Cha Lagrange, dòng Đaminh và Cha Teilhard de Chardin, dòng Tên vốn là hai nhà thần học nổi tiếng về Kinh Thánh, về triết lý, khoa học và tu đức. Cha Lagrange đã dày công dịch toàn bộ Kinh Thánh ra tiếng Latinh, thành lập và xây dựng trường Khảo Cổ Thánh Kinh tại Giêrusalem. Trong khi đó, Cha Teilhard de Chardin miệt mài nghiên cứu khoa học, soạn nhiều tài liệu nổi tiếng, có uy tín khắp Âu Châu lẫn Á Châu.
Các sách mà hai Cha viết và phát hành, luôn được đón nhận rộng rãi và hữu ích cho nhiều người. Tuy nhiên, một ngày nọ, khi những tác phẩm của các Ngài vừa xuất bản, bất ngờ có vài điểm trong đó đã bị dư luận xuyên tạc hiểu lầm, khiến Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin yêu cầu tạm ngưng ngay việc phổ biến chúng. Toà Thánh đòi buộc hai Cha hãy cố gắng tìm cách giải thích những chủ trương, tư tưởng mới lạ của các Ngài rõ ràng hơn, sao cho phù hợp với Giáo Lý Công Giáo, tránh hiểu lầm, lạm dụng…
Dù là bậc học giả có uy tín, các tác phẩm biên soạn lại rất công phu, nắn nót từng chữ từng câu; vậy mà nay bị đình chỉ phổ biến, phải sửa chửa, tu chỉnh. Hai Cha buồn lắm, song vẫn nén tự ái, khiêm tốn vâng theo quyết định của Thánh Bộ, thinh lặng chờ đợi và tiếp tục nghiên cứu, mặc cho báo chí bên ngoài khai thác rùm beng.
Sau nhiều năm đào sâu thêm vấn đề, sắp xếp và giải thích các chi tiết cần thiết, cuối cùng tác phẩm của các Ngài lại được Toà Thánh cho phép xuất bản và thành công rực rỡ. Khắp nơi ai nấy đều ca ngợi sự thông thái của Cha Lagrange và Cha Teilhard de Chardin, họ khâm phục lòng khiêm tốn vâng lời của hai Cha đối với Hội Thánh ( ĐHY Frx. Thuận “Những người lữ hành trên đường hy vọng”).
Vâng Phục là chết cho ý riêng, thuận theo ý chung. Khi nói “vâng lời trọng hơn của lễ”(I Sm 15:22), ta hiểu rằng ta gắng lấy hy sinh chính mình: từ bỏ ý riêng, hãm dẹp tự ái… làm của lễ toàn thiêu dâng lên Chúa chí nhân. Trong biến cố truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã chấp nhận vâng theo thánh ý Chúa, sẵn sàng cưu mang Đấng Cứu Thế bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1:38). Do vâng theo thánh ý Chúa qua giấc mộng, Thánh Giuse đã sẵn lòng đón nhận Maria mang thai về nhà làm bạn mình (Mt 1:24).
Suốt cuộc đời Đức Maria, tiếng Xin Vâng đầu tiên có Thánh Giuse thấu hiểu.
Ba mươi ba năm dương thế của Chúa Giêsu, lời Xin Vâng của Maria được Con Chúa đỡ nâng.
Và dưới chân thập tự, tiếng Xin Vâng sau cùng của Đức Mẹ lại có Thánh Gioan Tông Đồ chứng tá. Ôi! Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng Xin Vâng ( Sr. Trầm Hương, FMSR ).
A. Những tiếng Xin Vâng trong Kinh Thánh.
Thuở ban đầu của công cuộc sáng tạo, ngay sau khi Nguyên Tổ bất trung phản nghịch cùng Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã nói lời Xin Vâng trước hết với Chúa Cha đến trần gian để cứu độ con người.
Nhịp bước theo Ngài, đó đây trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, vẫn liên tục vang vọng tiếng Xin Vâng:
Abram vâng theo Chúa, từ bỏ quê cha đất mẹ, du cư đến miền đất mới, nơi Thiên Chúa chúc phúc (St 12:1-9), vùng đất chảy sữ và mật ong. Sau đó, ông vững tin vào Chúa mạnh hơn, khi vâng theo ý Ngài đem Isaac lên núi Môriah, sát tế con làm của lễ hiến dâng (St 22:1-12).
Môisen vâng theo Thánh Ý Chúa trở lại Ai Cập, lãnh đạo dân Israel đưa họ ra khỏi Ai Cập tiến về miền Đất Hứa Canaan (St 3-4).
Samuel thân thưa với Chúa giữa đêm trường: “Lạy Chúa! Này con đây, xin hãy phán”(I Sm 3).
Isaia vâng nghe thánh ý Chúa chọn ông làm tiên tri: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6:8).
Bên bàn thu thuế thành Caphanaum, Matthêu đang thi hành nhiệm vụ. Chợt nghe tiếng Đức Giêsu mời gọi: “Hãy theo Ta”, ông đứng dậy và đi theo Người (Mt 9:9).
Nơi biển hồ Ghen-nê-xa-rét, Phêrô mệt mỏi suốt đêm lưới cá thất bại. Tuy nhiên sau đó, “vâng lời Thầy đề nghị, ông thả lưới” (Lc 5:5), và thu được mẻ cá lạ lùng.
Nghe lời Thầy Chí Thánh hiệu triệu (Mc 16:15), các Tông Đồ đã ra đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
Sau khi rao giảng và làm phép lạ nhân danh Đức Giêsu Kitô, hai tông đồ Phêrô và Gioan bị bắt giam vào ngục thất. Lúc được giải thoát, giới lãnh đạo Do Thái cấm họ không nên giảng dạy về Danh Chúa nữa. Họ mạnh mẽ trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn người phàm”(Cv 5:29).
B. Lời thưa Xin Vâng trong cuộc đời Đức Maria.
Theo truyền thuyết, Đức Maria qua đời khi được 72 tuổi.
Suốt cuộc lữ hành trần gian, Mẹ không chỉ hai lần Xin Vâng trong biến cố Truyền Tin hay dưới chân Thập Tự, nhưng Mẹ còn thốt lên hai tiếng Xin Vâng trải rộng trong cả cuộc đời:
Vừa được ba tuổi, trẻ thơ Maria đã dâng mình trong đền thờ; đêm ngày kinh nguyện, đọc sách Thánh, phục vụ việc phụng tự, trợ giúp các Thầy Tư Tế. Maria ngày một lớn lên trong ân sủng Chúa, làm mọi việc sáng danh Chúa. Cô đã xin vâng, thuộc về Chúa hoàn toàn từ thuở ấu nhi.
Sinh con được bốn mươi ngày, Đức Maria đã dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Nghe lời tiên tri của Simêon, Maria tuân vâng đón nhận ý Chúa “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn”(Lc 2:35)
Khi sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho biết “Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi Giêsu”, Đức Maria cùng với Giuse chồng mình, trỗi dậy giữa đêm đen, vâng ý Chúa tìm đường lánh nạn trốn sang Ai Cập (Mt 2:13-15).
Năm Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cả gia đình Nazareth trẩy hội về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Xong kỳ lễ, Chúa ở lại giảng dạy giữa các thầy tiến sĩ. Mệt mỏi tìm thấy Con, Đức Maria hiểu được sứ vụ của Con, Mẹ đưa Ngài về Nazareth, vâng phục và phụng sự Chúa (Lc 2:51).
Tại tiệc cưới Cana, Đức Maria tỏ ý cho Chúa Giêsu biết tình trạng thiếu rượu của chủ tiệc. Mẹ vâng nghe Chúa Con khi “giờ chưa đến”. Mẹ cũng không quên nhắn với gia nhân: “Hễ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”(Ga 2:4-5).
Theo chân Đức Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng, đôi khi Đức Maria muốn tìm gặp Chúa.
Nhân cơ hợi ấy, Chúa tán tụng lời Xin Vâng của Mẹ: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ tôi, là anh chị em tôi”(Mc 3:35).”Phúc thay kẻ lắng nghe và vâng giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Maria hiệp thông với Các Tông Đồ chuyên cần cầu nguyện (Cv 1:14). Mẹ tuân vâng Ý Chúa Giêsu, đón nhận Giáo Hội “này là Con Bà”(Ga 19:26), đón nhận Nhóm Mười Hai vào trong cuộc sống mình, một lòng một trí với họ chuẩn bị đón nhận Ơn Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần.
Ta thấy: Đức Maria sống thực thi Vâng Phục bằng một đức tin sâu thẳm, một lòng mến chân thành và một niềm cậy trông sắt son.
C. Phương thế tuyệt hảo sống đời Xin Vâng.
Lời Thánh Kinh đã viết: “Vâng Lời trọng hơn của lễ” (I Sm 15:22)
Thánh Inhaxiô de Loyola còn nói thêm: “Vâng phục lề luật là vâng theo Ý Chúa”, bởi Ý Chúa thể hiện qua phán đoán khôn ngoan của Bề Trên, qua quyết định chung kết sáng suốt của Cộng Đoàn.
Soeur nhạc sĩ Trầm Hương, dòng Mân Côi, cũng hát mạnh hơn: “Từ lúc Mẹ nói lời Xin Vâng: trời với đất rất đỗi vui mừng..kỷ nguyên mới đã đến trong đời…Huyền Nhiệm quá muôn đời tiếng Xin Vâng”.
Để sống đời xin Vâng tuyệt vời, thiết tưởng ta nên:
Tin tưởng vào Chúa hết lòng: tín thác, dâng mình mỗi ngày.
Đặt ý Chúa làm nền tảng cho cuộc sống, vượt trên ý muốn cá nhân.
Thí dụ: Giới Trẻ hôm nay, quen sống tự do thái quá, đam mê chìm sâu trong văn hoá sự chết, thường than trách “Luật Hôn Phối một vợ, một chồng bất khả phân ly của Giáo Hội Công Giáo” là cứng nhắc, khó quá. Thực tế, giá trị hạnh phúc gia đình nhờ đó, được bảo đảm vững bền.
Luôn suy nghĩ, nói và hành động theo Lời Chúa dạy hơn là rập theo dư luận bên ngoài.
Xem mọi sự mình có là do Hồng Ân Chúa ban, thế nên không bảo thủ, chiếm hữu cách ích kỷ, nhưng sẵn sàng chia sẻ trao ban khi cần thiết.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa!
Con người thời đại hôm nay, luôn đề cao tự do dân chủ, muốn điều mình thích, làm điều mình muốn. Họ vẫn bảo con “vâng phục là điên khùng”, tự bóp chết quyền tư hữu của mình. Nhưng chính Chúa uy quyền đã “tự hạ làm người, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”(Pl 2:8). Chúa diễn đạt cho con thấy ‘vâng phục vì Chúa là anh hùng”. Xin giúp con hiểu được thánh ý Chúa, can đảm nói lời Xin Vâng như Đức Trinh Nữ Maria. AMEN.