắn phải có nhiều cao kiến…

Đưa chung trà thơm lên miệng, uống một ngụm nhỏ, cụ Nguyễn cười,

— Cụ Nghè hỏi thì chắc cũng phải xin góp nhặt một vài điều để hầu cụ. Nhưng, cụ đã hỏi thì tôi áng chắc trong đầu cụ cũng đã có một vài cao kiến.

Cụ Nghè lắc đầu cười xòa,

— Tôi, tôi rối bời qua đây kiếm cụ tâm sự, vấn kế, ai ngờ bị hỏi ngược lại. Nhưng thôi, đã bị hỏi thì chắc cũng phải nói.

Nhìn ra ngoài khung cửa sổ, cụ Nghè Văn Tiên trầm ngâm mơ màng. Quay vào nhìn chung trà, rồi chăm chú nhìn lên bản đồ Thăng Long dán trên vách tường chi chít những khoanh tròn màu mực đỏ những cửa ải hiểm yếu dẫn vào kinh thành, cụ Nghè chậm rãi nói,

— Từ ngày Lê Thái Tổ lên ngôi năm Mậu Thân, đất Thăng Long từ đó đến nay vẫn chưa đổi chủ, mặc dù con cháu tướng quân Trịnh Kiểm và Hữu Vệ Điện Tiền Nguyễn Kim lập hai phủ Chúa tại Thăng Long và Phú Xuân lấn áp vua Lê. Hai trăm năm rồi Trịnh Nguyễn phân chia đất nước, hùng cứ một phương. Nhưng Bắc Hà và Nam Hà trên danh nghĩa vẫn thuộc vua Lê, bởi ngai vàng của Thái Tổ vẫn còn đó. Thêm vào đó, mặc dù là dân của hai quốc gia, người Bắc và người Nam Hà đều răng nhuộm đen ăn trầu xanh. Ngày Tết, người của song Hà vẫn đốt pháo, dựng nêu, đưa ông Táo về trời, nấu bánh chưng xanh, cúng tổ tiên vào giờ Giao Thừa. Nhưng thật là bất ngờ, anh em Tây Sơn nông dân chân lấm tay bùn nổi lên từ Quy Nhơn dẹp đổ vương quyền của Chúa Nguyễn, của Trương Phúc Loan. Lần thứ nhất quân Ó vượt sông Gianh, Phủ Chúa tại kinh đô truyền nối trong vòng hai trăm năm sụp đổ. Lần thứ hai quân Ó kéo ra Thăng Long, quyền hành của Nhậm tan theo gió bụi.

Cụ Nghè Văn Tiên dừng lại, mặt trầm tư,

— Nhưng tình hình lần này hoàn toàn khác. Hai lần trước, quân Ó kéo ra kinh thành cũng chỉ đụng phải đám tàn quân kiêu binh Tam Phủ, một Văn Nhậm vô mưu. Lần này hai mươi vạn quân thiện chiến Mãn Thanh, dưới quyền điều động của danh tướng Lưỡng Quảng Tôn Tổng Ðốc, vượt biên giới Lạng Sơn. Bởi vậy tướng Tây Sơn Thời Nhậm khiếp sợ, chưa giao tranh chưa đụng trận đã cuốn cờ kéo quân Ó bỏ chạy về núi Tam Điệp.

Lắc đầu, cụ Nghè thở dài,

— Có một điều tôi không hiểu. Nghe nói Hoàng Thượng về lại kinh thành nhưng đất Bắc Hà vẫn như vô chủ, bởi từ ngày về lại Thăng Long, Hoàng Thượng ngày ngày bỏ ngai vàng, thân chinh vào tận Tây Long Cung, trại đóng binh của Lưỡng Tổng Đốc hỏi han việc quốc sự.

Cụ Nghè đăm chiêu,

— Chỉ với cụ tôi mới dám thổ lộ điều tâm huyết.

Cụ Nghè ngần ngừ,

— Một phần tôi mong Hoàng Thượng mau chóng khôi phục ngai vàng, phủ Chúa được lập lại. Nhưng nhìn vào Thăng Long với hai mươi vạn quân thiện chiến rợp bóng kinh thành, tự nhiên, thật tình mà nói…

Cụ Nghè giọng nhỏ lại, gần như thì thầm,

— Tôi lại nghĩ tới quân Ó…

Bên ngoài tối đen. Một vài tiếng pháo chuột nổ đì đùng xa xa. Than hồng bám tro tàn ngủ quên trong lò. Bóng của hai người lu mờ câm lặng trên vách tường nhà. Trống điểm canh buồn rầu vang dội đêm đen. Giờ này giờ Hợi.

oOo

Tiễn bước người bạn vong niên ra khỏi cửa ngõ, cụ Nguyễn quay vào nhà. Tiếng chó sủa vang đầu ngõ khiến cụ nhíu mày ngạc nhiên, bầy chó trong nhà không lạ gì cụ Nghè Văn Tiên. Bước vào căn phòng khách, cụ giật mình. Trong làn ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu, cụ Nguyễn nhận ra một người lạ mặt mặc quần áo dạ hành đen tuyền bó sát người, lưng quay lại cánh cửa, mặt hướng lên bàn thờ nhìn bức hoành sơn đỏ thêu chữ Lê đại tự kim tuyến và linh bài có khắc chữ Ðoan Nam Vương Trịnh Tôn. Biết cụ bước vào, người lạ mặt chậm rãi xoay ngang, cất tiếng chào, âm giọng trầm, tiếng ngân vang,

— Kính chào Nguyễn tiên sinh.

Cụ Nguyễn khơi cao ngọn đèn, người lạ mặt hiện ra rõ từng nét. Dáng cao, hai bờ vai rộng, nước da đen sậm, mắt sáng long lanh trong đêm tối. Giọng người khách nghe lạ không phải của Bắc Hà,

— Xin lỗi, tôi ghé nhà hơi đường đột. Nghe danh La Sơn Phu Tử nổi tiếng một vùng. Đã hai lần có công chuyện đi ngang qua, tôi đều muốn ghé vào thăm hỏi. Nhưng cả hai lần đều lỡ dịp. Nay tôi quyết định gác qua mọi chuyện, ghé vào thăm hỏi tiên sinh, sau có một vài tâm ý muốn xin được chỉ giáo.

Cụ Nguyễn giơ tay,

— Mời đại nhân.

Người khách ngồi xuống. Cụ Nguyễn đưa tay nhấc ấm trà, ấm trà nhẹ tênh. Nhìn quanh, cụ lưỡng lự đứng dậy, rồi lại ngồi xuống nhìn người đối diện. Người khách lạ nhìn lên bàn thờ, rồi lại nhìn quanh căn phòng khách, ánh mắt dừng lại nơi có bản đồ kinh thành Thăng Long được đánh dấu với chi chít những khoanh tròn màu mực đỏ những cửa ải chiến lược. Nhìn theo người khách, cụ Nguyễn nhíu mày, cất giọng khô khốc,

— Cám ơn cho những lời quá khen. Lần trước ngài ra Bắc chấm dứt cơ nghiệp trăm năm của Chúa Trịnh, lần thứ hai ngài lại ra Bắc Hà bắt sống Vũ văn Nhậm, đã hai lần đại nhân đi ngang qua đây, cả hai lần tôi đều lỡ dịp được hầu tiếp ngài.

Cụ Nguyễn đứng dậy, cổ bật ra những tiếng ho khan,

— Xin lỗi đại nhân. Trời cuối năm lạnh se da thịt. Tôi thì lại đã có tuổi. Mấy năm nay thường hay đau yếu…

Cụ Nguyễn hạ khung cửa sổ xuống. Chậm rãi quay lại tủ gỗ cẩm xà cừ, cụ lấy ra lọ thuốc hồng ngọc Hồng Huyết Lan. Mở nắp lư hương, cụ Nguyễn rắc nhè nhẹ hương trầm Hồng Huyết Lan lên than hồng. Đụng lửa, khói trắng bốc cao tỏa hương thơm ngào ngạt dầy đặc không gian nhỏ bé của căn phòng khách. Cụ Nguyễn bỏ về ghế, ngồi xuống. Người khách lạ nhìn cụ Nguyễn, khẽ cười, bắt đầu nói,

— Tôi xuất thân từ chốn quê mùa, ngưu ẩm, không biết đốt hương trầm, không biết gẩy đàn, không biết nhiều chữ thánh hiền, nhưng cũng được một vài dịp đi tới lui. Tôi nhớ có nhiều lần ghé vào kinh thành, gặp người Mãn Châu. Người Thanh cụ biết thuộc phương Bắc, to cao lực lưỡng, lấn chiếm xuống Trung Nguyên chấm dứt nhà Minh. Tới thời Khang Hy, tiêu diệt Thiên Địa Hội, chấn chỉnh lại nhà Đại Thanh. Tới thời Càn Long, hùng khí vươn cao.

Người khách lạ dừng lại, giọng trầm buồn,

— Từ bao lâu nay phương Bắc vẫn ỷ lớn coi thường người phương Nam. Người nước Nam, rất tiếc, thời của Lý Đại Tướng với Bắc đánh Tống Nam bình Chiêm, thời của Trần Đại Tướng chỉ sông Hóa thề không trở về nếu không dẹp tan giặc Mông Cổ, thời của Lê Thái Tổ mười năm nằm gai nếm mật tại Lam Sơn đã qua. Hai trăm năm rồi, hai phủ Chúa dùng danh hiệu Thái Tổ hiệu lệnh thiên hạ. Hai trăm năm rồi, Bắc Hà và Nam Hà đoạn giao, coi nhau là thù địch. Người Bắc Hà coi người nằm sau dòng sông Gianh là ngoại tộc, man di mọi rợ. Người Nam Hà coi người nằm trên dòng sông Gianh là hủ nho, cổ hũ, không thức thời. Cũng là người Việt, cũng là con cháu của mẹ Âu Cơ, của Mười Tám đời vua Hùng, thế mà anh em trong nhà quay sang chống đối, hận thù, giết nhau, gây ra bẩy lần cảnh nồi da xáo thịt (4).

Nhìn ấm trà nguội lạnh nằm giữa bàn, người khách lạ yên lặng trong giây phút, rồi lại tiếp tục,

— Tôi nhớ có lần ra tới Thăng Long, đi ngang qua chợ tôi gặp những người Mãn Châu đầu thắt bím, quần áo xuề xòa, dáng vẻ thương buôn, dạo chơi kinh thành. Vừa đi họ vừa nhổ xoèn xoẹt xuống mặt đường. Những người này tới đâu, dân Thăng Long nhìn theo với ánh mắt sợ hãi, chiêm ngưỡng. Có hai ba người học trò, và cả những người con gái nhoẻn miệng cười duyên dáng, mở miệng bập bẹ một vài tiếng Mãn Châu với người Thanh. Nhưng người Mãn Châu nói tiếng Hán, tủm tỉm cười với nhau, không thèm trả lời, bỏ đi thẳng một nước.

Người khách lạ mặt lạnh như tiền,

— Về phòng trọ, tối hôm đó tôi trằn trọc cả đêm.

Tiếp tục nhìn ấm trà nguội lạnh nằm giữa bàn, người khách lạ cười khẩy,

— Có một thời tiên sinh ở kinh thành, tôi tin ngài cũng đã nhìn thấy hàng tơ lụa của người phương Bắc tràn ngập Thăng Long. Người Bắc Hà ghé vào xem, trầm trồ khen ngợi. Bắc Hà cũng như Nam Hà, người ta hát nhạc Mãn Châu. Gần đây tôi thấy có người bắt đầu cạo đầu thắt bím, mặc quần áo Mãn Châu. Dân kinh thành đua nhau học tiếng Mãn. Người người đọc sách nhà Thanh.

Nhìn khung cửa sổ đóng kín rồi nhìn khói của hương trầm thơm ngát trong bầu không khí, người khách tiếp tục,

— Có hai ba lần, tôi gặp những người tuổi trẻ của cả Bắc Hà và Nam Hà. Tôi hỏi họ về Gia Huấn Ca của Vương Hầu Nguyễn Trãi, không mấy người biết. Tôi hỏi họ về sự tích Trầu Cau, chẳng ai hay. Tôi kể chuyện tổ tiên Hùng Vương Mười Tám đời, họ tưởng đó là chuyện của ai. Chuyện tích về nguồn gốc dân tộc, người tuổi trẻ của song Hà đều không hay không biết. Nhưng hỏi họ về nguồn gốc của người Thanh, của nhà Minh, của nhà Hán, hay của thời Ðường không ai không biết. Thơ Lý Bạch, thơ Thôi Hộ, người tuổi trẻ của song Hà đều thuộc nằm lòng. Tôi ngạc nhiên.

