-
Moderator
Nhận xét của Đại sứ Mỹ về tình trạng giáo dục tại Việt Nam
Nhận xét của Đại sứ Mỹ về tình trạng giáo dục tại Việt Nam
SAIGÒN -- Ngày 6 tháng 8 năm 2007, ông Michael W. Marine, đại sứ Hoa kỳ tại Việt nam đã đọc một bài diễn văn tại Phân khoa Kinh tế Shidler thuộc trường Đại học Hawaii ở Saigon. Xem nguyên văn bằng tiếng Anh trên trang Web của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Sau khi ca ngợi các thành quả Việt nam đạt được về kinh tế, về địa vị Việt nam trên chính trường quốc tế, và mối quan hệ càng ngày càng mở rộng giữa Hoa kỳ và Việt nam, ông đã đưa ra những nhận xét về tình trạng học vấn tại Việt nam ngày nay và vai trò của Hoa kỳ trong việc cải tiến nền giáo dục đó. Một phần bài phát biểu của ông như sau:
“Ở khắp nơi, người ta thấy tiềm năng, phấn khởi và hy vọng. Nhưng đối nghịch với nhiều thành công của mình, Việt nam đang đối diện với những thách đố quan trọng, mà thách đố về hệ thống giáo dục không phải là nhỏ. Trong khi sự tăng trưởng về kinh tế đã phát triển quá mức dự đoán, và người dân Việt tiếp tục đặt giáo dục làm ưu tiên hàng đầu, thì hạ tầng cơ sở cung cấp nguồn nhân lực vật lực tại đây đã không phát triển đủ để hỗ trợ cho nhu cầu tăng trưởng. Điều đó đúng ở mọi cấp bậc trong hệ thống giáo dục, nhưng tình trạng giáo dục cấp đại học tại Việt nam đặt ra những quan ngại đặc biệt.
Vai trò căn bản của các đại học là cung cấp một nền giáo dục hữu dụng về mặt xã hội và kinh tế, làm phát sinh hiểu biết và đổi mới. Theo ý kiến chung, các đại học Việt nam đã không làm tròn được các đòi hỏi thiết yếu này. Bản “Báo cáo về Phát triển trên Thế giới” năm 2006 của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt nam tụt lại phía sau rất xa các nước khác trong khu vực vì chỉ có 2% dân số được đi học đủ 13 năm hoặc hơn nữa. Cũng theo báo cáo này thì Việt nam đứng chót trong khu vực vì chỉ có 10% thanh thiếu niên trong hạng tuổi từ 20 đến 24 có ghi danh vào các trường đại học hoặc cao đẳng. Trái lại, Trung quốc có 15% sinh viên trong hạng tuổi này đã ghi danh, Thái lan có 41% và Nam Hàn có con số thật ấn tượng là 89%.
Một lý do làm cho con số sinh viên đại học Việt nam quá thấp là khả năng dung nạp rất hạn chế đến mức báo động của chính các trường đại học. Tháng qua, tại đây có 1.8 triệu học sinh dự cuộc tuyển sinh, tranh dành nhau 300 ngàn chỗ ngồi trong các trường đại học cả nước. Tuy nhỏ, nhưng con số đó cũng là một gia tăng đáng kể so với con số sinh viên ghi danh vào đại học năm 1990 khắp nước chỉ có 150 ngàn. Tuy nhiên, điều làm cho các chuyên viên phải bận tâm với thống kê đó, là con số giáo sư giảng dạy gần như không thay đổi đáng kể suốt 17 năm qua. Rõ ràng đây là một hệ thống giáo dục quá căng.
Nhiệm vụ thứ hai của một đại học là làm phát sinh ra trí thức và đổi mới. Về lãnh vực này Việt nam một lần nữa không theo kịp các quốc gia lân cận. Năm 2006, các giáo sư và sinh viên Đại học Quốc gia Seoul (Hán thành) công bố 4,556 ấn phẩm khoa học. Trường Đại học Bắc kinh có gần 3,000. Để so sánh ta thấy cả Đại học Quốc gia Hà nội và trường Kỹ thuật Quốc gia Hà nội chỉ thực hiện được 34 ấn phẩm.
Số đơn xin bằng sáng chế là thước đo hữu dụng để biết khả năng phát minh của một quốc gia. Báo cáo năm 2006 của Ngân hàng Thế giới cho biết Trung quốc có 40,000 đơn xin bằng sáng chế, trong khi ở Việt nam chỉ có 2 đơn.
Chính phủ Việt nam cho thấy đã hiểu rõ tầm mức quan trọng của giáo dục cho công dân và thấy nhu cầu khẩn thiết phải có thay đổi. Có mong muốn thực sự về xã hội và chính trị để tạo ra cải tiến ở mọi cấp bậc học vấn tại Việt nam, và chính quyền đã thông qua một số nghị quyết quan trọng về pháp luật – liên quan đến giáo dục và quản trị đại học trong hệ thống giáo dục – mà sẽ có tác động đáng kể, chỉ với điều kiện là nếu được và sau khi được thực hiện đầy đủ. Trong khi nguồn nhân lực và các nỗ lực cải tiến từ trước tới nay vẫn không đủ, nhưng đã có cam kết và ý chí. Hoa kỳ muốn góp phần vào sự chuyển biến quan trọng này.
Hệ thống giáo dục Việt nam có ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn thiện Nhân, một học giả của chương trình Fulbright đã đậu bằng tiến sĩ Đại học Oregon, có theo vài chương trình hậu đại học tại Harvard, đã xác định các mục tiêu đặc biệt để thay đổi môi trường học vấn tại Việt nam.
Các mục tiêu này gồm: cung ứng nền giáo dục đại chúng - đặc biệt chú trọng vào nữ giới, người thiểu số và những người kém may mắn là thành phần chưa được phục vụ đúng mức trong hệ thống giáo dục hiện nay - cải thiện các chương trình huấn luyện giáo viên, và kiểm tra toàn bộ chương trình các môn học ở mọi cấp bậc trong cả nước. Kế hoạch của ông cũng kêu gọi phát triển một tiến trình liên tục và chính thức nhằm thẩm định và khen thưởng, chú tâm vào công tác huấn nghệ để trang bị cho lực lượng lao động của Việt nam vào thế kỷ 21, cộng tác với các cơ sở học vấn Đức và Hoa kỳ, nâng cấp nhiều trường đại học Việt nam lên hàng đầu và đạt tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.
Như bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt nam rất cần nhiều người có văn bằng PhD (thạc sĩ) cho các trường đại học đã “quá tải”, vì thế Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu huấn luyện 20,000 tiến sĩ mới từ nay đến năm 2020. Lý tưởng là 10,000 trong số đó sẽ nhận lãnh văn bằng tiến sĩ tại ngoại quốc, ít nhất 2,500 sẽ được huấn luyện tại Hoa kỳ.
Ngoài các mục tiêu đặc biệt này, chính quyền còn nhận thấy sự quan trọng của việc dạy ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh – cho các học sinh bắt đầu ngay ở bậc tiểu học, cũng như gia tăng khả năng về Kỹ thuật Thông tin.
Trong các lãnh vực này Hoa kỳ không những chỉ có thể giúp đỡ mà còn muốn làm người cộng tác với chính phủ và nhân dân Việt nam để giải quyết những thiếu sót và tạo lập một môi trường và hệ thống giáo dục mà người dân Việt nam có thể tự hào.
Một trong các trao đổi học vấn hàng đầu là chương trình Fulbright, thành lập năm 1946 nhằm gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, hiện nay đã phát triển ra 140 nước. Chương trình này thành lập ở Việt nam năm 1992, nay nhận được đóng góp tài chánh nhiều nhất của chính phủ Mỹ.
Một cộng tác viên quan trọng nữa là Vietnam Education Foundation của Hoa kỳ. Từ ngày hoạt động (tháng 3-2003) cơ quan này đã đạt được nhiều thành quả trong sứ mạng trao đổi giáo dục và đào tạo kỹ năng trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật cho Việt nam.
Một số trường đại học toàn hảo – như Hawaii và Harvard – đã đi những bước quan trọng vào lãnh vực giáo dục hợp tác, và nhiều trường khác đang thăm dò khả năng hoạt động tại Việt nam.
Thỏa thuận với Texas Tech University đã tạo ra chương trình trao đổi đầu tiên để các sinh viên Việt nam có thể hoàn tất năm thứ hai của chương trình Tiến sĩ tại trường này để lấy bằng cấp tại Hoa kỳ. Những thỏa thuận như thế giữa Việt nam và các cơ sở giáo dục Hoa kỳ sẽ mở cửa cho nhiều thanh thiếu niên Việt nam bước vào hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ.
Trong lúc nền kinh tế Việt nam tăng trưởng mau chóng, chính quyền nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải nâng cao trình độ Anh ngữ cho công dân. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính yếu của thương mãi và do vậy là một thách đố đặc biệt cho thương gia Việt nam. Trong nhiều trường hợp, người dạy Anh ngữ lại không nói được chính ngôn ngữ này và ít được học về phương pháp dạy tiếng ngoại quốc. Nhóm Senior English Language Fellow của Hoa kỳ sẽ làm việc một năm ròng với một nhóm đặc biệt của Bộ Giáo dục để sửa đổi hoàn toàn chương trình giảng dạy Anh ngữ trong hệ thống giáo dục Việt nam, từ cấp tiểu học tới đại học, gồm cả việc huấn luyện các nhân viên giảng dạy.
Sau cùng Mỹ và Việt nam đang cộng tác chặt chẽ để lập Đoàn Hòa bình (Peace Corps), từ ngày thành lập (1961) đến nay đã có 187,000 người Mỹ tình nguyện phục vụ tại 139 quốc gia trong các lãnh vực giáo dục, nông nghiệp, y tế và HIV/AIDS, thương mãi và môi trường. Chương trình chính yếu nhất là dạy Anh ngữ, sẽ có ảnh hưởng quan trọng trong việc giảng dạy có hiệu quả ngôn ngữ này khắp nơi trong nước Việt nam.”
Phụng Nghi
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules