Hòa cho biết, những chú vịt này sau khi được nhúng "nước" có thể để trong tủ bảo ôn hàng chục tháng, mang ra bán cho khách hàng vẫn khen ngon.
Một số hình ảnh về món vịt đực quay:
Vịt đực không kiểm dịch, không nguồn gốc xuất xứ được sơ chế dưới mác "chim sẻ quay" để bán cho khách hàng
Hàng trăm con vịt đực được bỏ ra khỏi tủ bảo ôn vẫn còn đóng bánh
Những chú vịt đực này, sau nhiều ngày (hoặc nhiều tháng) đóng băng trong tủ bảo ôn, được đem ra ướp tẩm gia vị rồi bán cho khách hàng.
Chiều 11/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, mặt hàng chim quay hay vịt quay đều không phải là mặt hàng cấm bán. Tuy nhiên, sau khi có thông tin trên báo chí về việc các điểm bán rong trên một số tuyến phố kinh doanh mặt hàng chim sẻ quay, nhưng thực chất là vịt bao tử, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra.
Mới đây, Chi cục đã đi kiểm tra một loạt dọc các phố đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám… nhưng không thấy hàng nào bán. Theo ông Đức, có lẽ khi báo chí vào cuộc, người kinh doanh bị “đánh động” nên đã kinh doanh kín đáo hơn.
Chi cục cũng đã lấy một số mẫu chim sẻ quay để xét nghiệm xem có chất phẩm màu và chất bảo quản hay không; khoảng 1 tuần nữa sẽ có kết quả xét nghiệm.
Trước mắt, Chi cục đã chỉ đạo các quận, huyện giám sát cơ sở kinh doanh thực phẩm nói chung, trong đó có mặt hàng chim quay, vịt quay. Nếu cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bán chim sẻ, vịt quay là đồ ăn chín mà không có phương tiện che đậy đạt tiêu chuẩn thì sẽ phải đình chỉ kinh doanh.
Còn về nguồn hàng “chim sẻ quay”, theo ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, hiện vẫn chưa thể xác định “chim sẻ quay” là vịt hay gà con vì khi được nướng chín, cắt mỏ, cắt chân thì việc phân biệt giữa hai loài gia cầm này không dễ dàng.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, dù là gà hay vịt bao tử, nếu xác định được nguồn gốc, được ấp nở từ đàn gà, vịt đã được tiêm phòng, kiểm dịch, được ấp nở theo đúng quy trình thì vẫn là nguồn thực phẩm an toàn, được phép lưu thông trên thị trường.
“Vì vịt sinh ra từ ngày tuổi 21 đến 28 sẽ được tiêm phòng. Thực tế tại nước ta, vịt thường được tiêm vắc xin phòng bệnh khi được 25 ngày tuổi. Vì vậy, nếu vịt bao tử, vịt ít ngày tuổi mà được ấp trứng từ đàn vịt mẹ đã tiêm phòng coi như đảm bảo về kiểm dịch, còn nếu từ đàn vịt chưa được tiêm phòng thì sẽ là gia cầm chưa được kiểm dịch”, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội giải thích.
Ông Sơn cho biết thêm, hiện tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) có hơn 100 cơ sở ấp nở trứng gia cầm đều được cán bộ thú y kiểm tra, giám sát thường xuyên. Còn tại các địa phương khác, ở mỗi xã đều có cán bộ thú y nên việc giám sát rất chặt chẽ.
Ông Trần Mạnh Giang cho biết thêm, thời gian gần đây, Chi cục Thú y Hà Nội đã phát hiện nhiều gà, vịt từ 1-2 ngày tuổi đến gà vịt lớn hơn từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Tất cả số gà, vịt được phát hiện này đều đã bị tiêu huỷ vì không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch.
(Hồng Hải)