-
Moderator
C - Con số hai
Con số hai
Từ đầu tháng Sáu đang diễn ra những trận cầu bóng đá giải Euro 2008 sôi nổi trên sân cỏ. Mỗi trận thi đấu trên sân cỏ diễn ra chỉ giữa hai đội banh.
Rồi đang có những nỗ lực dàn xếp cho hai dân tộc Israel và dân tộc Palestina cùng ngồi vào bàn họp tìm ra giải pháp sống chung hòa bình với nhau.
Con số hai như thế trong đời sống đóng vai trò thiên nhiên chủ yếu.Còn trong đời sống đức tin đạo giáo thì sao? Con số hai có liên quan gì với không?
1. Trong dòng đời sống
Trong bài tường thuật về sáng tạo, Thiên Chúa tạo dựng công trình thiên nhiên có hai yếu tố song song nhau: ánh sáng và bóng tối, vùng khô ráo và vùng nước, ngày và đêm, trời và đất, nam và nữ, loài sống trên đất và loài sống trong nước ( Sáng Thế 1,1-31).
Nhà hiền triết Hy lạp Aristophanes cho rằng, ngay từ nguyên thủy con người như một khối hình tròn, nhưng sau đó bị phân chia ra làm hai nam và nữ. Vì thế, sống trong hai, họ luôn luôn tìm về hợp nhất thành một.
Theo triết lý bên Trung Hoa cũng có hai yếu tố nền tảng trong vũ trụ: Yin và Yang - Đất và trời, tiêu cực và tích cực, xấu và tốt.
Nơi mỗi người số hai tạo ra sự cân bằng cùng thẩm mỹ do Tạo Hóa đã dựng nên, ai cũng có hai tay, hai chân, hai con mắt, hai lỗ mũi, hai tai.
2. Trong lịch sử đức tin
Trên núi thánh Sinai, Thiên Chúa đã truyền cho Thánh Tiên tri Maisen khắc ghi 10 điều Răn vào trong hai tấm bia đá ( Xh 31,18).
Luật làm chứng phân xử cũng cần phải hai chứng cớ đã có từ thời xa xưa nơi dân Do Thái về lối sống công bình sáng tỏ (Đệ nhị luật 19,15)
Trong Kinh Thánh Chúa Giêsu nói đến con số hai không chỉ là rằn ranh phân biệt, nhưng còn có ý nghĩa bổ túc cho nhau nên đầy đủ trọn vẹn. Chúa Giêsu nói đến hai giới luật: mến Chúa và yêu người. ( Mk 12,29-31).
Trên núi Tabor Chúa Giêsu nói chuyện với hai Thánh Tiên tri Maisen và Elia ( Lk 9,3).
Làm phép lạ cho có đủ thức ăn nuôi sống con người đến nghe giảng đạo, Chúa Giêsu dùng hai con cá và năm chiếc bánh ( Mt 14,17).
Hai người nam và nữ sống kết hợp với nhau nên một thân thể thành vợ chồng bất khả phân ly. ( Mt 19,5)
3. Trong đời sống Giáo Hội
Có nhiều vị Thánh trong Giáo Hội. Nhưng chỉ có hai vị Thánh lớn cột trụ nền tảng của Giáo Hội xưa nay được tôn kính cùng nhắc nhớ đến chung trong một ngày cùng nhiều nhất: Thánh Phero và Thánh Phaolô.
-Tên tuổi Hai vị Thánh này cùng bắt đầu bằng chữ P. Nhưng tính tình, nguồn gốc thân thế cùng đời sống của hai vị lại rất khác nhau.
Thánh Phero được Chúa Giêsu kêu gọi trực tiếp làm môn đệ sống đi theo Chúa từ đầu suốt ba năm trường hấp thụ giáo lý bên cạnh Chúa cho tới khi Chúa Giêsu sống lại về trời, lúc Ông đang thả lưới đánh cá sinh sống ở bờ hồ Galilê. Sau Ông trở thành người thủ lãnh đoàn Môn đệ 12 người của Chúa, và là vị Giáo hoàng thứ nhất của Giáo Hội Công Giáo được Chính Chúa Giêsu ban phong. Ông Thánh Phero, theo phúc âm thuật lại, có tính tình nhiệt thành bộc trực nóng nảy theo cung cách sống suy nghĩ của một người bình dân ít học.
Thánh Phaolô không có cơ hội như vậy. Ông là người Do Thái nhưng lại sinh trưởng ở Tarsus, sống làm nghề dệt lều vải. Ông là học trò của trường Thầy Giảng đạo Do Thái Gamiel, và có một nền giáo dục đào tạo văn hóa cao sâu. Ông chưa bao giờ được thấy Chúa Giêsu ở trần gian. Ông là người nhiệt thành ghét chống lại Giáo Hội Chúa Giêsu, sau cùng là người trở lại tin theo Chúa Giêsu trong một thị kiến ngã ngựa dọc đường nghe thấy tiếng Chúa Giêsu gọi. Từ đó Ông trở thành vị Tông đồ hăng say đi khắp nơi sang tới các đất nước vùng miền trung Âu châu, rao giảng làm chứng về Chúa Giêsu.
Ngoài ra ông còn viết 13 thư luân lưu gửi cho các Giáo đoàn để lại như kho tàng Giáo Lý về Thiên Chúa cho Giáo Hội. Những bức thư của Thánh Phaolô chứa đựng những suy tư giáo lý thần học theo lối lý luận triết lý rất sâu sắc của một học gỉa uyên thâm, nhưng cũng theo sát cuộc sống con người.
-Hai vị Thánh này cùng được Chúa kêu gọi làm môn đệ cho Chúa vào hai thời gian khác nhau: Thánh Phero lúc Chúa còn sống giảng đạo trên trần gian, Thánh Phaolô lúc Chúa đã sống lại và về trời. Nhưng hai vị này đều có hai tên: Thánh Phero có tên nguyên thủy là Simon được Chúa Giêsu đổi thành Petrus. Thánh Phaolo có tên là Saulus theo tiếng Do Thái, sau khi trở lại lấy tên là Paulus.
-Hai vị là Tông đồ giữ nhiệm vụ rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu. Nhưng lại theo đuổi hai nền giáo dục đào tạo khác nhau.
Thánh Phero chú trọng đến bảo vệ Giáo lý theo truyền thống trong nội bộ nước Do Thái. Thánh Phaolô chú trọng làm sao mang tin mừng của Chúa đến cho mọi dân tộc khác bên ngoài đất nước Do Thái.
-Khi suy tư về Đền thờ, về Giáo Hội của Chúa, hai vị có suy tư giáo dục đào tạo, tuy khác biệt nhau, nhưng sống động cụ thể.
Thánh Phero kêu gọi “ Anh em hãy để Thiên Chúa dùng mình như những viên đá sống động mà xây nên Đền Thờ thiêng liêng” (1 Phero 2,5)
Thánh Phaolo có suy tư: “Vậy anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị…” ( 1 cor 12, 27-28)
-Hai vị Thánh Phero (Petrus) và Phaolo (Paulus) được kêu gọi vào làm thợ trong khu vườn tin mừng của Chúa ở trần gian, nhưng với hai đặc tính sắc thái khác nhau của mỗi người về lòng tin vào Chúa.
Ơn Kêu Gọi của Thánh Phero đặt nền trên lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là con Thiên Chúa với cả lòng nhiệt huyết yêu mến: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".( Mt 16,16)
Thánh Phaolo đã viết về ơn kêu Gọi của mình: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” ( Galata 1,15-16).
****************
Giáo Hội Công giáo do Chúa Giêsu thành lập.Nnhưng Hai Thánh Phero và Phaolo cùng với các Thánh Tông đồ khác của Chúa là cột trụ xây dựng tiếp ngôi nhà Giáo Hội từ hơn hai nghìn năm qua.
Hai vị Thánh này có thể nói là một mẫu mực căn bản cho Giáo Hội giữa hai đầu cực sống trung thành với truyền thống của Tin Mừng của Chúa và việc diễn dịch áp dụng Tin Mừng của Chúa trong đời sống của con người trên thế giới vào từng thời đại.
Mừng kính nhớ về hai vị Thánh này trong Gíao Hội chung một ngày cũng là khuôn mẫu cho sự hợp nhất trong Giáo Hội. Cho dù có khác biệt từ thời các Thánh Tông đồ, nhưng đức tin vào Chúa vẫn luôn là một.
Chính “một Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa” ( Epheso 4,5) là sức mạnh cho sự hiệp nhất cùng sức sinh động của Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian.
Lễ kính hai Thánh Phero và Thánh Phaolo, 29.06.2008
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules