Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 24 thường niên năm C
Kính thưa quí ông bà anh chị em, trước hết, là người Kitô hữu, ta phải xác tín rằng: Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết mọi loài Chúa đã dựng nên; nhất là con người chúng ta. Khi nói Chúa yêu thương thì không có nghĩa là Chúa không sửa dạy, mà trái lại như thơ Do-thái nói: “Chúa yêu ai thì mới sửa dạy người đó, và đánh đòn những ai mà Ngài muốn họ nên nghĩa thiết với Người” ( Dt 12,5-6). Hôm nay qua bài sách Xuất Hành, Chúa nói với Môisê rằng: Thiên Chúa không những đánh phạt dân riêng mà Ngài đã tuyển chọn, mà còn muốn tiêu diệt họ nữa; Bởi đây là một dân cứng đầu, cứng cổ nên họ đã bao lần xúc phạm đến Danh Thánh của Chúa, nhưng Môsê đã cầu xin Chúa tha cho họ. Môsê nại đến công lao mà Chúa đã gầy dựng, cứu thoát và dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập. Rồi Môsê lại nại đến lời Chúa đã hứa với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp. Bởi vậy mà Thiên Chúa đã nguôi cơn giận mà không giáng phạt họ nữa. Như vậy, qua việc Thiên Chúa muốn sửa phạt dân của Ngài và việc Môsê van xin tha thứ, ta học được điều gì? Nếu không phải là: “Thiên Chúa luôn là Đấng yêu thương, cho dù Ngài đánh phạt hay không, tất cả là: Ngài muốn sự tốt lành nhất cho con người. Còn Môsê thì sao? Tuy rằng Môsê cũng đã rất khổ tâm với một dân cứ thay lòng đổi dạ, thậm chí đã có lần Môisê suýt nữa là mất mạng vì sự nổi loạn của họ và lẻ ra, đây là một dịp rất tốt cho Môisê; Nghĩa là không đứng ra can ngăn Chúa trừng phạt họ, để họ phải chết, thế mà Môsê không muốn dân tộc cùng máu mủ của mình chết, mà dù họ thế nào đi chăng nữa thì cũng là dân tộc của mình; dân tộc mà ông đã ý thức khi còn bên Ai-cập đã không sợ đến tính mạng để bênh vực cho người dân tộc của mình bị người ta ăn hiếp. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Có lẽ mỗi người tự trả lời cho mình trước mặt Chúa về hành động của tôi đối với những người thân yêu của tôi thì sao? Đối với những anh em trong gia đình, cùng dân tộc, cùng niềm tin thì như thế nào?
Tự vấn lương tâm, đặt mình trước mặt Thiên Chúa để biết tình trạng con tội lỗi của người và muôn vàn ân sủng Thiên Chúa ban cho mình. Đây là con đường tuyệt đẹp để giúp ta sửa chữa những sai lầm và đáp trả tình thương của Chúa dành cho ta. Đó phải chăng là con đường mà Thánh Phao lô trong bài đọc 2, thơ gởi cho đồ đệ của ngài là Ti-mô-thê. Thông thường người thầy viết thơ cho trò là để dạy dỗ, khuyên răn, thế mà ở đây, thầy lại viết thơ cho trò để nói lên lời tự thú những lầm lỗi đối với Thiên Chúa (cách nào đó giống bí tích giải tội, trong Giáo hội chúng ta hôm nay; Đức GH, hồng y, giám mục cũng xưng thú tội qua linh mục, qua đó nói lên sự khiêm nhường nhận mình là sự bất toàn, tội lỗi). Thánh Phao lô ở đây không ngần ngại kể ra những trọng tội của mình như: phạm thượng, bắt bớ đạo, sự kiêu căng, thế mà Chúa đã dủ lòng thương không những tha thứ tất cả mà còn tuôn chọn ngài làm tông đồ. Thánh nhân xác tín rằng: Đức Giêsu đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, thánh nhân là người thứ nhất (Tm 1,15). Như thế phải chăng, tình trạng con người của Phaolô, sự trở lại của ngài và gương mẫu hăng say việc tông đồ, sống chết vì Chúa Kitô, đây là con đường cho mọi người; không tự cho mình là người hoàn hảo, không vất ngã, nhưng thú nhận mình là người tội lỗi và tin tưởng vào lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa, không những Ngài thứ tha mà còn sử dụng mình vào những công việc của Chúa, miễn là chúng ta hoàn toàn tuân phục và để cho Ngài dẫn dắt ta đi đâu tuỳ ý Ngài.
Lòng thương yêu của Thiên Chúa không ai hiểu thấu, và con người không thể lấy lý luận theo cái logic bởi những con số cộng, trừ, nhân, chia của con người để hiểu được tình thương yêu của Thiên Chúa, và lại không thể lấy cái tính toán theo lối kinh tế thương mại của thời buổi hôm nay, như 1 so với 10, hay 1 so với 99 là bao nhiêu, nên đâu có cần thiết phải mất thời giờ bỏ ra để đi tìm kiếm, vất vã, khó nhọc, tốn sức, tốn tiền, và sự tốn tiền có khi còn gấp mấy lần những gì đã mất, thật là dại khờ, không ai hiểu nổi, nếu cứ theo sự tính toán của những nhà kinh tế học. Nhưng chỉ có định luật của tình yêu thì mới có những hành động lạ thường, ngây ngô không thể hiểu được, như hành động của một người mục tử không ngần ngại bỏ lại 99 con chiên mà ra sức băng rừng, vượt suối không màng gì đến thời gian, và cũng chẳng quan tâm đến sức khỏe, tính mạng bởi bao nguy hiểm. Hoặc, chỉ một đồng bạc mất trong nhà so với 9 đồng còn lại, nhưng vì sự nóng lòng muốn tìm cho bằng được mà phải vất vả thâu đêm, thắp đèn, quét nhà, soi hết các ngõ ngách, mong tìm cho được và khi đã tìm được rồi, thì không ngần ngại tung cửa ra cho dù là ban đêm, để kêu mời hàng xóm đến chia vui, mà không cần nghĩ đến mình đang quấy rầy họ. Phải chăng vì quá vui mừng khi tìm lại được cái đã mất và muốn người khác chia sẻ niềm vui đó với mình. Ai hiểu nỗi được hành động như thế; Một hành động xem ra khờ khạo và ngớ ngẩn nữa là đàng khác. Quả thật, tình yêu là một hành vi không tính toán, không so đo, không ngại vất vả, phiền hà, thời gian và kể cả những nguy hiểm nữa. Tình yêu là từ trên cao bước xuống không những cho ngang hàng mà còn cho mình như là thua kém nữa là đàng khác, để làm gì, nếu không phải là để cho được gần gũi, để mà thông cảm, chia sẻ, và để cảm hoá, sửa chữa những gì là sai trái, hư hỏng. Chúa Giêsu đến với nhân loại là thế đó.
Hình ảnh người cha, như bài Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại, là người cha già ngày đêm mong mỏi đứa con hư hỏng trở về, và khi nó trở về ông lại đóng vai trò như một người đầy tớ chạy ra đón chào và ôm lấy ‘ông chủ’ yêu quí mà hôn. Than ôi! động lực nào khiến người cha như thế, nếu không phải là tình yêu đó sao! Từ một địa vị người cha, địa vị người chủ mà không khư khư giữ lấy địa vị đó, trái lại còn huỷ mình quyên đi, để đi đến với người khác, kể cả những người đã làm cho mình đau khổ; Ở đây kẻ làm cho mình đau khổ không ai khác hơn đó chính là đứa con ruột của mình, lỗi hoàn toàn do nó tạo nên, thì lẽ ra khi trở về thì để cho nó phải vào tận trong nhà phủ phục trước người cha mà tạ lỗi; Thế mà, ở đây khi thấy người con trở về còn ở đàng xa, ông bố đã vội cất bước chạy tới ôm lấy người con, hôn lấy, hôn để chưa đủ, ông còn ra lệnh cho các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” ( Lc, 15,22-24). Ôi! với một hành xử của người bố tốt lành đối với người con hư hỏng như thế thì có lòng chai, dạ đá nào mà không mềm ra, chỉ trừ khi đó là con người có qủa tim sắt đá, chứ không phải là con người bằng xương bằng thịt nữa.
Ôi! Thiên Chúa đã biết bao lần hành xử với chúng ta không những như thế mà còn hơn thế nữa, bởi vì mỗi khi ta lầm đường lạc lối, mỗi khi ta quay lưng lại với Chúa, mỗi khi ta phạm tội, nhất là những tội trọng, thì ta không khác gì hình ảnh đứa con hoang đàng, ê chề trong tội lỗi, nhưng Chúa vẫn chờ đợi sự trở về để Ngài ban ơn thứ tha. Chúa vẫn ngày đêm ngong ngóng chờ đợi chúng ta quay trở về để Ngài ôm lấy chúng ta cho thỏa lòng mong nhớ vì quá yêu thương, nên Ngài không những tha thứ tất cả tội lỗi cho chúng ta, mà còn trả lại cho ta địa vị làm con của Chúa. Vậy, nếu ta hiểu được rằng: mỗi một người trong chúng ta có một chổ đứng, một giá trị trước mặt Chúa như vậy thì ta đâu có dại dột để tự tách mình ra khỏi biển tình yêu bao la của Thiên Chúa, ta đâu có khờ khạo để tự cắt đứt mối liên hệ tình Cha- con, ta nỡ lòng nào lìa bỏ Giáo Hội và các bí tích. Cho nên, mỗi một khi ta tự tách mình ra khỏi kho tàng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa thì cho dù thể xác ta có khỏe mạnh phương phi, nhưng phần thiêng liêng của ta như đã chết rồi, và cho dù ta có giàu có sung túc được mọi thứ ở trần gian này, nhưng ta lại là những người nghèo và dại dột trước mặt Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa từng giây, từng phút trong cuộc sống, để chúng con thấy được chúng con thật là sung sướng khi được ở trong lòng Mẹ Hội Thánh để nhận lãnh các bí tích. Quả thật chúng con hạnh phúc biết là chừng nào khi được làm con Chúa, con của Giáo Hội, nhưng liệu chúng con có cảm nhận ra điều đó hay không. Ước gì hôm nay và mỗi ngày chúng con nhận ra được mình thật vinh phúc, bởi vì chúng con được Chúa đã đoái thương nhìn đến. Amen.
Lm. Phaolô Cao Thế Bình, SDD