Người khách lạ dừng lại nhìn người đối diện,

— Tôi nhớ hai ba lần ghé qua bên Xiêm. Xiêm La theo chế độ cưỡng bách giáo dục, tất cả trẻ em đều phải cắp sách đến trường. Mười tám tuổi, thanh niên vô chùa tu học hai năm. Chùa chiền và trường học xuất hiện khắp nơi trong nước. Cứ khoảng một dãy phố lại thấy một ngôi trường và một cảnh chùa. Ghé vào những khu vực san sát nhà cửa, lâu đài mọc cao như nấm, ngựa xe tấp nập trong kinh thành Vọng Các, tôi ngạc nhiên nhận ra đó là khu vực của người Đại Việt. Hỏi ra mới biết những người này trước đó ở bên nước ta họ không có một tấc đất để cắm dùi. Nhưng một lần bỏ quê cha đất tổ, đời sống họ thay đổi. Họ trắng da thắm thịt. Tôi cũng gặp rất nhiều thanh niên của Bắc Hà và Nam Hà thông minh tráng kiện làm việc trong triều đình vua Xiêm. Nhìn họ cao lớn, tưởng người Xiêm. Có người dậy học cho những hoàng tử Xiêm. Hỏi chuyện tôi mới biết khi còn ở bên nước Nam ta, họ là những trẻ mục đồng, không biết mặt của chữ nhất. Tôi bàng hoàng không tin vào con mắt của mình.

Người khách lạ khẽ thở dài, nhìn lên hoành sơn có chữ Lê,

— Tôi vẫn còn nhớ vào thời Ức Trai tiên sinh, ngài viết trong bản Bình Ngô Đại Cáo, “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Chuyện thời Ức Trai, thời của Lê Thái Tổ, chuyện lâu rồi mà cũng còn như mới. Thời của mười năm liền đất nước Văn Lang mở ngõ cho giặc Minh phá bỏ. Thời của người nước Nam bị đày xuống biển mò ngọc trai, lên rừng kiếm ngà voi cho giặc Minh. Hào khí của người Lạc Việt xuống thấp. Nhiều người bỏ sang Vạn Tượng, Nam Vang, Vọng Các sống một đời tha hương. Nhờ vượng khí nước Nam, nhà Lê nổi lên từ Lam Sơn với mười năm nằm gai nếm mật. Cuối cùng Liễu Thăng đầu rụng tại Chi Lăng, Vương Thông đầu hàng tại Đông Quan. Kinh thành Thăng Long vươn mình bước vào vận hội mới.

Dừng lại trong một thoáng, đôi mắt người khách lạ long lanh màu của lửa,

— Bây giờ Càn Long dựa vào Hoàng tôn Lê Duy Kỳ, sai Tôn Sĩ Nghị đưa hai mươi vạn quân tiến vào Thăng Long. Kinh thành hiện giờ đang ngập bóng người thắt bím. Hoàng tôn Lê Duy Kỳ xưng làm vua, làm cha mẹ của dân. Nhưng thay vì lo đến tương lai của con cái, chỉ vì tư lợi riêng tư, Chiêu Thống dám hy sinh vận mạng của cả một đất nước, của một dân tộc, cõng rắn cắn gà nhà, tạo thêm một cơ hội ngàn vàng cho ngoại bang dầy xéo người nước Nam ta.

Nhìn thẳng vào người đối diện, người khách lạ nói chậm nhưng rõ,

— Tiên sinh là người thông thiên bác học của Bắc Hà. Xin được tiên sinh chỉ giáo cho những điều tâm huyết mà tôi vừa trình bày…

Bên ngoài gió lạnh cuối năm buồn rầu than thở qua khe hở của khung cửa. Trong chiếc áo bông dầy cộm, cụ Nguyễn yên lặng cúi nhìn đất đen, không nói chi. Gió lạnh tiếp tục xào xạc bên ngoài khung cửa, cụ Nguyễn nhìn lên làn khói trắng thơm ngào ngạt quyện bay trong bầu không khí. Cụ nghĩ ngợi. Cụ đứng dậy mở toang khung cửa sổ liếp tre. Gió lạnh ngập tràn bầu không khí thơm ngát trầm hương Hồng Huyết Lan. Sương lạnh bên ngoài thổi hắt vào mặt bật ra những tiếng ho húng hắng nơi cổ họng của cụ Nguyễn. Người khách lạ nhìn cụ Nguyễn, ánh mắt thoáng ngạc nhiên. Cụ Nguyễn miệng húng hắng ho,

— Xin lỗi đại nhân! Tôi lỡ tay đốt nhiều trầm quá, khói bay xông xốc vào cổ họng, ngứa ran cả cổ. Mở cửa sổ ra thì tốt hơn. Sương có lạnh một chút nhưng không khí trong lành không vương khói trầm hương.

Bước tới tủ gỗ cẩm xà, cụ Nguyễn cất giọng thân tình,

— Tôi có một loại trà quý của Nam Hà. Những lúc tối trời giá lạnh, hay pha uống. Trà đặc sánh màu vàng tương tự mật ong. Uống vào, vị đắng, nhưng xuống tới cổ đổi sang dịu ngọt. Trong trà có linh dược giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng không kém gì nhân sâm.

Người khách lạ cười,

— Cụ muốn nói tới Thanh Hỏa Trà được trồng trên vùng cao nguyên đất đỏ, khí hậu quanh năm sương mù giá rét của Nam Hà?

— Ðúng, Thanh Hỏa Trà của người nước Nam. Ngài vó ngựa vạn dậm từ Nam Hà kéo tới đây. Chắc là mệt mỏi lắm rồi. Mời ngài chung ẩm với tôi một ấm trà để bồi dưỡng sức khỏe nhé.

Cụ Nguyễn đặt chung trà nhỏ màu nâu đỏ trước mặt người khách lạ. Cụ Nguyễn cất giọng,

— Kính mời ngài.

Một vài tiếng pháo cối nổ vang dội đêm đen. Bóng của cả hai người một già một trẻ lung linh nhảy múa trên vách tường nhà. Than hồng cháy đỏ tươi vui tiếp tục tí tách trong đêm đen. Trời đã khuya lắm rồi. Trống điểm sang canh, giờ này giờ Tý. Lắng nghe tiếng pháo nổ xa xa, lắng nghe tiếng mõ điểm canh, người khách lạ cất tiếng hỏi,

— Nay quân Mãn Thanh kéo quân sang đây, thế giặc mạnh như chém sắt chẻ tre. Thầy, thầy nghĩ chúng ta phải làm sao?

Cụ Nguyễn đứng lên, ngón tay chỉ vào bản đồ kinh thành Thăng Long dán trên vách tường,

— Quân Mãn Thanh vừa kéo sang nước ta, kiêu căng và khinh địch. Doanh trại chưa thiết lập xong. Nếu đánh nhanh tất chiến thắng…

oOo

Mùa Xuân Nhâm Tý 1792, trong khi đang tiến đánh Nguyễn Ánh tại thành Gia Định, vua Quang Trung tự dưng quỵ ngã, rồi dần dần thiếp đi trong hôn mê, sau cùng băng hà tại điện Trung Hòa vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, thọ bốn mươi tuổi, ở ngôi hoàng đế được năm năm. Không ai rõ lý do và nguyên nhân đã dẫn đến cái chết của đại hoàng đế nước Nam. Có người suy đoán nói hoàng đế Quang Trung, do làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều, bị cao huyết áp, đứt mạch máu não mà chết. Có người nghi vấn đặt vấn đề có thể hoàng đế bị đầu độc hoặc đã từng bị đầu độc trong quá khứ. Nếu đúng là như vậy, ai là người có khả năng đến gần long thể để đầu độc được hoàng đế nước Nam?

Chú thích

[1] Vua Lê Hiển Tôn

[2] Chúa Trịnh Khải

[3] Vua Lê Chiêu Thống phong Nguyễn Hữu Chỉnh danh hiệu Ðại Tư Ðồ Bằng Trung Công.

[4] Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn giao tranh bẩy lần, (1) Ðinh Mão (1627), (2) Canh Ngọ (1630), (3) Ất Hợi (1635), Mậu Tý (1648), Ất Mùi (1655), Tân Sửu (1661), và Nhâm Tý (1672).

www.nguyentrungtay.com
Nguyễn Trung Tây