Results 1 to 4 of 4

Thread: Trầm Tử Thiêng

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Trầm Tử Thiêng

    Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng




    Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1937 (tuổi Đinh Sửu) tại Đại Lộc, Quảng Nam và lớn lên ở miền Nam .

    - Bắt đầu ca hát từ thuở lên 10 ở các thôn quê miền Nam VN trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1949. Lánh nạn lên Sài Gòn tiếp tục đi học và sinh hoạt ca hát ở các học đường và các đoàn thể trẻ. Tốt nghiệp Sư Phạm và bắt đầu dạy học từ năm 1958.

    - Bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1958 cho đến cuối đời với trên 200 ca khúc bao gồm các đề tài về tình yêu, quê hương, chiến tranh và thân phận của dân tộc VN và hàng trăm ca khúc viết cho thiếu nhi . Ông sáng tác bản hát nổi tiếng 'Bài Hương Ca Vô Tận' trong thời kỳ đầu tiên.

    - Nhập ngũ và phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH từ năm 1966, và sáng tác những bài hát cho các chiến hữu miền Nam như 'Quân trường vang tiếng gọi', 'Đêm di hành', 'Mưa trên Poncho' vvv ...

    - Sau Tết Mậu Thân 1968, Nhạc Sĩ đã sáng tác bài 'Chuyện một chiếc cầu đã gẫy' để chia sẻ niềm đau với người dân xứ Huế, rất gần với quê hương ông, xứ Quảng Nam .

    - Sinh họat với Phong Trào Du Ca Việt Nam, và là một huynh trưởng huấn luyện và sáng tác trong Xưởng Du Ca Trung Ương.

    Đến năm 1970 ông sáng tác bản 'Tôn Nữ Còn Buồn', nói về trận bão lụt tàn phá miền Nam

    - Biệt phái Bộ Giáo Dục từ năm 1970, tiếp tục làm việc trong ngành Phát Thanh Học Đường cho đến năm 30 tháng 4 năm 1975 .

    Sau mấy lần trốn tránh vì bị kết án 'nhạc sĩ phản động', Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng đã vượt biên, bị bắt tù, cuối cùng ông đã đến bến bờ Tự Do vào năm 1985 .

    - Sang Hoa Kỳ, Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng luôn sát cánh cùng các đoàn thể, tổ chức trong mục đích giữ gìn văn hóa dân tộc. Ông là cố vấn ban chấp hành Hội Ký Giả VN Hải Ngoại 2 nhiêm kỳ 1996-2000 .

    Vào cuối năm 1999, ông cùng các bạn văn nghệ sĩ sáng tác lập Thư Viện Việt Nam tại Little Saigon .

    Từ khi lưu vong tị nạn, ông sống tại thủ đô tị nạn Little Saigon, tiểu bang California, hợp tác làm việc với Mây Productions, Hollywood Night và trung tâm Asia. Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng đã cùng với Nhạc sĩ trẻ Trúc Hồ, sáng tác nhiều bản nhạc thích hợp cho thể loại nhạc đồng ca như 'Bước Chân Việt Nam, Việt Nam niềm Nhớ, Một Ngày Việt Nam, Tình Đầu Thời Áo Trắng, Cám Ơn Anh, Hẹn Nhau năm 2000 .... .' .

    Bài 'Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng' sáng tác vào tháng Tám năm 1996, nhân ngày Đại Nhạc Hội 'Góp Một Bàn Tay' là một bản hát lịch sử đánh dấu một làng VN được xây tại Phi Luật Tân cho những người VN lưu vong không còn tổ quốc, và không có quốc gia nào còn chấp nhận họ.

    Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng còn được biết qua nhiều bản nhạc Tình sáng tác sau và trước thời điểm năm 1975, 'Chợt Nghĩ Về Hai Nơi', Mười Năm Yêu Em, 'Tình Ca Mùa Đông (1965), Mây Hạ (1967), Đêm Nhớ Về Sài Gòn (1987)'

    Những tác phẩm của ông viết suốt hơn 40 năm đã được hầu hết các ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn .

    Ước nguyện cuối đời ông là được mang tình thương đến cho các trẻ em mồ côi. Qua nhạc sĩ Trúc Hồ và Việt Dũng, Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng đã ký thác ước nguyện thành lập một quỹ 'Bên Em đang có Ta' (là tên một sáng tác của ông viết cho trẻ em mồ côi tị nạn), để giúp các trẻ mồ côi.

    Ông mất vào ngày 25 tháng 01 năm 2000.


  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trầm Tử Thiêng


    Trầm Tử Thiêng, người chép sử lưu vong bằng âm nhạc.


    HUY PHƯƠNG, May 08, 2007

    Một người đã sống một cuộc đời khắc khổ, đạm bạc pha đôi chút cô đơn, lúc ra đi bình thản, lặng lẽ nhưng đã để lại cho đời một kho tàng âm nhạc vĩ đại, vĩ đại không ở chỗ nhiều người nghe, nhiều người thuộc như các tác giả thời danh khác, mà ở ông tấm lòng của một người lưu lạc, luôn luôn tin tưởng vào đất nước một ngày mai. Nơi ông, suốt đời và nhất là những năm cuối cùng, hai chữ Việt Nam luôn luôn như một lời réo gọi chứa chan thương yêu ngọt ngào và đầy hy vọng.

    Nguyễn Văn Lợi (tên thật của ông) ra đời tại quận Đại Lộc, Quảng Nam năm 1937, đã lớn lên và trải qua thời thơ ấu trong Liên Khu Năm Nam Ngãi, những năm tháng chiến tranh và ông đã hiểu thế nào là một đời sống trong chế độ Cộng Sản nhất là với tuổi ấu thơ. Khi mảnh đất này được tự do, ông vào Saigon theo học trường Sư Phạm Nam Việt và trở thành một thầy giáo, chăm sóc đám trẻ thơ của đất nước. Bản chất của ông cũng như nghề nghiệp đã đào tạo Trầm Tử Thiêng thành một người nhân hậu nhưng thẳng thắn, cương quyết đi đến tận cùng, nếu cần để tranh đấu cho lẽ phải.

    Những ca khúc đầu tay cũng như những sáng tác trong thời gian bị động viên: “Mưa Trên Poncho”.”Đêm Di Hành”, “Quân Trường Vang Tiếng Gọi” đã đưa ông từ quân trường về Phòng Văn nghệ, Cục Tâm Lý Chiến, nơi ông có thể đành tất cả thời gian cho việc sáng tác và sinh hoạt âm nhạc của ông. Tuy ở trong một môi trường mà những ca khúc của ông có thể phổ biến mạnh mẽ trên thị trường để đem lại no ấm cho ông như các nhạc sĩ thời thượng vào lúc bấy giờ, Trầm Tử Thiêng đã chọn con đường đi của mình. Đó là Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ của thời đại với những nỗi buồn vui chung, không phải của riêng ai. “Đưa Em Vào Hạ”, “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”, “Hương Ca Vô Tận”, “Bài Vinh Thăng Cho Một Loài Chim”... là những ca khúc của một thời chinh chiến mà những người như Trầm Tử Thiêng đã sống và cảm nhận, trang trải với những âm thanh làm xúc động lòng người.

    Nhạc của Trầm Tử Thiêng mang âm hưởng dân ca như những bài “Trộm Nhìn Nhau”, “Hương Ca Vô Tận”, “Đưa Em Vào Hạ”, “Cha Đàng Ngoài, Mẹ Đàng Trong”, và lời thì trau chuốt, ngọt ngào, trong nội dung, quê hương và tình yêu luôn luôn là những đề tài của nhạc ông. Vào thời bấy giờ, trong chiến tranh, nhạc ông đã có những ước mơ về hoà bình và những lời kêu gọi quên hận thù: “Ta gánh chung đau thương một trời, Nam Bắc ơi, yêu thương tình người”(Hoà Bình ơi! Việt Nam ơi!) hay:”Thù hằn anh em bỗng ngày mai, nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà” (Kinh Khổ).

    Năm 1990, Trầm Tử Thiêng được biệt phái trở lại ngành giáo dục và làm việc tại Trung Tâm Học Liệu, tại đây ông đã có cơ hội làm việc với các nhạc sĩ đàn anh như Hùng Lân, Lê Thương...và cho ra đời tuyển tập nhạc dành cho thiếu nhi “Hãy hát Lên Tuổi Thơ”.

    Sau tháng 4 năm 1975, bản thân của Trầm Tử Thiêng hoà vào niềm đau chung của cả dân tộc, ông là một trong những người vượt biển, tù đày, bị lao động cưỡng bức trên nông trường. Đây là giai đoạn ông viết “ Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển”, “Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt”, “Du Ca Trên Thành Phố Đỏ”...Bối cảnh những cuộc vượt biển, chia ly, chết chóc thể hiện trong: “Gởi Em Hành Lý”, “Người Ở Lại Đưa Đò. “Mẹ Hậu Giang”, “Trại Tỵ Nạn Galang”.

    Mừơi năm sau biến cố điêu linh của đất nước, Trầm Tử Thiêng đến được bến bờ của Tự Do, “Mười Năm Yêu Em” mang ẩn dụ mười năm khao khát được thấy ánh sáng ý nghĩa của cuộc đời nhưng đồng thời cũng cùng với những đắng cay của nó. Trầm Tử Thiêng đã sống qua thời thơ ấu trong chiến tranh, lớn lên cùng chiến tranh và người nhạc sĩ này đã đi theo nhịp bước của những con người Việt Nam bình thường, khoác áo trận, ngã nghiêng vì vận nước, tù đày, xót xa cùng thân phận chung của những người vượt biển, bỏ nước ra đi.

    Được đến bến bờ tự do dù là muộn màng, Trầm Tử Thiêng, người nghệ sĩ chân chính, không lo chuyện cơm áo mà thấy mình có bổn phận của con người nhớ đến con người. Trầm Tử Thiêng còn biết nhìn lại những trại cấm, đêm ngày đang vẳng tiếng kêu siết của những người đói tự do, đuổi người trở lại biển khơi hay trói người trả lại nơi khổ nhục mà nơi đó họ đã ra đi, trong chiến địch “cưỡng bức hồi hương” để viết nên “Nói Với Hồng Kông”, hay “Thà Chết Nơi Này”. Người nhạc sĩ đã thoát ra từ nỗi khổ đau của riêng mình, để hoà nhập trải lòng ra với những nỗi khổ đau của con người, đó là lúc ông nghĩ đến những đồng bào đang “mắc cạn” trên những hòn đảo trong Thái Bình Dương, mà giấc mơ nhìn thấy ánh sáng tự do tàn phai cùng năm tháng. Tấm lòng của Trầm Tử Thiêng lại giạt dào : “Ta Hát Tình Thương Về Biển Đông”!

    Trong thời gian định cư tại quận Cam, Trần Tử Thiêng đã tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng như thành lập Thư Viện Việt Nam với du Miên, Trần Đức Lập..., làm cố vấn cho Tổng Hội Sinh Viên VN tại Nam Cali, cũng như góp một bàn tay vào phong trào vận động các gia đình Việt Nam khuyến khích con em học Việt Ngữ. “Vang Vang Tình Việt Nam” là một bài hát mà Trung Tâm Việt Ngữ nào ở Nam Cali cũng biết tới, với câu “tiếng quê người hoà chung tiếng mẹ ru.”

    Trầm Tử Thiêng đóng góp cho phong trào du ca không phải là ít, nhất là từ khi ra hải ngoại, tuy ông không muốn đứng trong phong trào du ca, nhưng ông vẫn sáng tác đều và tham gia hoạt động du ca nối dài là “hát cộng đồng”, rất được giới trẻ tham gia, phong trào rất được phổ biến vào cuối thập niên 90 tại Hoa kỳ, nhất là vùng California, với những nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, Nhật Ngân, Nguyễn Đức Quang và Xuân Điềm về sau này.

    Cho tới khi Trầm Tử Thiêng gặp được Trúc Hồ, con người sinh ra sau ông gần một thế hệ mà gần gũi như một người bạn tri kỷ. Cả hai cùng nhìn về những người bất hạnh hơn họ, nhìn về những đứa trẻ thơ thiếu may mắn hơn tuổi thơ của họ, sinh ra và lớn lên trong vòng rào kẽm gai của những trại tỵ nạn, không hề có tương lai. Xúc cảm, Trúc Hồ đã viết nên những dòng nhạc chan chứa yêu thương, và Trầm tử Thiêng đã diễn dạt bằng lời hát ngọt ngào, kêu gọi “Bên Em Đang Có Ta”. Đây không là một bản tình ca của một người, mà là bản tình ca nhân ái dành cho đồng loại. Cũng với tấm lòng đó, trước khi qua đời, Trầm Tử Thiêng muốn thành lập một “foundation” mang tên ca khúc “Bên Em Đang Có Ta” dành cho những em bé tỵ nạn đang còn bơ vơ trong các trại cấm. Ngày nay không còn những trẻ em sau hàng rào kẽm gai trong trại cấm tại các hòn đảo trên Thái Bình Dương, nhưng tại quê nhà vẫn còn nhiều trẻ em nghèo đói, thất học, lam lũ giữ chợ đời, trên đường phố để kiếm miếng cơm, thì quỹ “Bên Em Đang Có Ta” vẫn còn nghĩa vụ hướng về các em bé bất hạnh tại Việt Nam.

    “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” nói lên giai đoạn “cưỡng bách hồi hương” đã chấm dứt, khi đồng bào đã tìm được đất dung thân trên đất Phi, và đó cũng là lời tiên tri cho những năm tháng sau cùng, nhờ sự vận động của Luật sư Trịnh Hội và các tổ chức thiện nguyện ở hải ngoại tiếp tay cứu vớt họ đến bến bờ tự do.

    Đánh dấu 20 năm bỏ nước ra đi của người Việt tỵ nạn, trung tâm Asia đã thực hiện chương trình “1975-1995” như một tác phẩm đánh dấu nỗi gian nguy, ghi nhớ những người đã khuất cũng như ngỏ lời cám ơn những bàn tay rộng lượng khắp năm châu đã dang tay đón nhận những người tỵ nạn. Đó là “Bước Chân Việt Nam”, do Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ viết chung, như một bản quốc ca cho những người Việt Nam thống khổ, lưu vong. Trong niềm tin tất yếu vào tương lai, người nghệ sĩ khẳng định về một ngày mai của đất nước, một ngày mai có tự do, dân chủ và nhân quyền, “Một Ngày Việt Nam” hợp soạn giữa hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ chính là nỗi mơ ước ấy. Chính chúng ta, những người Việt lưu vong sẽ bước trở về theo nhịp bước đồng hành reo vui của “Một Ngày Việt Nam”như nỗi ước mơ của bao người, thế hệ này không thành thì hy vọng đến đời sau.

    Về phương diện chính trị, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có thái độ đứt khoát, như lời thổ lộ với bạn bè: “Sẽ về Việt Nam nhưng về với tư cách nào?”. Nhìn lại toàn bộ nhạc phẩm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, chúng ta thấy con người của ông hình như sinh ra để sống và viết cho người khác hơn là cho cõi riêng tư của ông, và nếu có thì cõi riêng tư đó cũng mang niềm vui hay đau xót chung của cả dân tộc. Từ một bài hát từ quân trường của ngày nhập ngũ đến ca khúc bát ngát tấm lòng nhân ái đối với con người và đất nước, Trầm Tử Thiêng đã đi hết con đường trong gai góc của chiến tranh, tù đày, vượt biển và lưu vong, cho nên có thể nói toàn bộ nhạc phẩm của người nhạc sĩ này phản ánh đời sống và tâm trạng của một con người Việt Nam lưu vong.

    Trầm Tử Thiêng ra đi vào ngày 25 tháng 1 năm 2000 sau một thời gian chữa bệnh nan y theo cách riêng của ông và đã chết vì kiệt lực khi mỗi ngày chỉ nhấp vài giọt nước. Trước đó, năm 1972 Trầm Tử Thiêng đã viết bài “Tưởng Niệm” như một định mệnh. Ông viết bài “Hẹn Nhau Năm 2000”, nhưng đầu năm ấy, ông đã bỏ bạn bè ra đi quá sớm.

    Trầm Tử Thiêng chết không trẻ, giữa lúc ông đã đến tuổi 64, nhưng hình như nơi ông, chúng ta tìm thấy hình ảnh một ông thầy giáo khắc khổ, sống đạm bạc và cô đơn cho tới lúc cuối đời, hơn là một người nghệ sĩ nổi tiếng hiện diện giữa đám đông hay dưới ánh đèn sân khấu. Trầm Tử Thiêng ít bộc lộ cuộc đời riêng của ông, những mối tình ít người biết cũng như cả bệnh tật ông mang vào những ngày cận tử. Nhưng dưới mắt bạn bè, Trầm Tử Thiêng là một người đạo đức nhân hậu, rộng rãi và thẳng thắn, tuy đôi khi nóng nảy. Anh cũng được tiếng là người trọng nghĩa khinh tài.

    Trầm Tử Thiêng ra đi là một niềm mất mát lớn, trong phạm vi nhỏ là với những trung tâm băng nhạc ông đã cộng tác, mà nhất là Asia, nơi mà Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ đã chung sức và tâm huyết viết nên những ca khúc để đời. Nếu mai sau, dất nước không còn Cộng Sản, không còn thù hận, đố kỵ giữa con người chung một quê hương, thì những bản nhạc của riêng ông hay viết chung với Trúc Hồ là những bản nhạc mang tính chất lịch sử, phải được đời sau nhắc nhở.

    Có thể nói, Trầm Tử Thiêng chết đi cho đến giờ này, bảy tám năm sau, cho tới giờ này, hải ngoại vẫn chưa ai có thể thay thế ông. Bảy năm, người bạn vong niên của ông, Trúc Hồ như mất nguồn cảm hứng, nếu không nói như Bá Nha đập vỡ cây đàn khi Tử Kỳ không còn nữa, đó là điều mà người đời gọi là tri âm, tri kỷ.

    Ông không còn sống để chờ những “tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, nhưng ông đã trao lại cho thế hệ trẻ tuổi niềm tin vào một buổi sáng bình minh của đất nước, để chúng ta có thể trở về như lời tiên tri của ông:“người về một giờ một đông hơn!”trong bài “Kinh Khổ”.

    30/4/2007

  3. #3
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trầm Tử Thiêng


    Một Số Tác Phẩm của Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng
    _________________________

    7000 đêm góp lại
    Ai Biểu Anh Làm Thinh
    Bài hương ca vô tận
    Bài Nhã Ca Thứ Nhất
    Bài tình ca mùa Đông
    Bảy Ngàn Đêm Góp Lại
    Biển Tối
    Biệt Khúc
    Cách Biệt
    Cám Ơn Anh
    Chợt nghĩ về hai nơi
    Chợt Nghĩ Về Hai Nơi
    Chuyện một chiếc cầu đã gãy
    Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
    Cõi Nghìn Trùng
    Con Quốc Việt Nam
    Ðêm (Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ)
    Đêm Hạnh Ngộ
    Đêm nhớ về Sài Gòn
    Đò dọc
    Đời không như là mơ
    Đưa Em Vào Hạ
    Dứt bão bắt đầu nước mắt
    Em Có Còn Trở Lại
    Gởi Em Hành Lý
    Hành Khúc Cho Quê Hương
    Hạnh Phúc Ta, Hạnh Phúc Người
    Hòa Bình Ơi! Việt Nam Ơi!
    Hối Tiếc
    Kinh Khổ
    Lời Tạ Từ
    Lời Tiền Thân Của Cát
    Lời vỗ về cho ngày sầu muộn
    Mây Hạ
    Mộng Sầu
    Một Đời Áo Mẹ, Áo Em
    Một Sớm Mai Về
    Một đời áo mẹ, áo em
    Một Thời Để Nhớ
    Một Thời Uyên Ương
    Mùa Xuân Trên Cao
    Mười Năm Yêu Em
    Nếu Xuân Này Hòa Bình
    Nghìn Đêm Như Một
    Người Hùng Cô Ðơn
    Những Con Đường Trắng
    Phố Nhỏ Tình Người
    Quên Hay Nhớ
    Rồi Hai Mươi Năm Sau (Trầm Tử Thiêng & Tấn An)
    Ru Nắng
    Ta Hát Tình Thương Về Biển Đông
    Tám Nẻo Đường Thành
    Thì Thầm
    Thư Xuân Trên Vùng Cao
    Tình Cuối Tình Đầu
    Tình Đầu Một Thời Áo Trắng
    Tình Khúc Sau Cùng
    Tôn nữ còn buồn
    Tống Biệt Hành
    Trộm Nhìn Nhau
    Từ Tiếng Hát Tiếp Nối
    Tuổi Trẻ Lên Đường
    Tưởng Không Còn Nhìn Thấy Nhau
    Tưởng niệm
    Việt Nam về trong nỗi nhớ (Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ)
    Vùng Quê Tương Lai
    Vùng Trước Mắt
    Yêu Dấu Chưa Nguôi



  4. #4
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trầm Tử Thiêng





    Bấm Vào Nghe Nhạc

    Download

    Quên Hay Nhớ
    Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng
    Trình Bày : Trầm Tử Thiêng


    Ừ thì quên nhưng để xem sao
    Ừ thì quên nhưng để xem sao
    Ừ thì quên chuyện tình yêu hôm qua là mộng
    Ừ thì quên môi thơm mật ngọt
    Ừ thì quên vết bấu trên vai
    Ừ thì quên chút êm đềm nuôi nấng từng ngày
    Ừ thì quên. Ừ thì quên
    Những chiều dạo phố cuối từ nội trú nao nức trở về
    Ðội nắng đầu hiên sốt cháy cả lòng

    Ừ thì quên. Ừ thì quên
    Sao còn ở đó ? Sao còn ở đó ?
    Nuối tiếc gì một khối tình yêu kỷ niệm đầy trời
    Rồi từ mai đây. Rồi từ mai đây
    Và những giờ tiếc nuối tiếc nuối trong đời
    Từng cơn đau. Ðau không hề dứt
    Từng cơn mê. Mê không hề dứt
    Làm sao quên ? Quên trong cơn đau !
    Làm sao quên ? Quên trong cơn mê !
    Nhắc hoài nhắc hoài không ngơi

    Ừ thì quên. Ừ thì quên
    Ai buộc ngày đó hứa hẹn cho cố
    Níu giấc mộng mộng ước đầy hoa nâng niu ngọc ngà
    Ừ thì quên. Ừ thì quên
    Như một đợt sóng duỗi mình trên bãi lúc cuối trời
    Gội xóa thật mau vết hằn một ngày

    *tiếng hát của Tác Giả, băng cassette Chương Trình Nhạc Trần Ngọc Đức số 1, chủ đề "Hiện Trong Khói Lửa", nhóm Trần Ngọc Đức thực hiện tại Saigon khoảng năm 1974)




Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts