Chúa Thánh Thần là Tình yêu liên kết giữa Cha với Con. Tình yêu ấy không đóng khung khép kín nhưng đã tuôn trào ra, bởi vì Thiên Chúa đã thông đạt Tình yêu và Thiện hảo cho tạo vật (cách riêng là cho nhân loại) để mời gọi họ vào chia sẻ sự sống với mình.
Trước đây, các sách giáo lý và thần học thường đặt sự can thiệp của Thánh Thần vào lịch sử kể từ lễ Ngũ tuần (Hiện xuống). Nhưng theo Kinh thánh và các giáo phụ, thì Ngài đã tác động ngay từ lúc khai nguyên vũ trụ. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã gom lại những sự can thiệp của Thánh Thần vào ba giai đoạn sau đây:
- Thời hứa hẹn (số 702-716): tạo dựng, giao ước: ngôn sứ.
- Thời viên mãn của đức Kitô (số 717-730).
- Thời chót của Hội thánh (số 731-741).
I. Thời hứa hẹn.
Đành rằng phải chờ đến Tân ước, mặc khải về Thánh Thần như là một Ngôi vị mới rõ ràng: thế nhưng sau khi đã lãnh nhận mặc khải đó, các Kitô hữu đã đọc lại toàn thể lịch sử cứu độ và đã nhận ra tác động của Thánh Thần ngay từ lúc tạo dựng. Theo các bản văn Kinh thánh Cựu ước. “ruan Yaweh” (thần khí Chúa) không những đã hiện diện vào hồi tác tạo vũ trụ, nhưng còn tiếp tục duy trì cho các sinh vật tan tành thành mây khói. Thánh Thần được kêu cầu như là Thánh Thần tác tạo (Creator Spiritus). Hơn thế nữa, trong lịch sử của Israel, thần khí Chúa không những đã thổi lên làn gió rẽ ngang Biển đỏ để dân thoát cảnh nô lệ Ai cập, nhưng còn gợi dậy bao nhiêu sứ giả cứu tinh, đặc biệt là các ngôn sứ (x.1Pr 1,11; 2Pr 1,21).
Các văn kiện gần đây của Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới hoạt động của Thánh Thần vượt lên mọi biên cương của không gian và thời gian (thí dụ: thông điệp Dominum et Vivificantem số 53, Redemptor Hominis số 6). Lời khẳng định này mang theo nhiều hệ luận quan trọng cho công tác truyền giáo của Hội thánh. Ai ai cũng biết rằng Hội thánh đã được sai đi mang Tin mừng cứu rỗi đến cho muôn dân. Tuy nhiên, các nhân viện phục vụ Tin mừng cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng không phải họ là những người tiên phong mang chân lý vào chỗ hoàn toàn u mê tăm tối. Không phải như vậy, Thánh Thần đã đi trước họ rồi; chân lý gieo vào lòng các dân tộc, các nền văn hóa và nhất là trong thâm tâm của mỗi người. Từ đó, nhà truyền giáo không nên có thái độ ngạo nghễ của một người đi xâm chiếm vùng đất hoang vu, nhưng cần có thái độ kính cẩn đi rón rén, kẻo dày đạp những hạt giống chân lý mà Thánh Thần đã gieo trước đó (x.Cv 10,47). Chúng ta đọc thấy tư tưởng này trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu độ) ở số 28-29 và 56. Nên biết là vào hồi Trung cổ, thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đâu có dấu vết chân lý thì đấy có Thánh Thần (“Omne verum, a quocumque dicatur, a Spiritu Sancto est”; Sum. Theol, I-II.109.a.1.1m); còn đức Gioan Phaolô II thì chú trọng cách riêng tới lời cầu nguyện chân chính như là dấu chỉ sống động của Thánh Thần. Thực vậy, thánh Phaolô trong Rom 8,26 có nói rằng Thánh Thần đến giúp chúng ta cầu nguyện vì chúng ta không biết tìm lời lẽ xứng đáng thì cần phải coi đó như tác động của Thánh Thần (Dominum et viviticantem số 65; Redemptoris Missio số 29).
II. Thời viên mãn.
Tân ước đã cho thấy Thánh Thần tác động trong cuộc đời của đức Giêsu, từ khi nhập thể đến lúc Phục sinh; rồi từ biến cố Phục sinh Thánh Thần trở nên hồng ân mà đức Kitô ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời ấy, có ba biến cố mà Thánh Thần can thiệp cách đặc biệt, đó là: vào lúc nhập thể, lúc lĩnh phép rửa, và trên thập giá.
1) Mathêo và Luca đều giải thích việc đức Maria thụ thai đức Giêsu là do quyền năng của Thánh Thần (Mt 1,20; Lc 1,35). Điều này đã được tuyên xưng trong tất cả các tín biểu: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Dựa theo các giáo phụ, thánh Tôma Aquinô giải thích rằng vai trò của Thánh Thần là kết hợp Ngôi lời với nhân tính (gratia unionis), nhờ đó mà đức Giêsu được sung mãn ân sủng và chân lý để thông truyền cho chúng ta với tư cách là đầu của Nhiệm thể (x. S. Th III, q.2,aa.10-12; q.6,a.6; q.7,a.13).
2) Vào lúc đức Giêsu lĩnh phép rửa ở sống Hòa giang, tất cả bốn Phúc âm đều mô tả sự xuất hiện của Thánh Thần (Mt3,18; Mc 1,10; Lc 3,21; Ga 1,32). Dựa theo Cv 10,37-38, nhiều giáo phụ (thí dụ: Irênêo, Adversus Haereses>, 3,18,3; Ambrôsiô, De Spiritu Sancto 1,3,44) đã giải thích biến cố đó như đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu), để khởi sự sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh (x.Is 42,1). Như chúng ta đã biết, chính nhờ quyền năng của Thánh Thần đáp xuống trên mình mà đức Giêsu mang Tin mừng đến cho người nghèo (Lc 4,18), giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của ma quỷ (Mc 3,22-20; Mt 12,28), bệnh tật, tội lỗi, chết chóc (Mt 8,17; 12,15-21; Cv 10,38).
3) Biến cố đức Kitô bị treo lên Thập giá được Thánh Gioan giải thích như là sự tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh vì đã mạc khải tình yêu của Ngài qua việc trao ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16). Thánh Gioan không mô tả cái chết của đức Giêsu trên Thập giá như một thảm kịch của tình yêu trao hiến. Sự trao hiến đạt đến mức tột đỉnh khi mà tặng phẩm không phải là một “đồ vật” Thánh Thần chính là nhân vật được trao tặng. Thực vậy, thánh Gioan cho thấy rằng “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) vào lúc mà đức Giêsu tắt thở: thế nhưng Gioan đã mô tả sự tắt thở không phải như sự trút hơi lìa đời mà là trút ban thần khí. Chương trình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất do việc đức Kitô hiến mạng sống mình cho những bạn hữu mình yêu, và cử chỉ tình yêu ấy được đóng ấn với sự trao ban Thánh Thần. Thánh Thần đã được ban phát ngay từ hồi nguyên thủy, nay được ban ra dồi dào từ cái chết của đức Kitô, như mạch suối nước hằng sống (Ga 19,30: x.7.37-39). Việc trao ban Thánh Thần được biểu thị cách hữu hình vào lúc đức Kitô phục sinh hà hơi trên các tông đồ: “Các con hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22). Thánh Phaolô đã nói rất nhiều về việc Thánh Thần được trao ban từ cuộc Phục sinh của đức Kitô (td. Rom 1,4; 8,11) để trở thành sinh lực cho chúng ta, biến chúng ta thành con cái Chúa, và là bảo chứng cho việc chúng ta sẽ sống lại mai hậu.
III. Thời chót của Hội thánh
Theo chiều kích cánh chung của lịch sử cứu rỗi kể từ biến cố Phục sinh, Thánh Thần được đổ tràn xuống nhân loại không phải một cách chớp nhoáng như trận mưa rào vào ngày lễ Hiện xuống, Biến cố Phục sinh đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn của thời chót (1Cr 10,11; Dt 1,2; 9,26; Cv 2,17-21), giai đoạn của Thánh Thần: Ngài khởi sự công trình tái sinh tái tạo (x. Ga 3,5-9; 6,63; 8,47; 1Ga 3,9.23; Gl 6,15; 1Cr 5,17), ban cho ta sự sống mới, sự sống làm con Thiên Chúa (Rm 8,14), chờ ngày được phục sinh hoàn toàn cả thân xác (Rm 8,11; 1Cr 15,35-37, 42-44), và cùng với toàn thể tạo vật được giải thoát khỏi hư nát (Rm 8,19-22), và nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô (2 Cr 3,18; Ep 4,13). Trong khi chờ đợi ngày phục sinh, Thánh Thần được ban cho ta như bảo chứng của sự sống lại cũng như để nâng đỡ niềm trông đợi của ta. Thánh Thần vừa là tình yêu của Thiên Chúa vừa là sự cậy trông của ta (Rm 5,5; 15,13).
Đàng khác Thánh Thần cũng là vị điều khiển dòng lịch sử của nhân loại và vũ trụ cho tới lúc hoàn tất. Khía cạnh này được công đồng Vaticanô II nói tới trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (số 26; 41) và được đức Gioan Phaolô lặp lại trong thông điệp Dominum et Vivificantem số 26. Thánh Thần hướng dẫn dòng lịch sử nhân loại tới đích điểm của chương trình cứu rỗi, khơi nên trong lòng con người niềm khao khát chân thiện mỹ, khát khao vươn lên Đấng Tuyệt đối. Lòng khao khát ấy được biểu lộ không những qua các tư tưởng triết học, các phát minh khoa học các tâm linh đạo đức, mà cả qua những cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội. Đừng quên rằng khẩu hiệu của cuộc cách mạng Pháp 1789 (tự do - bình đẳng - huynh đệ) được rút từ những trang suy tư của Caivinô về điều kiện của tín hữu Kitô (dựa theo như Galata): nhờ Thánh Thần, con người được hưởng tự do, không còn bị nô lệ của lề luật, tội lỗi và cái chết: nhờ Thánh Thần, con người được làm con Thiên Chúa: do đó tất cả đều bình đẳng với nhau bởi tất cả là anh em con một Cha trên trời. Dĩ nhiên, dòng lịch sử còn mang nhiều vết tích của tội lỗi, ích kỷ, chém giết thù hận. Dù vậy, người tín hữu xác tín rằng bất chấp những cay đắng chua chát, dòng lịch sử này được Thánh Thần điều khiển hướng dẫn tới đích điểm tuyệt hảo là chính Thiên Chúa, nguồn sống bất tận. Mặt khác, giữa những lúc tranh tối tranh sáng, Thánh Thần chân lý, Thánh Thần an ủi và bảo vệ được ban cho các tín hữu để họ biết phân định đâu là thần khí thật và đâu là thần khí giả (Ga 16,7; 1Ga 2,20; 3,24; 4,1-6). Bổn phận của cộng đoàn Hội thánh cũng như của mỗi tín hữu là hãy tỉnh táo lắng nghe tiếng của Thánh Thần đang nói với Hội thánh (Kh 2,7.11,17.29).
E. CHÚA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH
Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử cứu rỗi, từ lúc tạo dựng cho tới thời cánh chung. Tác động của Ngài vượt lên biên cương của thời gian và không gian. Dẫu vậy, cần phải nêu bật sự hiện diện và tác động của Thánh Thần một cách đặc biệt trong Hội thánh của Chúa Kitô. Thực vậy, nhờ Hôị thánh mà chúng ta biết rõ hơn về Ngài. Sự hiện diện ấy được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 688) liệt kê 7 nơi mà Thánh Thần tác động:
1/ nơi Kinh thánh mà Thánh Thần linh ứng;
2/ nơi Thánh Truyền;
3/ nơi Huấn quyền;
4/ trong phụng vụ bí tích;
5/ trong các đoàn sủng và tác vụ;
6/ trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo;
7/ nơi chứng tá của các thánh.
Có thể nói lối trình bày này học lại tư tưởng của chương 2 Hiến chế về Mặc khải của công đồng Vaticani II.
Thực ra, công đồng Vaticano II nói tới sự hiện diện của Thánh Thần trong Hội thánh ở nhiều bản văn khác nhau. Thiết tưởng đoạn văn súc tích hơn cả là số 4 của Hiến chế về Hội thánh, nơi đó công đồng kể ra đến chín tác động của Thánh Thần:
1/ Thánh Thần được sai đến (missus) Hội thánh trong ngày lễ ngũ tuần để khai mào cho sứ mạng của Hội thánh;
2/ Thánh Thần thánh hóa Hội thánh (Sanctificare);
3/ Thánh Thần ban sức sống (vivificare) cho Hội thánh;
4/ Thánh Thần ngự (habitare: inhabitatio) trong Hội thánh và trong các tâm hồn như là trong đền thờ;
5/ Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh tới chân lý trọn hảo (indurre in Veritatem);
6/ Thánh Thần kết hợp (unificare) Hội thánh nhờ sự thông hiệp và các tác vụ;
7/ Thánh Thần đổ xuống các hồng ân và đặc sủng, hoa trái (dona et tructus);
8/ Thánh Thần canh tân Hội thánh (renovare, luevenes-cere: làm cho Hội thánh luôn trẻ trung);
9/ Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh tới sự kết hiệp cánh chung với đức Kitô.
Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để trình bày về vai trò của Thánh Thần trong Hội thánh. Dù nói thế nào đi nữa, mối liên hệ giữa Thánh Thần với Hội thánh đã được nêu bật ngay từ cổ thời, khi mà trong kinh Tin kính, những chân lý liên can tới Hội thánh đều được đặt trong phần thứ ba dành cho Thánh Thần. Các chân lý về Hội thánh họp thành một mệnh đề duy nhất với chủ từ là Thánh Thần: Tôi tin kính Thánh Thần ở trong Hội thánh (Credo in Spiritum Sanctum – qui est – in ecclesia). Dựa theo chú giải của thánh Tôma Aquinô (“Credo in Spritum Sanctum sanctificantem Ecclesiam”: S.Th. II-II, q.1,a.9.5), cha Yves Congar ( nay là hồng y) tán giải như sau về mẫu thức của kinh Tin kính mà chúng ta đọc trong Thánh lễ các ngày chúa nhật: “Tôi tin kính Thánh Thần: Ngài liên kết Hội thánh nên một, Người thánh hóa Hội thánh, Ngài duy trì Hội thánh trung thành với đạo lý các tông đồ. Ngài giúp cho Hội thánh được lan rộng tới muôn dân. Chính Ngài tha tội ban lại cho chúng ta sự sống thần linh, và thông ban sự sống bất tận khi cho thân xác chúng ta sống lại”. Nói như vậy có nghĩa là Hội thánh hoàn toàn nằm trong tay của Thánh Thần. Thánh Thần ban sức sống cũng như giúp cho Hội thánh biểu lộ được bản chất của mình (GL số 749).
I. Thánh Thần với sự thành lập Hội thánh
Hội thánh được thành lập từ lúc nào? Thật khó mà nói được! Có người cho rằng Hội thánh đã được thành lập từ buổi tạo thiên lập địa, xét vì Hội thánh bao gồm hết tất cả các người công chính (Ecclesia ab Abei). Có người nói rằng Hội thánh được thành lập khi Ngôi lời nhập thể: vì Hội thánh ra đời với sự xuất hiện của Đầu nhiệm thể. Có người cho rằng Hội thánh được thành lập với việc Chúa Giêsu quy tụ các môn đệ của đức Kitô? Có người cho rằng Hội thánh thực sự ra đời từ Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, khi mà máu và nước trào ra từ cạnh sườn bị đâm thủng, biểu tượng của ơn cứu độ được trao ban nhờ bí tích. Sau cùng, có người cho rằng Hội thánh ra đời vào ngày lễ Ngũ tuần.
Sự thực thì Hội thánh không phải chỉ thành hình trong giây lát. Hiến chế về Hội thánh của công đồng Vaticano II nói tới cả một kế hoạch của Ba Ngôi Thiên Chúa, được dự tính từ muôn thủa, được chuẩn bị trong cựu ước, được thành hình trong đức Kitô và được tỏ lộ trong ngày lễ Ngũ tuần (Đạo lý này được lặp đi lặp lại trong Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo ở các số 758-768). Dù sao, ta có thể nói được là Hội thánh được đức Kitô thiết lập; do đó mà Hội thánh là của đức Kitô. Thánh Thần được đức Kitô sai đến không phải để mặc khải chân lý mới và thành lập một Hội thánh mới; nhưng Thánh Thần giúp cho các tông đồ nhớ lại và hiểu thấu đáo lời của đức Kitô hơn. Biến cố Ngũ tuần khôn gphải chỉ diễn ra trong giây lát: nó chỉ là khởi điểm của một diễn trình kéo dài mãi mãi. Các nhà chú giải Kinh thánh đã vạch ra ngay trong sách Tông đồ công vụ nhiều biến cố Thánh Thần hiện xuống trong thời các thánh Tông đồ, thí dụ: ở chương 4,31 (sau khi cộng đoàn tín hữu cầu nguyện trong cơn bách hại); chương 8,17 cho dân Samari; chương 10,44 cho dân ngoại (x.19,6). Biến cố Ngũ tuần tại Giêrusalem chỉ là ngày ra mắt của Hội thánh trước thế giới, ngày công bố giao ước mới vào chính dịp lễ mà người Do thái kỷ niệm vào việc công bố giai ước Sinai. Tuy Chúa Thánh Thần không thiết lập Hội thánh, nhưng nếu không có Ngài thì Hội thánh không thành lập được. Thực vậy, ta đừng quan niệm Hội thánh như một đoàn thể chỉ cần thành lập một lần với một tuyên ngôn hay một văn bản là đủ. Không phải thế! Hội thánh là một thực thể thần linh sống động, cần phải có được một sức sống liên tục thổi vào nếu không muốn biến thành thây ma. Chính Thánh Thần là hơi thở nuôi sống Hội thánh: Ngài rút hơi lại thì Hội thánh tiêu tan.
Thánh Thần thở cho Hội thánh nhớ lại lời của đức Kitô một cách đặc biệt qua ơn linh ứng Sách thánh. Thánh Thần tiếp tục thở vào Hội thánh để các Kitô hữu có thể lắng nghe lời của đức Kitô mỗi khi họ đọc Sách thánh. Thánh Thần tiếp tục thở trên các bí tích, để qua đó các tín hữu có thể tiếp xúc với đức Kitô Tử nạn và Phục sinh. Thánh Thần tiếp tục thở trên Hội thánh qua những hồng ân khác nhau (quen gọi là đoàn sủng và tác vụ), giúp cho Hội thánh sinh động (GL số 737-741). Đối lại, nếu không có Thánh Thần “Thiên Chúa sẽ trở nên xa vời, đức Kitô chỉ là một nhân vật thuộc dĩ vãng, Phúc âm là chữ chết, Hội thánh chỉ là một tổ chức phàm trần, quyền hành trở nên áp chế, việc truyền giáo trở thành tuyên truyền, phụng vụ chỉ là nghi thức, luân lý chỉ là luật nô lệ” (Ignace Hazim de Latotaquié).
Hội thánh thường được ví như một thân thể với đức Kitô là đầu: còn Thánh Thần được coi là linh hồn (animal) vì là sức sống. Dĩ nhiên, mỗi tỉ dụ chỉ làm sáng tỏ một khía cạnh nào của mầu nhiệm thôi. chứ không thể áp dụng cho hết mọi khía cạnh được. Thánh Thần được ví như là “hồn” theo nghĩa là nguyên ủy làm cho thân thể được sống động, chứ không phải theo nghĩa là mô hình của xác (forma substantialis) và cần phải hợp với xác thì mới thành một chủ thể được.
Không thiếu những hình ảnh khác để diễn tả sự hiện diện và tác động của Thánh Thần trong Hội thánh, thí dụ Thánh Thần ngự trong Hội thánh như trong đền thờ. Sách GL (số 797) đã lấy lại giáo huấn của công đồng Vaticano II để làm nêu bật chiều kích Ba Ngôi của Hội thánh (Dân của Thiên Chúa). Một hình ảnh khác không kém phần sinh động mà Cha Y.Congar đã đề ra là “hơi thở”. Trước đây, không thiếu tác giả trình bày Hội thánh do Chúa Kitô sáng lập, và sau đó Ngài lên trời, trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô, nghĩa là giao lại hết mọi quyền hành trong Hội thánh cho Đức Thánh Cha và các giám mục. Để phản ứng lại bộ mặt cơ chế pháp lý của Hội thánh, không thiếu người đã chủ trương rằng Thánh Thần mới là lãnh tụ của Hội thánh: Thánh Thần thổi đâu tùy ý! Nói khác đi, người ta muốn đối chọi “Hội thánh của đức Kitô” với “Hội thánh của Thánh Thần”. Tuy nhiên, không có lý do gì mà đối chọi như vậy, nhưng cần phải bổ túc dung hòa hai khía cạnh của một thực thể duy nhất. Hội thánh vừa là của đức Kitô vừa là của Thánh Thần: đức Kitô là “Lời” và Thánh Thần là “Hơi”; nếu có hơi mà không có lời thì chỉ ú ớ; nhưng có lời mà hụt hơi thì cũng chẳng nói được. Hội thánh cần có Lời của đức Kitô, cần có đạo lý, cần có thể chế; nhưng các tín điều, thể chế lễ nghi cần được Thánh Thần ban sức sinh động.
II. Thánh Thần với các đặc điểm của Hội thánh
Trong Kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng Hội thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Đúng ra, đó chỉ là bốn đặc điểm phát hiện ra nhờ tác động của Thánh Thần, bốn hồng ân mà Ngài ban cho Hội thánh (GL 811). Không có Ngài, các phần tử trong Hội thánh sẽ ly tán mỗi người một ngả, xét vì chúng ta là những con người tội lỗi, ích kỷ chỉ biết quan tâm đến tư lợi.
1) Hội thánh duy nhất và công giáo: Thánh Thần là nguyên tố thông hiệp trong Hội thánh, bởi vì Ngài giúp cho chúng ta cùng tuyên xưng một đức tin vào đức Kitô, một niềm trông cậy, và nhất là vì Ngài phú ban cho ta đức bác ái yêu thương. Thánh Thần giúp cho Hội thánh hợp nhất nên một, nhưng đồng thời Thánh Thần cũng giúp Hội thánh được “công giáo”, nghĩa là thu nhận tất cả những tinh hoa của các cá tính, các sắc tộc, các nền văn hóa. Trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, Thánh Thần liên kết Cha với Con nhưng không xóa sự phân biệt bản vị; một cách tương tự như vậy, trong cộng đồng Hội thánh. Thánh Thần liên kết tất cả các phần tử nên một trong đức tin, cậy, mến, nhưng họ vẫn duy trì hết các sắc thái đa dạng của cá tính, ngôn ngữ, văn hóa. Nói cho cùng, các tinh hoa đa dạng chẳng phải là hồng ân mà Thánh Thần đã ban cho Hội thánh đó sao?
2) Hội thánh thánh thiện: Thánh Thần thánh hóa Hội thánh. Tuy gồm bởi những con người tội lỗi, nhưng Giáo hội được gọi là thánh vì đã được thanh tẩy do máu đức Kitô, và nhờ có Thánh Thần ngự trong đó. Thánh Thần thông ban cho ta sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa và các bí tích. Nhờ quảng đại đáp lại lửa bác ái thánh thiện do Thánh Thần thổi lên mà giữa lòng Giáo hội không thiếu những thánh nhân, tựa như đức Maria chí thánh. Nhờ đó mà Giáo hội trở nên sự thông hiệp các thánh nhân (communlo sanctorum).
3) Hội thánh tông truyền: Thánh Thần hun đúc tinh thần tông đồ trong Hội thánh, không những giúp đỡ Hội thánh trung thành với đức tin mà các thánh tông đồ đã truyền lại, nhưng còn biết quảng bá đức tin ấy qua mọi thời đại đến tận cùng trái đất. Nói cách khác Thánh Thần giúp cho Hội thánh vừa được bền vững trong chân lý của đức Kitô, vừa hăng say với công cuộc rao giảng Tin mừng.
Kết luận
Chúa Thánh Thần đã hiện diện và tác động trong Hội thánh bằng những dạng thức khác nhau. Trước đây, Hội thánh được nhìn như một cơ cấu phẩm trật, từ trên đi xuống: Chúa Kitô trao quyền hành cho thánh Phêrô và các tông đồ; quyền hành được truyền lại cho các đấng kế vị: Giáo hoàng và các giám mục là những người bề trên cai quản điều khiển Hội thánh, những người khác chỉ biết tuân hành vâng phục. Công đồng Vaticano II, trong số 4 của Hiến chế về Hội thánh, đã sửa lại cái hình ảnh đó khi nói rằng Chúa Thánh Thần điều khiển Hội thánh bằng các ơn phẩm trật và đoàn sủng (diversis donis hierarchicis et charismaticis instruit ac dirigit).