NHÌN LẠI CUỘC CHƠI XƯỚNG HỌA "SEN GIỮA LẦY"
Nếu phân tích cho kỹ, cho cùng về nhiều yếu tố cấu thành một bài thơ Đường hay, thì tự bản chất bài Sen Giữa Lầy của Lm. Trăng Thập Tự, có thể nói, chưa hẳn là một tuyệt phẩm, nhưng ý hướng khơi dậy một cuộc chơi xướng họa thì quả là kỳ diệu.
Điều kỳ diệu thứ nhất: Sáng kiến của Chúa Thánh Thần:
Tôi vẫn cho rằng ý hướng ấy không phải của Lm. Trăng Thập Tự mà là sự thúc đẩy huyền diệu của Chúa Thánh Thần bên trong tâm hồn một Thi Sĩ Công Giáo luôn trăn trở về việc phục hồi và thăng tiến việc loan báo Tin Mừng qua Văn Học. Tin Mừng trong “Sen Giữa Lầy” lại là một Tin Mừng cấp bách phải được gửi đến ngay cho toàn thế giới, mà nhất là cho một thế hệ trẻ đang lao mình vào trào lưu tự giảm nhẹ giá trị nhân phẩm khi tình nguyện đánh mất vẻ đẹp nguyên tuyền của một thọ tạo thượng đẳng của Thiên Chúa, tạo vật giống hình ảnh Thiên Chúa.
Cùng với sáng kiến do Thánh Thần Tình Yêu Đích Thực chỉ dẫn, chiếu soi, đã được Lm. Lê Quang Uy phát động trong cuộc vận động người trẻ Đoan Hứa Khiết Tịnh, cuộc xướng họa bỗng mang đầy tính thời sự của Tin Mừng Cho Người Trẻ Hôm Nay. Tính thời sự của Tin Mừng nhắm vào một hiện tượng hay một trào lưu “sống thử” hiện hành đến nỗi báo động về một sự suy đồi tận gốc rễ của một nền luân lý có từ lâu đời, không chỉ của Kitô Giáo mà còn là của dân tộc Việt Nam nổi tiếng về thuần phong mỹ tục.
Điều kỳ diệu thứ hai: Cộng tác với Chúa Thánh Thần:
Tôi không tin rằng 116 tác giả tham gia cuộc xướng họa là để tìm vui với thơ, với câu chữ, với mỹ từ hay mỹ ý, hoặc để tìm một giải thưởng văn học Công Giáo, một danh dự thi sĩ, văn sĩ, hay một chút tự hào về vốn liếng nghệ thuật thi ca của mình được khẳng định. Ngược lại, tôi tin là các tác giả bị cuốn hút một cách huyền bí bởi một quyền năng vừa rất mạnh mẽ lại vừa hết sức dịu dàng của Thánh Thần, nguồn phát tác hơn 500 tác phẩm no đầy ơn linh hứng.
Qua đó, không có tác giả nào không lắng mình trong dòng chảy của những kết hiệp xuyên suốt từ trên cõi thiêng cao vượt hơn hẳn trí tuệ, xuống đến tận những cảm nghiệm đời thường. Không có tác giả nào không chắt chiu từng con chữ để gói gọn thông điệp của lòng yêu mến sự tinh tuyền nơi Đức Maria nên xứng đáng là cung lòng cho Thiên Chúa ngự trị. Không có tác giả nào xây dựng tác phẩm của mình trong lúc bất nhất với Chúa Thánh Thần, trong lúc bất nhất với tình yêu chân chính, hoặc bất nhất với thao thức chuyển đổi thế hệ duy vật chất hư phù nên thánh thiêng vĩnh cửu. Có thể nói, tất cả đã khiêm tốn cộng tác với Chúa Thánh Thần để Chúa Thánh Thần cầm tay và tuôn trào qua nét bút thành những dòng thơ tinh tuyền của Lòng Mến. Họ đã làm thơ với Chúa, cùng xướng họa với Chúa Thánh Thần.
Điều kỳ diệu thứ ba: Gặp gỡ trong Chúa Thánh Thần:
Nếu trước ngày có cuộc xướng họa, mỗi người đã từng làm thơ ở mỗi góc đời riêng lẻ, thì chính cuộc xướng họa đã tạo một cơ hội kỳ diệu cho những góc riêng lẻ ấy hội tụ về thành một Lễ Hội Thơ. Nếu ở những góc riêng lẻ, những người Công Giáo đã từng làm thơ nhưng có thể là những bài thơ chưa có thi vị của Tin Mừng, thì Thánh Thần, tác giả của cuộc xướng họa đã mời gọi họ gặp gỡ chính Ngài khi cầm bút và gặp gỡ nhau trong Ngài ngay trên các tác phẩm được giới thiệu chung nhau ở cùng một trang, một kỳ xướng họa.
Quả vậy, không chỉ họ gặp nhau qua tên tuổi, qua bút hiệu, qua địa chỉ email mà còn gặp gỡ nhau thật sự trong cùng một khu vườn muôn hoa muôn sắc. Ở đó, mỗi người tìm đến nhau, hiểu nhau và quí mến nhau hơn qua những tâm tình bộc bạch trên mỗi tác phẩm mình. Cuộc gặp gỡ trong Chúa Thánh Thần nẩy sinh chan chứa niềm Tin, niềm Trông Cậy và lòng Mến với cả Thiên Chúa và với nhau. Và chúng ta có quyền hy vọng, từ cuộc gặp gỡ chung với nhau trên thi đàn xướng họa, chắc chắn rồi đây sẽ có những cuộc gặp gỡ trực diện tay bắt mặt mừng để cùng nhau tái hiện và phát huy một nền Văn Học Công Giáo Việt Nam trên khắp đất nước và toàn cầu.
Điều kỳ diệu thứ tư: Hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần:
Không phân biệt là già hay trẻ, nam hay nữ, trong nước hay ngoài nước… tất cả đã nên một trong Chúa Thánh Thần. Nên một vì Chúa Thánh Thần có một. Một Chúa Thánh Thần sáng soi cho nhiều người cùng một lúc, cùng một đề tài. Một sự hiệp thông hiếm có bởi chỉ những từ buộc phải họa: “đen, sen, khen, hèn, chen”. Trong sự hiệp thông ấy, mỗi người phát huy tối đa cái sáng kiến riêng tư của mình nhưng vẫn đi vào trong cái chung tuyệt đối: Thơ Đường Luật cổ xúy việc Đoan Hứa Khiết Tịnh.
Điểm hiệp nhất lý thú nhất, không phải là có những bài thơ Đường đúng cách Đường thi tuyệt đối, nhưng là tất cả các tác phẩm, cách này hay cách khác, đều đã mang một Tin Mừng Tuyệt Đối cho mọi người: Hãy Noi Gương Mẹ, sống Trinh Khiết.
Nhìn lại hơn 500 tác phẩm, tôi không đánh giá tác phẩm nào kém về nội dung cả. Đồng ý là có một số tác phẩm nội dung sâu sắc hơn, nhưng nhìn chung, tác phẩm nào cũng đã rút hết ruột hết lòng của các tác giả, để chuyển tải thông điệp về Đức Khiết Tịnh quí giá đến cho mọi người. Chúa Thánh Thần, nguồn mạch sự Hiệp Nhất của người xa lẫn người gần, của người già lẫn người trẻ, của người mới viết lẫn người đã chuyên nghiệp lâu năm. Qua điểm hiệp nhất ban đầu này của một cuộc xướng họa, mở ra cho chúng ta một kỳ vọng sẽ còn nhiều điểm hiệp nhất nữa về sau trong cùng một đường hướng Văn Học Công Giáo Việt Nam
Điều kỳ diệu thứ năm: Phát triển trong Chúa Thánh Thần:
Nhìn lại những tác phẩm, từ những tác phấm sớm nhất trong cuộc xướng họa, có thể thấy, ở những tác phẩm càng về sau, càng có những nỗ lực phát triển của từng tác giả, càng chuẩn chỉnh hơn nhiều về kỹ thuật Đường thi cũng như nội dung. Rất vui mừng là, nếu không có động lực của Chúa Thánh Thần, người làm thơ sẽ không đủ khiêm tốn để bỏ đi một tác phẩm, hay để tìm mọi cách để canh tân tác phẩm ấy cho hợp với tiêu chuẩn.
Tôi vẫn không tin rằng các tác giả canh tân bài thơ của mình là để đoạt giải, nhưng là vì muốn hoàn thiện nơi chính mình một khả năng viết cho đúng cách văn học và đúng ý Chúa. Thật đáng trân quí biết bao những giờ trằn trọc thao thức của các tác giả về những đứa con tinh thần của mình, những miệt mài tìm kiếm cái đẹp tuyệt đối trong một bài thơ chỉ 8 câu, 56 chữ, những tra cứu khổ công để tìm vần, điệu, đối sao cho trọn vẹn một bài thơ ưng ý của mình mà cũng làm vừa ý mọi người. Mỗi người đã tự phát triển rõ rệt trong suốt hành trình của cuộc xướng họa. Và hơn thế nữa, nhiều bước bức phá ngoạn mục tôi đã thấy xuất hiện trên Đồng Xanh Thơ những bài thất ngôn bát cú khởi đi từ cuộc xướng họa này.
Điều kỳ diệu thứ sáu: Ra đi trong Thánh Thần:
Được bao nhiêu bạn trẻ tham gia xướng họa ? Bao nhiêu bạn trẻ đào sâu thông điệp Tin Mừng ẩn chứa trong chỉ có 8 câu, 56 từ ngắn ngủi ? Bao nhiêu bạn trẻ thức giấc trong đêm duy vật khi nghe tiếng chuông “sen giữa lầy” gõ những nhịp thơ nhẹ nhàng mà quyến rũ ? Hay cuộc xướng họa chỉ nhận sự tham gia của những người đã đi qua cái thuở bồng bột, rồi ngộ ra cái bồng bột ấy là một sự dại dột đáng tiếc nhất trong đời người ?
Vấn đề còn lại, là làm sao không chỉ những bài thơ được chọn mà tất cả tâm tình, lời nhắn gửi, chút sẻ chia quí báu rút ruột của từng tác giả qua toàn bộ hơn 500 tác phẩm được chuyển đến tất cả những bạn trẻ đang vào đời.
Thơ “Xướng Họa cổ vũ Đoan Hứa Khiết Tịnh” đã ra đi trong Chúa Thánh Thần. Thơ đi trên mạng suốt 21 kỳ. Và nay Thơ sẽ đi vào đời bằng những tập sách sẽ phát hành nay mai. Thơ sẽ vào trường Đại Học để đồng hành với các em sinh viên. Thơ sẽ về đến các Giáo Xứ để trải lòng mình ra cùng giới trẻ. Thơ sẽ vào tận công ty, nhà máy, xưởng may, tận khu tập thể để chuyền tay nhau thông điệp của Tin Mừng. Thơ sẽ đi tận hang cùng ngõ hẻm để khơi dậy một thế hệ tinh tuyền cho đất nước và Giáo Hội. Thơ ra đi trong Chúa Thánh Thần.
Điều kỳ diệu thứ bảy: Vui Mừng Tạ Ơn Trong Chúa Thánh Thần:
Ngày 25.3.2010, Lễ Truyền Tin, Ngày Thai Nhi Thế Giới, cuộc chơi Xướng Họa “Sen Giữa Lầy” dừng lại bước nhận bài, nhưng lại mở ra cho chúng ta niềm vui mừng tạ ơn trong Chúa Thánh Thần. Vui mừng vì mỗi tác giả, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, đã đón nhận “thời gian thuận tiện” để tìm “ơn cứu độ” cho chính mình và cho nhiều người, đặc biệt là cho những người trẻ. Tạ ơn trong Chúa Thánh Thần vì cũng nhờ Ngài, mà chúng ta được đóng góp phần mình vào công cuộc loan Tin Mừng qua văn học, được gặp gỡ nhau, quen biết nhau, rồi sẽ nối kết với nhau, nên một trong cùng một sứ vụ.
Niềm vui và lời tạ ơn thánh thiện của những người cùng chí hướng, cùng tâm nguyện Bảo Vệ Sự Sống quí giá khởi đầu từ Sự Sống của Con Người Giêsu, trong cung lòng Trinh Nữ Maria qua việc cổ xúy cho thế hệ trẻ biết quí trọng Đức Trinh Khiết, noi gương Đức Mẹ. Nhờ đó, họ dứt khoát nói “không” với cách sống buông thả, cách sống thử, mầm mống mọi sự dữ hiện hành và hiện hoành hành một nền đạo đức tuột dốc.
Dù mỗi tác phẩm cũng chỉ là một phần bé nhỏ trong một công cuộc vĩ đại, nhưng cũng là quá đủ để mỗi tác giả vui mừng và tạ ơn trong Chúa Thánh Thần. Cùng nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cầm tay mỗi tác giả và tuôn ra thành dòng thơ đẹp ý Chúa.
Cuối cùng, cùng chúc mừng nhau, cùng tri ân nhau, vì đã cùng nhau thực hiện điều Chúa Thánh Thần mong muốn.
PM. CAO HUY HOÀNG, 22.3.2010