-
Moderator
NHƯNG, ai là người thân cận của tôi ? (tiếp theo)
NHƯNG, ai là người thân cận của tôi ? (tiếp theo)
5. “NGƯỜI THÂN CẬN” CỦA THẦY TƯ TẾ
Không ai nắm giữ lề luật tôn giáo cách chính xác cho bằng các thầy tư tế, cũng như không ai nghiêm chỉnh thi hành lề luật cách răm rắp cho bằng các thầy tư tế. Hiểu rõ lề luật cách chính xác, thi hành lề luật cách răm rắp, cho nên các thầy tư tế đã không nhìn thấy người đồng hương bị nạn đang nằm thoi thóp chờ chết bên vệ đường. Các thầy tư tế chỉ biết tuân giữ lề luật cho “trọn hảo”, nhưng các thầy đã quên mất cái làm cho lề luật nên trọn hảo, chính là tâm hồn yêu thương hướng thiện của mình, bởi vì không một người có tâm hồn yêu thương hướng thiện nào, mà lại không xúc động trước hoạn nạn của anh chị em.
Lề luật không phải là cái gông cùm để xiết chặt tâm hồn của con người, không cho con người thi hành điều thiện; lề luật cũng chẳng phải là gánh nặng đè trên vai của con người, không cho con người cúi xuông nâng đỡ anh chị em đang bị nạn bên vệ đường đứng lên. Nhưng trái lại, lề luật được đặt ra vì con người để con người tự do làm điều thiện, thi hành bác ái và sống đúng với bổn phận của mình. “Người thân cận” của thầy tư tế, mặc dù trong bài dụ ngôn (Lc 10, 29) Chúa Giê-su không đề cập đến, nhưng qua thái độ vội vàng, hấp tấp và tránh qua một bên mà đi khi thấy người bị nạn nằm bên vệ đường của thầy tư tế và thầy Lê-vi, thì cũng cho chúng ta thấy được người hoạn nạn, người bất hạnh trong xã hội không phải là người thân cận của họ, hay nói cách chính xác hơn, vì “bận” tuân giữ lề luật cho trọn hảo, nên thầy tư tế và thầy Lê-vi đã không nhìn thấy người anh em bị nạn đang nằm thoi thóp bên vệ đường.
Đi để cho kịp giờ cử hành việc tế lễ Thiên Chúa mà không cứu giúp người bị nạn nằm bên vệ đường, thì dù cho thầy tư tế tế lễ cả ngày, đọc hàng trăm khoản lề luật, cầu khẩn cả ngàn lần thì cũng không được Thiên Chúa chấp nhận, bởi vì các thầy tư tế và Lê-vi đã không đem chính tâm hồn của mình mà hiến tế cho Thiên Chúa, giống như các con buôn ma giáo, hàng hoá của họ được bọc bên ngoài những màu sắc đẹp đẽ, nhưng bên trong thì hàng đã quá hạn, xấu xí và không còn chất lượng. Các vị tư tế này chỉ dâng lên cho Thiên Chúa những lễ vật được bao bọc bởi dáng vẽ tuân giữ lề luật bên ngoài, răm rắp từng nét từng chữ. Mà của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất không phải là một tâm hồn lương thiện,nhân từ biết yêu thương người thân cận như yêu thương chính mình sao? (Mt 9, 13).
Tất cả lề luật của Mô-sê và các sách ngôn sứ đều gói gọn trong hai điều răn nầy: kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình (Lc 10, 27).
Kính mến Thiên Chúa thì ai cũng có thể làm được, và đặc biệt các thầy tư tế phải sốt sắng hơn mọi người, bởi vì nói theo ngôn ngữ của loài người, người kính mến Thiên Chúa trước tiên chính là các tư tế, vì chính họ là những người được đặt lên để thay mặt toàn dân mà tế lễ cho Thiên Chúa, cho nên -theo cách nhìn của con người- đó là việc làm của các thầy tư tế, còn kính mến Thiên Chúa nhiều hay ít, thì chẳng ai đo lường được mức độ kính mến Thiên Chúa nơi họ. Nhưng”yêu thương người thân cận” thì không cần chọn ai để thay mặt cả, ai cũng có thể thực hành được, “người thân cận” của các thầy tư tế chính là những giáo hữu ngoan đạo, những người siêng năng lui tới đền thánh, những người luôn làm theo ý của các thầy, những người cùng “phe” với các thầy. Những “người thân cận” nầy được các thầy tư tế coi trọng đặc biệt hơn những người thường ra mặt chống đối mình, vì họ không chịu được thái độ phân biệt “đây là người thân cận của tôi” nơi các thầy tư tế.
Đức Ki-tô khi đưa ra dụ ngôn “người Sa-ma-ri tốt lành” (Lc 10, 29-36), ắt hẳn Ngài cũng nhắm đến những tư tế của thời Tân Ước, mà chính Ngài là vị tư tế tối cao đã chu toàn lề luật cách trọn hảo, không như các thầy tư tế thời ấy chỉ giữ luật răm rắp, cứng nhắc theo từng chữ vô tri trên sách luật.
Trong toàn bộ sách Phúc Âm, “người thân cận” của vị Tư Tế tối cao nầy thuộc đủ mọi hạng người trong xã hội, không phân biệt một ai, không phân biệt giai cấp tư sản, giai cấp vô sản, cũng chẳng phân biệt màu da chủng tộc, nhưng có lẽ những người bất hạnh bị xã hội bỏ rơi, bị người ta hất hủi, đều là những “người thân cận” đặc biệt nhất của Ngài. Ngài là vị tư tế, mà như trong thư gởi tín hữu Do Thái đã nói, là vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời (Dt 4, 14 ), vị Thượng Tế đã biết cảm thương nỗi yếu hèn của chúng ta (Dt 4, 15). Vì cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta nên Chúa Giê-su đã vâng phục Thiên Chúa Cha, mặc lấy thân phận con người như chúng ta (Pl 2, 7) ngoại trừ tội lỗi, và Ngài đã trở nên vị tư tế dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ hoàn hảo tinh tuyền đẹp lòng Chúa Cha nhất, chính là Ngài. Vì thế, Đức Giê-su Ki-tô vừa là tư tế vừa là của lễ đền tội cho nhân loại, và đã trở nên “người thân cận” của mọi người.
Ngài cũng là vị tư tế làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, là Đấng bàu chữa những tội lỗi của nhân loại trước mặt Thiên Chúa Cha, cho nên, đối với Ngài, cả nhân loại đều là “người thân cận” của mình, bởi vì Ngài là Thượng Tế muôn đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Dt 5, 6), cho nên những “người thân cận” của Ngài cũng sẽ nhận được nơi Ngài lòng thương xót vô biên, mà không mang mặc cảm là kẻ bị mang ơn, như họ đã nhận được sự giúp đỡ nơi con người thế gian.
Vị tư tế của Tân Ước, hoàn toàn khác xa với các thầy tư tế của cựu ước: cựu ước thì tạm thời, và vị tư tế của thời cựu ước chỉ thay mặt toàn dân (dân Israel) để tế lễ Đức Chúa mỗi năm một vài lần trongnhững dịp hy lễ kỳ an (Lv 3, 1-17), lễ tạ tội (Lv 4, 1…), lễ đền tội (Lv 7, 1…). Tân Ước thì vĩnh viễn, và các vị tư tế của Tân Ước –linh mục- thì không những thay mặt toàn thể nhân loại để tế lễ Thiên Chúa, mà còn thay mặt Thiên Chúa để tha hoặc cầm buộc tội nhân loại ở dưới đất nầy (Mt 16, 19), các ngài là những vị tư tế được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm vị đại diện cho loài người …(Dt 5, 1). Cho nên, hơn ai hết, các vị tư tế của Tân Ước hiểu rõ những bất hạnh của anh chị em, của những người bị xã hội bỏ rơi, và coi họ chính là những “người thân cận” của mình như Đức Ki-tô đã không ngần ngại chấp nhận lời chê bai của người biệt phái: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ? (Mt 9, 11), hoặc như những lời xầm xì của mọi người : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ “ (Lc 19, 7) để thông cảm yêu thương và tha thứ.
“Người thân cận” của các tư tế Tân Ước, không phải là những người siêng năng đến nhà thờ dâng lễ, hay những người thường quan tâm đến cuộc sống (của) vị tư tế của mình. “Người thân cận” của các tư tế Tân Ước cũng không phải chỉ riêng biệt là những người bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi, nhưng là tất cả mọi người, người hạnh phúc cũng như người bất hạnh, kẻ giàu có cũng như người nghèo, vì các tư tế của thời Tân Ước được chọn để trở thành “người thân cận” của mọi người, có nghĩa là đại diện cho Chúa Ki-tô để trở nên một “người trung gian” giữa Thiên Chúa và con người, qua sự đặt tay và xức dầu tấn phong của Giáo Hội.
