Chúa Nhật III, Mùa Vọng, Năm B

NIỀM VUI TRONG CHÚA


Chúa Nhật III Mùa Vọng thường được gọi là ‘Chúa Nhật Hãy Vui lên’ ‘Gaudete’ (tiếng Latinh), ‘Rejoice’ (tiếng Anh). Ngay trong câu đầu Ca Nhập Lễ là lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui lên trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên, vì Chúa đã gần đến!” (Phil. 4,4.5).

Bài Đọc I (Isaia 61, 1-2;10-11): Tiên tri Isaia nói đến “Niềm vui của Đấng được xức Dầu Thánh và được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau khổ… Và tôi hớn hở vui mừng trong Chúa vì Người đã mặc cho tôi niềm vui ơn cứu độ và sự công chính!”

Bài Đọc II (1 Thess. 5, 16-24): Thánh Phaolô mời gọi chúng ta, các tín hữu của Chúa “Hãy vui luôn trong Chúa với tâm hồn cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa … Tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức, và sống vẹn toàn chờ đón Chúa đến…”

Bài Phúc Âm (Gioan 1, 6-8; 19-28) nói đến vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài khiêm tốn xác nhận Ngài không phải là Elia, cũng không phải là Tiên Tri, cũng không phải là Đấng Kitô, nhưng Ngài được sai đến là để làm chứng cho Ánh Sáng, cho Đấng Kitô. Ngài ban Phép Rửa Thống Hối để dọn lòng dân chúng sám hối lỗi lầm trở về với Chúa là Đấng Cứu Độ.

Trước tình trạng của thế giới hôm nay: nào là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngay cả tại Hoa Kỳ; các cuộc khủng bố vẫn xảy ra tàn khốc, như ở Mumbai (Ấn Độ) từ ngày 26/11/08 kéo dài mãi đến ngày 29/11/08, gây kinh hoàng cho cả thế giới; những cuộc nổ bom tự sát ở Iraq, những biến động chính trị ở Thái Lan, cuộc chiến ở Congo, ở Nigeria; cảnh bão lụt khủng khiếp vừa qua ở Việt Nam cùng với bao lo lắng người dân Việt phải hứng chịu, nhất là ở Thái Hà (Hà Đông)…Vậy làm sao chúng ta có thể vui được?

Tuy nhiên, Thánh Phaolô vẫn kêu gọi tín hữu của Chúa: “Hãy vui lên trong Chúa!” và Ngài còn nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên trong Chúa!” (Phil. 4,4). Trong lá thư gởi tín hữu Thexalonica Ngài cũng kêu gọi: “Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn…” (1 Th. 5,16). Khi Thánh Phaolô kêu gọi như vậy, không phải là lúc Ngài cũng như các tín hữu lúc đó đang gặp mọi sự tốt đẹp. Trái lại, khi viết như vậy thì chính Ngài đang phải sống trong ‘xiềng xích, tù tội’ trên đường bị giải nộp về Rôma, và trong lòng Ngài cũng đang mang nặng bao nỗi âu lo cho Cộng đoàn Dân Chúa (Phil. 1,12…). Trong một đoạn khác, Ngài còn cho ta thấy: “Nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ anh em lấy đức tin mà dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em. Anh em cũng vậy, anh em hãy vui lên và cùng chia sẻ niềm vui với tôi” (Phil. 2,18).

Thế giới chúng ta đang sống, mọi nơi mọi thời đều có chiến tranh, loạn lạc, những tai ương, những khốn khó. Nếu là những người vô thần, thì chúng ta thực đáng bi quan, chán nản. Nhưng chúng ta là những tín hữu của Chúa, thì dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phó thác nơi Chúa. Đó là niềm vui trong Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta vẫn phải chia sẻ những khổ đau của anh chị em chúng ta, như Thánh Phaolô bảo chúng ta: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc!” Nhưng chúng ta không chán nản, thất vọng; trái lại luôn vui trong niềm vui phó thác của con cái Chúa. Đó là niềm vui siêu nhiên mà chỉ có những tâm hồn biết sống kết hợp với Chúa và biết sống yêu thương nhau mới có thể cảm nghiệm được. Niềm vui trong Chúa sẽ giúp chúng ta can đảm chịu đựng mọi thử thách, mọi khổ đau, bệnh tật, kể cả trong hoàn cảnh bị ‘xiềng xích, tù tội’ như Thánh Phaolô (đặc biệt chúng ta đang sống trong Năm Thánh kỷ niệm sinh nhật 2000 của Thánh Phaolô).

Với tinh thần đó, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được những tâm tình của Mẹ Maria, khi chúng ta hát ‘Bài Ca Cảm Tạ’ trong phần Đáp Ca trong Thánh lễ Chúa Nhật này:

“ Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và lòng trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng cứu độ tôi…” (Luca 1,46…).

Xin cho ‘Niềm Vui Trong Chúa’ của Mùa Vọng nâng đỡ chúng ta, nâng đỡ những người đang gặp bao khổ đau trên thế giới; đặc biệt những anh chị em chúng ta ở Việt Nam hiện nay.

(Xin lưu ý: Trong Bài CON ĐƯỜNG (suy niệm Chúa nhật II Mùa Vọng, Năm B, tuần trước) về Bài Phúc Âm, chúng tôi đã ghi sai trích dẫn: (Matcô 3,1-8) đúng ra là (Matcô 1,1-8), xin qúy vị sửa dùm).

LM. Anphong Trần Đức Phương