CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN - năm B

HẠNH PHÚC LỚN LAO


Phi hành qia Gagarin sau khi đã bay nhiều vòng trong vũ trụ khi trở về trái đất đã tuyên bố rằng:tôi chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả . Thế nhưng, nhà Bác học Newton khi quan sát vũ trụ bằng kính viễn vọng đã thốt lên: tôi thấy Thiên Chúa qua kính viễn vọng của tôi .

Chúng ta là những người tin Chúa Giêsu Phục Sinh và lên trời cả hồn lẫn xác. Vậy chúng ta trả lời cho vấn nạn đó như thế nào ? Chúa Giêsu lên trời nghĩa là gì ? Nay người ở đâu ? Việc Chúa Giêsu lên trời có liên hệ gì tới cuộc sống hiện tại của chúng ta hay không ?

Theo quan niệm của người Do Thái cách đây hơn 2000 năm, vũ trụ này chia ra làm ba phần : Phần dưới mặt đất là là âm phủ dành cho người chết;phần trên mặt đất dành cho loài người đang sống và trời là thế giới của Thiên Chúa và các Thánh.

Để thích ứng với quan niệm bình dân ấy, các Giáo Lý Viên ngày xưa đã trình bày mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu thành hai giai đoạn :
- Giai đoạn I : Sống lại, Đức Giêsu đi từ âm phủ lên mặt đất

- Giai đoạn II: Lên trời, Đức Giêsu bay từ mặt đất lên thế giới của Thiên Chúa .

Trình bày như vậy thì dễ hiểu nhưng không hoàn toàn đúng với thực tế,hậu quả tai hại là người ta dễ hiểu lầm rằng khi lên trời như thế Chúa Giêsu sẽ đi xa trái đất và cuộc sống của loài người, vì trời thì ở trên cao xa tắp, đâu có liên hệ gì tới trái đất. Những chữ lên trời bị chi phối bơi cách suy nghĩ có giới hạn của chúng ta.Theo cách suy nghĩ đó,các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian.Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao.Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn.Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó.Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới,trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi,đã thấm nhuần tinh thần.

Thực ra khi Chúa Giêsu sống lại Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Ngươì bước vào cõi vinh quang của Thiên Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha,mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.

Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã được thiết lập nay được cũng cố để được sai đi. Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa.Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Đức Kitô ban những giáo huấn cuối cùng,trao những chức vụ phải thi hành trong giáo hội,chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Đức Giêsu đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh chúng ta thôi, bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Chúa Thánh Thần Đức Giêsu sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.

Khi hai người yêu nhau thì luôn muốn sống bên nhau, nhưng tới một giây phút nào đó họ cảm thấy sống bên nhau vẫn chưa đủ. Xuân Diệu đã diễn tả chân lý ấy cách sâu sắc : Hai người tình ngồi sát bên nhau, ôm lấy nhau mà vẫn còn thấy rất xa xôi . Nnững người yêu nhau muốn sống trong nhau, nhưng điều đó không thể xảy ra giữa loài người được vì dẫu sao thân xác của mỗi người vẫn tạo ra một ngăn cách. Điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm. Đức Giêsu một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “ Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23). Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “ Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5). Thiền sư Suzuki rất tâm đắc với huyền nhiệm này khi viết : Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Chúa là người và người là Chúa mà Chúa vẫn là Chúa và người vẫn là người. Quả thật,đó là điều kỳ bí nhất của Tôn Giáo, một nghịch lý thâm u nhất của triết học.

Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người,đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng.Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy,đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào.

Bài Tin mừng hôm nay kết thúc phúc âm Maccô nhưng thực ra là một sự khởi đầu, một sự khai mở,đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu. Hình thức của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ Đức Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa đã dùng giáo hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng.Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài.Giáo hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể.Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của giáo hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý,trao ban sự sống,dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

Mỗi Kitô hữu là chi thể của giáo hội,thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô,mỗi người chúng ta cũng là những cánh tay mở rộng của Chúa Kitô,nhờ đó Người không ngừng trao ban tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người.


Lm. Giuse Nguyễn Hữu An