Hơn hai ngàn năm qua, trên cuộc hành trình về Nước Trời cuả Giáo Hội Công Giáo, các tư tế của Tân Ước đã dần dần tìm lại được “người thân cận “ của mình trong xã hội hôm nay –như người Sa-ma-ri đã bắt gặp “người thân cận” của mình trên đường đi- “người thân cận” của các tư tế Tân Ước hôm nay chính là người mà hôm qua trong lần hội họp đã chỉ trích thái độ quan liêu của mình; “người thân cận” của các tư tế Tân Ước hôm nay chính là người hay vạch lá tìm sâu những việc làm của ông cha sở của mình; và “người thân cận” của các tư tế Tân Ước hôm nay, không ai khác hơn chính là những “Đức Ki-tô bị bỏ rơi” bên vệ đuờng của một xã hội văn minh phát triển. Tất cả những hạng “người thân cận” trên, đều phản ánh trung thực một tâm hồn yếu đuối, dòn mỏng của các tư tế Tân Ước được chọn giữa loài người, do đó, khi cúi đầu xuống để nâng đỡ “người thân cận” của mình đứng lên, thì các tư tế Tân Ước đã kéo ơn sủng của Thiên Chúa xuống, không những trên bản thân của mình, mà còn trên những “người thân cận” của mình nữa. Và như thế, các ngài đã tuân giữ lề luật cách trọn hảo: luật Yêu Thương.
Đức Ki-tô là vị thượng tế đích thực, vị thượng tế đời đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Dt 6, 20), cho nên các tư tế Tân Ước (linh mục) của Ngài cũng cao trọng hơn các tư tế của thời cựu ước. Một giám mục Roméo, đã vì quyền lợi của những “người thân cận” của mình mà lên án những bất công của xã hội, ngài đã bị bắn chết ngay trên bàn thờ khi dâng thánh lễ, và chính ngài đã trở nên giống vị thượng tế tối cao của mình –Đức Ki-tô Giê-su- vừa là tư tế vừa là tế phẩm hiến dâng cả mạng sống của mình, để những “người thân cận” của mình được tự do bình đẳng với xã hội.
“Người thân cận” của thánh Don Bosco không ai khác hơn chính là những trẻ em bụi đời, những trẻ em nghèo khổ, những chú nhóc mồ côi bị xã hội coi như đồ phế thải, đã được Ngài nâng niu, nuôi nấng dạy dỗ, để rồi “những chú nhóc bụi đời thân cận” nầy, có người đã trở thành vị thánh, có người làm hồng y, có người đã làm giám mục, linh mục và có người đã có một địa vị trong xã hội, và còn có rất nhiều tư tế Tân Ước khác đã nhìn thấy rất nhiều “người thân cận” của mình trong xã hội hôm nay. Các ngài đã vượt ra khỏi tình cảm tự nhiên của con người để đón nhận những người không quen biết –những người mà có lúc, đã làm cho các ngài khó chịu- làm “người thân cận” của mình. Bởi vì, chính các ngài đã học được tâm tình hiền lành và khiêm tốn nơi Đức Ki-tô, và mang trong mình tấm lòng nhân hậu của một vị tư tế thời Tân Ước.
Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành mà Chúa Giê-su đã kể hơn hai ngàn năm trước, ngày hôm nay vẫn còn có giá trị cho các tư tế của Ngài, và càng ngày các tư tế Tân Ước càng khám phá ra trong dụ ngôn đầy kịch tính nầy, có rất nhiều giá trị nhân bản hợp cho mọi thời đại, mà nét nổi bật nhất của dụ ngôn chính là lòng nhân hậu phải vượt qua lề luật, mới gọi là chu toàn lề luật. Bởi vì, tất cả các lề luật và các sách ngôn sứ, đều gói trọn trong hai điều nhưng là một nầy: “Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận”.
Không có lòng nhân hậu thì không biết bao dung, không có lòng nhân hậu thì không biết thông cảm với những đau khổ của anh em, không có lòng nhân hậu thì không biết yêu thương người thân cận như chính mình. Thầy tư tế thời cựu ước chắc chắn cũng có lòng nhân hậu, nhưng vì quá chú trọng đến từng nét chữ bên ngoài của lề luật, tuân giữ lề luật cách cứng nhắc, nên đã không nhìn thấy người đồng hương của mình đang nằm thoi thóp bên vệ đường chờ chết, và như thế ông đã bị coi là người không có lòng nhân hậu và làm sai tinh thần của lề luật.
Nhưng các tư tế Tân Ước thì không phải như thế, các ngài nhìn thấy nỗi bất hạnh, những khổ đau, những khắc khoải, những nhu cầu của người anh em trước khi nghĩ đến lề luật, do đó, các ngài đã không ngần ngại đứng về phía “người thân cận” của mình, để nâng đỡ người anh em đang bất tĩnh bên vệ đường mà không sợ “trể giờ” tế lễ, không sợ những lời đàm tiếu của những người bo bo vụ luật hình thức, vì các tư tế Tân Ước đã nhận ra lời khuyên tế nhị và sâu sắc của Chúa Giê-su: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy ” (Lc 10, 37), và khi đã làm được như vậy rồi, thì trên thế giơí nầy, chẳng có ai là người không thân cận của các tư tế thời Tân Ước.
Thầy tư tế thời cựu ước và các tư tế thời Tân Ước đều là những con người như mọi người, cũng có một quả tim và một khối óc, cho nên, theo lẽ thường tình, người thân cận nhất của họ chính là cha mẹ, anh chị em, sau đó là bà con thân thuộc, bạn bè, đi ra ngoài lẽ tự nhiên nầy là trái ngược với lề luật cha ông. Chính thầy tư tế thời cựu ước đã không dám đi ra khỏi cái vỏ lề luật của cha ông để cúi xuông nâng đỡ người đồng hương bị nạn, cho nên, suốt cuộc đời ông ta sẽ không bao giờ biết “người thân cận” của mình là ai.
Đi ra khỏi lề luật không có nghĩa là chối bỏ những giá trị của lề luật, nhưng là để cho lề luật được nên gần gủi với đời thường hơn, sống động hơn, và có một giá trị đích thực hơn. Cũng như một người con đi ra khỏi tổ ấm gia đình, không phải là anh ta chối bỏ những giá trị của gia đình, nhưng là để cho mình tự lập hơn, trưởng thành hơn, và để cho mọi người nhìn thấy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình qua cách ăn nếp ở của bản thân mình. Vị thông luật kia đã hỏi Chúa Giê-su cách ngây thơ, dễ thương : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ? ” (Lc 10, 29), và Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi: người nầy là thân cận, người kia không phải là thân cận của anh, Ngài chỉ kể cho vị thông luật và đám đông dân chúng nghe một câu chuyện dụ ngôn về sự tốt lành của người Sa-ma-ri, và kết luận: ông hãy đi và cũng làm như vậy (Lc 10, 37). Thế là đã rõ, “người thân cận” của thầy tư tế thời cựu ước chính là lề luật của Mô-sê, bởi vì ông sợ lỗi lề luật mà không dám cứu giúp người hoạn nạn sắp chết nằm bên vệ đường, và vì sợ lỗi lề luật, cho nên thầy tư tế đã đóng kín tâm hồn của mình lại, lòng nhân từ cũng vì đó mà bị cầm tù trong bốn bức tường của lề luật, tội nghiệp thay!
Nhưng “người thân cận” của các tư tế thời Tân Ước thì không phải như các thầy tư tế thời cựu ước, bởi vì Đức Ki-tô đã băng qua các tầng trời (Dt 4, 14) đi ra khỏi ngôi vị Thiên Chúa để làm con người như mọi người ở giữa trần thế, và đã trở nên vị Thượng Tế tối cao, vị Thượng Tế biết thông cảm với những nỗi thống khổ, bất hạnh của “người thân cận” mình là nhân loại. Do đó, “người thân cận” của các tư tế Tân Ước chính là tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp vô sản hoặc giai cấp tư sản; không phân biệt kẻ giàu người nghèo, và những “người thân cận” nghèo khó, bất hạnh là dạng “ưu tiên số một” của cá tư tế thời Tân ước! “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy!” (Lc 10, 37).
6. “NGƯỜI THÂN CẬN CỦA THẦY LÊ-VI
“Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi đến chổ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi ” (Lc 10, 32).
Sau thầy tư tế, là đến thầy Lê-vi cũng đi ngang qua chỗ người đồng hương đang bị nạn nằm bên vệ đường, nhưng rồi cũng bỏ đi một lèo. Các linh mục hôm nay, trong các bài giảng của mình thường “đồng hoá” các thầy Lê-vi thời cựu ước với các thầy (ngày nay) đã có “chức”, kể cả các thầy phó tế, hoặc các nam tu sĩ, bởi vì trong mười hai chi tộc Ít-ra-en, thì chi tộc Lê-vi đã được Đức Chúa chọn ra, riêng biệt để lo công việc bàn thánh, dưới quyền các tư tế (Ds 3, 5-13). Nhưng xét cho cùng, thì tất cả những ai đã dâng mình làm tôi tớ Chúa (đi tu) thì bất luận là nam hay nữ, cũng đều là những người phục vụ Thiên Chúa qua con người, phụ giúp các Linh mục (tư tế của thời tân ước) theo bổn phận và công việc của mình. Vậy, theo tôi, các thầy Lê-vi bao gồm cả các nữ tu của chúng ta nữa, mà trong bài suy tư nầy sẽ dùng cụm từ “các-Lê-vi-thời-Tân-ước” để nói chung các tu sĩ nam nữ ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà trong dụ ngôn “người Sa-ma-ri tốt lành”, Chúa Giê-su đã đưa ra hai hình ảnh mà ấn tượng không mấy tốt đẹp về hai chức vụ có “thế giá” trong tôn giáo Ít-ra-en thời ấy, bởi vì chỉ có những thầy tư tế và các thầy Lê-vi là những người, mà có lẽ, rất ít tiếp xúc với mọi người trong cuộc sống đời thường, do đó, họ không thể cảm nghiệm được những lo âu khắc khoải, những tình cảm giữa người thân cận với nhau, hoặc họ không có ý niệm người thân cận là những người không cùng huyết thống với họ, mà đối với họ, người thân cận chính là cha mẹ, bà con, bạn bè thân thuộc …
Các Lê-vi-thời-tân-ước cũng có lúc, với ý niệm, mình là một người “đi tu”, “người được Chúa chọn”, thì phải được mọi người trọng vọng, phải được “đám dân ngu” kia kính nể và phải được ngồi chỗ cao, chỗ nhất giữa công chúng. Không ai tế nhị như Chúa Giê-su khi đưa ra lời giáo huấn cho các Lê-vi-thời-tân-ước hay nói cách thân mật hơn, các đệ tử của Ngài, bằng một câu chyện dụ ngôn rất kịch tính mà tóm gọn mọi giáo huấn của Ngài: Yêu thương.
Vậy, ai là “người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước trong một xã hội có quá nhiều điều kỳ diệu hôm nay ?
a. Cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi.
Để tỏ ra sức mạnh đoàn kết của cộng đoàn, và để biểu dương cộng đoàn tôi là một cộng đoàn “luôn biết yêu thương”, nên có lúc các Lê-vi-thời-tân-ước đã ra mặt công khai bênh vực các thành viên của cộng đoàn mình, mặc dù lỗi phải đã rành rành trước mặt bàn dân thiên hạ, và lạm dụng sự kính trọng “những tôi tớ” Thiên Chúa nơi các tín hữu, mà các Lê-vi-thời-tân-ước đã làm ngơ trước những bất công của mình.
Mặc dù được gọi để phục vụ Thiên Chúa qua anh chị em của mình, nhưng có lúc các Lê-vi-thời-tân-ước đã không nhìn nhận họ là những “người thân cận” của mình, trái lại, các Lê-vi-thời-tân-ước nầy đã tự coi mình như là một “hồng ân” mà Thiên Chúa đã ban cho các tín hữu, cho nên từ cách suy nghĩ như thế, các Lê-vi-thời-tân-ước đã không nhìn thấy mình là những người được gọi để phục vụ Thiên Chúa trong những anh em đồng loại của mình, và dĩ nhiên, họ cũng chẳng thấy những khắc khoải, lo âu buồn phiền của những người mà mình được sai đến để phục vụ, vì những khuyết điểm do mình gây ra.
Cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi, đó là điều không ai chối cải, nhưng cộng đoàn sẽ không thể tồn tại, nếu không có những “người thân cận” –tức là con người- để phục vụ. Vì mục đích ấy mà cộng đoàn được thành lập và tồn tại, cho nên các Lê-vi-thời-tân-ước phải vượt qua khuôn khổ của cộng đoàn để đi tìm kiếm “người thân cận” của mình mà phục vụ. Thầy Lê-vi trong câu chuyện dụ ngôn đã không thể đưa tay ra cứu giúp người bị nạn, cũng bởi vì ông ta chỉ biết có chi tộc của mình, chỉ biết phải đi cho mau để phục vụ các tư tế nơi bàn thờ trong thánh điện, và vì thế ông ta đã đánh mất cơ hội phục vụ “người thân cận” của mình. Có những Lê-vi-thời-tân-ước đã to tiếng chỉ trích phê bình cộng đoàn nầy quá tệ, cộng đoàn kia quá bết, chỉ vì các cộng đoàn ấy không phải là cộng đoàn của tôi, tức là không phải “người thân cận” của tôi.
Bởi vì cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi, cho nên tôi không thể hỗ trợ cho người khác những phương tiện để họ làm công tác tông đồ, không ủng hộ những ý kiến hay, hoặc những phương pháp mới của người khác trong công việc mở mang Nước Chúa, vì thế, tôi mãi mãi vẫn chỉ là một thầy Lê-vi đi ngang qua người bị nạn, dù người bị nạn đó là đồng hương với tôi, giả mù như không thấy họ đang thoi thóp chờ chết. Bởi thế, để có tương quan tốt đẹp với mọi người, các Lê-vi-thời-tân-ước cần phải xác định lại cho thật rõ ràng mục đích dâng hiến cuộc đời của mình là phục vụ, nhưng phục vụ cho ai? cho Thiên Chúa nơi con người, hay bắt con người phục vụ cho chính bản thân mình ?
Nếu phục vụ cho cộng đoàn của tôi là “người thân cận” của tôi, thì các Lê-vi-thời-tân-ước chỉ là một tập đoàn chỉ biết tìm “lợi nhuận “ cho mình, có nghĩa là một tập đoàn tư bản mua bán không hơn không kém, nhưng xét cho cùng thì các tập đoàn tư bản mua bán ấy, họ cũng biết vượt ra khỏi chính mình, nghĩa là họ biết vươn cánh tay “mại bản” của họ đến tận các quốc gia trên thế giới để kiếm lợi nhuận, và tạo thêm công ăn việc làm cho mọi người, và như thế “người thân cận” của họ chính là những khách hàng của họ. Cũng vậy, các Lê-vi-thời-tân-ước không đóng khung trong cộng đoàn của mình, không khư khư giữ lấy những tập quán cố hữu “nó không phải là phe của chúng ta”, bởi vì khi làm như thế, thì các Lê-vi-thời-tân-ước đã vô tình bóp méo lề luật yêu thương của Tân Ước: “Yêu thương người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27) vậy.
Luật yêu thương của Tân Ước phải vượt ra khỏi chính mình, tràn ra khỏi biên giới đi tới những miền xa xăm hẻo lánh, thấm nhập vào từng thớ thịt của con người, và được nhận thấy dễ dàng nơi hành vi của những con người thấm nhuần tinh thần lề luật yêu thương trong cuộc sống đời thường. Luật yêu thương cũng là “tiêu chuẩn” để Thiên Chúa phán xét nhân loại, là thước đo lòng mến của Thiên Chúa nơi con người chúng ta, nhưng nếu yêu thương hiểu theo nghĩa thường tình, tức là yêu thương theo luật tự nhiên, như cha mẹ yêu thương con cái, con cái phải yêu thương cha mẹ, yêu thương bạn bè thân thiết…v.v…thì chắc chắn không ai “qua mặt” được các thầy tư tế các thầy Lê-vi thời cựu ước, bởi vì họ đã tuân giữ răm rắp từng nét từng chữ trong sách luật, và nếu có ai đó nói với họ phải yêu thương “người thân cận”, tức là những người nghèo nàn, bất hạnh, khổ đau như chính mình, thì chẳng khác gì xách thùng nước lạnh tạt vào mặt họ. Nhưng các Lê-vi-thời-tân-ước không những đã nhận nơi Đức Ki-tô lệnh truyền yêu thương “người thân cận”, mà còn nhìn thấy công việc yêu thương “người thân cận” cách cụ thể nơi Ngài, đó là bất cứ ai cũng đều được Ngài chiếu cố mà không đòi điều kiện nào khác, ngoài điều kiện: phải có lòng tin vào Ngài, những người tàn tật, kẻ đui mù, người tội lỗi, kẻ bất hạnh đều là những “người thân cận” nhất của Ngài.
Vì vậy, yêu thương người thân cận nơi các Lê-vi-thời-tân-ước không có nghĩa là chỉ yêu thương cộng đoàn của tôi, bởi nó là thân cận của tôi, nhưng mỗi thành viên của cộng đoàn phải là những sứ giả của cộng đoàn, đem yêu thương được hấp thụ trong cộng đoàn đến cho những đối tượng mà các Lê-vi-thời-tân-ước phục vụ, họ là những người đủ mọi thành phần của xã hội không phân biệt màu da chủng tộc, giai cấp giàu nghèo, sang hèn, họ chính là những“người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước, hay nói cách cụ thể hơn, khi các Lê-vi-thời-tân-ước tự mình phá bỏ những luật lệ cứng nhắc làm xơ cứng quả tim bằng thịt biết yêu thương, biết thông cảm của mình, thì chính họ đã tự mình trở nên người thân cận của “người thân cận” rồi vậy.
Chúa Giê-su đã chọn mười hai vị tông đồ để làm một cộng đoàn nhỏ xíu giữa cộng đoàn Do thái, nhưng không phải vì thế mà cộng đoàn nhỏ xíu nầy bị lãng quên hoặc bị xoá sổ trong cộng đoàn Do thái to lớn, nhưng trái lại, nó càng ngày càng “bành trướng” trên khắp mặt đất, trở thành một cây cổ thụ to lớn, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành cây của nó (Mt 13, 32), nó đã trở nên một cộng đoàn sống động, có ảnh hưởng rộng lớn trên toàn diện cuộc sống của con người, bởi vì vị thủ lãnh tối cao của cộng đoàn nầy –Đức Kitô- đã tuyên bố: “Vì Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40), và mỗi một thành viên của cộng đoàn nhỏ xíu mà to lớn nầy đã trở nên những người thân cận của mọi người, khi cầm chén nước lã ngon ngọt thân tình mời người anh em trong cơn đói khát (Mt 10, 42), bởi vì, họ đã nhìn thấy “người thân cận” đói rách, bất hạnh, nghèo nàn ấy, chính là hình ảnh của Đức Ki-tô đang bị đau khổ trên thập giá.
“Người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước không phải là người thân thiết, cũng không phải là bà con, bạn hữu, vì tự nó đã là thân thiết rồi. Nhưng “người thân cận” đúng nghĩa của các Lê-vi-thời-tân-ước chính là những người không thân thiết, không phải là bà con, bạn hữu, mà là những người xa lạ, những người bất đồng chính kiến với mình, bất đồng quan niệm và có khi –thậm chí- họ là những kẻ thù, nhưng trong tinh thần của luật mới –luật Yêu Thương- thì những người ấy chính là “người thân cận” của các Lê-vi-thời-tân-ước vậy.
