YÊU LỜI VÀ GIỮ LỜI

Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21, 10-14.22.23; Ga 14, 23-29


Là con người, ai cũng vậy, khi người thân mình đi xa thì thường để lại cho những người còn ở lại những lời trối trăn, những lời căn dặn. Những lời ấy càng có ý nghĩa, càng sâu sắc hơn khi người đó chính là người thương của mình, người mà mình yêu quý nhất.

Trong tâm tình đó, hôm nay, chúng ta được nghe Thánh Gioan thuật lại tâm tình hay nói đúng hơn là những lời trối trăn của Chúa Giêsu. Nơi Thánh Gioan, phải nói là có một tình cảm hết sức tuyệt vời với Thầy. Thánh Gioan đã ghi lại toàn bộ “diễn từ biệt ly”. Diễn từ biệt ly gói ghém tâm tình của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Trong tâm tình ấy, Chúa muốn các môn đệ Chúa Giêsu phải sống yêu thương như thế nào đối với nhau (13,34) ? đối với Chúa Giêsu (14,15) ? Tại sao "yêu thương" được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại tới 4 lần (cc 15.21.23.24) ?

Các môn đệ phải sống yêu thương với nhau như Đức Giêsu đã yêu thương họ (13,34) ; họ phải yêu thương Chúa Giêsu bằng cách tuân giữ các giới răn của Ngài (14,15). Chúa Giêsu 4 lần nhắc tới yêu thương vì đây là điều răn quan trọng nhất và tiêu biểu nhất của Ngài.

Trong câu 31, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta thế nào ? Gương yêu thương của Chúa Giêsu : làm đúng như ý Chúa Cha.

Với kinh nghiệm hết sức thực tế trong lịch sử cứu độ, qua lịch sử cứu độ chúng ta thấy phảng phất hình ảnh của những con người không tuân hành thánh ý của Chúa Cha.

Khởi đầu Thánh Kinh, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ hết sức quen thuộc. Người nữ ấy có tên là Eva, bà là mẹ của chúng sinh. Mẹ của chúng sinh ấy nhưng bà có đủ ba đức tính để làm nên tội lỗi: thích ăn, nhẹ dạ và... tò mò. Trái Cấm ngon và kỳ diệu lắm! Đã là con người, ai chẳng muốn được ăn ngon? Và nếu như cái sự ăn đó sẽ đem đến cái vĩ hoàng tương tự như Thiên Chúa thì lại càng đáng để thử. Thích thử để biết cũng là một thuộc tính của cả loài người…

Vì muốn bằng Thiên Chúa nên Eva đã giơ tay hái trái cấm. Không chỉ mình mình ăn nhưng Evà còn “mời” chồng mình ăn nữa.

Kế tiếp, chắc chúng ta khó quên hình ảnh của một vị vua lừng danh đó là vua Đavít. Đavít : một kẻ phản bội, một kẻ dối trá, một người phạm tội ngoại tình, một tay giết người. Phạm tội ngoại tình với Bát Sêva. Đavít đã :

Giết Urigia chồng của Bát Sêva

Bất tuân lệnh Chúa khi thực hiện việc kiểm tra dân số

Không có thái độ cương quyết với các người con của mình

Cũng có người này người kia đến nhắc nhở nhưng Đavít đã bỏ ngoài tai những lời răn đe ấy. Vì bỏ ngoài tai lời của Thiên Chúa nên Đavít đã phạm tội.

Sang đến Tân Ước, chúng ta làm sao quên được hình ảnh của bà mẹ ông Giacôbê và Gioan. Đi theo Thầy, sống gần Thầy đấy nhưng mà lại xin chỗ nhất chỗ nhì.

Thánh Phêrô bi đát cũng chẳng kém. Khi Thầy báo trước con đường khổ nạn lên Giêrusalem thì lại cản Thầy. Kinh khủng hơn nữa là đã chối Thầy bây bẩy vì không nhớ lời Thầy dặn trong bàn tiệc. Thật sự ra cũng nhớ lời Thầy ấy nhưng mà yếu đuối, nhưng mà bị ngăn cản bởi con người mỏng dòn nên Phêrô đã chối Thầy.

Lược qua những hình ảnh, những con người hết sức thực tế trong cuộc sống, trong Thánh Kinh đã vì bất tuân, đã vì không nghe lời Chúa nên đã sa ngã, đã phạm tội.

Lời Chúa hết sức cần thiết cho cuộc đời mỗi người. Các thánh tông đồ tuy yếu đuối, tuy vấp ngã ấy nhưng sau khi có ơn Thánh của Chúa Phục Sinh cuộc đời của các tông đồ đã thay đổi. Các môn đệ đã mạnh dạn lên đường rao giảng Tin mừng. Không chỉ rao giảng một cách bình thường nhưng các ông rao giảng một cách mạnh mẽ : Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ. Các ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ.

Không dừng lại ở chuyện gay go mà các ông còn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận trong dân. Sau đó các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh. Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau:

“Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh."

Các tông đồ đã gửi đến cho họ những người cống hiến cuộc đời vì danh Chúa Giêsu. Những tông đồ này trước đây cũng nhát đảm nhưng chắc có lẽ nhớ lại lời của Thầy trong bàn Tiệc Ly chiều thứ Năm Thánh nên các ông can đảm để loan báo Tin mừng.

Lời của Thầy ắt hẳn vẫn còn văng vẳng bên tai của các tông đồ : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.

Đó là cách biểu lộ duy nhất mà Thiên Chúa đã quyết định thể hiện : người đến cư ngụ giữa những kẻ tiếp đón Người và tin tưởng nơi Người. Nói cách khác, Người chỉ được người ta nhận ra Người "hiện diện", nhờ những kẻ yêu mến Người... Tình yêu không cưỡng chế ai, không thúc ép ai.

Cảm nghiệm về một sự hiện diện thân mật nào đó của một người, tuy "vắng mặt" về thể lý, chúng ta cũng có thể nhận ra trong nhung tình yêu nhân loại ta, nếu chúng là chân thực : bất giác chúng ta sẽ nhận thấy đang khi nói, trong một cuộc đối thoại nội tâm, với người yêu, với bạn hữu, con cái, hôn phu, người chồng.

Đó là sự hiện diện của kẻ vắng mặt ! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có kẻ yêu thương mới nhận ra.

Chúng ta vẫn thường phàn nàn về sự vắng mặt của Thiên Chúa, về thái độ im lặng của Người. Người tín hữu luôn đụng chạm với lời thách đố của kẻ vô thần : ..."Thiên Chúa của bạn ở đâu ?" (Tv 42,4). Nhưng ngày nay, câu chất vấn đó có chiều hướng đi tới một chối từ Giáo hội, phủ nhận nếp sống cộng đoàn của Giáo hội : người ta cảm phục Chúa Giêsu như một mô hình của nhân loại... người ta không chống đối Người điều gì. . . nhưng người ta gạt Người sang một bên, như thể không có Người . . . bằng cách khỏa lấp qua một lời tuyên bố quá dễ dãi : "Tôi tin nhưng không hành đạo". Do đó, rõ ràng là có một ranh giới thực sự giữa "người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu với mọi người khác, dù họ rất có cảm tình với nhân vật Giêsu Nadarét. Chúa Giêsu mạnh dạn quả quyết rằng, Người không chỉ là một kẻ chết, dù là tuyệt vời, của lịch sử xa xưa... cũng không chỉ là mẫu người đẹp mà sứ điệp có thể làm người ta phải suy nghĩ... Nhưng Người là một con người đang sống đang hoạt động, hôm nay vẫn còn hiển nhiên. Nhờ sự Phục sinh, Đức Giêsu Nadarét, con người lịch sử, đã bước vào thế giới xác định của Thiên Chúa : điều đó minh chúng. Người cũng trở nên kẻ đồng thời với mọi người.

Chúa Giêsu còn nói thêm : Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Chúa Giêsu quả quyết, từ giờ trở đi Người đang hiện diện nhờ những kẻ yêu mến Người, nhờ các tín hữu đích thực mà Người đang cư ngụ trong họ.

Khi Chúa Giêsu tuyên bố những lời đó, quả thực chỉ còn ít giờ nữa là Người sẽ phải chết. Người là Đền thờ mới, được dựng lại nội trong ba ngày (Ga 2,19-22), Đền thờ mà ở đó người Do Thái thường cảm thấy một sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu còn đi xa hơn. Người dám quả quyết rằng, kể từ' lúc Người ra đi, thì sự hiện diện không diễn tả thành lời này, chắc chắn bị che giấu, nhưng sẽ được bảo chứng nhờ các Kitô hữu.

Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy... Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Giữa những người yêu thương nhau, cần có sự lắng nghe, đối thoại, nói năng, trao đổi. Trong tình yêu của chúng ta, không cố gì tệ hại hơn là "không biết lắng nghe", không chịu nói năng. Ở đây Chúa Giêsu mạc khải cho ta một trong những chìa khóa mở tới đời sống Kitô hữu đích thực : Suy niệm Lời Chúa, như một dấu chỉ của sự Hiện Diện. Đó là một sự kiện. Chúng ta không có sự hiện diện thể lý hữu hình của Chúa Giêsu, nhưng đối với kẻ yêu mến Người, thì thật là kỳ diệu, họ đã nhận được tư tưởng, lời nói của Người. Chúng ta cần ghi nhận, Chúa Giêsu không chỉ nói đến một lời được đón nhận trong tâm trí, mà là một lời ta phải tuân giữ một lời phải đưa ra thực hành, một lời nhờ luôn "sống động" sẽ giúp kẻ ban lời cũng thực sự hiện diện. Sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh, sống động ... có thể được "nhận biết" cách cụ thể (điều đó hẳn là thế được !) trong đời sống của các môn đệ đích thực.

Cũng như Đức Giêsu Nadarét là nơi thể hiện sự hiện diện và lời của Chúa Cha ("Lời anh em nghe thấy không phải là của Thầy"), cũng vậy từ giờ trở đi, các Kitô hữu, Giáo hội chính là nơi đó. Thật là trách nhiệm lớn lao.
Nghe và giữ lời Chúa hay không là quyền tự do của mỗi kitô hữu.


Anmai, CSsR