Giáo dân Hà nội tiếp tục theo dõi tin và tiếp tục cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ

HÀ NỘI -- Tuy dù giáo dân Hà nội vì vâng lời Đức TGM Hà nội đã rước thánh giá về bên Tòa Tổng giám mục mấy hôm trước, nhưng hiện nay các nhóm giáo dân vẫn đến khu Tòa Khâm Sứ để đọc kinh cầu nguyện, nghe ngóng tin tức và quan sát tình hình tiến triển tới đâu.



Giáo dân để ý theo dõi diễn tiến về Tòa Khâm Sứ...

Các bản tin về Tòa Khâm Sứ được cập nhập và dán lên các bức tường bên ngoài Tòa Giám Mục để cho dân chúng xem thoải mái. Tuy đây không phải là Bức Tường Bắc Kinh với những tin tức xao động thời kì chính biến, nhưng có thể nói là Bức Tường Thông Tin Tự Do, vì chưa thấy có ai dám đến để ngăn chận những thông tin này cả. Những tin tức ở đây đáp ứng được nhu cầu muốn biết tin trung thực thay vì phải nghe báo đài chính quyền đưa những tin có tính cách hướng dẫn dư luận cách lệnh lạc về mục tiêu cầu nguyện của giáo dân Hà Nội trong hơn 40 ngày qua.

Sáng thứ sáu 01.02 2008 thánh giá được rước về Toà Giám Mục và lều bạt được dọn đi. Suốt ngày giáo dân vẫn tấp nập đến cầu nguyện trong sân Toà Khâm Sứ.

Buổi tối theo thói quen giáo dân vẫn kéo đến sân Toà Khâm Sứ rất đông. Họ cầu nguyện đến nửa đêm. Một nhóm các bà mua bán phế liệu và một nhóm giáo dân Giáo xứ Đại Ơn, Hà Tây có ý cầu nguyện thâu đêm nhưng vì không có lều bạt nên họ ngậm ngùi ra về.

Thứ bẩy, 02.02.2008 lúc khoảng 2 h sáng cán bộ cho thợ đến lắp đặt các cổng. Sau đó họ xây sửa lối vào và sơn lại hàng rào sắt mãi đến gần 16 h 30 mới xong.

Chủ nhật 03.02.2008 người ta làm hai tấm panô đặt trên hàng rào hai bên cổng chính Toà Khâm Sứ, nội dung nói: Mừng đất nước - Mừng Đảng - Mừng Xuân. Hai tấm panô lớn bất thường khiến cho giáo dân đừng ngoài nhìn vào không còn thấy Đức Mẹ. Muốn thấy chỉ còn đứng ở chính hai cổng hoặc ngồi.

Chủ nhật 03.02.2008 giáo dân đến Toà Khâm Sứ cầu nguyện vẫn đông. Tâm trạng không được vui một phần vì thánh giá không còn ở Sân Toà Khâm Sứ và một phần khác thấy cổng đã bị khoá kỹ khiến người ta không vào được. Hơn nữa, mấy nhân viên làm nhiệm vụ ở đấy đôi khi còn có thái độ khiêu khích, nói mỉa với giáo dân rằng: “tưởng cứ ngồi được mãi sao!”.

Một số giáo dân đến từ Bắc Giang không vào được họ phàn nàn là không vào cầu nguyện tự do được. Sau đó họ sang gặp Đức TGM hồi lâu rồi ra về vui vẻ.

Một ông trung niên không theo Công giáo đi sắm đồ tết về cũng ghé qua cổng Nhà Chung. Ông hỏi: “Sao hôm nay không ai chắp tay khấn Phật nữa? Chính quyền trả đất cho nhà thờ rồi à?”.

Một chi trả lời “Chưa trả! Chúng tôi không vào được! Nhưng trái tim của chúng tôi vẫn luôn cầu nguyện và hướng về Mẹ”.

Ông này tiếp: “Mặc dù tôi không phải là người Công giáo, nhưng tôi nghĩ đất nhà thờ thì phải trả nhà thờ. Sao nhà nước lại lấy như thế được nhỉ!”.



Và các Nhóm giáo dân tiếp tục cầu nguyện...
Một ông khác tuổi khoảng 70, vốn là cán bộ ở TTXVN, ông nói: “Sau khi đọc báo, xem TV và nghe các bản tin trên đài, thật sự tôi cũng không tin tưởng nên tôi muốn đến đây để kiểm chứng và biết sự thật:”. Rồi ông xin các bản tin trực tiếp của nhà thờ và địa chỉ các website đưa tin về vụ Toà Khâm Sứ.

Chiều chủ nhật có nhiều người qua phố Nhà Chung để cầu nguyện trước khi về quê ăn tết. Có một nhóm người đến từ Sài Gòn và một nhóm Việt kiều về từ Hoa Kỳ. Họ đều ưu tư tại sao thánh giá không còn ở sân Toà Khâm Sứ.

Một người nói: “Rước thánh giá về, thế mà hôm thứ bẩy vừa qua được ngủ trong chăn ấm mà vẫn không ngủ được, vẫn muốn đến đây cầu nguyện. Ông có biết không? Hôm qua báo đài lại nói xấu Giáo Hội nữa đó!”.

Lúc 20h tối, chúng tôi ghé qua phố Nhà Chung thấy các nam nữ tu sĩ vẫn tay cầm nến sáng ngồi đội mưa rét cầu nguyện bên lề đường. Đây có thể nói là những giờ phút cảm động và đẹp nhất trong ngày trên con phố này.

Hà Nội, ngày 4/01/2008
PV VietCatholic