Không ai có thể yêu thương “người thân cận” như chính mình được nếu không có Chúa Thánh Thần thúc đẩy, bởi Thánh Thần là lửa tình yêu có khả năng đốt cháy những xiềng xích trói buộc, những bức tường ngăn cách giữa các Lê-vi-thời-tân-ước với “người thân cận”. Yêu thương “người thân cận” như chính mình, cũng chính là yêu thương Đức Ki-tô ở trong những con người mà những bất công của xã hội đang đè xuống trên cuộc đời của họ. Bởi vì khi giáng sinh làm người, Chúa Giê-su đã thực sự là người thân cận của những “người thân cận” bị người đời bỏ rơi, khi chính Ngài cũng đã bị những kinh sư, biệt phái và những người thân cận trong thôn xóm cũng từ chối đón tiếp Ngài (Lc 4, 16-29).
Vì vậy, không một Lê-vi nào của thời Tân Ước có quyền chọn lựa cho mình người nầy là “người thân cận” của tôi, người kia không phải là “người thân cận” của tôi, nhưng ai cũng là “người thân cận” của mình, bởi vì chính họ là thước đo mức độ yêu thương của mình đối với Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường vậy.
b. Cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi.
Có nhiều người chú giải câu Lời Chúa: “yêu thương người thân cận như chính mình” như sau: yêu người như chính mình là trước tiên phải yêu mình đã, yêu mình tức là phải thoả mãn những nhu cầu đòi hỏi của bản thân mình trước, sau khi mình có đầy đủ rồi mới cho người khác để họ có như chính mình đã có vậy. Đây đúng là mẫu người “biết lo xa”, nhưng vì quá lo xa cho nên họ mãi mãi vẫn không thể yêu thương người thân cận như chính mình được, bởi vì trong thực tế, lòng tham của con người như cái thùng không có đáy, không có thì làm cho có, có rồi thì muốn có thêm, và như thế thì đến bao giờ mới có đầy đủ để mà giúp đỡ người thân cận chứ ? từ khi nguyên tổ chúng ta phạm tội, thì con người trở nên ích kỷ hơn, cái tôi (cá nhân tôi) phát triển nhiều hơn, và yêu mình nhiều hơn.
Bất kể là ai, đã là con người thì luôn luôn có cái tôi ở trong mình, và cái tôi nầy tự nó lớn lên hay nhỏ đi tuỳ theo mức độ yêu thương của chính bản thân mình. Yêu thương càng lớn thì cái tôi càng nhỏ, và dễ dàng đạt tới mức độ yêu thương “người thân cận” như chính mình hơn. Trong cộng đoàn, cái tôi làm cho chúng ta muốn nổi bật hơn mọi người, do đó, chúng ta tìm đủ mọi cách (kể cả thủ đoạn) để đạt tới mục đích của cá nhân tôi, mà không thèm nghĩ đến những khó khăn của anh em chị em là những người thân cận của mình, đang phấn đấu để cộng đoàn được trưởng thành. Để cái tôi của cá nhân tiến triển theo chiều hướng chung của cộng đoàn thì là một điều tốt, bởi vì đó chính là yêu thương anh chị em trong cộng đoàn vì họ là người thân cận của tôi, và cần phát huy tác dụng đến mức độ không còn là vì cá nhân tôi nữa, mà là vì cộng đoàn.
Bởi vì chúng ta nghĩ rằng cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi, cho nên chúng ta luôn tìm cho mình những sự chú ý của mọi người giữa công chúng, tìm một tiếng khen của mọi người nơi phòng họp, tìm sự nổi tiếng khi công tác.v.v…mà chúng ta không nghĩ rằng, chính khi chúng ta đang tìm sự thoả mãn cá nhân ấy, thì chính chúng ta đang dần dần xa cách “người thân cận” đích thực của chúng ta là những anh chị em trong cộng đoàn. Chính vì điều ấy, mà Chúa Giê-su khi nói về việc nên cớ vấp ngã cho anh em, Ngài đã nhấn mạnh đến hành động dứt khoát để chúng ta mạnh dạn cắt đứt “người thân cận” ngay tự trong bản thân của mình, Ngài nói: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống …” (Mt 18, 8).
Tay và chân là những phần trong thân thể của chúng ta, cho nên khó mà chặt đi được, bởi nó chính là “cá nhân tôi”, là “người thân cận” của tôi; tay và chân cũng là ám chỉ đến bạn bè thân thiết, là “người thân cận” mà tôi đã kết thân để thoả mãn nhu cầu vui chơi cá nhân, gây bè kết cánh hơn là vì nhu cầu thăng tiến cá nhân trong đời sống cộng đoàn. Nếu các bạn bè thủ túc ấy, tức là “cá nhân tôi” là “người thân cận” của tôi làm cớ vấp phạm cho tôi, thì chặt quăng nó đi, thà không có bạn bè thủ túc để tâm hồn tôi thảnh thơi yêu mến mọi người trong cộng đoàn, cùng nhau thăng tiến đạt đến mục đích là xây dựng một cộng đoàn biết yêu thương và phục vụ, hơn là có bạn bè thủ túc mà mỗi ngày tôi càng xa cách những anh em chị em là “người thân cận” của tôi ngay trong cộng đoàn của tôi.
Chúa Giê-su trước khi kêu gọi các môn đệ, Ngài không ra điều kiện trước cho ông Phê-rô và ông An-rê là các anh phải vứt bỏ chài lưới đi mà đi theo làm môn đệ của Ta. Ngài cũng chẳng nói với ông Mát-thêu dẹp cái nghề thu thuế tội lỗi ấy đi mà theo Ta. Nghề chài lưới cũng như nghề thu thuế có thể nói là những “cá nhân tôi” của các môn đệ, nó thấm sâu vào trong xương trong thịt của các ông rồi khó mà bỏ đi được, Chúa Giê-su biết như thế, nên Ngài mới nói với hai ông Phê-rô và An-rê : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19), và với Mát-thêu thì Ngài nói : “Anh hãy theo tôi !” (Mt 9, 9).
Qua những lời mời gọi vắn tắt như thế, chúng ta thấy Chúa Giê-su cũng đặc biệt tôn trọng “cá nhân tôi” nơi các môn đệ của Ngài khi chọn các ông, Ngài cũng không buộc các ông phải bỏ nghề, nhung Ngài đã dùng tài nghệ chuyên môn đánh cá của các ông mà đổi cho các ông một công việc khác, công việc nầy vượt ra khỏi biển hồ Ga-li-lê, vượt ra khỏi tình cảm quê hương để trở thành “người thân cận” của các dân tộc trên mặt đất: nghề đánh cá người. Nhưng không phải vì thế mà các tông đồ đều lập tức trở nên hoàn thiện đâu, các ông còn phải học tập để nhận ra ai là “người thân cận” của mình qua những lời giáo huấn, qua những dấu lạ mà Chúa Giê-su đã thực hiện, và nhất là qua sự khổ nạn và chết trên thập giá của Ngài, các ông nhận ra rằng: tình yêu tự nó đã trở nên gần gủi thân cận với mọi người rồi, và các ông đã dần dần chôn sâu, chôn chặt, từ bỏ “cá nhân tôi là người thân cận” của tôi tại biển hồ Ga-li-lê, để chỉ còn lại “cá nhân tôi” là người thân cận của mọi người mà thôi, nghĩa là các ông đã từ bỏ cha mẹ, vợ con, gia đình của cải.v.v… để rồi các ông được tình yêu đại đồng làm tài sản, và cả một thế giới làm người thân cận của mình vậy.
Cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi thường xuất hiện nơi những con người ít cầu nguyện, không phải là bản thân họ không cầu nguyện, mà ngay trong khi cầu nguyện họ chỉ nói qua loa vài câu, và bắt Chúa phải nghe lời họ nói : “Lạy Chúa, xin cho con được giàu có …”, “Lạy Chúa, xin cho con được một cô vợ đẹp dễ thương…”; “Lạy Chúa, hôm nay cho con vô mánh, để con mua xe hơi đi lễ cho tiện …”…v.v… bởi vì họ chỉ biết có mình họ trong khi cầu nguyện, cho nên trong cuộc sống đời thường họ không mấy quan tâm đến những nhu cầu của anh em, họ không cảm thấy xúc động khi người anh em bị nạn, và thậm chí, họ còn cầu mong cho người anh em thua kém mình nữa.
Muốn cá nhân tôi trở thành “người thân cận” của mọi người, cũng như để nhìn thấy tất cả mọi người đều là “người thân cận” của mình, việc trước tiên là tôi phải tập cho bằng được bài học biết xúc động trước nỗi bất hạnh của tha nhân, bởi vì chính Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng (Mt 9, 36), biết mĩm cười và biết thứ tha, và chính Ngài cũng nói đã dạy chúng ta phải tha thứ đến bảy mươi bảy lần bảy (Mt 18, 22). Người biết xót thương trước những hoạn nạn, bất hạnh của anh chị em, là người biết nhìn ra lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho mình; người biết tha thứ là người đã cảm nghiệm ra được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho bản thân của mình. Vì thế, họ không còn coi cá nhân tôi là “người thân cận” của tôi nữa, mà trái lại, họ yêu thương tất cả mọi người như là người thân cận của mình. “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy ” (Lc 10, 17). Lời Chúa Giê-su trên đây đã được họ hiểu rõ và đem áp dụng trong cuộc sống đời thường của chính mình.
(còn tiếp)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules