CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

MA QUỶ CÁM DỖ


(Mt 4,1-11)

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày. Sau đó ma quỷ đến cám dỗ Chúa về ba thứ : miếng ăn, kiêu ngạo và danh vọng.

CÁM DỖ VỀ MIẾNG ĂN : Biết Chúa trong suốt bốn mươi đêm ngày không ăn uống gì, chắc hẳn phải đói lắm, ma quỷ khôn khéo lợi dụng cái đói bụng để cám dỗ Chúa. Chúng đưa ra một hòn đá và bảo Chúa hãy truyền cho nó biến thành bánh mà ăn. Tại sao ma quỷ không đem ngay bánh tới để cám dỗ mà lại dụ dỗ Chúa làm phép lạ cho đá hóa thành bánh ? Điều đó cho chúng ta biết ma quỷ không cám dỗ Chúa về sự mê ăn uống, bởi vì một người ăn chay trường được thì không phải là người mê ăn, một tấm bánh có gì đáng mê ăn, hơn nữa, một người đói cần ăn, không có gì là xấu, cho nên, ở đây ma quỷ muốn cám dỗ Chúa dùng sai khả năng, sai mục đích, dùng uy quyền vô lý, ma quỷ muốn Chúa biểu diễn một phép lạ không có lý do chính đáng. Nếu Chúa làm phép lạ thì Chúa không còn uy quyền trên ma quỷ nữa, vì đã vâng phục chúng. Nếu Chúa làm phép lạ thì chứng tỏ Chúa không còn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa Cha nữa. Nếu Chúa làm phép lạ thì mắc mưu ma quỷ, nghĩa là chúng bảo Chúa hãy sử dụng quyền phép mà giải quyết việc đói bụng. Nhưng chúng thất bại hoàn toàn, Chúa không chê cơm bánh, Chúa cũng không làm phép lạ, Chúa đã dùng sức mạnh của chính lời Chúa trong Kinh Thánh để chiến thắng cám dỗ. Chúa bảo cho ma quỷ biết : “ Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

CÁM DỖ VỀ KIÊU NGẠO : Ma quỷ đưa Chúa lên nóc đền thờ Giêrusalem và xúi bẩy Chúa nhảy xuống. Nếu Chúa nhảy xuống thì thật là một hành động ngoạn mục, giả như bị chết hay bị thương thì càng tốt, còn nếu không hề hấn gì như lời Thiên Chúa nói là Thiên Chúa sẽ ra lệnh cho thiên thần đỡ nâng, thì Chúa sẽ được mọi người ở dưới vỗ tay tung hô ca tụng và được biết đến như một người Thiên Chúa sai đến. Như vậy, khi xúi giục Chúa nhảy xuống là ma quỷ đã khích động lòng kiêu ngạo vốn thường có nơi mỗi người. Quả thực, ma quỷ muốn Chúa kiêu ngạo như chúng. Tính kiêu ngạo thường ẩn núp dưới hai hình thức : là tôn trọng mình cách vô lối và muốn mọi người khác phải đề cao mình. Ma quỷ là cha thần kiêu ngạo, chúng đem kiêu ngạo vào mọi lãnh vực, đó là điểm rắc rối của cuộc đời. Biết bao người đã là nạn nhân của lòng tự ái, lòng háo danh, tự hào tự phụ về tài năng, sắc đẹp và cả nhân đức nữa. Nhưng một lần nữa Chúa Giêsu lại chiến thắng ma quỷ và bảo cho chúng biết qua lời Kinh Thánh : “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”, nghĩa là đừng đòi hỏi Thiên Chúa làm phép lạ vô ích.

CÁM DỖ VỀ DANH VỌNG : Ma quỷ lại đưa Chúa lên núi cao, chỉ cho Chúa thấy khắp bàn dân thiên hạ, thấy mọi vinh quang phú quý uy quyền, rồi hứa biếu Chúa tất cả nếu bằng lòng uốn gối quỳ thờ lạy chúng. Thờ lạy tức là vâng phục, là đầu hàng. Lời dụ dỗ của ma quỷ rất hấp dẫn, vì dân Do Thái lúc bấy giờ đang trông đợi một Đấng Mêsia trần thế, một anh hùng, một vị cứu tinh đến giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc. Vì thế, ma quỷ xúi Chúa thờ lạy chúng đi là được ngồi ngay vào ghế đó. Cờ đến tay rồi, còn chờ gì nữa không cầm mà phất lên. Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối bằng câu Kinh Thánh : “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Sự kiện cám dỗ này dạy chúng ta nhiều điều, chúng ta hãy nhớ ba điều sau đây :

Thứ nhất, là con người, chúng ta có rất nhiều nhu cầu, nhưng vấn đề là phải biết : đâu là nhu cầu chính yếu đâu là nhu cầu phụ thuộc. Kinh Thánh cho biết chỉ có hai thứ nhu cầu mà thôi : nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Nhu cầu vật chất là cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, nhu cầu tinh thần là sự sống vĩnh cửu, con người phải có hai nhu cầu đó mới sống được. Chúa đã dạy : “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời”. Nghĩa là trong khi lao động để tìm kiếm những nhu cầu vật chất chúng ta đừng quên tìm kiếm những nhu cầu tinh thần trước hết.

Thứ hai, chúng ta cần phải cảnh giác trước những gì là hình thức hào nhoáng bên ngoài. Nhiều người dễ bị lầm, đến khi nhận ra thì đã quá muộn và đụng phải một thực tế phũ phàng. Vì thế, đừng để cho vẻ hào ngoáng bên ngoài cám dỗ. Những ai chạy theo vẻ bên ngoài thì sẽ chỉ gặp cái vỏ bên ngoài. Cái thực chất mới đáng theo đuổi. Thực chất nằm ở trong những gì giá trị lâu dài chứ không nằm trong những gì hào nhoáng nhất thời.

Thứ ba, là con cái Chúa, mặc nhiên chúng ta trở thành mục tiêu tấn công của ma quỷ. Ma quỷ rất tinh quái và xảo quyệt, thánh Phaolô gọi chúng là một kẻ thù hiểm độc, một nhà chiến lược đầy tội ác, chúng dùng mọi cách để cám dỗ chúng ta. Vì thế, chúng ta phải đứng về phe Chúa, phải nương nhờ vào sức mạnh của Chúa mà chiến đấu, nếu không chúng ta sẽ dễ dàng bị thất bại. Nương nhờ vào Chúa bằng cách chăm chỉ cầu nguyện, ăn chay, sống chân thật, ngay thẳng, đọc Kinh Thánh và dùng Lời Chúa để chiến thắng cám dỗ như Chúa đã làm gương.

Trích Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Năm A
Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.