Chương 2 Bắt đầu kỳ dân ngoại cho tới lần đến thứ hai của Đấng Christ

--------------------------------------
Có thể download tất cả các phần đã dịch: PDF , PRC (cho mobile), PDF (dùng Kinh Thánh CG) , PRC (cho mobile, dùng Kinh Thánh CG)
------------------------------------

Giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-xa trong chương 2 có một ý nghĩa rất lớn. Qua ông, Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy những thời kỳ dân ngoại, bắt đầu từ Nê-bu-cát-nết-xa và kéo dài cho tới lần đến thứ 2 của Vua chúng ta, Chúa Giê-su. Tại sao Chúa gọi là những thời kỳ dân ngoại? Và khi nào kết thúc những thời kỳ này? Để hiểu điều đó, chúng ta cần có toàn bộ bối cảnh của ý định Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn xây dựng Nước Ngài trên trái đất này và đã chọn dân Y-sơ-ra-ên cho điều đó. Vì vậy Y-sơ-ra-ên không chỉ là một đất nước, một quốc gia, mà trên hết đã được định là vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất này. Và điều gì đã ở trong lòng Chúa Giê-su chúng ta khi Ngài đến trên đất này? Ngài đã dạy môn đồ Ngài cầu nguyện như thế nào? "Lạy Cha chúng con ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!"(Ma-thi-ơ 6:9-10). Vì lẽ đó, Ngài không chỉ đến để giải cứu chúng ta, mà còn để cứu rỗi người cho vương quốc của Ngài.

Từ trước khi sáng tạo thế gian, trước khi Đức Chúa Trời dựng nên tất cả mọi thứ, Ngài đã quyết định trong lòng là lập vương quốc Ngài trên đất này. Tại sao Đức Chúa Trời muốn có Nước Ngài trên đất này? Và tại sao Ngài lại không thể tự xây nó lên một cách tùy thích? Ví dụ như, nước Mỹ có thể đơn giản đến Đức và cai trị ở đây được không? Hay ngược lại, nước Đức muốn đến Mỹ và xây dựng nước Đức ở đó? Để được như vậy, đầu tiên nước kia phải bị chinh phục. Như vậy, nếu Chúa muốn xây dựng nước Ngài trên đất này, đầu tiên Ngài cũng cần phải loại bỏ kẻ cai trị trên trái đất: Sa-tan cùng với toàn bộ quân đội hắn của quyền lực và sức mạnh sự dữ. Nhưng theo ý định của Chúa, Ngài không muốn tự làm, mà là qua con người chúng ta. Nguyện xin Chúa mở mắt chúng ta để thấy được kế hoạch của Ngài với chúng ta là lớn lao và vinh hiển như thế nào.

Nguồn gốc của tội lỗi và sự nổi loạn

Làm sao và từ khi nào Sa-tan có quyền lực trên đất này? Và khi nào quả đất đã được dựng nên? Trong Kinh Thánh chép rằng, Đức Chúa Trời đã dựng nên trời và đất một cách tuyệt vời, đến nỗi các thiên thần đã ngợi ca về điều đó (Gióp 38; Êsai 45:18). Đức Chúa Trời đã không nói thời điểm khi nào trong Lời Ngài, cũng không nói thời gian đó kéo dài bao lâu, chỉ có nói rằng, sự thống trị thế gian trước thời A-đam đó được trao cho thiên sứ trưởng Lu-xi-phe. Tuy nhiên khi hắn tự nâng mình lên và cầm đầu sự nổi loạn (Êsai 14:12-14; Ê-xê-chi-ên 28:12-17), Đức Chúa Trời đã trừng trị thế gian lúc đó bằng nước lũ. Vì thế quả đất đã trở nên hoang vu và trống không, một "mớ hỗn độn", như trong Sáng Thế Ký 1:2 chép. Sau lúc đó, trong Sáng Thế Ký 1:2 - chúng ta không rõ thời điểm -, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đến và "vận hành trên mặt nước". Như thế Đức Chúa đã bắt đầu từng bước một, tái tạo lại quả đất này.

Sự tạo nên loài người cho sự cai trị của Đức Chúa Trời và sự sa ngã của loài người

Thêm vào sự tái tạo, Đức Chúa Trời làm một cái gì đó thật mới, theo Kinh Thánh đó chính là loài người (Sáng Thế Ký 1:26). Từ thời điểm này, Đức Chúa Trời bắt đầu thực hiện chương trình Ngài với loài người chúng ta, thực hiện ý định mà Ngài đã có từ trước khi sáng thế (Ê-phê-sô 1:4). Đức Chúa Trời muốn chấm dứt sự thống trị của Sa-tan trên thế gian qua loài người và dựng lên Nước Ngài cùng sự trị vì của Ngài với loài người. Ngài đã tạo nên con người với một ý muốn tự do và ban cho quyền tự do lựa chọn (Sáng Thế Ký 2:15-17). Tất nhiên Đức Chúa Trời đã biết trước điều sẽ diễn ra là: con rắn dụ dỗ loài người, tội lỗi xâm nhập vào loài người, và loài người sẽ cứ sa ngã sâu hơn - trong khoảng thời gian tới Nô-ê, thời đại Ba-bên và đến tận Áp-ra-ham. Nhưng Đức Chúa Trời đã không từ bỏ ý định Ngài. Từ Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Ngài đã chọn một dân mà Ngài muốn là vua ở đó. Ngài đem dân Ngài ra khỏi Ai Cập và đưa vào vùng đất hứa. Sự giải cứu ra khỏi Ai Cập để làm gì? Tại sao Đức Chúa Trời đã gắng sức và ban cho họ đất này? Đức Chúa Trời cần một dân cho vương quốc của Ngài!

Toàn bộ lịch sử của dân tộc Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước là một sự chuẩn bị cho sự đến của Đấng Mê-si (Đấng Christ). Vì thế, sách đầu tiên trong Tân Ước là sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, một cuốn sách về vương quốc Đức Chúa Trời. Ngay trong câu đầu tiên, Chúa Giê-su được giới thiệu cho chúng ta không phải là Đấng Cứu Rỗi mà là Con Vua Đa-vít. Và khi Ngài bắt đầu rao giảng, Ngài nói ngay về vương quốc Đức Chúa Trời: "Các ngươi hãy ăn năn, vì Vương Quốc Của Các Tầng Trời đã đến gần"(Ma-thi-ơ 4:17). Chúng ta thì chắc hẳn đã rao giảng rằng: "Các ngươi hãy ăn năn, vì sự cứu rỗi đến!". Trong trái tim chúng ta khắc sâu sự Cứu Chuộc, Cứu Rỗi đến nỗi chẳng còn chỗ cho Nước Đức Chúa Trời trong đó. Chúng ta tuy đã nghe về điều này, nhưng nó không ở trong lòng mình. Ngày nay chúng ta có còn rao giảng như Chúa thời đó và như Giăng Báp-tít không (Ma-thi-ơ 3:2)? Cả những môn đệ cũng đã rao giảng Phúc Âm không chỉ là sự ăn năn, mà còn là Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời nữa (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38; 8:12). Mục tiêu là Nước Đức Chúa Trời.

Dân Y-sơ-ra-ên chối bỏ Đức Chúa Trời làm Vua họ

Đức Chúa Trời ngày trước đã đem dân Ngài vào vùng đất hứa và sau đó chọn Giê-ru-sa-lem để có Ngôi Ngài ở Si-ôn nơi đó và thực thi sự trị vì của Ngài. Tuy nhiên Y-sơ-ra-ên đã không nhận ra và từ bỏ vị Vua của họ (1.Sa-mu-ên 8:7; 10:19). Họ muốn một người làm vua giống như các dân ngoại (1.Sa-mu-ên 8:20). Tôi nhấn mạnh: như những dân ngoại! Chúng ta có muốn như các dân ngoại không? Đức Chúa Trời muốn một dân Thánh, một dân thuộc quyền sở hữu của Ngài. Đức Chúa Trời muốn sống trong dân Ngài, xây dựng Nước Ngài với dân đó và cai trị trên các dân ngoại. Nhưng Y-sơ-ra-ên đã không muốn điều đó.

Ngay từ thời của tiên tri Sa-mu-ên, họ đã từ chối Đức Chúa Trời làm Vua của họ. Ai có thể là một vị Vua cho Y-sơ-ra-ên tốt hơn Đức Chúa Trời của họ? Trong đời sống của anh em thì thế nào? Ai là vua trong đời sống anh em? Ai làm chủ trong trái tim anh em? Ai quyết định, ai có tiếng nói? Chúa hay là anh em? Chẳng phải là chúng ta phần lớn có quyết định của mình và thực hiện những gì mình muốn sao? Anh em nghĩ rằng, chúng ta tốt hơn người Do Thái khi xưa sao?

Họ đã đi trên những con đường của dân ngoại, nghĩa là, họ muốn được giống như những dân ngoại. Mặc dù Đức Chúa Trời đã cảnh báo trước dân Ngài, đừng sống như những dân ngoại, đừng tiếp nhận những tập tục của dân ngoại, đừng theo đuổi những thần của dân ngoại và đừng thờ lạy giống như dân ngoại đã thờ lạy. Cả đồ ăn của dân ngoại họ cũng không nên ăn và thật không trộn lẫn mình với dân ngoại.

Đức Chúa Trời muốn có một dân Thánh. Cái chữ "Thánh" này phải ở trong tim chúng ta. Đa-ni-ên và các bạn đồng hành của ông đã có điều răn này của Đức Chúa Trời ở trong lòng. Họ đã tin vào Đức Chúa Trời hằng sống và chắc chắn cũng đã kinh nghiệm Ngài. Đức Chúa Trời thật thành tín. Ai yêu Ngài, Ngài sẽ hiện ra với người đó. Đức Chúa Trời chúng ta là một Đức Chúa Trời hằng sống, một Đức Chúa Trời hiện đến, một Đức Chúa Trời biết nói. Đức Chúa Trời không chỉ có ban luật pháp và điều lệ, không, chúng ta thường đọc trong Kinh Thánh thấy Ngài hay hiện ra như thế nào với những người hỏi về đường lối Ngài hay những người kêu gào tới Ngài trong lúc hoạn nạn. Đức Chúa Trời đã nói với ngay cả A-ga, người hầu gái của vợ Áp-ra-ham, chứ không chỉ mình Áp-ra-ham.

Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trên dân bội nghịch và tội lỗi của Ngài dẫn tới sự tù đày - Các thời kỳ của dân ngoại bắt đầu

Dân Ngài đã đi quá xa: họ thờ thần tượng, làm đổ máu vô tội, họ sỉ nhục và chế nhạo những nhà tiên tri và khinh dễ Lời Đức Chúa Trời. Vì thế, trong cơn thịnh nộ Ngài, Đức Chúa Trời đã để họ bị dẫn vào sự tù đày vào năm 606 TCN. Với dân này, Đức Chúa Trời không thể xây dựng vương quốc của Ngài được. Chắc chắn Đức Chúa Trời đã biết rằng con người hoàn toàn không có khả năng gìn giữ luật pháp Ngài, nhưng Ngài đã cần thời kỳ Cựu Ước để chuẩn bị cho Giao Ước thứ hai, Tân Ước. Về Giao Ước này, Đức Chúa Trời đã nói tiên tri qua Giê-rê-mi : "Ta sẽ đặt luật pháp Ta bên trong chúng nó và chép vào lòng"(Giê-rê-mi 31:33).

Như vậy, những thời kỳ dân ngoại đã bắt đầu từ 606 TCN, vì Đức Chúa Trời đã xóa bỏ vương quốc thuộc đất của Ngài và giao lại quyền cai trị cho dân ngoại. Khi Chúa lập nên vương quốc đời đời của Ngài (Đa-ni-ên 2:44), thì quyền cai trị đó sẽ kết thúc. Tất cả những gì Chúa đã phán qua Đa-ni-ên về thời Cựu Ước đã xảy ra. Và tất cà những gì Giăng cho chúng ta biết trong Khải Huyền về thời Tân Ước, cũng sẽ ứng nghiệm như thế. Chúa phải mở mắt chúng ta ra để thấy rằng mọi điều ở đây đều liên quan đến vương quốc Ngài.

Vương Quốc Của Các Tầng Trời- sự cai trị của sự sống bên trong chúng ta

Ngay từ lúc đầu công việc mình, Chúa Giê-su đã rao giảng: "Các ngươi hãy ăn năn, vì Vương Quốc Của Các Tầng Trời đã đến gần!"(Ma-thi-ơ 4:17). Và khi Ngài được những người Pha-ri-si hỏi là: khi nào Nước Đức Chúa Trời sẽ đến, thì Ngài đáp: "Nước Ðức Chúa Trời không đến cách mà người ta có thể quan sát được" (Lu-ca 17:20). Trong Tân Ước ngày nay là một cách cai trị khác với trong Cựu Ước. Vương quốc mà đã đến cùng với Chúa, có bản chất thuộc trời. Vì thế, Đức Chúa Trời cần một dân thuộc trời, dân cai trị trong Vương Quốc Của Các Tầng Trời với Ngài. Ngày nay, nước này là một sự cai trị bên trong bởi sự sống của Chúa trong chúng ta. Vị Vua muốn ngự trong anh em và cai trị trong anh em. Ngài muốn là sự sống của anh em. Nước Trờilớn lên trong chúng ta như thế.

Người Do Thái ngày trước đã mong chờ với Đấng Mê-si không phải là một Đấng Cứu Rỗi, mà là một vị vua vĩ đại. Tuy nhiên, vị Vua này đã hoàn toàn khác với suy nghĩ của họ: "Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái" (Xa-cha-ri 9:9). Ngài phải đem sự cứu chuộc đến cho con người trước đã. Bởi vậy, Ngài đã tự hạ mình và đến một cách khiêm nhường. Tuy vậy, Ngài là Vua, vị Vua - Cứu Rỗi. Ở lần đến đầu tiên của Ngài, quan trọng với Chúa hoàn toàn không phải là sự cai trị bên ngoài, mà Chúa muốn cứu chuộc dân thuộc đất của Ngài, và làm họ trở thành một vương quốc thuộc trời. Nhưng họ đã không hiểu Ngài và đã hoàn toàn chối bỏ Chúa, Vua của họ; các thầy tế lễ và các thầy thông giáo đã muốn tự mình cai trị. Chúng ta thấy đó, khi Chúa đến lần thứ nhất, người Do Thái lần thứ hai đã chối bỏ Đức Chúa Trời làm Vua họ.

Sự đến của Vương Của Quốc Các Tầng Trời qua việc xây dựng Hội Thánh

Trong sự chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-xa, Đa-ni-ên đã thấy tất cả các đế chế của thế gian cho tới Chúa đến lần thứ nhất và cho tới sự thiết lập Nước Trời của Ngài. Nước Trời này ngày này còn được ẩn bên trong nhưng đã được xây dựng rất thực tiễn trong Hội Thánh. Vì thế Chúa đã nói ngay với Phi-e-rơ: "Còn Ta, Ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi -e-rơ, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được Hội Thánh đó. Ta sẽ giao chìa khóa Vương Quốc Của Các Tầng Trời cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ mở ở trên trời" (Ma-thi-ơ 16:18-19). Hội Thánh không chỉ là một buổi lễ ngày chủ nhật, một buổi nhóm để nghe giảng, mà Hội Thánh còn là Vương Quốc Các Tầng Trời ngày nay, được định để mang Nước Đức Chúa Trời và sự cai trị đến trên đất này.

Cuộc chiến của chúng ta chống lại những quyền lực và sức mạnh vô hình (Ê-phê-sô 2:2), không phải chống lại con người: "...Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải với thịt và huyết, bèn là với chủ quyền, với thế lực, với vua chúa thế gian của sự tối tăm nầy, với các thần dữ ở các tầng trời vậy" (Ê-phê-sô 6:12). Chỉ Hội Thánh mà Chúa xây mới có thể chiến thắng cuộc chiến thuộc linh này. Khi chúng ta rao giảng Phúc Âm về vương quốc Đức Chúa Trời cho mọi người, chúng ta phải rõ, đó là một cuộc chiến chống lại các quyền lực trên trời và các thế lực của bóng tối.

Việc xây dựng Hội Thánh là trọng tâm kế hoạch của Đức Chúa Trời, vì nó liên quan đến vương quốc Đức Chúa Trời, về sự cai trị. Không phải ngẫu nhiên khi Chúa chỉ nói trong Phúc âm Ma-thi-ơ: "Ta sẽ lập Hội Thánh Ta. Và Ta sẽ giao chìa khóa Vương Quốc Của Các Tầng Trời cho ngươi". Điều đó có nghĩa là, Hội Thánh sẽ thực thi toàn quyền của Chúa trên đất này, trong việc họ buộc và mở. Ở đây không nói về một quyền lực bề ngoài, một sự cai trị bề ngoài, mà là về một điều bên trong. Đầu tiên, vị Vua phải cai trị trên chúng ta. Rồi sau đó, khi tất cả đã được chuẩn bị và chín muồi cho sự cai trị bên ngoài, vị Vua sẽ đến lần thứ hai. Khi đó chúng ta sẽ cai trị với Ngài trong Vương Quốc Một Ngàn Năm trên tất cả các quốc gia.

Để sử dụng chìa khóa của Vương Quốc Của Các Tầng Trời, chúng ta phải lớn lên trong sự sống. Các Cơ Đốc nhân, ví dụ trong Cô-rinh-tô, đã vẫn là những con nhỏ trong Chúa Cứu Thế (1 Cô-rinh-tô 3:1). Họ đã không có thẩm quyền sử dụng chìa khóa này. Chúng ta có thẩm quyền chăng? Chúng ta có sử dụng chìa khóa đó chăng? Tại sao nhiều điều vẫn chưa được mở cũng như chưa được buộc trong cuộc sống Hội Thánh chúng ta. Bởi vì chúng ta như con nhỏ, chúng chỉ biết chơi với chiếc chìa khóa thôi. Chúng ta thật chưa đủ trưởng thành, để sử dụng đúng chìa khóa của Vương Quốc Của Các Tầng Trời.

Anh em hưởng thụ Chúa Cứu Thế trong Hội Thánh để làm gì, khi không có sự tăng trưởng xảy ra ở đó. Chỉ có những thánh đồ "xác thịt" trong Hội Thánh thì sẽ cản trở sự cai trị của Chúa. Chúa phải cai trị trong chúng ta, trong đời sống hàng ngày chúng ta, ở nơi làm việc, trong cuộc sống Hội Thánh, trong đời sống gia đình. Khi anh em hoàn toàn một mình, Chúa có cai trị lúc đó chăng? Chúa có cai trị trong suy nghĩ anh em? Chúa muốn cai trị, và Hội Thánh là sự biểu hiện của vương quốc thiên thượng.Trước điều đó Sa-tan rất sợ hãi. Khi trong Hội Thánh, chúng ta vẫn cứ quyết định theo suy xét riêng của mình và mỗi người làm theo điều mình muốn thì sự cai trị của Chúa ở đâu? Khi trong Hội Thánh, chúng ta không để cho Chúa cai trị, thì chúng ta còn phải đợi lâu nữa đến khi vị Vua trở lại.

Trong thư Hê-bơ-rơ nói rằng, chúng ta trong Hội Thánh đã đến núi Si-ôn chân thật, đến Giê-ru-sa-lem thiên thượng: "Nhưng anh em đã tới núi Si-ôn, tới thành của Ðức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời,..."(Hê-bơ-rơ 12:22). Ngày nay không còn nói đến Giê-ru-sa-lem thuộc đất nữa, mà là thuộc trời. Một số tín hữu tưởng rằng, họ phải trở về nước Y-sơ-ra-ên, vì Si-ôn ở đó. Chúng ta thì có thể tiết kiệm cho mình chuyến đi đó, vì Si-ôn chân thật là ở đây trong Hội Thánh.

II. Sự chiêm bao của vua Nê-bu-cát-nết-xa (Đa-ni-ên 2:31-45) - Các thời kỳ của dân ngoại (Lu-ca 21:24b)

Chúng ta hãy quan sát pho tượng trong sự chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-xa. Đế chế Ba-by-lôn đã kéo dài thêm khoảng 70 năm, tính từ lúc Đa-ni-ên bắt đầu tù đày. Trong đó, Nê-bu-cát-nết-xa đã cai trị khoảng 43 năm. Kẻ cai trị cuối cùng trong những hậu duệ của ông là Bên-xát-sa. Nê-bu-cát-nết-xa đã là nhà cai trị lỗi lạc duy nhất. Sau ông không còn ai có nhiều thế lực và uy quyền như vậy. Ông đã là "vua của các vị vua, vì Chúa trên trời đã ban nước, quyền, sức mạnh, và sự vinh hiển cho vua... vua là cái đầu bằng vàng" (Đa-ni-ên 2:37-38). Cái uy quyền mà lẽ ra nhà Đa-vít nên có, đã được Chúa giao cho Nê-bu-cát-nết-xa, ông là cái đầu bằng vàng. Không có ai trước và sau ông có nhiều thế lực hơn vậy. Tất cả đến sau ông, là thuộc vào phần dưới cái đầu đó - nghĩa là thấp hơn và ít thế lực hơn.

Nối tiếp đế chế của ông là đế chế Mê-đi (Medes) và Phe-rơ-sơ (Persian) - cái vai và cả hai cánh tay của pho tượng (bằng bạc), trong đó đế chế Phe-rơ-sơ (cánh tay phải) mạnh hơn và đoạt lấy cả hai đế chế sau đó. Trong pho tượng, chất lượng của vật liệu giảm dần từ trên xuống dưới - những đế chế nối tiếp sau đã luôn yếu hơn. Cái bụng và hông của pho tượng tượng trưng đế chế Hy Lạp - nó chỉ còn bằng đồng. Sau đó đến đôi chân là đế quốc Tây La Mã và Đông La Mã bằng sắt, đế chế này đã không được nói đến trong Kinh Thánh - một thời gian dài của sự trộn lẫn với thế gian và tôn giáo trong những Giáo Hội Công Giáo La Mã và Chính Thống Giáo. Quá khứ không quan trọng đối với chúng ta, mọi người đều có thể đọc lại nó. Nhưng điều chúng ta phải biết là khi nào "phần bàn chân" này bắt đầu. Đế chế La Mã bằng sắt không còn quý nữa, nhưng rất cứng. Ở đây, chúng ta thấy cuối cùng của pho tượng là bàn chân và các ngón chân. Nơi này không chỉ có sắt mà là đất sét trộn lẫn với sắt. Đất sét trong Kinh Thánh tượng trưng cho dân chúng hay là các dân tộc. Toàn pho tượng cho chúng ta thấy, hình thức cai trị đã thay đổi như thế nào và nó đã luôn yếu hơn: từ chế độ chuyên quyền, chế độ quân chủ qua chế độ quý tộc và cho đến chế độ dân chủ ngày nay.

Ý nghĩa của sự phát triển này được mô tả trong một tạp chí như sau: "Cuộc cách mạng Pháp, bắt đầu bằng sự nổi dậy trên pháo đài Bastille vào ngày 14 tháng 7 năm 1789, tượng trưng cho một bước ngoặt quyết định của đại lục Châu Âu. Với tuyên bố chủ quyền của tầng lớp trung lưu và tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền vào ngày 26 tháng 8 năm 1789, điều mà sau đó được nhắc lại trong hiến pháp của Pháp, thì sự cai trị chuyên chế của chế độ cũ đã sụp đổ và việc giải phóng khỏi trật tự xã hội phong kiến đã thành công. Pháp quyền bình đẳng cho cá nhân và dân sự đã đặt nền tảng cho một hình thức chính thể tự do và dân chủ trên đại lục Châu Âu" (nguồn: Informationen zur politischen Bildung, Nr. 284, Demokratie).

Với cuộc cách mạng Pháp năm 1789, xã hội đã có một sự thay đổi căn bản. Dân chúng bây giờ đã có quyền tham gia quyết định. Nhưng không chỉ trên đại lục Châu Âu, mà ở Mỹ cũng có một cuộc cách mạng và tuyên bố độc lập năm 1776.

Từ thời điểm cách mạng Pháp (1789) đến ngày nay đã trải qua 221 năm. Còn kéo dài bao nhiêu lâu nữa cho đến lúc kết thúc thời đại này, khi đôi chân tượng trưng cho 1800 năm đã ở sau lưng chúng ta. Chúng ta biết rằng, mười ngón chân này là mười vị vua sẽ giao quyền lực của mình cho con thú trong ba năm rưỡi cuối cùng, và sau đó là tận thế (Khải Huyền 17:12-13). Thời đại này đã trải qua được tương đối nhiều, tôi nghĩ rằng, chúng ta đang ở rất gần mười ngón chân. Khi quan sát những mối tương quan giữa các bộ phận cơ thể với nhau, chúng ta phải thừa nhận rằng, thời gian còn lại rất ngắn.

Dấu hiệu lớn đầu tiên cho sự trở lại của Chúa là việc thiết lập nước Y-sơ-ra-ên vào năm 1948. Cả hai cuộc chiến tranh thế giới đã thay đổi thế giới mạnh mẽ và đặc biệt thúc đẩy sự phát triển của dân chủ và cả nhân quyền. Thêm đó chúng ta thấy sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 và sự tan rã của khối Xô Viết năm 1991, cũng như sự phát triển không ngừng tiến lên một hình thức chính thể dân chủ hơn và ảnh hưởng của dân trong những quốc gia luôn tăng cao hơn.

Hòn đá đục ra từ núi, không phải bởi tay người – Chúa Cứu Thế và vương quốc đời đời của Ngài do Đức Chúa Trời đã dựng nên

Tại sao Chúa lại chờ lâu như vậy, cho đến khi Ngài đánh tan những vương quốc thời đại này với một hòn đá (Đa-ni-ên 2:44-45) và lập vương quốc Ngài lộ ra ngoài thấy được trên cả đất? Bởi vì Đức Chúa Trời cần Hội Thánh. Trước cuộc cách mạng Pháp, lỗi do sự thất bại của vua, vua định đoạt, vua có trách nhiệm. Ngày nay, trong thời kỳ dân chủ, tất cả đều có lỗi chung, vì chính quyền làm theo điều dân muốn. Chưa bao giờ trước đây, con người có nhiều tự do đến vậy để làm và để bỏ điều mà họ muốn. Có rất ít giới hạn, giống như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vậy.

Chúng ta hãy cùng đọc các câu trong Đa-ni-ên 2: "Hỡi vua, vua nhìn xem, và nầy, có một pho tượng lớn. Pho tượng đó to lớn và rực rỡ lạ thường; đứng trước mặt vua, và hình dạng dữ tợn. Ðầu pho tượng nầy bằng vàng ròng; ngực và cách tay bằng bạc; bụng và hông bằng đồng; ống chân bằng sắt; và bàn chân thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét. Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát cả; trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa họ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; nhưng hòn đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất. Ðó là điềm chiêm bao. Bây giờ chúng tôi sẽ giải nghĩa ra trước mặt vua. Hỡi vua, vua là vua các vua, vì Chúa trên trời đã ban nước, quyền, sức mạnh, và sự vinh hiển cho vua. Ngài đã trao trong tay vua những con cái loài người, những thú đồng và chim trời, dầu chúng nó ở nơi nào, Ngài cũng đã làm cho vua được cai trị hết thảy; vậy vua là cái đầu bằng vàng. Nhưng sau vua, sẽ dấy lên một nước khác, kém nước của vua; rồi một nước thứ ba, tức là đồng, sẽ cai quản khắp đất. Lại có một nước thứ tư mạnh như sắt; vì sắt hay đập vỡ và bắt phục mọi vật, thì nước ấy cũng sẽ đập vỡ và nghiền nát như là sắt vậy. Còn như vua đã thấy bàn chân và ngón chân nửa bằng đất sét nửa bằng sắt, ấy là một nước sẽ phải phân chia ra; nhưng trong nước đó sẽ có sức mạnh của sắt, theo như vua đã thấy sắt lộn với đất sét. Những ngón chân nửa sắt nửa đất sét, nước đó cũng nửa mạnh nửa giòn. Vua đã thấy sắt lộn với đất sét, ấy là chúng nó lộn nhau bởi giống loài người; song không dính cùng nhau, cũng như sắt không ăn với đất sét. Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ được giao cho một dân tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời" (câu 31-44). Chúa dựng lên vương quốc Ngài với ai? Với chúng ta, Hội Thánh. Thật vậy, nếu Hội Thánh ngày nay là vương quốc Ngài trên đất này chưa chín muồi, thì Chúa vẫn chưa đến được. Nếu chúng ta ngày nay chưa sẵn sàng, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thuộc tôn giáo, thuộc thế gian cho Chúa - vị Vua chúng ta, thì Ngài phải tiếp tục chờ để có thể trở lại.

"Nhưng có một Ðức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau rốt" (câu 28). Không ai ngoài Đức Chúa Trời có thể vẽ một bức tranh chỉ trong một chương duy nhất, nói trước cả lịch sử của 2600 năm cho tới tận lần đến thứ hai của Chúa (Đa-ni-ên 2:29). Khi chúng ta thấy điều đó và vẫn không muốn xây dựng Hội Thánh, một ngày nào đó chúng ta buộc phải gánh lấy trách nhiệm về điều này. Hội Thánh là Vương Quốc Của Các Tầng Trời, Hội Thánh chẳng liên quan gì tới toàn bộ sự phát triển sai lầm trong 2000 năm qua - chẳng liên quan tới Giáo Hội Công Giáo La Mã lẫn Chính Thống Giáo Hy Lạp. Toàn bộ lịch sử Châu Âu đã hoàn toàn hỗn loạn với tôn giáo. Hãy nghĩ nghĩ về khái niệm "Đế quốc La Mã thần thánh của quốc gia Đức" (tên nước Đức trước năm 1806, mấy nước ở Châu Âu cũng từng có tên tương tự)! Chúng ta phải đi ra khỏi tất cả những điều này và chuẩn bị cho sự đến của Vương Quốc Các Tầng Trời. Chúng ta không thuộc nước của thế gian này, mà chúng ta là công dân trên Trời (Phi-líp 3:20). Và "tại đây không còn chia ra người Do Thái hoặc người Hy Lạp; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Ðức Chúa Cứu Thế Giêsu, anh em thảy đều là một" (Ga-la-ti 3:28). Chúng ta tất cả đều thuộc về Nước Trời, và ngày nay chúng ta xây dựng Vương Quốc Của Các Tầng Trời trong Hội Thánh

Khi việc xây dựng này hoàn tất, thì Chúa chúng ta sẽ đến. Chúng ta có sẵn sàng không? Chúng ta có muốn dâng hiến mình cho điều đó không? Sẽ là không khôn ngoan nếu chọn một điều khác.
Ngày nay tất cả mọi thứ đều đồi bại, đến nỗi người ta có thể thấy lại toàn bộ tội lỗi và sự bừa bãi phóng túng của Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Thật không tốt nếu có quá nhiều tự do phóng túng như vậy, bởi vì chúng ta sẽ đánh mất mọi chuẩn mực. Chúng ta cũng không được cho phép con cái hoàn toàn tự do. Tất cả chúng ta đều cần giới hạn lại. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta xây dựng vương quốc Ngài: "Lạy Chúa, Ngài phải cai trị trong chúng con! Chúng con muốn học cách vâng lời và để Chúa cai trị chúng con! Ngợi khen Chúa!"